BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

KIM ĐÂU, CHỢ SÒNG: LÀNG TÔI ! (tt) - Hà Huy Hoàng


                  
                              Tác giả bài viết Hà Huy Hoàng

Cứ thế cứ thế, tôi lớn dần theo những tháng ngày thơ, tôi cứ tưởng xóm Bún là làng của mình cho đến một hôm tôi được ông nội dẫn vào làng thực sự, nơi cách xa xóm nhỏ chừng hơn cây số, mà sao lúc đó xa quá là xa, phải băng qua một khoảnh rừng lúp xúp cây chồi, gọi là rú như người quê mình thường nói, khoảnh rừng toàn cát với cát là một trở ngại khá lớn đối với bàn chân nhỏ xíu của tôi lúc đó, ông nội có lúc phải chờ tôi một chặp, rồi có khi phải ẳm tôi lên.

Làng rộng lắm dưới mắt nhìn của tôi, có luỹ tre, chiếc cống nhỏ, có cái bàu nước trong xanh rộng lớn hút hết tầm mắt. Sau này, khi lớn hơn một chút tôi được nội và ba dẫn vào đôi lần nữa, tôi nhận biết được chiếc cống đầu làng tính từ phía xóm Bún đi vào, đây là xóm Bàu thì phải? nơi tôi được Hoá “chó dỏ”(nhỏ) và Lộc “lẹng”, em con ông chú họ, chỉ cho tôi cách câu cá bống. Ôi trời ơi ! lần đầu tiên trong đời tôi thấy được cả những con cá bống mập vàng từ tận dưới đáy nước trong xanh và tự tay mình câu được một vài con, hai tay em kia câu được khá nhiều. Tôi không thuộc loại có tay sát cá so với các bạn cùng lứa, kể cả sau này khi lớn lên cũng vậy, đi Phú quốc chơi, ai cũng câu được cá dù to hay nhỏ, còn tôi thấy phao nhúc nhích, giật lên thì ôi thôi: xôi hỏng bỏng không! Đành phải tự an ủi: “Mình có tay sát….. gái chứ cá thì…..chịu!!! Ha Ha!!”. Nói dóc không bao giờ bị đánh thuế, đúng không?! Nói nhỏ tí: khoản ni thì tôi còn dưới cơ anh Kháng (con bác Bộ đã mất, chỉ hưởng dương)và anh Ngà (con O Khế - đang “sám hối” là do tôi chọc ghẹo, vì hiện anh ăn chay trường), tôi chỉ được xếp hạng BA, chữ ba viết in hoa nhé!

Tính ra tôi về làng chính, làng Kim Đâu, chưa đếm hết số lần trên những ngón tay thì phải xa biệt kể từ biến cố năm 1972. Mãi sau này lúc về thăm lại xóm nhỏ, khi thay mặt bác và ba xây đắp lại những ngôi mộ của dòng họ, tôi mới hiểu ra được vì sao mỗi khi đi thăm làng về, ông nội với chiếc dù móc vào cánh tay, “bước thấp bước cao qua bờ ruộng nhỏ”… Nội say nhưng rất dễ thương, chưa một lần tôi nghe ông to tiếng với bà nội, ăn xong chén cơm ông đi ngủ một giấc cho đến sáng hôm sau lại tỉnh táo như thường ngày. Phải nói là ông nội tôi rất đẹp lão, hàm râu dài, rậm, trắng như cước rung rung nhè nhẹ mỗi khi ông cười, nụ cười sao mà thân thương quá đổi! đôi mắt đặc biệt sáng đến lạ thường, đôi mắt hiện rõ tính bao dung, tải đầy nét yêu thương đầm ấm trong đó mà mãi đến giờ tôi vẫn luôn ghi tạc. Bà nội tôi cũng chẳng kém, bà hơn ông hai tuổi, các chị em tôi ai cũng đều tấm tắc chắc hồi trẻ bà phải đẹp lắm. Và có lẽ nhờ ơn ông bà nên tôi cũng được hưởng lây qua lời khen từ phía mọi người luôn dành cho mình!?! Cũng may thời trai trẻ, mới lớn tôi chưa kịp nhận ra được lợi thế này của mình, không thôi giờ này biết đâu đã được ghi tặng hai chữ “Hưởng Dương” hoặc có khi là “Hưởng… Thụ... ba mươi mấy tuổi” từ lâu rồi không chừng!...

       

Lần đó tôi về vào dịp hè, mùa được biết trước sẽ phải nếm chịu sự khắc nghiệt của những cơn gió Lào khô nóng, đặc sản quê mình, mà từ lâu lắm rồi trong tuổi thơ tôi đã từng có dịp. Không thể đi chậm hơn vì bác tôi bệnh nặng, ba không đi được vì tình trạng của bác không thể tiên liệu trước, lỡ bác có mệnh hệ gì phải có ba bên cạnh, ở trong Nam chỉ có hai anh em ruột cư ngụ gần nhau. Buổi sáng hôm ấy, sau khi mọi việc đã hoàn tất, tôi đi thăm tất cả hàng xóm để chào từ biệt, trước khi vào lại miền Nam. Trời ạ! Sáng sớm tinh mơ, trong bụng chưa có một chút gì lót dạ, vậy mà hết anh Ôn, anh Đức, rồi anh Cần đến anh Phú…. mỗi người “cấp” cho tôi một ly xây chừng, tôi thuộc dạng biết nhậu và tửu lượng cũng vào hạng hơi gần gần với cao thủ, nhưng thú thật phải “thầy chạy”. Từ chối thì mất lòng, lâu lâu mới ra quê một lần, phải bấm bụng làm theo. Phải chi đây là rượu cỡ ở miền tây Nam bộ hoặc có chút gì nhắm nhắm còn may ra, đằng này rượu nặng ác lại uống không, nhưng có điều rượu rất ngon! Mỗi nhà lúc nào cũng có sẵn một chai 75 để dưới chân tủ thờ, khách vô là “phứt” mà là “phứt chay” nhé, mỗi lần chỉ một ly, hết chai này mua chai khác, vậy thôi! Kể ra, đây cũng là một nét văn hoá, chấm phá cho cuộc sống ở làng quê thêm phần thú vị! Hèn chi, ngày xưa khi ông Trưởng - ông nội tôi là trưởng họ và nay tôi là người kế nhiệm - vào thăm làng về là say, không say sao được khi cứ mỗi nhà con cháu một ly thì không “quắc cần câu” là còn quá giỏi!

Ở quê, tôi còn khoái nhất là trò bắt môồng môồng, bắt chuồn chuồn cũng thích nhưng không thú bằng. Một loại giống con gì nhỉ? Tôi không thể so sánh với loài nào tương tự được, mình hơi giống con chuồn chuồn nhưng cặp cánh khép vào sát thân, thân dài thuôn ra phía sau, mắt cũng là loại mắt kép, quan sát được tứ phía nên bắt được nó quả là cả một kỳ công. Phân biệt được đực hay cái nhờ vào “con chim” nho nhỏ màu đen nổi bật hẳn lên ở sau chiếc đuôi vằn vện, giống này ở miền Nam tuyệt không có, dù tôi đã cố gắng để ý kiếm tìm. Chú chàng trong hình dưới đây hơi giống thôi, vì loài tôi bắt chơi không có màu sắc sặc sỡ như thế, nó chỉ tuyền hai màu đen trắng và khi đậu lại đôi cánh không xoè ra.

             

Bất kể giữa trưa nắng chang chang, hơi nồng oi ả, cứ thích là tôi ra các lũy tre quanh vườn, cứ nhằm vào các nhành nè (tre khô) là thế nào cũng có một hai chú, qua nhiều lần tôi rút ra được một quy luật của mấy cu cậu này: buổi trưa dễ bắt hơn vì hình như các chú đang lim dim thì phải… Trưa, lúc còn ở nhà ngoại, ngày nào cũng bị bắt ngủ, chị em tôi nằm sắp hàng ngang một lớp, trên tay dì Cầm con bà ngoại thứ, em mẹ tôi luôn có sẵn một cây roi, đứa mô mà nhúc nhích là “trót”(quất) một phát. Lúc nhỏ mà bị bắt ngủ trưa đúng là một cực hình, lớn lên thì không có đủ thì giờ để làm việc đó. Đời con người ta kể cũng lạ nhỉ, không khi nào cảm thấy bằng lòng với những gì mình đang hiện có!

Ở với ông bà nội tôi thích gì cũng được chiều, nên cứ việc long nhong. Chỉ cần bắt đựợc một chú trai to con một chút là thế nào cũng kiếm thêm vài em đẹp gái. Bắt con đực xong, lấy một sợi tơ mỏng từ một mảng bẹ chuối, phải thật cẩn thận, khéo tay mới tước được một sợi dài và mảnh (kỹ năng này anh “The rọt”- tên tục của anh Toàn - dạy cho tôi) cột vào cần cổ của chàng này nhưng không được siết chặt quá, không thôi chàng “đai” thì phí công. Xong, thả cho chú chàng bay vo vo, tán tỉnh một chặp thì a lê hấp sẽ có một hai em chân dài từ tận sâu trong khóm tre xuất hiện, bay kè kè theo trai đẹp (các cô chú này nhận biết nhau qua một điệu nhạc tình tứ, riêng tư thì phải?). Tuy nhiên chỉ một em được chọn mà thôi, chờ cho đến khi hai anh chị xà nẹo, ôm chặt nhau trên nhành nè êm ái, du dương, thế là nhẹ nhàng nhón tay bắt cô em bỏ vào hộp. Cứ vậy, anh em tôi chơi hoài không biết chán, mặc kệ ánh nắng hè chói chang thiêu đốt, da đen nhẻm cũng chẳng màng…

(còn tiếp)                                                                                  
                                                                                 Hà Huy Hoàng

Không có nhận xét nào: