BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

HOÁ GIẢI NỌC ĐỘC KIM KIỀU ÁN 1830 VÀ TỔNG TỪ TỰ ĐỨC 1871 - Lê Nghị


              
                                 Tác giả Lê Nghị


HOÁ GIẢI NỌC ĐỘC KIM KIỀU ÁN 1830 VÀ TỔNG TỪ TỰ ĐỨC 1871

Thật ra bài này tôi đã chia làm 2 bài chi tiết đã đăng trang cá nhân, nhưng hôm nay tình cờ được chia sẻ 2 bài viết rất ngắn của một fb trẻ Nguyễn Tấn Sơn, tôi giật mình trước một hậu sinh khả uý, đặt ra những câu hỏi về Thanh Tâm Tài Nhân và Kim Thánh Thán mà trước đây cho là tác giả và nhà bình luận Kim Vân Kiều truyện. Vì vậy tôi đăng bài này sớm hơn dự định như là lời hoan nghênh một người thuộc thế hệ đàn em đã tâm huyết sưu tập sách và có một tư duy sắc bén.

Ở đây tôi muốn nói rằng khi Nguyễn Tấn Sơn khi nhìn vào đống sách Tàu Kim Vân Kiều truyện tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân đã không hề nao núng. Có bản lĩnh như vậy thì khi nhìn một bảng thống kê, ví dụ của tiến sĩ Nguyễn Nam về những thẩm định mới Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, cũng có một thái độ tương tự.

Trước hết đừng nhầm truyện Vương Thuý Kiều với Kim Vân Kiều truyện. Tiếp đến đừng nhầm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài tử của Việt Nam, cuốn ký hiệu A953.

Truyện Vương Thuý Kiều là một truyện ngắn của Dư Hoài khoảng 800 từ. Nguyễn Du đã mượn tên 3 nhân vật: Vương Thuý Kiều- Từ Hải- Hồ Tôn Hiến để làm vài đốt sống cổ , kết nối với một cơ thể hoàn chỉnh tạo nên Đoạn Trường Tân Thanh. Nói cách khác Nguyễn Du đã hư cấu ra 15 năm luân lạc của Kiều trước khi Từ Hải chết và sự tái đoàn viên của Kiều sau khi Từ chết. Có như vậy mới gọi là ông sáng tạo. Còn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử A953 là cuốn bình giảng thơ Nguyễn Du. Nhưng bị hiểu ngược là cuốn tiểu thuyết từ đó Nguyễn Du dịch ra. Đó là theo lập thuyết của Tay Ngang này.

Cho nên khi đọc một danh mục thống kê một loạt các truyện người Trung Hoa khi nghiên cứu về nguồn gốc truyện Kiều. Đừng tưởng tất cả những cuốn đó là những cuốn truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nào đó bên Tàu. Chúng là những truyện dã sử ngắn, dài xoay xung quanh đề tài chính sử : Vương Thuý Kiều - Từ Hải- Hồ Tôn Hiến. Người Tàu muốn chứng minh Kim Vân Kiều truyện mà theo họ là Nguyễn Du đã dịch từ cuốn Kim Vân Kiều truyện của một tác giả vô hình TTTN người Hoa. Họ nêu lên những truyện đó trên 24 truyện ngắn dài, tình tiết khác nhau, xem như là nguồn hứng khởi để Thanh Tâm Tài Nhân viết nên Kim Vân Kiều truyện năm nào không biết.

Thực ra đầu tiên họ gán Thanh Tâm Tài Nhân cho Từ Vị, họ cất công ghi tiểu sử Thanh Tâm Tài Nhân trên Internet với đầy đủ chi tiết nhân thân của Từ Vị, một nhà văn nổi tiếng, đồng thời có lúc là tham mưu cho Hồ Tôn Hiến. Gõ vào Google là thấy liền. Nhưng sau khi bị Benoit và các học giả khác bác bỏ họ liền chuyển qua Kim Thánh Thán, Trương Quân...rồi Thiên Hoa Tàng chủ nhân. Nhưng sau đó tiếp tục bị bác bỏ, đến năm 1991 họ đành viết chính thức trong Đại Từ Điển chưa biết Thanh Tâm Tài Nhân là ai, chỉ biết là một bút danh.

Thế nhưng từ rất lâu, 1947, các học giả như Đào Duy Anh rồi Dương Quảng Hàm lại nói chắc như đinh đóng cột rằng tác giả Thanh Tâm Tài Nhân là tác giả cuốn Kim Vân Kiều truyện! Tại sao vậy? Vì hai cụ đã đọc Văn Học Sử Trung Quốc và thấy tác giả Cổ Thực năm 1926 và Đàm Chính Bích năm 1936 đã ghi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân vào thư mục. Không thể trách hai cụ. Thời đó làm sao thẩm tra? Từ đó các tay dọc thao túng văn học miền Bắc tin theo và tiếp tục rao giảng thông tin trên.

Trong thập niên 1960 ở miền Nam lại có thêm học giả Giản Chi nghe thông tin từ một người bạn người Hoa bảo rằng có cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, bút danh khác của Từ Vị. Ông nghe từ trước 1954 ngoài Bắc, ghi vào sổ tay và vào Nam ông viết lại. Nhưng sách giáo khoa miền Nam không hề đưa vào dạy học sinh. Chỉ những người tham khảo cỡ học giả mới biết bài của ông. Những người phản đối có Lý văn Hùng. Tất cả nguồn tranh luận là chuyện ngoài học đường.

Từ năm 1975 các thầy cô đến nay cứ dạy học sinh là mở đầu xem như thông tuệ là : Nguyễn Du đã phóng tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu, một cuốn tiểu thuyết tầm thường. Các thầy cô chưa ai đọc cuốn này cho đến năm 2012 may ra mới có người đọc nhờ tái bản cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài tử Việt Nam (tuỳ tiện đổi tên ra Thanh Tâm Tài Nhân cho phù hợp với cách gọi của một tác giả huyền ảo bên Tàu) với lời quảng cáo khéo léo của nhà thơ Bằng Việt: “Cho nên, nếu đọc lại truyện Kiều của Nguyễn Du,rồi lại đọc để so sánh với tiểu thuyết của TTTN, thì chúng ta đã kính trọng TTTN rồi, lại phải ngã mũ kính chào cụ Nguyễn Du đến hàng chục lần...”

Bao nhiêu bài viết bung xung trong sách, trên mạng với một loạt bút danh học thuật tay dọc, như một trò hề. Nhiều người trắng trợn viết Thượng Chi (Phạm Quỳnh) cũng nói như thế. Trong khi thuyết của Phạm Quỳnh là Nguyễn Du đã mượn bối cảnh truyện ngắn Vương Thuý Kiều của Dư Hoài trong phong tình lục, sát với lời thơ của Nguyễn Du: “phong tình có (cổ) lục còn truyền sử xanh”. Đồng thời sát với lời của Mộng Liên Đường: truyện Thuý kiều chép ở lục phong tình...

Theo tuyên bố của Đổng văn Thành năm 1981 lần đầu tiên ở Trung Quốc tìm ra một cuốn gọi là của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu. Vậy thì các vị múa bút trước đó căn cứ vào đâu để dạy học sinh? Huống chi cũng năm đó tình cờ Benoit hình thành luận văn Tiến sĩ Harvard về truyện Kiều. Trước đó ông đã đối chiếu hàng loạt tác phẩm chỉ ra cuốn mà Đổng Văn Thành gọi là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thật ra là cuốn Song Kỳ Mộng truyện, (Tàu còn cho tên là Song hợp hoan) khuyết danh. Cuốn mà Lý Chí Trung gọi là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân hiện đang lưu hành, gọi là phát hiện tại thư viện Đại Liên theo di lục của Hồ Khoáng tại thư viện Bắc Kinh, thực ra không có. Trần Ích Nguyễn (Đài Loan) sau khi lục tung danh mục thư viện không thấy chỗ nào Hồ Khoáng ghi, trực diện hỏi Lý Chí Trung. Lý trả lời ông đọc đâu đó từ một bài viết ở một học giả Hồng Kông! Lạ thay, vậy mà có nguyên một cuốn sách 208 trang cho là cổ thư đã ghi nhận. Trần Ích Nguyễn tế nhị nói là một bí ẩn nhờ ai đó biết tường tận giải giùm!

             Bản giữa là truyện Kiều của Nguyễn Du đặt in ở Phật Sơn- Quảng Đông

Thế nhưng như Benoit viết: từ 1830 người Việt tin là Kim Vân Kiều truyện do Kim Thánh Thán. Nguồn gốc do đâu? Thêm vào đó đầu thập niên 1960 học giả Hoàng Xuân Hãn cung cấp thêm chứng cứ bằng 3 quyển 2,3,4 có ghi Ngũ Vân Lâu bình luận. Ông gửi về từ Pháp, giáo sư Nguyễn Văn Hoàn vui mừng vì 3 quyển sách quý trở về. (theo lời dẫn của Nguyễn Văn Hoàn, báo Nhân Dân 24/8/1963 Hoàng Xuân Hãn đã mang về Pháp năm 1946 nay trả lại).

Bên cạnh đó giáo sư Hoàng Xuân Hãn bảo vệ luận điểm của mình, ông phân tích Kim Vân Kiều Án của Nguyễn Văn Thắng và Bài thơ Tổng thuyết của Tự Đức. Từ đó xác lập niềm tin cho thế hệ đương thời và lưu lại dấu ấn trong giới học giả đàn em. Trong bài này nêu lên độ tin cậy khi đọc tư liệu của người xưa. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được xem là nhà bác học uyên bác trên nhiều lĩnh vực. Không thể chối cãi rằng ngày nay ta cũng thừa hưởng rất nhiều kiến thức từ nhiều công trình giá trị của giáo sư. Nhưng như thế không có nghĩa ta không được phép xem xét lại ý kiến của giáo sư về nguồn gốc truyện Kiều. Cũng như ta không thể không tôn trọng những mâu thuẫn mà fb Nguyễn Tuấn Sơn nêu ra.

Về nguồn gốc truyện Kiều ta xét trả lời phỏng vấn của cụ Hoàng Xuân Hãn với nhà văn Thụy Khê:
“-Thưa bác, xin bác nói về quyển Kiều chữ Hán.Hoàng Xuân Hãn: Truyện Kiều chữ Hán thì gốc tích bây giờ cũng biết rõ ràng. Trong Minh sử, đời Gia Tĩnh, có Từ Hải thực, một người giặc,kki và Hồ Tôn Hiến, ông quan dẹp giặc. Ta cũng biết rõ rằng Từ Hải là người bất kham, không chịu lệnh triều đình, muốn chiếm một vùng dọc biển hoặc các hải đảo để tự trị, tự do. Muốn làm thế thì phải gian díu với một tụi giặc thực, giặc bể, người Nhật Bổn, vào cướp đất Trung Quốc. Từ Hải có lúc cũng trốn, vì mang tiếng là giặc, vào đi tu thành thầy tu. Nhưng thầy tu vẫn đi chơi. Đi chơi cô đầu, gặp Kiều ở nhà cô đầu, tên là Mã Kiều vì tưởng là con gái họ Mã. Rồi Từ Hải lấy người ấy. Trong sử chép rõ ràng là Hồ Tôn Hiến được lệnh đi dẹp đám Từ Hải-Vương Trực. Vương Trực làm chủ, còn Từ Hải chỉ là một tay phụ mà thôi. Muốn dẹp bọn này, Hồ Tôn Hiến dùng kế đàn bà tức là dùng Kiều. Nhưng tên Kiều thì trong sử không nói tới. Trong sử chỉ nói là dùng người đàn bà. Đến lúc Từ Hải đã chịu thần phục nhà vua thì quân Hồ Tôn Hiến lại lừa, đánh úp, Từ Hải nhẩy xuống biển tự tử. Nói là tự tử với hai người vợ cùng nhảy xuống biển. Hai người vợ chứ không phải một đâu. Sự thực là thế, cuối cùng Kiều cũng tự tử với Từ Hải chứ không như chuyện trong tiểu thuyết. Rồi cái tiếng Kiều đời ấy chắc là to lắm, cho nên nhiều người đặt ra chuyện. Trước truyện Kiều, có một hai truyện ngắn, có thể nói là đoản thiên tiểu thuyết, về một người con gái Bắc Kinh, bị Tú Bà bắt cóc, nhận làm con gái gọi là Mã Kiều. Rồi Từ Hải lấy Mã Kiều. Cuối cùng thì tự tử với Từ Hải”.
Đến Thanh Tâm Tài Nhân, người viết truyện dài quãng cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh, khoảng đầu thế kỷ XVII. Viết xong giao cho Thánh Thán. Thánh Thán là một văn sĩ giỏi mà lại biết phê bình, biết khắc ván để hoàn thành tiểu thuyết mà bán. Cho nên họ gọi là bản Thánh Thán là vì thế. Về Thanh Tâm Tài Nhân, hình như Thanh Tâm Tài Nhân có đề tựa và viết những chuyện khác nữa. Đó cũng là những chuyện thực hết cả.
Bản Kiều ấy, tung bán khắp nơi rồi cũng bị sửa chữa. Tầu cũng như ta, có nhiều người đọc rồi sửa chữa lại văn. Hiện giờ có đến ba, bốn bản khắc. Mắt tôi được thấy bản Thánh Thán là một bản. Một bản tôi thấy ở Bristish Museum, văn hơi khác. Cách đây độ mươi năm, có người thấy ở trong thư viện, một thành phố rất nhỏ, thuộc đất nhượng địa cũ cho Đức, tôi không nhớ tên, gần Shantung, trong đó có nhiều tiểu thuyết cuối đời Minh, đầu đời Thanh, họ lấy ra và in ra. Nhà in ở Bắc, tên gọi là Xuân Phong , bản ấy tôi cũng mua được ở Paris đây. Và bên Nga, bên gì họ dùng bản ấy hết cả.

Nhận xét:
Ta thấy rằng đoạn đầu giáo sư lặp lại tích hệt Kỉ Từ Hải tiểu trừ bản mạt của Mao khôn và truyện Vương Thuý Kiều của Dư Hoài -Phong Tình lục. Không có gì bàn cãi.

Đoạn giữa quan trọng, ban đầu cùng ý với các nhà nghiên cứu Tàu. Vì sau khi xem năm sinh và chết: Kim Thánh Thán (1610- 1661) mà Thanh Tâm Tài Nhân (1636- 1708). Nghĩa là khi TTTN 25 tuổi thì Kim Thánh Thán đã chết trước Khang Hy đăng quang 1 năm (1662). Thế mà trước đây cứ cho tiểu thuyết thời Minh- tác giả Từ Vị (1521-1593) không ổn, kéo gần hơn: Kim Thánh Thán viết thời Khang Hy, in thời Càn Long. Xem lại thì ông Kim Thánh Thán chết trước Khang Hy đăng quang một năm. Chả lẻ lại kéo gần thêm? Không khéo lại sau Nguyễn Du chết mất! Thế thì gán cho 2 nhà thơ khác vậy, cũng không ổn. Hoàng Dật Cầu năm 1959 gán cho Từ Chấn= Thiên Hoa tàng Chủ Nhân= Thanh Tâm Tài Nhân. Cũng không ổn. Trần Ích Nguyễn và Đại Từ Điển Văn học sử Trung Hoa( Đài Loan) 1991, nói không biết Thanh Tâm Tài Nhân là ai. Mặc nhiên định TTTN sinh 1636, chết 1707 !

Sau đây là ảnh của tranh minh họa truyện Kiều lưu tại thư viện Anh nói trên (trích từ sách của Charles Benoit- Nguyễn Nam và cộng sự dịch, 2016)



 

 


Có mấy nghi vấn mâu thuẫn:

Theo năm sinh, nếu có TTTN, chậm lắm thì năm 23 tuổi TTTN đã viết xong một tiểu thuyết, thì ông quả văn tài hiếm có. Hơn nữa, ngoài văn tài, ông phải có kiến thức rộng như Nguyễn Du, thông kinh sử mới đủ sức hư cấu một tiểu thuyết luận đề. Tác phẩm nêu một thực trạng xã hội thối nát nhà Minh, mà xuất bản, tồn tại thời Minh mới là lạ! Nếu tác phẩm đó từng xuất hiện thì phải là một tiếng sấm, được cả hai bên cai trị và bị trị cùng nghe. Vậy mà tuyệt nhiên không lưu lại một bài thơ, một bút tích người khác khen chê. Cũng như tác giả không lưu lại một vết tích có liên quan đến bạn bè, vợ con....tóm lại không có nhân thân!.
Nhưng sao lại biết ông sinh 1636 và mất 1708? (theo Trần Ích Nguyễn) Có phải rằng phi lý không?

Tương tự trên, có lời bình của Kim Thánh Thán thì ắt nổi tiếng như giáo sư nói. Sách bán phổ biến. Lọt qua Việt Nam, Nhật, Mãn Châu... Vậy tại sao Trung Hoa không còn lại bản nào? Văn học sử Trung Hoa đến Lỗ Tấn 1920 cũng không hề nhắc tới.
Hoàng Dật Cầu đặt giả thuyết là do nhà Thanh ghét giặc biển nên truyện cấm lưu hành. Nhưng truyện viết vào cuối đời Minh, nói xấu nhà Minh thì được nhà Thanh ủng hộ chứ sao lại cấm!? Cần nhớ rằng mặt nào đó đối với Kim Thánh Thán, ông là thần tử nhà Minh. Năm 1662, Khang Hy mới chấm dứt nhà Nam Minh và đăng quang sau Kim Thánh Thán mất 1 năm. Đối với Kim Thánh Thán, quân Thanh là ngoại tộc, ông kêu oan cho học trò chống quan quân nhũng nhiễu. Ông bị khép tội phò Minh chống Thanh, thì liệu một người như ông lại thò bút vào bình, hoặc viết một cuốn sách nói xấu nhà Minh không? Thêm vào đó lời bình của ông lại đôi lúc ngô nghê như một học trò tập bình văn!
Và quan trọng hơn nữa, không có một bài bình luận, phê bình, sách nào của tác giả khác nhắc tới tên tiểu thuyết và tác giả này trong suốt 265 năm. (cho đến 1926 nghe lõm đâu đó, chắc là từ An Nam mới ghi vào danh mục, chứ không có bản văn).

Chính vì vậy, xem xét văn bản các học giả Trung Hoa trước đã gạt Từ Vị là Thanh Tâm Tài Nhân, tiếp đến gạt Kim Thánh Thán ra khỏi sách, gắn cho 2 nhà thơ Trương Chiêu hoặc Trương Quân rồi Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân. Như vậy thuyết Kim Thánh Thán ngoại thư, hoặc Quán Hoa Đường bình luận, “Thị biên Bắc nhân Thánh Thán trước” (Lời Tự Đức), viết hoặc bình Kim Vân Kiều truyện sụp đổ ngay từ khẳng định của các học giả Trung Hoa.

Ngoài 2 lý do trên từ học giả người Hoa, ta còn xét:

- Ngũ Vân Lâu là một nhà in ở Quảng Đông bắt đầu hoạt động đầu những năm 1800 kéo dài đến gần trăm năm. Vậy cuốn quyển 4 kVKT có in Ngũ Vân Lâu đó in năm nào? Làm sao mà biết được có trước Nguyễn Du? Có bìa mà sao không có niên đại nhà Thanh. Sách in lậu ư? Còn tích Vương Thuý Kiều như truyện ngắn, kịch không lẽ nhà in này không in. Các Thanh Tâm tài tử trong thời đó đều biết truyện Vương Thuý Kiều của Dư Hoài, Kỷ Từ Hải tiểu trừ bản mạt của Mao Khôn mới dựa theo đó mà bình giảng thơ Kim Vân Kiều truyện (do Minh Mạng đổi tên- bút tích VNB 60, thư viện quốc gia, dẫn theo Trần Văn Giáp)

 - Thêm vào những nghi vấn đó, có một điều học giả ít lưu ý cho đến cuối đời Tự Đức nhiều sách, kể cả truyện Kiều của ta phải đặt in bên Quảng Đông, vì nhanh, rẽ, đẹp( so sánh 2 bản in Kiều đính kèm). Vậy giả định sách Đại Nam: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài tử đặt in thì đâu có gì lạ? Số lượng đặt in, nếu có, sẽ không lớn vì nó không phổ biến như Truyện Kiều, vì ít người hiểu được âm Hán. Như vậy giá thành rất cao. Liệu nhà kinh doanh nào dám đầu tư không? Cho nên phần lớn là chép tay.

Đoạn cuối: nhà xuất bản Xuân Phong, đất Bắc như giáo sư nói thì đó là nhà in hiện đại, cuốn KVKT tên tác giả in lần đầu tiên tại đây là năm 1957 với lời đề tựa của Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân, nội dung thì không khác với Ngũ Vân Lâu. Bản này Hoàng Dật Cầu sau khi qua Việt Nam, vào viện Hán Nôm tham khảo, về dạy tại Đại học Hoa Nam đã tặng ngược lại bản in sáp quyển 2,3,4 cho viện Hán Nôm. Trước đó Hoàng Dật Cầu, Tôn Khải Đệ đều nói Kim Vân Kiều truyện không còn ở Trung quốc mà!

Tóm tắt lại thì thuyết Kim Thánh Thán viết hoặc bình Kim Vân Kiều truyện của giáo sư HXH không còn thuyết phục về mặt tác giả lẫn xuất xứ quốc tịch. Tuy nhiên nhiều bài viết hiện nay không cập nhật thông tin, cứ lải nhải thuyết của giáo sư đến nỗi Benoit cũng bất lực: người Việt tin thế!

Thế nhưng để cho công bằng, và toàn diện, chúng ta xét vì sao Giáo Sư đã nhầm lẫn. Bởi vì giáo sư đã tin vào lời lẽ không chân thực của tiến sĩ Nguyễn văn Thắng trong Kim Kiều Án và lời lẽ mơ hồ của vua Tự Đức trong Tổng thuyết năm 1871, 4 năm sau khi mất lục tỉnh Nam Kỳ. Vì tôi đã có 2 bài viết riêng về tổng thuyết Minh Mạng và Tự Đức, nên bài này chỉ lướt qua, vì không còn là vấn đề quan trọng nữa, tuy nhiên do nhiều người vẫn chưa rõ nguồn cơn.

A. Kim Vân Kiều Án:
Nội dung Kim Vân Kiều Án là đứng trên quan điểm hủ nho phê phán truyện Kiều. Nhưng lời dẫn nhập có chi tiết đáng đề cập khiến người dễ tin nghe theo:

“Tôi sinh không gặp thời, học hành thiếu sót, thường nghe truyện Kim Vân Kiều chép bằng tiếng Trung Quốc (Bạch thoại), nguyên xưa do nhà Ngũ Văn lâu ở Bắc triều đã đem nguyên bản khắc in truyền mãi đến nay. Cho đến khi quan Đông các nước ta (tức Nguyễn Du) đem diễn thành quốc âm thì truyện ấy được phổ biến khắp nơi, chỉ nghe lời kể mà như được thấy mặt. Không chỉ các văn nhân tài tử mắt đọc mà tâm tình biến động, thần thái nhẹ nhàng, đến kẻ ngu phu bỉ phụ miệng ngâm tay huơ chân múa! Tôi trong buổi ấy còn đang long đong, rày đây mai đó, phiêu bạt khắp chốn giang hồ, chân chưa dừng bước, cánh bèo trôi dạt chưa bén rễ nơi nào, sống qua ngày tháng chẳng phải ưu tư. Mùa đông năm Canh Dần (1830) vì bị giam ở ngục, trọn ngày ngồi suông, không có gì để tả nỗi lòng, cho nên thường đọc truyện Kim Vân Kiều bằng quốc âm. Thật may mắn được biết những ngôn từ ấy. Nhưng nghĩ kỹ thấy trong 1.575 câu ấy, đầu cuối tiếp nhau, tả cảnh tả tình công phu tinh diệu, tiếc cho dẫu là thơ phú của Bằng quận công, Long Lĩnh hầu cũng khó có được vẻ đẹp như thế. Còn như hạng bọn tôi đâu dám tầm chương trích cú mà bày chuyện ra đâu! Tuy nhiên xét các nhân vật trong truyện, có người thì tài đáng yêu, nghĩa đáng khen mà đức hạnh thì có điều đáng tiếc. Có người thi tình đáng thương mà tính đáng răn, ác đáng ghét. Nhưng pháp luật không vì tình riêng,tội ác lẽ nào có thể dung tha mà luận bàn chung chung đươc! Lời nghị án cũ 500 năm sau án tình vẫn chưa có văn án rõ ràng thoả đáng! Nay tôi theo bản “Quốc triều luật lệ” xét đoán cho thấu chân tình, để không lưu lại sự ngưng trệ cho nghìn năm sau. Vì lẽ đó, tôi không ngại quê mùa mà trình một tiếng cười vậy !”
(bàn dịch Ngô Đức Thọ, bản dịch của Hoa Bằng không chú thích Trung quốc, bạch thoại)

Trước hết nói về Nguyễn Văn Thắng, là ông quan tham nhũng, bênh vực họ hàng buôn gỗ lậu bị Minh Mạng bỏ tù năm 1830. Một người dối vua thì liệu có nên tin như Nguyễn Du, Mộng Liên Đường, Phạm Quý Thích không? Trước khi ở tù ông không hề đọc Kiều, thế thì quan tâm gì đến nguồn gốc Kiều mà nói! Ông ngồi tù nghe phong phanh Minh Mạng tổng thuyết có ý bảo các quan Hàn lâm hợp sức bình giảng sao cho ổn. Ông viết bài chê Nguyễn Du lập công chuộc tội là thấy tâm địa xấu xa, ganh ghét người có tâm có tài rồi...

Không rõ sau đó ông được tha khi nào và mất luôn tung tích. Tuy nhiên từ 1871 sau tổng thuyết Tự Đức sách ông được in nhiều đợt tức phổ biến rộng rãi. Nói cách khác là hợp ý Vương triều. Ai đọc Đại Nam liệt truyện soạn từ Quốc sử quán triều Nguyễn, cũng thấy đề cập đến Nguyễn Du rất ngắn ngủi, lạnh nhạt.

B. Tổng thuyết Tự Đức 1871:
4 năm sau khi mất lục tỉnh Nam Kỳ, Tự Đức chắc cũng không vui vẻ gì mà tổ chức vịnh thơ Kiều hoặc bàn một cuốn tiểu thuyết dỡ hơi mà ông nghe nói từ bên Tàu. Vấn đề là xã hội càng mất lòng tin, loạn lạc nổi lên, ông tổ chức “ chỉnh huấn” tư tưởng các quan lần nữa bảo vệ vương triều như vua nội Minh Mạng, lấy cớ tổng thuyết Kiều. Do ông cố tình, hay vì cái tật sính thơ văn hào nhoáng, khoe thi tài, chữ nghĩa, ông làm bài tổng thuyết 140 câu thất ngôn, chỉ lấy một vần chủ đạo: iên.
Lẽ ra bài thơ ông nên phân đoạn, có lời mở đầu và chuyển mạch thì đã không hiểu lầm. Ví dụ mở đầu “ từng nghe” chuyển mạch: “ Song le”... Tôi trích phần mở đầu và chuyển mạch, nếu hiểu rằng có thật một cuốn Quán Hoa Đường bình luận, Kim Thánh Thán ngoại thư thì sẽ thấy mâu thuẫn, hoặc hơi ngô nghê

DỰC TÔNG ANH HOÀNG ĐẾ NGỰ CHẾ TỔNG TỪ.

Hương phô yên ba tam nguyệt thiên
Phần lô nhàn độc Thanh Tâm biên
Thị biên Bắc nhân Thánh Thán trước
Dịch âm ngã quốc Nguyễn Tiên Điền.

Cận lai danh sơn phong vũ thực
Hoa Đường bình bản vô lưu truyền
Thích Kim đài các thừa nhàn hạ
Bất nhẫn giai thoại không hàn yên

Ngẫu ư cổ lục đắc toàn giản
Truyền thân tả chiếu tương trùng thuyên
Trích ba ly tảo phân đề vịnh
Nhị thập hồi trung mặc thái nghiên.
.....
(toàn văn 140 câu thất ngôn độc vận)

Bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm:

Trên sông Hương tháng ba một buổi
Truyện Thanh Tâm ngồi ngẫm ngâm nga
Truyện này Thánh Thán soạn ra
Diễn thơ lục bát nước ta Tiên Điền

Trải lắm độ triền miên mưa gió
Tập Hoa Đường còn có nữa đâu
Gặp khi rỗi rãi trên lầu
Truyện hay nhẽ để về sau tro tàn

Xét tủ cũ may còn trọn tập
Họa đồ hình định rắp đem in
Gấm hoa đề vịnh từng thiên
Hai mươi hồi nét mực tiên sáng ngời. (1)

Nguyễn Văn Thắng nói “nghe” chứ không “đọc hoặc thấy”. Đó là ông chỉ nghe lời đồn. Sách kia mà còn tam sao thất bản huống chi lời đồn. Tự Đức nghe theo lặp lại ở khổ thơ đầu. Ở khổ thơ 2 ông nói : Do binh lửa mà nay một cuốn nổi danh như núi của Hoa Đường không còn lưu truyền. Nếu cuốn sách nhà Ngũ Vân Lâu ai cũng biết như lời Nguyễn Văn Thắng nói mà cả nước chuẩn bị tổng thuyết vua lại không chỉ thị tìm ra một cuốn?
Rồi khổ 3 ông lại nói may mà tìm ra trong tủ cũ một cuốn: “Gấm hoa đề vịnh từng thiên. Hai mươi hồi nét mực tiên sáng ngời”.

Đó là cuốn nào? Cuốn Kim Vân Kiều truyện của TT tài tử hay cuốn Kiều của Nguyễn Du mà gấm hoa đề vịnh thành 20 hồi!? Ta không có bằng chứng đó là cuốn nào. Truyện Kiều cũng có thể phân thành 20 hồi theo quan điểm người soạn. Dựa theo 20 hồi đó mà đề vịnh bằng thơ, diễn nghĩa bằng văn xuôi cũng xong. Hoặc là đã có sẵn một cuốn tương tự A953 của Thanh Tâm tài tử chia 20 hồi, lưu tại Quốc Sử Quán hoặc Hàn Lâm Viện, rồi 13 năm sau Lê Phước Bình chép và Trương Minh Ký giao cho Abel. Một câu tối nghĩa, nhưng có điều chắc: không phải là cuốn sách của Kim Thánh Thán vì ông đã nói: vô lưu truyền.

Ngày nay học giả Tây, Tàu đã loại Kim Thánh Thán ra khỏi Kim Vân Kiều truyện thì ai tin những gì từ Nguyễn văn Thắng và Tự Đức nói, kết luận rằng truyện Kim Vân Kiều là do Kim Thánh Thán viết hoặc bình là lạc hậu. Họ thiếu cập nhật thông tin và nhất là thiếu suy luận như đã trình bày phần trên.

Nhưng nhân nhắc tới câu thơ dịch: Hoạ đồ hình định rắp đem in. Kẻ Tay Ngang này sực liên tưởng đến sự lan tỏa của truyện Kiều. Sát bên kinh đô Huế là thương cảng Hội An. Tàu, Nhật, Tây, Hồng Kông không lẽ không có học giả đi du lịch? Hoặc ai đó đi du lịch mua tặng người nhà là học giả một cuốn thơ mà dân Việt thời đó mở miệng ra là nói? Nhưng làm sao để hiểu được ngôn ngữ thơ? Mua thêm một cuốn bình giảng: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài tử vậy!

Lại sẽ có Tín Đồ Thanh Tâm Tài Nhân phê phán: suy diễn vu vơ! Vâng, đó chỉ là suy diễn đừng tin. Nhưng chuyện này phải tin: ai đó đã đem truyện Kiều đến Hồng Kông thuộc địa Anh, năm nào không rõ. Một người Pháp sưu tầm mua năm 1894, xếp vào thư viện Anh tháng 6/ 1929. Theo nhiều nguồn mô tả: Đây là cuốn sách quý nhất về mặt chất liệu: giấy tốt dành cho nhà giàu hoặc vua ngự lãm, 147 bức tranh minh hoạ đẹp. Bìa vẻ rồng biểu tượng của Hoàng gia triều Nguyễn. Cho phép suy luận đây là cuốn Tự Đức nhắc tới trong bài tổng từ nói trên. Đồng thời Thư viện Anh cũng có một cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài tử ai sưu tầm không rõ mà sau này Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch năm 1971.

Chưa một “học thuật tay dọc” nào tự đặt một câu hỏi: Liệu song song với truyện Kiều có cả cuốn bình giảng Kim Vân Kiều của Thanh Tâm tài tử từ Đại Nam lan ra thế giới không? Như trường hợp đầu tiên được biết của Abel des Michel 1884. Riêng Tay Ngang này cho dù ai đi theo con đường đó, không giành được học vị tiến sĩ, sẽ để lại cái tâm tốt đẹp mà Tay Ngang này luôn kính trọng như fb trẻ Nguyễn Tấn Sơn nói trên.

                                                                                            Lê Nghị

1 nhận xét:

Vũ Nho Ninh Bình nói...

Đây là một vấn đề thú vị nhưng rất phức tạp! Cám ơn tác giả đã có những nghi vấn đáng quan tâm! Tuy nhiên, với học giả Đài Loan Trần Ích Nguyên, tôi thấy ông đã rất công phu tìm hiểu KIM VÂN KIỀU và viết một cuốn sách cũng rất công phu " Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều". Bà Phạm Tú Châu đã dịch ra tiếng Việt, nhà xuất bản Lao Động, in năm 2014. Những điều nghi vấn mà tác giả Lê Nghị nêu ra tôi ghi nhận, nhưng cảm thấy cũng chưa đủ chứng cứ thuyết phục. Mong rằng giới nghiên cứu Việt Nam sẽ có thêm những tìm tòi. Riêng tôi thấy, dù Nguyễn Du có căn cứ vào bản Kim Vân Kiều hay căn cứ vào truyện của Mao Khôn để sáng tác Truyện Kiều đều không quan trọng. Quan trọng là với văn chương thiên tài,của cụ, Truyện Kiều của Nguyễn Du là kiệt tác văn chương của thế giới, còn Kim Vân Kiều của Trung Quốc chỉ là một tiểu thuyết chương hồi khá, nhưng không thể sánh với các bộ tiểu thuyết Hồng lâu Mộng, Tam Quốc, Tây Du kí...Xin phép tác giả được chép lại bài của ông làm tư liệu.