BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

NHỮNG NGƯỜI CHUNG QUANH TÔI - Nguyễn Thị Giáng Hương


           
                   Cô giáo Nguyễn Thị Giáng Hương

            
        NHỮNG NGƯỜI CHUNG QUANH TÔI
                 Nguyễn Thị Giáng Hương (CGS NH 1973-1975)


Mùa Xuân đang ngự trị trên đất nước: Cây cỏ vươn mầm xanh mướt trông thật mát mắt. Bầu trời như trong hơn, xanh hơn và lòng người cũng rộn ràng hơn với những niềm hy vọng mới.
Sau buổi tối họp mặt NH Saigon tại nhà hàng Kim Thanh, dân Nguyễn Hoàng chúng tôi đã tham quan miền Tây Nam Bộ vào ngày 16 tháng giêng âm lịch. Đây là lần thứ ba tôi tham gia đoàn với các cựu học sinh Nguyễn Hoàng. Lần đầu là ngày đầu năm tết dương lịch - tôi theo đoàn về Hàm Tân dự lễ mừng thọ thầy Lê Văn Quýt; mùa thu năm ngoái tham gia tour Kampuchia và chuyến nầy là du lịch sông nước miền Tây.

Lần nầy số người tham gia đông hơn. Ngoài những khuôn mặt quen thuộc của NHSaigon như Trị, Mừng, Quang Tuyết, anh chị Mai Phái, anh chị Tường Sâm,… còn có những NH nơi khác cùng tham gia như anh chị Phỉ Phụng, anh Ngô Ngọc Hồng, chị Mỹ Lệ, cô Phương, anh Hồ Sĩ Trân, anh chị Xuân Tuyên từ Mỹ về. “Nội địa” thì có chị Tú Minh từ Daklak, anh Phan Thạch Giang và Liên Hưng từ Biên Hòa, Vĩnh Phước từ Bà Rịa, Thu Vàng từ Quảng Ngãi, anh Văn Kế Thế từ Bảo Lộc, Như Hồng từ Ninh Thuận, Đoàn Hoa từ Bình Thuận, v.v….
Từ sáng sớm, mọi người đã tề tựu và xe đến mấy điểm để đón từng nhóm rồi rời Saigon trong nắng xuân tươi đẹp cùng bài đồng ca vui vẻ. Sau khi ăn sáng ở ngã ba Trung Lương, nơi chúng tôi đặt chân tham quan đầu tiên là Trại rắn Đồng Tâm ở Mỹ Tho. Ở đây chúng tôi được thấy đủ loại rắn: hổ mang, hổ mèo, rắn ráo, rắn lục, v.v... Rắn được nuôi trong những khu vực có tường cao vây quanh, trong đó có những lạch nước cho rắn tắm mát. Dễ sợ nhất là trên những lùm cây cao rắn cũng được thả bò lúc nhúc. Ba cô trò chúng tôi (tôi, Liên Hưng, Vĩnh Phước ) vốn sợ rắn nên đi xa xa để nhìn chứ không dám đến gần. Tôi và Vĩnh Phước còn “gan” chứ Liên Hưng coi vậy mà không phải vậy. Cô nàng nầy nhát rắn kinh khủng, khi xe dừng trước cổng trại rắn, Liên Hưng nói Cô ơi! Em ngồi trên xe, không vào đâu. Nhưng xe khóa cửa buộc hắn ta phải xuống, mà không lẽ đứng lơ ngơ một mình ngoài cổng nên buộc lòng phải “níu áo” tôi và Vĩnh Phước. Khi đoàn được ban quản lý trại mời xem phim quảng cáo về rắn trước khi đi tham quan, Liên Hưng cứ cúi mặt nhìn xuống chân, không dám nhìn lên màn ảnh vì sợ, ai khích tường gì hắn cũng cười chứ mắt không dám dòm lên. Khi rời phòng chiếu phim, hắn tỏ ý thán phục tôi và em gái Vĩnh Phước, vì cô trò tôi đã dám xem phim (!).
Chúng tôi theo chân hướng dẫn viên đi qua những nơi nuôi rắn, ba cô trò cứ níu tay nhau, Liên Hưng giả bộ ngó lơ đâu đâu chứ không dám nhìn vào các ổ rắn, thế mà có một cô nàng đeo con trăn to bự chảng ngóc đầu ngo ngoe trên cổ lừng lững tiến tới, có lẽ cô ấy mời du khách chụp ảnh. Thế là ba cô trò tôi vội nhanh chân bước tránh qua lối khác. Khi đã ở vào vị trí tầm xa với Người - Trăn, chúng tôi quay đầu nhìn lại thì thấy chị Lợi (Định Quán), Như Hồng và mấy chị em cô Phương cũng đang ù té chạy tránh cái cô quấn trăn kia. Chúng tôi bật cười bảo nhau thì ra không chỉ cô trò mình nhát.
Trăn ở đây rất to. Khi vào nhà nuôi trăn, chúng tôi chưa kịp “tham quan” đã vội tháo lui vì mấy chị vào trước vội vội vàng vàng quay trở ra luôn miệng nói dễ sợ, dễ sợ. Ấn tượng nhất là ai muốn chụp hình với trăn đều được đứng chụp với một nữ huấn luyện viên với một con trăn to quấn ngang người, cô ấy bảo đây là con trăn duy nhất đã được thuần dưỡng. Biết vậy nhưng chỉ có mấy ông gan cùng mình mới dám chụp ảnh chung với người đẹp thôi, còn đám phụ nữ chúng tôi lo nhanh chân dời bước. Đoàn cũng được hướng dẫn viên giới thiệu về cách lấy nọc rắn để chế những bài thuốc quý. Đặc biệt có món rượu rắn “ông uống bà khen”, làm mấy bà muốn mua làm quà tặng phu quân lẫn mấy ông có nhu cầu tiêu dùng cũng không dám “công khai”, mà phải áp dụng “chiến thuật du kích” và ngụy trang bao bì…
Thật là một điểm tham quan đáng nhớ. Mấy hôm sau, khi vào khách sạn nhìn mấy chậu kiểng xanh tốt hay đi ngang qua những lùm cây ven đường, ba cô trò chúng tôi đều tránh xa vì ám ảnh, tưởng như có rắn trong đó vậy.
Xe tiếp tục lăn bánh và dừng lại ở lò làm kẹo của xứ dừa Bến Tre. Cánh cửa xe vừa mở, mùi kẹo dừa đã xộc vào thơm phức. Cơ sở chế biến sạch sẽ, nhìn bàn tay những cô thợ xinh đẹp gói kẹo thoăn thoắt thật là thích mắt. Du khách tha hồ thử kẹo rồi tỏa ra các gian hàng mua kẹo dừa và những vật lưu niệm làm từ cây dừa như đũa dừa, gáo dừa, cây gãi lưng bằng dừa, v.v…. Kẹo thơm ngon, còn vật dụng nào cũng xinh xắn, đẹp mắt Rời xứ dừa, xe tiếp tục về vùng Sóc Trăng với những nét đặc thù văn hóa Khmer mà tiêu biểu là chùa Mã Tộc và chùa Đất Sét.
Chùa Mã Tộc (Wathsêrâytecho Mahatup) quen gọi là Chùa Dơi được xây dựng cách đây 400 năm. Chùa Dơi có lối kiến trúc cổ kính đượm chất Khmer với những đường nét hoa văn cong vút. Đây là ngôi chùa to đẹp nhất trong số hơn 90 ngôi chùa của đồng bào Khmer miền Tây Nam bộ. Khuôn viên chùa khá rộng, rừng cây cổ thụ sau vườn chùa là nơi trú ngụ của khoảng một triệu con dơi quạ - loài dơi lớn có sải cánh dài độ 1m - 1,5m. Ban đêm chúng đi ăn, ngày lại treo mình lơ lửng trên những cành cây để ngủ một cách bình yên vì chả sợ ai săn bắt chúng, vì lẽ đó nên dân địa phương quen gọi là chùa Dơi. Sau khi chụp ảnh lưu niệm, ba cô trò chúng tôi vào điện lễ Phật rồi ra vườn chùa xem dơi ngủ nhưng chẳng thể nán lại lâu vì mùi phân dơi nồng nặc quá.
Rời Chùa Dơi, đoàn ghé qua Bửu Sơn Tự. Ngôi chùa nầy không có không gian đẹp và rộng như Chùa Dơi nhưng đặc biệt có trên mười ngàn tượng lớn nhỏ đều được làm bằng đất sét, cả cột chùa cũng bằng đất sét nên người dân quen gọi là Chùa Đất Sét. Độc đáo hơn, nơi đây có 8 cặp đèn cầy, mỗi cây cao 2,6m; bề ngang 1 mét. Hướng dẫn viên nói những cây đèn cầy khổng lồ nầy được dòng họ Ngô đúc bằng sáp từ năm 1940. Bình quân mỗi cây đèn cháy suốt ngày đêm cũng phải mất khoảng từ 70 đến 80 năm. Hiện nay có 2 cây đèn cầy cháy gần hết, phần còn lại là một khoanh tròn gần sát đất trông giống như cái dĩa dầu khổng lồ vậy. Một điều đáng buồn là nơi đây quá nhiều người ăn xin, từ trẻ con ở trần, mặt mày đen nhẻm đến người lớn rách rưới chạy theo du khách, có cho tiền cũng chỉ cho được vài người tượng trưng chớ làm sao mà phân phát đủ cho cả đám cái bang nhếch nhác đó.
Khi trời trở về chiều, xe quay đầu về lại Cần Thơ. Sau khi nhận phòng và tẩy bụi trần một ngày dài, đoàn gặp nhau trên bến Ninh Kiều để xuống du thuyền ăn tối và ngoạn cảnh sông nước về đêm. Chưa phải là đêm cuối tuần mà khách trên du thuyền rất đông, ngồi chật cả 3 tầng. Đoàn NH được ưu tiên ngồi trên bong, nơi có sân khấu ca nhạc. Chúng tôi vừa nghe nhạc, vừa ngắm trăng trên cảnh sông nước vừa thưởng thức những món ăn đặc sản miền Tây thơm ngon tuyệt vời. Có mấy CHS/NH lập nghiệp trên đất Cần Thơ đến giao lưu cùng đoàn chuyện trò rôm rã. Vui nhất là Liên Hưng và Lê Cảnh Lạc - đôi bạn học cũ - ngồi cạnh nhau một lúc mà không hay vì ánh đèn màu khi mờ khi tỏ. Lúc quay sang hỏi chuyện, hai em chợt nhận ra nhau mới phá ra cười. Sân khấu không chỉ là “đất” để nhà hàng trình diễn những màn đờn ca tài tử của người phương nam mà còn dành cho thực khách “hát cho nhau nghe”.
Thế là sau một hồi xúi ủi, Quang Tuyết - ca sĩ Nguyễn Hoàng - cũng lên góp vui với bài Mưa Hồng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được khán giả vỗ tay và tặng hoa tới tấp. Lời ca cứ bồng bềnh theo con thuyền trôi trên sông nước bình yên. Xa xa, cây cầu dây găng Cần Thơ sáng rực ánh đèn màu trông như những chiếc cầu vồng trong phim thần thoại vậy.
Khi đã theo dòng một vòng, du thuyền quay về bến cũ. Thành phố Cần Thơ và khách sạn Ninh Kiều chấp chới trong ánh đèn đêm huyền ảo. Chúng tôi chia tay nhau, những cái xiết tay, những câu hẹn gặp đầy tình Nguyễn Hoàng trên bến lạ. Trở về khách sạn chúng tôi không thể ngủ được vì vầng trăng 16 như mời gọi. Thế là a lô nhau rồi cùng ra bến Ninh Kiều tắm trăng sương. Cây guitar của Đặng Mừng bắt nhịp theo giọng hát của nhóm nhỏ. Vĩnh Phước, Thu Vàng, Quang Tuyết say sưa hát. Chúng tôi nghe Thu Vàng hát xong lại yêu cầu ca tiếp, lời ca cứ như những hạt sương đêm lấp lánh ánh đèn màu bên bờ sông lạnh. Ba cô trò chúng tôi nép bên nhau vừa ngắm ánh trăng đổ bóng vàng xuống dòng sông đêm vừa nghe giọng Thu Vàng nức nở:

“Tìm đâu những ngày thơ ấu qua
Tìm đâu những ngày xinh như mộng…”

Tìm đâu? Biết tìm đâu? Đâu tìm? Lời ca đã ngưng, tiếng đàn cũng thôi réo rắt mà tâm hồn chúng tôi cứ vời vợi trôi về miền quá khứ của một thuở hoa niên, của một thời mới lớn chạy theo đàn bướm trắng. Có lẽ nhóm nhỏ sẽ chia tay nhau trong lặng lẽ nếu không có một “sự cố” tức cười. Đó là khi bước vào sân hotel, thấy ánh đèn màu bên dòng chữ Ninh Kiều và chậu kiểng khá đẹp, Liên Hưng liền yêu cầu tôi và Vĩnh Phước đứng tạo dáng để em trau dồi tay nghề. Em ấy đâu biết rằng đằng kia Nguyễn Văn Trị cũng đang rình chộp lại bức ảnh độc đáo của của mình. Hắn quỳ gối để bấm máy lấy hình, Quang Tuyết đứng chênh chếch bảo chưa chuẩn, Liên Hưng phải chụp lại. Tưởng thiệt, em nheo mắt chụp lại. Quang Tuyết lại tinh quái bảo phải ngồi chò hỏ chụp mới đúng chuẩn, Liên Hưng thật thà làm theo. Khi đó, tôi và Vĩnh Phước nín hết nổi nên cười òa. Quang Tuyết, Thu Vàng cười theo. Khi đó phó nhòm LH mới ngơ ngác quay nhìn và phát hiện ra mình cũng đang làm người mẫu bất đắc dĩ. Ối trời ơi! Liên Hưng la oai oái còn Quang Tuyết thì luôn miệng bảo đó là một trong những tấm hình bán đấu giá “có giá” của tay săn ảnh nặng ký Nguyễn Văn Trị.
Sáng hôm sau, trời còn mờ sương chúng tôi đã thức dậy để đi tham quan Chợ Nổi Cái Răng. Lời dặn dò của ông xã tôi lại vang lên:

“Đi đâu phải nhớ nằm lòng
Gặp nơi sông nước phải tròng áo phao…”

Nhưng không chỉ riêng tôi mà cả đoàn đều “tròng” áo phao, thì ra ai cũng sợ diện kiến vua thủy tề. Vì thế mà chiếc thuyền chúng tôi ngồi rực rỡ màu vàng cam trong sương sớm.
Từ bến Ninh Kiều đến Cái Răng khoảng 30 phút. Chợ Nổi chuyên buôn bán các loại trái cây và đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau này vì có nhu cầu ăn uống nên cũng có một ít thuyền phục vụ ẩm thực. Trên mỗi thuyền đều có treo loại trái cây chào bán trên cây sào cao trước thuyền để khách ở các thuyền xa thấy mà đến mua. Mặt hàng trái cây thực là phong phú, đủ loại như cam, quýt, xoài, dưa hấu, thơm, bí đỏ, bí xanh, dừa,… có cả những thuyền bán cây kiểng. Đặc biệt dọc theo sông còn có cây xăng nổi trên mặt nước nữa. Ghe tàu nào thiếu nhiên liệu thì cứ ghé cây xăng nầy. Mới sáng sớm mà việc mua bán đã diễn ra tấp nập vì cỡ 9 giờ sáng là chợ tan. Người dân ở đây chẳng ai cần áo phao vì họ là người của sông nước, là bạn thiết của vua thủy tề nên có rớt xuống sông cũng nổi lên, chẳng thèm diện kiến hà bá. Thấy thuyền chở du khách, mấy chiếc ghe nhỏ chở đầy hàng quà vội vàng tách thuyền lớn ghé đến, họ dùng dây móc quăng vào thuyền chúng tôi cho dính rồi cứ lềnh bềnh trôi theo mời chào. Các chị mua xoài, mận,… trái nào trái nấy to bự chảng, cả bắp luộc nóng hổi và cà phê đá pha sẵn trong ly nhựa nữa. Dọc đường trở về, chúng tôi dõi mắt theo những hàng cây xanh xanh hai bên bờ, những cây dừa già cỗi ngã mình soi bóng xuống dòng sông, những mảng lục bình đầy hoa tím dập dềnh theo sóng nước mới thơ mộng làm sao.
Ăn sáng xong, đoàn thu dọn hành lý rồi tiếp tục cuộc hành trình về Rạch Giá. Bữa ăn trưa tại nhà hàng Đông Xuyên (Long Xuyên), đoàn đã rất vui khi được các CHS/NH sinh sống ở vùng sông nước nầy đến chào đón, trong đó có hai người em của anh Phỉ. Những Nguyễn Hoàng tha phương tìm đến nhau khi mái đầu đã bạc trông thật cảm động. Chia tay NH/Long Xuyên trong bịn rịn, chúng tôi tiếp tục đi về Hà Tiên. Mãi đến chiều xe mới đến Kiên Lương, dừng lại dưới chân núi Bình San - còn gọi là núi Lăng vì đây là quần thể lăng mộ của nhà họ Mạc - gia tộc đã có công với lịch sử ở vùng đất nầy. Quần thể lăng mộ thật cổ kính và uy nghi rộng lớn cả một vùng từ thấp đến cao. Đến đây tôi mới hiểu câu hát “Tôi qua lăng Mạc Cửu, nằm trên con voi phục…” Voi ở đây là dãy núi xa xa phía trước có thế như con voi chầu (phục), chứ không phải lăng Mạc Cửu nằm trên núi voi như tôi thường nghĩ. Rời núi Lăng, đoàn lại hành trình tiếp về Thạch Động. Ngang qua Chùa Phù Dung, hướng dẫn viên chỉ chỉ cho chúng tôi thấy chứ không ghé vào vì điểm chương trình tour. Tuy nhiên lòng tôi cũng miên man theo chuyện tình nàng Xuân Tự và những câu thơ của nhà thơ Kiên Giang thuở trước.
Thế rồi tôi đã được vô thăm Thạch Động để chiêm ngưỡng trời bát ngát mênh mông và lắng nghe tiếng chuông ngân trong chiều vắng như bài hát Hà Tiên kể lại từ bao năm trước. Thạch động thôn vân (dịch nghĩa: động đá nuốt mây), hướng dẫn viên trích thơ của Mạc Thiên Tứ và tôi thấy chỉ qua mấy câu thơ ấy đã nói lên tất cả cảnh quan tuyệt vời nơi đây:

Xanh xanh ngọn đá chạm thiên hà,
Động bích long lanh ngọc chói lòa.
Chẳng hẹn khói mây thường lẩn quất,
Không ngăn, cây cỏ mặc la đà.
Phong sương càng dãi màu tươi đẹp,
Nhật nguyệt chi ngừng bóng lại qua.
Chót vót tinh hoa đây đã hẳn,
Theo chiều gió lộng vút cao xa
         (Bản dịch của thi sĩ Đông Hồ)

Ẩm thực buổi tối du khách tự túc. Ba cô trò chúng tôi thả bộ ra chợ Hà Tiên bên bờ biển, thức ăn ở đây không những ngon mà còn rẻ. Ngoài món mặn, Liên Hưng còn cù rủ tôi ăn chè Thái ngọt lịm. Thế nầy thì đi du lịch về không mở mang tầm nhìn cũng nở nang vòng bụng (!).
Sáng hôm sau, trước khi rời Hà Tiên thơ mộng, đoàn đã dừng chân bên bãi biển Mũi Nai - một trong 3 bãi biển “quý hiếm” của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nổi tiếng là một trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên. Biển ở đây rất đẹp, nước không trong nhưng bờ cát mịn màng, sạch sẽ. Tương truyền, từ thuở xa xưa, tại vùng đất mênh mông nước, mênh mông trời này có một chú nai con sơn thần hay ra uống nước. Rồi một ngày, mải say sưa ngắm cảnh vật chú đã không kịp trở về rừng và bỗng dưng biển trời nổi sóng, chú nai con hoá thành tảng núi đá bên mép biển khơi. Người ta nói muốn nhìn toàn cảnh Mũi Nai phải lên đỉnh Ta Pang. Từ độ cao ấy nhìn xuống du khách sẽ thấy núi đá hình chú nai đang uống nước nổi bật trên bãi biển trải dài và những cung đường xanh ngát. Mũi Nai là tên dịch từ tiếng Hán Việt “Lộc Trĩ” cách đây 300 năm trước. Tiếc rằng chúng tôi đến đây vào buổi sáng nên chỉ nghe tiếng sóng biển dịu dàng, yên ả chứ không được thưởng thức dàn đồng ca sóng, gió cùng hàng lá cây mù u dọc theo bờ biển và tiếng kêu của những cánh hải âu xao xác, chao lượn trong ráng hoàng hôn đỏ ối như từng nghe.
Từ khi lên xe, các MC của NHSaigon đã đưa chuyện dẫn dắt mọi người tham gia sinh hoạt. Vui nhất là trò chơi tìm từ có chữ L, M trên cơ thể con người đã tạo nên những tràng cười thú vị. Chuyến đi nầy có ca sĩ chính hiệu Thu Vàng nên bà con được một chuyến thưởng thức ca nhạc ra trò. Sau đó, vì vui nên gần như cả đoàn đều tham gia chương trình “tạp lục” này. Nhóm Yamacohavu chúng tôi góp vui với liên khúc Xuân rộn ràng. Không ngờ chị Tú Minh hát những bản nhạc tình cảm ngày xưa lại có giọng ca trẻ trung, dịu dàng đến thế. Vĩnh Phước đậm chất giọng miền Trung, ngọt ngào và sâu lắng làm lòng người nghe nhớ quê hương vô cùng. Anh chị Phái Mai cũng lên song ca. Anh Phỉ, anh Phái, anh Giang, anh Thế,… ngâm và đọc những bài thơ do mình sáng tác với những lời tâm sự thật chân tình, cảm động. Các anh còn kể chuyện tình thời trai trẻ của mình một cách chân thực, có răng nói rứa không cần dấu diếm vì tra rồi… như anh Hồng, anh Tường, anh Thế… Câu chuyện “Đôi dép “ của Đặng Mừng kể người thật việc thật về Cái thời bạn bè gặp nhau cúi mặt vì sợ dính dáng… thế mà cô bán kẹo gương - Quang Tuyết - không màng đến sự khó khăn, gian khổ của mình, vét mấy đồng bạc còn sót lại trong túi chạy vào chợ khi nhìn đôi chân trần rướm máu của người bạn học cũ, cô mua vội đôi dép rồi chạy theo đoàn người gánh củi réo gọi Mừng ơi! Mừng ơi! Dép đây nì! Kể đến đó, tác giả ngắc ngứ vội ôm mặt ngồi xuống làm cô trò tôi và mọi người thút thít. Quang Tuyết mắt đỏ hoe kể tiếp phần kết làm ai nấy thấy tình bạn Nguyễn Hoàng sao mà thương thế!
Chặng đường từ Hà Tiên trở về xe chạy dọc theo kênh đào Vĩnh Tế. Dòng sông không lớn nhưng chiều dài cả trăm cây số, là ranh giới của Việt Nam và Kampuchea. Đoạn đường nầy chẳng có cảnh quan gì, chỉ là những xóm nhà sàn ven sông buồn bã và đồng không trơ trọi, chẳng có gì để ngắm nhìn nên chúng tôi sinh hoạt trên xe nhiều hơn. Ngoài trưởng tràng Nguyễn Văn Trị và các MC “gạo cội ” như Quang Tuyết, Kế Thế, Đặng Mừng với những chuyện khôi hài dí dỏm; lần này Thu Vàng không chỉ hát mà còn ngâm thơ không thua gì chương trình tao đàn của đài phát thanh. Còn kể chuyện khôi hài thì vô số. Có lẽ bị lây lan nên ngay cả 2 cô học trò của tôi cũng lên góp chuyện. Liên Hưng vừa dứt chuyện anh sui qua thăm chị sui mà từ chối món thịt gà hấp dẫn cười chưa ngưng thì chị Mỹ Lệ kể tiếp chị sui trả lời anh sui về đứa cháu nội, ngoại mới ra đời của 2 người. Thế là cười, cười nghiêng ngã, tiếng cười vang mãi trên chặng đường dài làm ai nấy cảm thấy càng lúc càng gắn bó thân tình hơn. Mà không chỉ ca hát và cười đùa đâu nhé! Chúng tôi còn có những trao đổi nhỏ xây dựng bổ ích trong nội bộ Nguyễn Hoàng nữa đấy.
Tôi và chị em Liên Hưng ít có dịp đi du lịch cùng nhau nên lần này cả ba cô trò rất vui vì được ở chung, được tâm sự nhiều, đi đâu cũng ba cô trò kè kè không ai tách ra được khiến anh Phỉ đùa hai cô học trò nầy bảo vệ cô giáo kỹ quá (!) Chúng tôi vạch kế hoạch về Quảng Trị dự lễ kỷ niệm 60 năm của trường, đi tham quan Lào, Thái Lan… Hai chị em còn hẹn lên Tây Nguyên một chuyến để đến “quậy” tư thất của vợ chồng tôi… Đó chỉ mới là dự kiến nhưng ai cũng rộn ràng niềm vui.
Qua An Giang, xe dừng lại ở Châu Đốc để ai muốn cầu xin gì thì vào chùa Bà Chúa Sứ. Tôi và Liên Hưng lười biếng nên ghé lại ngôi nhà ven đường xin một chỗ ngồi nghỉ chân. Ai ngờ chị chủ nhà vồn vả mời cô trò tôi vào trong nhà nơi có kê tấm phản mát rượi, còn lấy gối sạch và thêm quạt máy để cho hai cô trò đánh giấc nữa chứ. Người dân nơi đây mới tốt bụng làm sao! Khi đoàn trở ra, nghe nói mấy chị còn thuê xe ôm đi mua nhiều hàng ở chợ Tịnh Biên và ở siêu thị miễn thuế nữa chứ. Trên đường về, chúng tôi đã rẽ qua bến phà Vàm Cống để ghé thăm nhà NH/Võ Sĩ Quý với sự dẫn đường nhiệt tình của NH/ Nguyễn Đăng Châm. Thế là bà con lại được dịp mua quà vặt miệt vườn trên bến phà và thả tóc cho gió sông lồng lộng đùa vui khi qua quà trên sông Hậu. Các đồng môn nơi đây đã ân cần tiếp đón chúng tôi với những món đãi bạn đượm chất nam bộ. Người Quảng Trị lìa xa quê hương để sinh sống và đất miền Nam đã đãi ngộ những người cần cù, chịu khó. Không chỉ ở đây, chúng ta còn gặp người Quảng Trị ở tận Hàm Tân hay tận trong những rừng cao su Long Khánh. Miền Trung đất cày lên sỏi đá lại bị thiên tai, lũ lụt quanh năm nên dù yêu thương quê hương họ cũng đành ngậm ngùi ra đi tìm đất mới. Cư dân Nguyễn Hoàng ở khắp nơi và nhiều người đã có đời sống tương đối, nhà cửa khang trang, đất lành chim đậu là vậy !
Mãi đến 21 giờ xe mới trả cô trò chúng tôi về điểm cũ, mọi người chia tay nhau để lại lời hẹn ngày tái ngộ gần rồi tỏa về các con đường đầy ánh đèn của Saigon by night.
Từ chuyến du lịch này, tôi cảm nhận thêm nhiều tinh thần đoàn kết của của các old Nguyễn Hoàng. Họ luôn tìm cách liên lạc với nhau, sống chan hòa tình nghĩa, lá lành đùm lá rách, tập hợp thành một khối đoàn kết rộng khắp đất nước và hải ngoại. Hôm sau tôi đến tham dự đám cưới con gái của NH/Nguyễn Vỹ tổ chức ở Saigon. Các bạn học cũ có người ở tận Quảng Trị hay Daklak cũng tìm về, quý hóa làm sao! Tôi lại nhớ buổi họp mặt Nguyễn Hoàng đầu năm tại nhà hàng Kim Thanh đã rất thành công. Sự thành công đó - theo tôi - không chỉ nhờ vào sự khéo léo, nhiệt tình trong khâu tổ chức của NHSaigon mà còn có sự tiếp sức, tìm về của nhiều thầy cô và các CHS/NH khắp nơi. Trong buổi họp mặt, để tri ân những người tiên phong trong việc nối vòng tay lớn Nguyễn Hoàng, ban tổ chức đã vinh danh không chỉ quý thầy cô mà cả những CHS/NH góp lửa từ những ngày gian khó ấy. Đặc biệt thầy Lê Hữu Thăng còn thực hiện một sa bàn về trường Nguyễn Hoàng, tuy đơn sơ nhưng đã nói lên tấm lòng tha thiết với trường xưa, quê cũ của một người học trò, rồi một người thầy Nguyễn Hoàng và một người Quảng Trị tâm đức, có lòng nhân ái vô bờ. Chính thầy đã sáng lập ra phong trào giúp con em các gia đình Nguyễn Hoàng khó khăn với những xuất học bổng mỗi năm một nhiều hơn. Từ đó, các old Nguyễn Hoàng có lòng từ tâm ở trong nước lẫn hải ngoại chung tay giúp đỡ các cháu học hành đến nơi, đến chốn.
Chung quanh tôi là những con người sống rất tình nghĩa, luôn nhớ về cội nguồn, nhớ để tôn trọng, vinh danh những người đã có công dựng nên một đại gia đình Nguyễn Hoàng biết đoàn kết, tương thân, tương ái như hôm nay. Riêng tôi, dù mới quen biết các anh chị qua vài lần họp mặt hoặc đi du lịch nhưng tôi rất ngưỡng mộ tấm lòng tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, tình đoàn kết của các thành viên trong đại gia đình Nguyễn Hoàng. Mong rằng vòng tay lớn Nguyễn Hoàng ngày càng bền vững, vươn xa mãi như ước mơ của cư dân Nguyễn Hoàng khắp nơi trên hành tinh xanh nầy.

                                                                 Pleiku - Cuối xuân 2012
                                                               Nguyễn Thị Giáng Hương              

Không có nhận xét nào: