BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

YÊU EM”, THƠ VUA ĂN MÀY MỘT BÀI THƠ TÌNH RẤT LẠ - Châu Thạch


           
                                 Nhà thơ Vua Ăn Mày


YÊU EM”, THƠ VUA ĂN MÀY MỘT BÀI THƠ TÌNH RẤT LẠ
                                                                                         Châu Thạch

Tôi năm nay đã 77 tuổi, thể xác và tâm hồn khô cằn. Thế nhưng cứ mỗi lần đọc thơ của Vua Ăn Mày thì lại thấy mình như thanh xuân trở lại. Với tôi, mỗi bài thơ của Vua Ăn Mày đưa tôi về trở với cái tuổi lãng mạn, yêu đời, yêu em và ngổ nghịch tràn đầy trong đường máu. Tôi thích đọc thơ của Vua Ăn Mày vì thơ ấy đem cho tôi một niềm vui được uống thi vị nồng say, như uống thứ men rượu, nói hơi cường điệu một chút, là thứ men rượu cải lão  hoàn đồng.
Hôm nay tôi đọc được một bài thơ của Vua Ăn Mày. Bài thơ nầy đem  so với những bài thơ khác của Vua, thì không hay bằng. Thế nhưng bài thơ rất lạ, lạ ở chỗ đây là một bài thơ tình trai gái, nhưng lại là một bài thơ yêu nước:  

 YÊU EM

Ôi vóc dáng xinh xinh hình chữ S
Từ Bắc vô Nam, từ biển đến rừng
Bốn nghìn tuổi nhưng vẫn còn nũng nịu
Như hôm nào em mới biết làm duyên

Nhiều khi dỗi, em trút niềm giông bão
Anh lao đao lụt lội suốt mùa buồn
Rồi cũng dịu, em điệu đà khoe sắc
Khắp cây cành rộn rã tiếng chim buông

Anh yêu lắm nhưng mà không có thể
Ôm em vào hết cả một vòng tay
Thằng hàng xóm vẫn cứ rình cắn trộm
Hết bờ mi rồi lại đến bờ môi

Rồi sẽ có một hôm nào nắng đẹp
Anh đường hoàng như một gã đàn ông
Chân bước khẽ trên bậc thềm chúng nó
Nhưng lẽ nào sang chỉ để hỏi thăm!

                                   Vua Ăn Mày

Đọc thơ, ai cũng biết tác giả muốn nói gì rồi. Vua Ăn Mày tả nước Việt Nam và tố cáo âm mưu phá rối để xâm lăng của nước láng giềng chúng ta.

Lạ là, Việt Nam trở thành một người con gái xinh xinh, tánh tình cũng không khác gì cô gái của Nguyên Sa “Chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu”.
Với Nguyên Sa thì người con gái đã lặng lẽ “Đi mà không gọi gì nhau / Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại”, còn với Vua Ăn Mày thì nàng vẫn ở đó, nhưng người yêu của nàng là một người yêu chưa tròn bổn phận: “Anh yêu lắm nhưng mà không có thể/ Ôm em vào hết cả một vòng tay” nên thằng hàng xóm làm những điều xấu xa tệ hại: “Thằng hàng xóm vẫn cứ rình cắn trộm/ Hết bờ mi rồi lại đến bờ môi”.
Tất nhiên thằng hàng xóm ở đây không ai khắc hơn là Trung Quốc, nước đã từng lấn chiếm biên giới và hải đảo nước ta.

Tuy chàng trai hiện giờ không giữ được em trọn vẹn, “không thể ôm em hết vòng tay”, không có nghĩa là hào khí của Vua Ăn Mày không có. Những câu thơ kế tiếp là lời thề cùng non nước, hẹn với em một ngày sẽ ung dung trên đất địch. Đó sẽ là một ngày chiến thắng vẻ vang, đạp đầu tên hàng xóm, bước trên thềm nhà chúng nó, không phải để hỏi thăm mà để hỏi tội tên côn đồ vô lại kia.

Có lẽ ta không nên đòi hỏi Vua Ăn Mày phải dùng những hình ảnh thiêng liêng như mẹ, như sông núi, hay thân thương như chùm khế ngọt, như đồng ruộng nương dầu để nói về đất nước. Có lẽ ta cũng không nên đòi hỏi Vua Ăn Mày phải dùng những kỳ tích chống ngoại xâm của cha ông để nói đến tinh thần bất khuất ngày nay trước giặc thù. Bởi vì những hình ảnh đó, những ý thơ đó, những tứ thơ đó đã được dùng quá nhiều rồi.

Ta phải thông cảm với Vua Ăn Mày, một nhà thơ trẻ với cái bút hiệu cũng khác đời rồi, với cái phong cách thơ mới lạ, ngổ ngáo, độc đáo có pha một chút lập dị, đã đưa người đọc thơ đến một chân trời văn chương khác lạ, tung tăng trong vườn thơ trẻ trung, hưởng sắc màu thanh xuân để reo vui, và dẫu có trầm tư thì cũng lắng đọng xuỗng tâm hồn ta mật ngọt của những con ong rất trẻ, đi hút nhụy hoa tinh khiết, đem về cống hiến cho đời.    
Khi dùng hình ảnh người yêu cúa mình để làm hình ảnh quê hương, Vua Ăn Mày không nói như mọi người, cho rằng tình yêu quê hương là trách nhiệm là nghĩa vụ nữa. Nhà thơ không đặt tình yêu quê hương lên bàn thờ trang nghiêm để thề thót.

Thay vào đó, Vua Ăn mày đã đặt tình quê hương vào trong con tim mình, thành thứ tình ái, là một loại cảm xúc, là một trạng thái tâm lý, là một tình cảm riêng của mỗi người, là một năng lực thu hút mạnh mẽ, một nhu cầu muốn được ràng buộc, gắn bó nhau. Từ đó, bài thơ “Yêu Em” của Vua Ăn Mày bày tỏ một tình yêu quê hương có đầy đủ ẩn dụ của ngàn vạn bài thơ viết trước, khác chăng là sự nổi bậc tư duy mới, diễn đạt mới, dùng ngôn từ mới không theo thường lệ, để nói về một thứ tình yêu tổ quốc trân trọng hơn, triều mến hơn, thương nhớ hơn và gần gũi hơn mỗi ngày.
Nhà thơ Vua Ăn Mày vốn là một bí mật nhân ảnh từ xưa đến nay. Nhiều bạn ái mộ muốn biết mặt con người sáng tác những bài thơ lãng tử, con người được ví như Hồng Thất Công, nhân vật vua ăn mày trong tiểu thuyét Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung, thế nhưng ước muốn không được thỏa lòng vì Vua Ăn Mày không ẩn danh mà ẩn diện.

Hôm nay, hân hạnh cho Châu Thạch, cùng với bài viết nầy, đã được phép của tác giả, người viết kèm theo đây bức ảnh của nhà thơ Vua Ăn Mày, một tác giả mà người trẻ, người già đều ái mộ, mến yêu. Mong rằng bức ảnh của một chàng trai hiền hòa, trắng trẻo mà làm thơ hay đáo để cũng làm vui lòng các bạn yêu thơ!!!

                                                                                         Châu Thạch

Không có nhận xét nào: