Trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị năm 1958
KÝ ỨC CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG
Thái Mộng Hùng
Giới thiệu tác giả:
Ông Thái Mộng Hùng sinh năm 1928 tại Cam Lộ, Quảng Trị.
+ 1951-1952: Giáo sư trường Trung Học Tư Thục Quảng Trị.
+ 1953-1957: Giáo sư trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị.
+1957-1973: Hiệu trưởng trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị.
+ 1973-1974: Chánh Sự vụ Sở Học chánh Quảng Trị.
Trước năm 1945, dưới thời
Pháp thuộc, tại Quảng Trị cũng như hầu hết các tỉnh khác chưa hề có trường
trung học. Tình trạng này vẫn tiếp diễn cho đến năm 1950. Học sinh sau khi học
xong bậc tiểu học đành phải xếp bút nghiên ở nhà phụ giúp cha mẹ trong công việc
mưu sinh hàng ngày. Chỉ những con em nhà khá giả mới có điều kiện vào Huế tiếp
tục bậc Trung học.
Ban giảng huấn gồm có 3 giáo sư chính là các ông Thái Mộng Hùng, Lê Bích và Lê Văn Quít. Ngoài ra trường có mời thêm mấy vị công chức dạy giờ như các ông Phan Văn Phụ, Lê Đình Ngân, Nguyễn Vọng, Lê Đình Trình. Học sinh gồm có 3 lớp: 2 lớp đệ thất với khoảng 100 học sinh và 1 đệ lục với khoảng trên 30.
Đầu niên khóa 1952 –
1953, do sự vận động của Hội Phụ huynh học sinh và đề nghị của tỉnh, trường
Trung Học Tư Thục Quảng Trị được Bộ Giáo dục công lập hóa thành trường Trung học
Quảng Trị, gồm 5 lớp: 2 lớp đệ thất, 2 lớp đệ lục và 1 đệ ngũ. Chức vụ hiệu trưởng
được giao cho ông Tôn Thất Dương Thanh, Trưởng Ty Tiểu học Vụ Quảng Trị kiêm
nhiệm.
Qua niên khóa 1953 –
1954, ông Tôn Thất Dương Kỳ được bổ nhiệm làm hiệu trưởng thay thế ông Tôn Thất
Dương Thanh. Chính trong niên khóa này, trường được chính thức mang tên là trường
Trung Học Nguyễn Hoàng. Tên này do Hội Đồng Giáo Sư nhà trường đề nghị và được
Bộ Giáo dục công nhận theo nghị định số 95. GD/NĐ ngày 6 – 5 – 1954, đồng thời
với các trường Trung học Đào Duy Từ ở Đồng Hới, Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng, Trần
Quý Cáp ở Hội An, Võ Tánh ở Nha Trang, Duy Tân ở Phan Rang và Phan Bội Châu ở
Phan Thiết. Niên khóa này cũng là niên khóa đầu tiên nhà trường có học sinh dự
thi Trung học đệ nhất cấp. Đặc biệt trong kỳ thi này, thí sinh thi viết ở Quảng
Trị và các thí sinh đậu phần thi viết được cấp vé máy bay khứ hồi để vào Huế
thi vấn đáp (hồi đó còn chiến tranh, đường bộ Quảng Trị - Huế không được an
toàn). Số học sinh trúng tuyển năm đó khoảng trên 20.
Niên khóa 1955 – 1956,
ông Chu Duy Khánh, một giáo sư lão thành, tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm Đông
Dương, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng thay thế ông Tôn Thất Duơng Kỳ xin thuyên
chuyển đi nơi khác. Trong niên khóa này, trường được cấp kinh phí để xây dựng một
ngôi trường lầu gồm 8 phòng học ở khu vực sân vận động thị xã, đối diện với trường
nữ Tiểu học Quảng Trị. Lúc này trường đã có 11 lớp với trên 500 học sinh.
Qua niên khóa 1957 –
1958, ông Thái Mộng Hùng được cử làm hiệu trưởng thay thế ông Chu Duy Khánh về
hưu trí.
Thầy Thái Mộng Hùng
(Hiệu trưởng trường Nguyễn Hoàng 1957-1973)
Niên khóa 1958 – 1959, trường
nữ Tiểu học Quảng Trị nhượng giao trường sở cho trường Nguyễn Hoàng để dọn về
cơ sở cũ của trường Nguyễn Hoàng cạnh bờ sông Thạch Hãn. Nhờ vậy khuôn viên nhà
trường được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển sau này. Cũng
trong niên khóa này, trường được mở 2 lớp đệ tam, nhưng qua niên khóa sau, do
không đủ giáo sư nên số học sinh trên phải chuyển vào Huế để học lớp đệ nhị.
Niên khóa 1959 – 1960,
trường được mở 5 lớp đệ thất và 3 lớp đệ tam, nâng tổng số lớp lên 17. Cũng
trong niên khóa này, bắt đầu có Tổng giám thị do ông Nguyễn Ích Xuân đảm nhiệm.
Niên khóa 1961 – 1962, vì
thiếu giáo sư đệ nhị cấp nên số học sinh đệ nhị sau khi đỗ tú tài 1 phải chuyển
vào Huế để học đệ nhất.
Niên khóa 1963 – 1964,
ông Tống Viết Mẫn, giáo sư trường Nguyễn Tri Phương, Huế được cử làm Tổng Giám
thị thay thế ông Nguyễn Ích Xuân thuyên chuyển vào Đà Nẵng. Ông Lê Vĩnh Kiến,
giáo sư trường Quốc Học Huế được cử làm Giám học.
Niên khóa 1965 – 1966,
ông Vĩnh Quyền, giáo sư trường Quốc Học được cử làm Giám học thay cho ông Lê
Vĩnh Kiến. Ông Hồ Ngọc Thanh, giáo sư trường Trung học Cam Lộ được làm Tổng
Giám thị thay thế ông Tống Viết Mẫn thuyên chuyển về Huế.
Niên khóa 1967 – 1968,
ông Nguyễn Thiện, hiệu trưởng trường Trung học Đông Hà được cử làm Giám học
thay thế ông Vĩnh Quyền được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung học Gia Hội,
Huế.
Qua niên khóa sau, trường
đã có trên 50 lớp nên Bộ Giáo dục cử thêm một phụ tá giám học là ông Đỗ Trinh
Huệ và 1 phụ tá Tổng Giám thị là ông Lê Phán.
Niên khóa 1970 – 1971, Bộ
Giáo dục cho mở trường nữ Trung học Quảng Trị, trường sở đặt tại quận Mai Lĩnh,
nhưng vì chưa có hiệu trưởng nên số lớp nữ trung học này vẫn do trường Nguyễn
Hoàng quản lý. Tổng số lớp lúc bấy giờ đã lên tới 60 lớp với khoảng 3.000 học
sinh và hơn 100 giáo sư cùng nhân viên.
Năm 1972, chiến sự bùng nổ
tại Quảng Trị, trường di tản vào Đà Nẵng, tiếp tục hoạt động tại Trại tạm cư
Non Nước và Hòa Khánh, với hơn 40 lớp.
Niên khóa 1973 – 1974,
ông Hoàng Văn Liệu được cử làm hiệu trưởng thay thế ông Thái Mộng Hùng nhận nhiệm
vụ Chánh sự vụ Sở Học chánh Quảng Trị.
Cũng trong niên khóa ấy,
trường chuyển về khu thị tứ Diên Sanh, Quảng Trị. Năm 1975, trường Nguyễn Hoàng
không còn hiện hữu. Kể từ lúc sơ khai với sự thành lập trường Trung Học Tư Thục
Quảng Trị cho đến lúc bấy giờ, trường đã hoạt động và liên tục phát triển trong
vòng 24 năm. Trong 24 năm – một khoảng thời gian tuy ngắn ngủi – nhưng trường
đã đào tạo được hàng chục ngàn học sinh, trong số đó có nhiều người đã thành
danh ở trong nước và ở hải ngoại.
Trường trung học Nguyễn
Hoàng ngày nay không còn nữa, trường ốc đã sụp đổ từ năm 1972 và tên trường
cũng đã mất từ năm 1975, nhưng những kỷ niệm về ngôi trường thân yêu vẫn còn sống
mãi trong tâm khảm các cựu học sinh tản mác trên mọi miền đất nước cũng như ở
nước ngoài.
Sau năm 1975 tại địa điểm
của trường Nguyễn Hoàng cũ, trường Trung học Triệu Hải đã được xây dựng, nay đổi
tên thành trường Trung Học Thị xã Quảng Trị. Việc phục hồi tên Nguyễn Hoàng cho
ngôi trường này đã vài lần được nêu ra nhưng chưa được nhất trí. Dù muốn hay
không thì cũng có thể xem nó như là hậu thân của trường Trung học Nguyễn Hoàng
vậy.
Thái Mộng Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét