Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện (1941 – 2011)
LÊ
MẠNH THÁT VÀ THÍCH TUỆ SĨ - HAI VỊ THIỀN SƯ
Tôi được may mắn quen biết Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát khi
hai vị này còn rất trẻ và còn dưới hai mươi tuổi. Bây giờ hai vị đã được 45 tuổi
(cả hai đều sinh năm 1943).
Lúc tôi quen biết hai vị thì hai vị hãy còn là những
chú tiểu ở chùa; bây giờ thì hai vị đã trở thành hai vị Thiền sư lỗi lạc của Lịch Sử Việt nam hiện đại.
Tuệ
Sỹ (Ảnh: Hạnh Viên)
Tại sao là “thiền
sư”? Và “thiền sư”: Là thế nào?
Không cần trả lời trực tiếp về những câu hỏi bất thường này. Nơi đây, tôi chỉ
xin nhấn mạnh đôi điều gián tiếp và ai muốn hiểu gì thì cứ hiểu. Không ai có thể
tự nhận đủ thẩm quyền tôn giáo và tâm linh để trả lời dứt khoát những câu hỏi bất
thường trên. Chỉ có những kẻ bỏ cả trọn đời mình lặng lẽ sống chết với cái gọi
là “Bồ Ðề tâm” hay “Phát Bồ Ðề Tâm” thì may ra mới trực nhận
đâu đó khí phách và thần dụng bảng lảng của “nghịch
hành thiền”.
Mấy chữ “thiền
sư” đã bị người ta lạm dụng để tự truy tặng một cách lố bịch hay truy tặng
kẻ khác với nông nổi dễ dãi tự mãn phè phỡn nông cạn, nhất là từ lúc Thiền hay
Zen trở thành cái mốt trí thức đốn mạt. Bất cứ người nào tỏ vẻ “kiêu ngạo khác thường” một chút là có
những hành động cử chỉ “ngược đời trái đạo”
một chút thì tự gán hay bị gán là “thiền
sư’.
Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ không bao giờ tự nhận lời “thiền sư” và cũng không bao giờ nghĩ
mình là cái gì cả trên mặt đất này. Hai người này chỉ là những kẻ lễ độ khiêm tốn
một cách tự nhiên và không bao giờ biết giả vờ “hạ mình” với ý đồ kín đáo chà đạp
lên trên kẻ khác.
Lê
Mạnh Thát (Ảnh: Vũ cung cấp)
Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này
qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau, thì mới may ra cảm nhận đôi
chút tác phong thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên và một cách “vô công dụng hạnh” từ đời sống thường
nhật và tinh thần “diệu nhập” của hai
vị. Tôi xin gọi hai vị này là “thiền sư”
với tất cả đắn đo thận trọng và với tất cả ý nghĩa cao đẹp và “như thực” của một
danh xưng “xung thiên chí”…
Giữa dòng thác lũ ào ạt và địa chấn thường trực của
sinh mệnh, thế mệnh, và tính mệnh của quê hương, một sớm hôm nào đó, tôi đã được
xô đẩy lặn hụp với Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát; tất cả ba anh em chúng tôi đều xuất
thân từ Viện Phật Học miền Trung mà vị cha già của chúng tôi là Hòa Thượng Trí Thủ
Ðối với tôi, từ lúc nào cho đến lúc nào thì Tuệ Sỹ và
Lê Mạnh Thát cũng như và hơn cả “những đứa
em ruột thịt” (mang vị thế “đàn anh”
thì chỉ thực sự là “anh” khi mình có
đủ sức mạnh và sở kiến xô đẩy cho những đứa em vượt xa hơn mình, và sự thực hiện
nay là Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đã vượt xa hẳn tôi đến nghìn trùng biên tế trong
việc cưu mang trọn vẹn Tính Mệnh Việt Nam...)
Cả ba anh em đều lớn lên, trưởng thành và làm việc với
Viện Ðại Học Vạn Hạnh mà chúng tôi coi như mái nhà gia đình trong cả nghĩa đen
lẫn nghĩa trắng; chúng tôi đều là thành phần chính yếu nhất của Ban Biên Tập Tạp
chí Tư Tưởng do tôi chủ trương thành lập, cùng với Ngô Trọng Anh, Tuệ Sỹ, Trí Hải
(Phùng Khánh), Chân Hạnh, Lê Mạnh Thát.
Tất cả ý thức dẫn đạo cho cả Viện Ðại Học Vạn Hạnh là
do chính tất cả anh em chúng tôi quyết định (vị Viện Trưởng đương thời chỉ có
thế lực về mặt hành chánh quản trị đại học, còn tất cả đường hướng tư tưởng triết
lý dẫn đạo đều do chúng tôi khai thông và thể hiện trong những năm từ 1966 đến
1970, sau đó, tôi xa lìa Việt Nam cho đến nay và tôi không còn biết rõ tinh thần
Vạn Hạnh như thế nào từ 1970 cho đến khi bị Cộng sản đóng cửa vào khoảng sau
năm 1975.
Thực sự từ những năm 1966 cho đến 1970, Lê Mạnh Thát
đang còn du học tại Hoa Kỳ, học ban tiến sĩ tại Viện Ðại Học Wisconsin,
Madison, hình như mãi đến năm 1973 mới về Ðại Học Vạn Hạnh nhưng chúng tôi vẫn
liên lạc với nhau thường xuyên, nhất là qua bài vở của tạp chí Tư Tưởng.
Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sinh năm 1943 (Thát sinh
quán tại Quảng Trị và Tuệ Sỹ thì nguyên quán tại Quảng Bình và ra đời ở Paksé tại
Lào). Tên thực của Tuệ Sỹ là Phạm Văn Thương và pháp hiệu Tuệ Sỹ do chính mình
tự đặt ra, có lẽ vì muốn theo gương của vị Ðại Thiền sư đời Trần Tuệ Trung Thượng
Sỹ? Cũng như Lê Mạnh Thát đã tự đặt pháp hiệu là Trí Siêu để gợi lại tên tuổi của
hai vị Trưởng lão Thiền sư có tài và có đức nhất thời hiện đại?
Tuệ Sỹ và Trí Siêu đều tu ở chùa từ lúc rất bé nhỏ; cả
hai đều rất giỏi chữ Hán, và rành chữ Pháp, chữ Anh, đọc hiểu chữ Ðức, đọc được
chữ Pali và chữ Phạn (Lê Mạnh Thát cũng
biết đôi chút chữ Tây Tạng); cả hai đều có kiến thức uyên bác về những kinh
luận chính yếu của Phật giáo Nguyên Thủy và Ðại Thừa.
Ít có nhà Phật học nào ở Việt nam có thể am hiểu tường
tận về tư tưởng Vasubandhu và cả tư tưởng Asanga cho bằng Lê Mạnh Thát; cũng
như có ít người hiểu được tư tưởng Abhidharma (hệ thống phức tạp nhất của Phật giáo Nguyên Thủy) và tư tưởng
Nagarjuna một cách sâu sắc cho bằng Tuệ Sỹ.
Chẳng những thế, Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ đều có kiến thức
sâu rộng về Triết học Tây Phương (Tuệ Sỹ đọc rất kỹ Heiderrer và Michel
Foucault; bài diễn thuyết đầu tiên về Michel Foucault tại Việt Nam dạo đó là do
Tuệ Sỹ thuyết trình tại giảng đường Ðại Học Vạn Hạnh; còn Lê Mạnh Thát rất
thông thạo về Marxism, đọc cặn kẽ bộ Recherches logiques của Husserl, hiểu biết
rành rọt Wittgenstein và Bertrand Russell và Merleau-Ponty).
Tuệ Sỹ thì có tâm hồn thi sĩ chơi vơi, sống trọn vẹn
trong thế giới nghệ thuật và thi ca, thổi sáo, chơi dương cầm, làm thơ, say mê
thi sĩ Ðức Hoelderlin, đọc hết toàn tập đường thi ngay nguyên tác, viết một tác
phẩm sâu sắc thơ mộng nhan đề “Tô Ðông
Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng”; còn Lê Mạnh Thát thì không biết làm thơ
và chẳng hề để ý đến nghiên cứu văn chương nghệ thuật, mà chỉ say mê luận lý học,
khoa học và toán học, nghiên cứu sâu rộng về kinh tế, chính trị, và quân sự nhất
là lịch sử thế giới, đặc biệt nhất là lịch sử những cuộc cách mạng ở thế giới
(trong thư viện của tôi ngày xưa tặng cho Phật Học Viện Nha Trang có bộ sách
Révolution Russe của Trotski).
Hồi đó vào khoảng năm 1962 hay 1963, tôi thấy Lê Mạnh
Thát thường mượn đi mượn lại bộ sách ấy. Lê Mạmh Thát rất nặng tính thực nghiệm
duy lý khoa học. Tôi còn nhớ vào năm 1968, nhân dịp được US State Department mời
qua thăm viếng một số trường đại học Hoa Kỳ, tôi có dịp gặp Lê Mạnh Thát tại
Wisconsin và không ngờ đó là lần cuối cùng và mãi đến bây giờ là 20 năm rồi mà
chúng tôi vẫn chưa gặp nhau lại; đêm cuối cùng ấy, chúng tôi đã thức suốt đêm
nói chuyện, và Thát đã làm tôi tức cười một cách khó quên khi Thát đề nghị xử dụng
computer để hệ thống hóa tư tưởng bao la của Bát Nhã Ba La Mật. Còn nói riêng về
mặt lịch sử Phật giáo bộ Chân Nguyên toàn tập (2 cuốn) và bộ Sơ thảo Lịch Sử Phật
giáo Việt Nam (mới in được 2 cuốn) của Lê Mạnh Thát là những sử liệu quý báu nhất
chưa từng thấy xuất hiện tại Việt Nam từ cả thế kỷ nay.
Chính Thát là người đầu tiên đã phát hiện ra “Sáu Bức Thư” quan trọng ở thế kỷ thứ V ở
Việt Nam giữa Ðạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu. Trong Nghiên Cứu Lịch Sử năm 1981 ở
Việt Nam. Trần Văn Giầu đã trích dẫn tài liệu của Lê Mạnh Thát về “bằng chứng
sáng tỏ của một số sinh hoạt văn hóa của nhân dân Giao Châu hồi thế kỷ thứ V… rằng
sinh hoạt văn hóa đó đã phát triển đến một trình độ đáng tự hào, mang nhiều đặc
sắc dân tộc, yêu nước. “cả một kho tàng chờ đợi chúng ta khai thác.”
Từ lúc hãy còn rất nhỏ cho tới lớn khôn trưởng thành,
Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sống một đời tu hành khắc khổ và trong sạch hoàn
toàn, không bao giờ ham mê danh vọng thế tục, không bao giờ để ý đến địa vị xã
hội và chẳng bao giờ biết đến tiền bạc lợi lộc cho chính bản thân.
Trong lòng nhị vị vẫn thường trực hừng hực thệ nguyện
vô biên đến Giác ngộ vì lợi cho tất cả và giải thoát cho tất cả, mà bước đi
hùng dũng đã dược thể hiện oanh liệt nhất hiện nay là dâng hiến cả sinh mệnh
mình để giải phóng quê hương thoát khỏi cái chủ nghĩa ngu xuẩn nhất, tàn bạo nhất
và vô minh nhất của thế kỷ XX.
Chúng ta chỉ đủ sức nhìn thấy được những Thiền sư đúng
nghĩa mỗi khi nào chúng ta có đủ sức mạnh tâm linh để tự quên mình, cũng như Ðại
sư Ðạo Cao đã dạy thống thiết trong sách “Sáu
Bức Thư ở thế kỷ thứ V” mà Lê Mạnh Thát đã phát hiện cho toàn dân tộc:
“Nếu
quên mình mà hết lòng thành thì tất có cảm và có cảm thì tất có thấy: không cảm
thì không thấy. Thánh nhân đâu phải không thường ở với quần sinh, đâu phải là
ta không thường thấy”.
Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ đã quên mình mà hết lòng thành
thì tất nhiên nhị vị cảm được tất cả những đổ vỡ bi đát của quê hương và kiếp
người: Hai người đã được hết tất cả tính mệnh của Việt Nam thì tất nhiên nhìn
thấy được những gì vẫn giữ lại Việt tính, và họ đã lên đường trở thành những Ðạo
sư dẫn đường cho cả dân tộc.
Phạm Công Thiện
California,18.10.1988
Nguồn:
https://nguoitinhhuvo.wordpress.com/2017/10/22/le-manh-that-va-thich-tue-sy-hai-vi-thien-su-pham-cong-thien/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét