GIỚI THIỆU GIAI PHẨM “HOA BIỂN”
(Ấn phẩm tháng 4 của Chi hội VHNT La Gi)
Chi hội Văn học nghệ thuật La Gi vừa ra mắt giai phẩm
HOA BIỂN chào mừng thị xã La Gi tròn 15 năm thành lập (2005-2020). Giai phẩm
Hoa Biển tập trung vào các đề mục chính: Đối
thoại, Biên khảo, Đất và người La Gi, Năm tháng và ký ức, Thơ, Văn xuôi, Ẩm thực,
Nhiếp ảnh nghệ thuật…
La Gi là vùng đất giàu tiềm năng, có sông suối, núi rừng
nên thơ đẹp như tranh… Nhắc đến La Gi là nhắc đến biển. Biển La Gi, thường xanh
biếc, hoà với màu trời cũng trong veo. Trong cái màu xanh biếc ấy, người ta thấy
hiện lên những quầng sáng lấp lánh, lấp lánh… và có người gọi đó là Hoa Biển.
Hoa Biển làm cho người La Gi nhớ. Hoa Biển làm cho người La Gi say. Chính vì vậy,
lấy Hoa Biển đặt tên cho giai phẩm cũng nhằm mục đích làm cho La Gi được biết đến
nhiều hơn, cũng như hàm chứa mục đích: các bài viết trong giai phẩm tập trung về
La Gi, quê hương La Gi, đất và người La Gi.
Phần thơ và văn xuôi, tập trung phần lớn những cây bút
của xứ biển như : Trần Kim Trung, Ngô Văn Tuấn,Thái Anh, Minh Trinh, Ái Liên,
La Thuỵ, Nguyễn Huỳnh Sa, Lương Bút… Riêng về truyện ngắn có tác phẩm “Phát Lộc” khá đặc sắc của tác giả quá cố:
Trần Vũ Minh. Phần ẩm thực, một nét khó quên của đất và người La Gi, lâu nay ít
được khai thác, lần này trong Hoa Biển, hiện lên một cách chi tiết và những con
đường, góc phố bán hàng đêm… đầy ấn tượng với người vì lý do nào đó ở xa La Gi.
Cũng trong giai phẩm này, nhà văn Nguyễn Hiệp gởi đến bạn đọc bài viết chân tình về “Người con ưu tú của La Gi - bác sĩ Đỗ
Hồng Ngọc”. Trong “Thư Sài Gòn”
là câu chuyện, một dòng hồi ức của người ở xa gởi người La Gi, khi nhắc lại bao
kỷ niệm đẹp cùng với câu hỏi: bạn còn nhớ hay đã quên?
Với 116 trang sách kể cả bìa, bài viết về La Gi khá tập
trung. Những gì yêu thương của La Gi từ trước đến nay đã hiện lên trên những
trang sách giai phẩm “Hoa Biển”. Đọc
nó, người đọc cảm nhận về La Gi từ xưa cũ đến hiện đại. Đọc nó, người ta bắt gặp
cái hồn muôn thuở của La Gi tràn về, lên tiếng gọi, cũng như bảo với chúng ta rằng:
hãy tiếp tục nâng niu giữ gìn những gì đã có, đang có!
Thật vậy, khó mà không liên tưởng, không nhớ thương
khi đọc đến: “Lagi chốn xưa” của nhà
thơ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bài ký “Đường về
Bình Tuy - nhạc Trúc Phương” của nhà báo Trần Hữu Ngư. Trang nhiếp ảnh La
Gi đầy ấn tượng với Đập Đá Dựng của những năm 60 thế kỷ 20; một Cua Ly Ly trong ánh sáng mộng ảo của ảnh Đức Thế. Và nữa, người ta cũng bắt gặp
những “góc ẩm thực khuya của La Gi”
mà tín đồ ẩm thực thường lui tới. Với “lá
thư phương xa” cho ta thấy dấu ấn Lagi trong dòng hồi ức khi nhắc về kỷ niệm
đẹp không thể nào quên.
Có thể nói, Hoa Biển ra mắt lần này về phần nội dung,
đang dần hướng tới tính chuyên nghiệp. Nó đầy chất địa phương nhưng không hề là
sản phẩm địa phương!
Giai phẩm Hoa biển do nhà thơ Đỗ Thị Ái Liên chủ biên.
Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép. Sách ra mắt bạn đọc vào Chủ Nhật, 31 tháng
5- năm 2020, tại La Gi. Giá bán 150 ngàn đồng/ cuốn. Bạn đọc ở xa có thể đặt
mua qua cô Ái Liên (số 18 –Thống Nhất- P. Phước Hội- Thị xã Lagi – ĐT: 0824373840).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét