Tác
giả bài viết Nguyễn Thị Thu Sương
HỌC
TRÒ TRƯỜNG HUYỆN ĐI THI ĐẠI HỌC
Bây giờ học sinh không còn phải cực khổ thi đại
học, căn cứ kết quả thi tốt nghiệp và nguyện vọng vào các trường
đại học, các trường đại học có cơ sở để xét tuyển vào trường.
Cách thức xét tuyển vào các trường đại học cũng là một bước tiến
dài của việc giáo dục Việt Nam, cũng là trào lưu của thế giới. Tôi
chưa xét đến những “vấn đề" nằm phía sau của cuộc xét tuyển
này của chúng ta.
Nhớ cách đây hơn mười ba năm, con gái lớn tôi đi
thi đại học. Tôi phải dậy thật sớm chuẩn bị bữa sáng, nấu hủ tiếu
cho con ăn. Hôm trước đi chợ mua xương heo hầm để có sẵn nước dùng cho
ngày hôm sau nấu hủ tiếu. Ngày trước đó, ba nó đi xe máy đến địa
điểm thi xem tình hình, để nghiên cứu đường đi như thế nào cho thuận
lợi. Ngày thi, cha chở con đến địa điểm thi, trưa canh đón con gái về
ăn uống, nghỉ ngơi một chút rồi chở đến trường thi tiếp. Đó là thí
sinh có gia đình ở Sài Gòn, được cha mẹ chăm sóc chu đáo đến trường
thi, nhìn các con em ở tỉnh đi thi mới thấy thương và tội nghiệp làm
sao!
Tôi dậy thật sớm để đi được chuyến xe lam đầu
tiên chạy hồi bốn giờ sáng về Lagi. Đến bến xe, tôi sắp vào hàng ưu
tiên học sinh đi thi đại học. Hồi đó, ai khi đi khỏi tỉnh, phải có
giấy phép đi đường. Tôi phải về trường trung học Phổ thông cấp III Hàm
Tân xin giấy phép đi đường với lý do: đi thi đại học, thời hạn cho
phép: đi trong một tuần. Còn những người dân khác phải sắp hàng mua
vé rất mệt mỏi, có khi hai hoặc ba ngày chưa mua được vé xe. Sau khi
có vé, chúng tôi leo lên một chiếc xe than. Xe than là chiếc xe chạy
xăng hay dầu trước đây, giờ cải tiến qua chạy bằng than. Xăng dầu rất
hiếm sau 30/4/1975. Than củi được người dân Động Đền vào rừng cặt cây,
làm lò than, cung cấp cho Lagi sử dụng nấu bếp và chạy xe.
Xe
đò chạy bằng than ở Hàm Tân (Bình Thuận) sau 30/4/1975
Leo lên chiếc xe than, nếu hên được ngồi vào
phía trong, còn xui ngồi phía ngoài gần bình than, nóng hầm hập,
thỉnh thoảng than nổ lốp bốp có khi cháy lủng áo hay quần không
chừng. Trên xe tài xế chất đầy các giỏ cá tươi và cá khô, nước cá
chảy xuống đầu và người đi xe. Xe từ Lagi vào Sài gòn đa số chở cá
tươi, mực khô và cá khô. Chủ trương “tự cung và tự cấp” của nhà
nước: yêu cầu dân ở đâu sản xuất ra sản phẩm gì thì tự cung cấp và
tiêu thụ với sản phẩm ấy. Bình Tuy là ngư trường lớn về đánh bắt
cá của cả nước. Ở đây, ngư dân đánh bắt rất nhiều cá và mực. Chắc
chắn không thể nào tiêu thụ hết các hải sản đó, người ta phải bán
ra tỉnh ngoài mới có tiền mua xăng dầu và ngư cụ để đưa thuyền đánh
cá ra khơi tiếp. Nông nghiệp không phải là thế mạnh của Bình Tuy, đất
đai nơi đây không tốt lắm, đất pha cát, chỉ trồng được khoai, sắn và
hoa màu. Bình Tuy phải mua gạo các nơi khác mới đủ cung cấp lương
thực cho dân. Với chính sách này, dân không có gạo ăn, phải ăn cá bù
gạo! Cấm đưa cá và hải sản vào Sài Gòn, cấm mua gạo từ Sài Gòn
ra!
Xe than đi Sài Gòn, dù có lệnh cấm chở cá và
hải sản vào Sài Gòn, nhưng những người đi buôn chuyến vẫn liều lĩnh
mang đi. Họ phải liều thôi, vì cuộc sống mưu sinh cơm áo cho con cái ở
nhà, làm nông không đủ sống, không có đủ cơm gạo để ăn.
Người phụ nữ tay yếu chân mềm, không lao động
nặng được, đi buôn chuyến kiếm thêm thu nhập cho chồng con. Hôm nào
được tài xế tử tế dấu các giỏ hàng trong xa và khó tìm qua được
thuế vụ và trạm gác thì hôm đó có lời, còn hôm nào xui xẻo bị
thuế vụ lôi ra hết, coi như mất vốn. Các chị và các mẹ dấu mực khô,
buộc trong người từ chân lên bụng, như người có bầu to, qua được mắt
thuế vụ là ổn. Sau này, tụi thuế vụ nó biết chiêu này, đưa vào
trạm gác kiểm soát, bắt phải vén quần và vén bụng lên, xem như
trắng tay. Từ Lagi, phải qua trạm gác Láng Gòn, sau đó trạm gác 4/6.
Có rất nhiều giỏ cá phải sạt xuống trạm, nước mắt ngắn, nước mắt
dài năn nỉ khóc lóc của các chị em phụ nữ xin thuế vụ cho qua. Nhưng
sắc mặt chúng không thay đổi, vẫn lạnh lùng từ chối, hầu như bọn
này ít mủi lòng lắm!
Xe chạy tiếp trên quốc lộ 1, qua các trạm kiểm
soát căn cứ 3, căn cứ 4, căn cứ 5 và các trạm kiểm tra đột xuất dọc
đường. Mặc dù, có ăn cánh với tài xế qua các trạm gửi gắm, nhưng
vẫn có tình trạng thay đổi người đột xuất. Trạm nào thuế vụ cũng
bắt hàng vài ba người, nhiều người trên xe mặt mày lo lâu và khóc
sưng đỏ mắt. Ai lọt qua được cũng không lấy gì làm vui mừng khi bạn
hàng chung quanh mình mất hàng như thế. Việc kiếm sống và tồn tại
không dễ dàng một chút nào, nhiều khi phải đánh đổi nhiều thứ. Có
câu hồi đó người ta hay nói:
“Ngày
xưa, gái đậu cành mai,
Ngày
nay gái đậu trên vai bác tài”
Ai đi buôn chuyến đường dài, cũng thấy thấm
thía câu nói này!
Khoảng gần bốn giờ chiều, xe chạy vào Sài
gòn, coi như mất gần cả ngày. Tôi và hai người bạn về nhà bạn quen cho
ở nhờ ở đường Nguyễn Trãi quận 5. Tôi mang theo một nồi cá kho và
ít gạo ăn trong vòng hai ngày đi thi. Sau khi tắm rửa cho sạch mùi tanh
cá, chúng tôi ăn uống và nghỉ ngơi. Tối đó, chúng tôi rủ nhau đi ăn
chè đậu đỏ, cầu nguyện hôm sau thi làm bài tốt.
Sáng hôm đi thi, tôi dậy thật sớm đi xe buýt lên
chợ Bến Thành, từ đây bắt chuyến xe đi tiếp đến chợ Tân Định, vào
trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn thi. Buổi sáng thi môn Toán, tôi làm
bài cũng tạm ổn, có được tinh thần để chiều thi tiếp môn Lý. Hết
giờ làm bài, các thí sinh túa ra sân trường như ong vỡ tổ, có bạn
làm bài được, gặp người nhà đến đón, nói cười vui vẻ. Có bạn không
làm được như ý, không thèm trả lời người nhà, mặt buồn và mắt rưng
lệ.
Tôi bước ra khỏi trường, tìm xem phải ăn trưa
bằng kiểu gì đây. Vào quán ăn, tôi không dám, vì sợ không đủ tiền về
xe. Tôi nhìn quanh, thấy có bác bán bắp nấu, tôi mua mấy trái ăn tạm
cho qua bữa trưa. Ăn xong, kiếm một vỉa hè gần đó, ngồi xuống nghỉ
ngơi, lấy sức chiều vào thi tiếp. Chiều thi môn Lý, đề lý thuyết ra Tế bào quang điện, phần này tôi
nắm bài rất chắc. Phần toán Lý làm cũng tạm được. Thi xong Lý, tôi
thấy tăng thêm tin tưởng và hy vọng. Sau khi thi xong, tôi lên xe buýt và
trở về nhà bạn. Tối hôm đó, chúng tôi tiếp tục đi ăn chè đậu và
cầu nguyện thi tốt môn Hóa cuối cùng.
Sáng hôm sau, thi môn Hóa, tôi làm bài cũng tạm
ổn, nói chung về môn này, cũng không gây khó khăn gì lắm cho các học
sinh ban Toán, chúng tôi chỉ cần chăm chỉ học bài và nắm vững các
cân bằng phản ứng hóa học là có thể vượt qua.
Học sinh những năm sau 1975, sách phải mượn của
trường, sau khi thi xong tốt nghiệp, chúng tôi phải trả lại trường.
Chúng tôi phải ghi chép bài lại để học. Tôi cũng may mắn được một
người đàn anh học Nguyễn Hoàng cho mượn bộ sách Toán Lý Hóa của ban
Toán để ôn thi. Với một tháng ôn thi, tôi phải tranh thủ thời gian để
làm các bài tập, tập giải các dạng Toán, Lý và Hóa. Tôi miệt mài
từ sáng sớm cho đến đêm khuya, chạy đua cho kịp với thời gian.
Học thi vất vả, nhưng thời đó, chỉ có khoai
bắp và cá là thức ăn chính, gạo thì hiếm hoi. Cả nhà chỉ nấu cháo
một lon gạo với ba bốn ký cá là chuyện bình thường. Nhờ cá và
khoai sắn mà người dân Động Đền bước qua được những năm tháng khốn
khổ.
Sau khi thi xong, về nhà ngồi chờ kết quả. Thời
gian chờ đợi sao mà dài thế! Mẹ tôi lo lắng, không biết tôi có kết
quả tốt không, biết đâu học tài thi phận. Tôi an ủi và trấn an mẹ:
“con làm bài cũng được, hy vọng đậu”. Nói thế thôi, chứ tôi cũng lo
không biết thế nào. Cảnh nhà ngày càng khó khăn hơn, còn bốn đứa em
đang học trung học, hai năm nữa cũng có hai đứa thi vào đại học. Lương
giáo viên và tiêu chuẩn lương thực của mẹ ít ỏi, ba tôi không được
tiếp tục dạy học vì vướng vào quân nhân biệt phái, lao động nông
nghiệp không quen, năng suất không cao. Tài sản gia đình bán dần ăn
cũng gần cạn. Gánh nặng cơm áo đè nặng trên đôi vai gầy của mẹ, tôi
thấy thương mẹ quá! Mẹ tôi bàn bạc với tôi: "hay con nộp đơn đi
dạy cấp 1”. Tôi hứa với mẹ, hết tháng mà không có kết quả, tôi sẽ
nộp đơn xin đi dạy học cấp 1.
May thay, cuối tháng tôi có giấy báo của trường
Đại học Kinh Tế TPHCM gọi nhập học. Kết thúc những ngày chờ đợi
trong lo âu, tôi đã có hướng đi tốt trong cuộc đời, giảm bớt gánh
nặng cơm áo cho gia đình.
Nguyễn Thị Thu Sương
27/6/2020
2 nhận xét:
Chính sách ngăn sông cấm chợ làm cho toàn dân thiếu đói của ông Lê Duẩn và ông Đỗ Mười vừa ngu xuẩn vừa độc ác. Vậy mà các loại cán bộ từ thuế vu, quản lý thị trường, từ dân phòng xã phường đến công an kinh tế đều nhiệt tình bắt giữ, tịch thu hàng hóa làm cho nước mắt dân nghèo chảy như sông như suối. Bao nhiêu phận người đau khổ. Vậy mà khi tổ chức đại hôi các cấp thì đua nhau vổ tay đạt và vượt chỉ tiêu. Rồi nổ, một tấc tới trời, 15 năm nữa kinh tế VN vượt qua Pháp, 20 năm nữa vượt qua Nhật. May chưa ai nói vượt qua Mỹ :D
người LAGI Hàm Tân phải nhớ tới cái Trạm Lán Gòn và tội ác của họ?
Tác giả đã nhắc lại rất chính xác một thời khó quên, thks
Đăng nhận xét