BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

RỪNG CÂY GỖ GIÁ TỴ (CÂY GỖ TẾCH) TRẦN LỆ XUÂN Ở ĐỊNH QUÁN, ĐỒNG NAI

Với diện tích gần 150ha trải dài trên địa bàn 2 huyện Tân Phú và Định Quán, rừng cây giá tỵ (cây gỗ tếch) trên đất Đồng Nai được trồng từ thập niên 1950s. Đây là rừng cây gỗ tếch cổ thụ (rừng cây giá tỵ) trồng lâu năm và lớn nhất cả nước hiện nay.

                                  Rừng cây giá tỵ mùa thay lá. Ảnh: Ban Mai


RỪNG CÂY GỖ GIÁ TỴ (CÂY GỖ TẾCH) TRẦN LỆ XUÂN Ở ĐỊNH QUÁN, ĐỒNG NAI

Cây giá tỵ có tên khoa học là Teektonafrandick, thường được gọi là gỗ tếch. Cây có nguồn gốc từ Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, sau đó phát triển ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Đồng Nai, cây giá tỵ được trồng lần đầu là những năm 50 của thế kỷ trước trên vùng đất Tân Phú, Định Quán. Hiện tại, ngoài các lâm trường, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, nhiều hộ dân cũng trồng cây giá tỵ nhằm mục đích lấy gỗ bán. Ngoài giá trị về mặt kinh tế, việc phát triển loại cây này còn có ý nghĩa lớn đối với bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Điểm đặc biệt của rừng giá tỵ (cây gỗ tếch) ở Đồng Nai là có quốc lộ 20 băng ngang, có 2 thị trấn án ngữ 2 đầu, vì thế, nhiều người qua đây có cảm nhận khu rừng vừa xưa cũ vừa hiện đại.

Tháng 5, tháng 6 là mùa giá tỵ đơm bông. Những bông giá tỵ vàng ươm, thơm mát xen lẫn màu xanh lá mạ của chồi non; tiếng kêu của ve sầu xen lẫn tiếng chim gọi bầy vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đa âm sắc...

LOÀI CÂY CÓ GIÁ TRỊ

Tài liệu lịch sử ghi lại, rừng giá tỵ ở vùng Tân Phú, Định Quán do bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu, em trai Tổng thống Ngô Đình Diệm cho triển khai trồng từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước với mục đích lấy gỗ làm báng súng và tạo rừng cây tự nhiên trên vùng đất đá sỏi.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, nhiều người dân ở các tỉnh và TP. Biên Hòa về đây định cư, khai hoang đất trồng trọt và chăn nuôi nên diện tích rừng giá tỵ giảm đáng kể.

Nhiều năm trước, Đồng Nai có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ hệ đa dạng sinh học, trong đó có rừng cây giá tỵ nằm trong hệ thống rừng phòng hộ Tân Phú nên rừng cây này ngày càng sinh sôi, phát triển nhiều tầng tán.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải, người từng dành thời gian tìm hiểu và viết nên những áng văn về rừng giá tỵ cho rằng, cảm nhận đầu tiên của ông khi đến với rừng giá tỵ là đan xen những nét vừa xưa vừa nay, vừa cũ vừa hiện đại.

Nét xưa ở đây là yếu tố lịch sử, là những cây cổ thụ hàng nửa thế kỷ vẫn hiên ngang sừng sững giữa trời, che chắn và bảo vệ cho lớp cây non đang vươn mình lớn dần. Còn hiện đại ở chỗ, tuy là rừng nhưng có đường quốc lộ băng ngang, việc đi lại vô cùng tiện lợi.

Hằng ngày, xe cộ đi lại nườm nượp dưới tán cây rừng, người ta trồng cây ăn quả, làm vườn ngay sau cánh rừng. Ông gọi là “rừng trong phố, phố xen rừng”.

Về giá trị, theo tài liệu ghi lại, thân cây giá tỵ khô màu vàng sẫm, có mùi thơm mát nên thường được dùng đóng bàn ghế, giường tủ. Đặc biệt hơn, gỗ giá tỵ chắc và nhẹ, không bị mối mọt và lâu mục nát nên thường được ưu tiên dùng đóng tàu biển và làm báng súng trong các đơn vị quân đội.

 Ngoài ra, lá cây giá tỵ cũng được tận dụng để làm phân bón hữu cơ. Thông thường, khoảng tháng 1-4 dương lịch là giá tỵ rụng lá, mỗi ngày có từ vài chục đến hàng trăm người dân ở Tân Phú, Định Quán vào rừng nhặt lá giá tỵ thuê kiếm tiền.

Chị Ngô Thị Hiếu (xã Phú Vinh, huyện Định Quán) chia sẻ:

“Trước đây, vào mùa lá rụng, chúng tôi vào rừng nhặt lá khô bán cho các cơ sở thu mua. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, có đơn vị thầu mua lá khô nguyên cả rừng nên chúng tôi nhặt thuê cho họ...”.

“Trung bình mỗi ký lá khô được trả công từ 1,5-2 ngàn đồng. Người nhặt chăm cũng kiếm được 200 ngàn đồng mỗi ngày. Số tiền tuy không nhiều nhưng là nguồn thu đáng kể lúc nông nhàn. Hơn nữa, việc nhặt lá giá tỵ cũng được các ngành chức năng cho phép nhằm hạn chế tình trạng cháy rừng vào mùa khô”, chị Ngô Thị Hiếu cho biết thêm.

TRỒNG CÂY GÂY RỪNG

Nhiều người từng đi trên quốc lộ 20 đoạn giao thoa giữa TT. Định Quán (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) với TT.Tân Phú (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đều phải trầm trồ bởi đoạn đường thẳng tắp được bao bọc hai bên là những cây giá tỵ cao sừng sững đến 30-40m.

Mùa khô, rừng giá tỵ rụng lá để trơ những cành cây khẳng khiu vươn cao giữa trời, ngoài những người đi nhặt lá, nhiều đoàn học sinh, sinh viên, thậm chí cả đoàn làm phim đến đây tham quan, ghi lại những bức hình ấn tượng. Mùa mưa đến, rừng cây giá tỵ cho lá sum suê, những chùm hoa vàng thơm dịu lại cảm giác yên bình và mát mẻ.

Những năm gần đây, đáp ứng chủ trương trồng cây, gây rừng, hàng chục ha cây giá tỵ được trồng mới bên kia sông La Ngà thuộc địa phận các xã Thanh Sơn, Ngọc Định, H. Định Quán.

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình có nhiều đất ở vùng Tân Phú, Định Quán cũng bắt tay chuyển đổi diện tích cây ăn quả kém hiệu quả sang trồng giá tỵ lấy gỗ. Đồng Nai trở thành “thủ phủ” cây giá tỵ lớn nhất cả nước.

Anh Văn Như Sương (xã Phú Vinh, H. Định Quán), một hộ dân tiên phong chuyển đổi hơn 2ha điều già cỗi sang trồng cây giá tỵ được 3 năm nay cho biết: “Tôi trồng cây giá tỵ bằng phương pháp gieo hạt nhặt ở trong rừng. Cây lớn nhanh, khỏe mạnh, không tốn nhiều công chăm sóc. Tôi trồng vườn giá tỵ của mình tiếp giáp với rừng giá tỵ của lâm trường, vừa góp phần gây rừng vừa hy vọng có thêm nguồn thu” - anh Sương nói.

Anh Sương cũng cho biết, dự định mùa mưa năm nay anh sẽ xuống giống thêm khoảng 1ha giá tỵ nữa. Anh trồng xen canh các loại cây như: thơm, chuối để lấy ngắn nuôi dài.

Theo anh Sương, mỗi cây giá tỵ 10 năm tuổi có giá khoảng 3 triệu đồng, nhưng nếu để 15 năm sẽ có giá gấp 3 lần và đủ 20 năm tuổi, cây được bán với giá khoảng 1,5 ngàn USD/cây hoặc 20 triệu đồng/m3 gỗ. Hiện các nguồn thu mua cây giá tỵ để bán cho cơ sở sản xuất đồ gỗ xuất khẩu là chủ yếu.

Việc giữ gìn và phát triển rừng cây giá tỵ ngoài ý nghĩa về kinh tế, môi trường còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cho địa phương.

Anh Văn Như Sương (xã Phú Vinh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) tỉa cành cho vườn cây giá tỵ 3 năm tuổi.

Đánh giá về tiềm năng khai thác du lịch ở rừng giá tỵ trên đất Đồng Nai, ông Nguyễn Nho Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Meerkat Travel (H. Định Quán) cho rằng, rừng giá tỵ hiện nay như một rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú, thích hợp với du lịch dã ngoại, cắm trại. Ngoài ra, ở rừng giá tỵ cũng có nhiều hang dơi, một điểm đến thú vị cho du khách trong và ngoài nước.

“Thực tế hiện nay có nhiều đoàn học sinh, sinh viên, du khách nước ngoài đến đây tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu về rừng. Chúng tôi hoàn toàn có thể thiết kế tour du lịch rừng núi với các điểm dừng chân là Vườn quốc gia Cát Tiên, Thác Mai - Bàu Nước Nóng, Khu du lịch Suối Mơ, di tích Đá Ba Chồng và rừng giá tỵ. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, các huyện miền núi cần có thêm dịch vụ lưu trú, ẩm thực trong cộng đồng”.

Nguồn:
https://danviet.vn/bat-ngo-o-dong-nai-lai-co-rung-go-tech-co-thu-lon-nhat-ca-nuoc-lien-quan-den-ba-tran-le-xuan-20200610010018334.htm

Không có nhận xét nào: