Học giả Đỗ Chiêu Đức
TẠP GHI VÀ PHIẾM LUẬN “HƯƠNG TRONG TRUYỆN KIỀU”
Đỗ Chiêu Đức
HƯƠNG 鄉
là Làng Quê, là Quê Hương, HƯƠNG 香
là Mùi Thơm, là Hương Thơm, HƯƠNG 香
là Nhang, là Hương Khói, Hương lửa... Ta sẽ lần lượt điểm qua về các nghĩa của
chữ HƯƠNG nầy trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du nhé !...
Trước tiên, HƯƠNG là Quê Hương, là "chùm khế ngọt"
của những kẻ lưu vong xa quê như chúng ta hiện nay, còn đối với những người còn
ở lại trong nước thì nó là "chùm khế chua lè !" của đám dân nghèo đầu
tắt mặt tối vẫn không kiếm đủ miếng ăn. Hương cũng là chữ thuộc dạng Hội Ý của
Lục Thư trong "CHỮ NHO...DỄ HỌC" có diễn tiến như sau :
Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
Giáp Cốt Văn là hình tượng của hai người ngồi với tư thế qùy đối diện với nhau, ở giữa là một cái đôn nhỏ trên có đặt một cái mâm như mâm xôi vun lên; với Hội Ý là: Hai người cùng ngồi ăn hay cùng thảo luận với nhau về việc gì đó; Ý là người cùng ở chung một nơi ngồi lại với nhau, nên HƯƠNG 鄉 là Làng xã, là nơi ta được sinh ra và lớn lên, là nơi mà trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa viết "Chỗ quê hương là nơi đẹp hơn cả !"
HƯƠNG 鄉 là Làng, THÔN 村 là Xóm. Nên Hương Thôn là Làng Xóm, là đơn vị tổ chức
hành chánh nhỏ nhất của xã hội ngày xưa. Trong làng thì có ban Hương Chức Hội Tề,
Hương Thân Phụ Lão, Hương Sư, Hương Quản,
Hương Tuần...
Quê Hương là danh từ chung có ý nghĩa bao quát từ gần
tới xa, từ nhỏ tới lớn. NHỎ là làng xã, là nơi chôn nhau cắt rốn, GẦN là nơi ta
cất tiếng khóc chào đời, là quận huyện nơi ta cư ngụ, LỚN hơn XA hơn nữa là tỉnh thành xứ sở nơi ta ở và LỚN nhất
XA nhất là đất nước do các đấng tiền nhân và ông cha ta đã đổ bao xương máu để
gây dựng nên, là Quê Hương VIỆT NAM của chúng ta đó. Cho nên, dù bất cứ đi đâu
đến đâu, con người ta cũng nhớ đến Quê Hương. Trước cảnh lạ dù có đẹp đến đâu,
khi chiều xuống chỉ cần một làn khói lam chiều ẻo lả bốc lên từ một bếp lửa nhà
ai, hay một làn khói sóng bốc nhẹ trên mặt sông cũng làm cho ta chạnh nhớ đến
quê hương, như hai câu cuối trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu:
Nhật
mộ HƯƠNG QUAN hà xứ thị ? 日暮鄉關何處是?
Yên
ba giang thượng sử nhân sầu ! 煙波江上使人愁!
mà cụ Tản Đà đã diễn Nôm rất hay là:
QUÊ
HƯƠNG khuất bóng hoàng hôn,
Trên
sông khói sóng cho buồn lòng ai !
QUAN 關
là Quan ải thành quách nơi ta cư ngụ, nên Hương Quan cũng dùng để chỉ Quê
Hương, như khi Thúy Kiều ở lầu xanh nhớ về Quê Hương :
Mối
tình đòi đoạn vò tơ,
Giấc
HƯƠNG QUAN luống lần mơ canh dài.
Song
sa vò võ phương trời,
Nay
hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
Quê Hương có nhà cửa của ông bà cha mẹ và của... ta nữa,
nên còn được gọi là GIA HƯƠNG 家鄉, như khi tưởng Thúy Kiều
đã chết, Thúc sinh buồn tình nên mới nhớ tới vợ nhà (đàn ông lúc nào cũng bạc bẽo
là thế ! Bồ nhí chết rồi mới nhớ tới vợ), nên mới:
Chạnh
niềm nhớ cảnh GIA HƯƠNG,
Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.
Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.
Cũng là Quê Hương, nhưng là quê hương bên ngọai, thì
được gọi là NGOẠI HƯƠNG 外鄉, như gia đình Vương Viên
Ngoại đã "biện dâng một lễ"
để "mừng thọ Ngoại gia" vậy.
Đến khi Thúy Kiều tiễn Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú xong rồi mới...
Tần
ngần dạo gót lầu trang,
Một
đoàn mừng thọ NGOẠI HƯƠNG mới về,
Không phải quê hương của mình, mà là quê hương của người
khác, thì gọi là THA HƯƠNG 他鄉. Kẻ sống ở quê hương của
người khác thì gọi là "KẺ THA HƯƠNG". Thúc phụ là chú của Kim Trọng
chết ở nơi đất khách, cho nên gia đồng mới...
Đem
tin thúc phụ từ đường,
Bơ
vơ lữ thấn THA HƯƠNG đề huề.
Đề Huề 提攜
vốn nghĩa là Mang, Xách. Ở đây dùng để chỉ "mang
về". Nên câu "Bơ vơ lữ thấn
THA HƯƠNG đề huề". Có nghĩa: Mang cái quan tài bơ vơ từ tha hương về
quê. Kẻ ở tha hương ngóng trông về quê cũ, Quê Cũ chữ Nho gọi là CỐ HƯƠNG 故鄉,
như Thúy Kiều khi khuyên Từ Hải quy hàng cũng đã có dự tính riêng cho mình là:
Công
tư vẹn cả hai bề,
Dần
dà rồi sẽ liệu về CỐ HƯƠNG.
Cũng
ngôi mệnh phụ đường đường,
Nở
nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha.
Không gọi là CỐ HƯƠNG thì gọi là CỐ QUỐC. Chữ QUỐC 國 được viết bởi bộ VI 囗
là cái Khuôn viên, cái Vòng rào để chỉ Ý và chữ HOẶC 或 bên trong để chỉ ÂM. Nên QUỐC 國 là "Cái
vòng rào, cái khuôn viên nơi ta cư ngụ, là Làng, xã, quận, huyện, tỉnh thành”...
và Rộng hơn nữa là Nước mà ta đang ở. Nên CỐ QUỐC ta thường hiểu là Nước Cũ,
nhưng cũng có nghĩa là CỐ HƯƠNG là Quê Cũ, như khi tiễn Từ Hải đi làm việc lớn
rồi thì Thúy Kiều ở lại có một mình, nên nàng cũng nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ quê hương:
Tấc
lòng CỐ QUỐC tha hương,
Đường
kia, nỗi nọ, ngổn ngang bời bời.
Cánh
hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã
mòn con mắt phương trời đăm đăm !
Còn...
Chữ HƯƠNG 香
nầy, chữ Nho có nghĩa là THƠM; chữ Nôm ta lại ghép chữ Hương này với nghĩa Thơm
của nó lại thành một từ kép HƯƠNG THƠM dùng để chỉ Mùi Thơm. Như HƯƠNG THƠM
NGÀO NGẠT là MÙI THƠM THƠM THẬT là THƠM. HƯƠNG cũng là một trong 214 bộ của
"CHỮ NHO ... DỄ HỌC", cũng là dạng chữ Hội Ý trong Lục Thư theo diễn
tiến của chữ viết như sau:
Ta thấy:
Giáp Cốt Văn và Đại Triên là chữ HÒA 禾 là hình tượng của cây lúa chín với bông lúa oằn xuống
bên trái ở trên đầu và các hột lúa chín rơi xuống hai bên, phía dưới là chữ CAM
甘 là NGỌT, với HỘI Ý là :
Mùi ngọt của cây lúa chín là mùi thơm của hạt lúa nuôi sống con người. Nên
HƯƠNG là THƠM, mùi thơm để duy trì cuộc sống; dùng rộng ra để chỉ tất cả các
mùi thơm trên đời nầy.
Nói đến HƯƠNG là người ta nghĩ ngay đến HOA HƯƠNG 花香 là mùi thơm của hoa, của các loại hoa cỏ,
mùi thơm của thực vật, còn mùi thơm của con người thì chỉ ưu tiên độc quyền cho
mấy bà mấy cô mà thôi ! Cũng khó trách, vì từ xưa đến nay ông bà ta đã ví hoa
như là người đẹp, hay nói đúng hơn là những
người đẹp, những giai nhân, được ví đẹp như hoa của nước, thơm như hương
của trời, nên còn gọi là SẮC NƯỚC HƯƠNG TRỜI, là QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG 國色天香. Khi nói về cuộc đời tài sắc của Đạm
Tiên, Vương Quan đã tỏ ra rất tiếc thương cho người đẹp:
Phận
hồng nhan có mong manh,
Nửa
chừng xuân thoắt gãy cành THIÊN HƯƠNG.
Người đẹp luôn luôn phảng phất mùi hương, nên tiếc
thương người đẹp thì gọi là THƯƠNG HƯƠNG TIẾC NGỌC. Khi tả Kim Trọng nhớ Thúy
Kiều thì cụ Nguyễn Du cũng viết là:
HƯƠNG
gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.
Người đẹp ở lối xóm lân cận thì gọi là HƯƠNG LÂN 香鄰, là cô hàng xóm thơm phức, như Kim Trọng
đã nói về Thúy Vân Thúy Kiều:
Trộm
nghe thơm nức HƯƠNG LÂN,
Một
nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.
Đến khi mướn được cái hiên Lãm Thúy ở sát cạnh nhà
Thúy Kiều "canh me" để gặp
mặt người đẹp, cho nên đến một hôm "Cách tường phải buổi êm trời, dưới đào
dường có bóng người thướt tha", thì Kim Trọng đã vội vàng:
Buông
cầm sóc áo vội ra,
HƯƠNG
còn thơm nức người đà vắng tanh.
Không biết là Thúy Kiều đã sức dầu thơm loại gì mà "người đà vắng tanh" trong khi
HƯƠNG vẫn còn thơm nức !? Người đẹp ngày xưa chưa có dầu thơm mà đã "thơm" được như thế sao ?!? Ngay
cả đồ trang sức của người đẹp cũng có
mùi thơm thoang thoảng, như khi vớ được cành kim thoa của Thúy Kiều, thì Kim Trọng đã:
Liền
tay ngắm nghía biếng nằm,
Hãy
còn thoang thoảng HƯƠNG TRẦM chưa phai.
Cành trâm còn có Hương Trầm, chả trách dải khăn là của
Thúy Kiều cũng phảng phất mùi hương :
Chén
hà sánh giọng quỳnh tương,
Dải
là HƯƠNG lộn bình gương bóng lồng.
Cho đến hồn ma của Đạm Tiên khi hiện lên cũng có mùi
thơm, như:
Ào
ào đổ lộc rung cây,
Ở
trong dường có HƯƠNG bay ít nhiều.
Khuê phòng của người đẹp ở thì gọi là HƯƠNG KHUÊ, như
khi Thúc Sinh nghe tiếng tài sắc của Thúy Kiều mà tìm đến vậy:
Hoa
khôi mộ tiếng Kiều nhi,
Thiếp
danh tìm đến HƯƠNG KHUÊ gởi vào.
Nhà ở của Hoạn Thư thì gọi là Nhà Hương. Như Thúc Sinh
sau khi ngỡ Thúy Kiều đã chết, chàng đã "Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương, Nhớ quê
chàng lại tìm đường thăm quê", và sau khi "Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa" thì:
NHÀ
HƯƠNG cao cuốn bức là,
Buồng
trong kíp gọi nàng ra lạy mừng.
XE của Hoạn Thư đi cũng được gọi là XE HƯƠNG. Khi đã
khuyên Thúc Sinh trở về Lâm Truy thăm cha với lời lẽ của cô dâu thảo :"Cách năm mây bạc xa xa, Lâm Truy cũng
phải tính mà thần hôn", và khi Thúc Sinh vừa ra đi thì nàng Hoạn cũng
lên XE HƯƠNG về nhà "méc má":
Gió
câu vừa gióng dặm trường,
XE
HƯƠNG nàng cũng thuận đường quy ninh.
Thưa nhà huyên hết mọi tình,
Thưa nhà huyên hết mọi tình,
Nỗi
chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen.
Tương tự như trên, phòng của Thuý Kiều ở nhà Thúc Sinh
gọi là PHÒNG HƯƠNG. Khi Khuyển Ưng bắt Thúy Kiều đi rồi vớt xác vô chủ bên sông
bỏ vào nhà đang cháy, nên tớ thầy Thúc Ông tưởng Thúy Kiều đã bị chết thiêu:
Chạy
vào chốn cũ PHÒNG HƯƠNG,
Trong
tro thấy một đống xương cháy tàn.
Ngay
tình ai biết mưu gian,
Hẳn
nàng thôi lại còn bàn rằng ai!
Cái gì của mấy bà mấy cô cũng có chữ HƯƠNG chen vào cả.
Ngay cả Mồ-Hôi của phái nữ cũng được gọi là HƯƠNG HẠN 香汗 là MỒ HÔI... THƠM ! Thành ngữ HƯƠNG HẠN LÂM LI 香汗淋漓 dùng để diễn tả Mồ Hôi nhuễ nhại của qúy
bà qúy cô sau khi làm việc nặng hay tập thể dục chẳng hạn. Ai bảo là đàn ông
Châu Á không biết "ga-lăng",
không biết "Nịnh Đầm" đâu
?! Chỉ có những gả đàn ông thô bạo mày
râu nhẵn nhụi như Mã Giám Sinh mới không biết Tiếc Ngọc Thương Hương mà thôi:
Một
cơn mưa gió nặng nề,
Thương
gì đến NGỌC tiếc gì đến HƯƠNG.
Người đẹp là Hương là Ngọc, cho nên ta phải biết
Thương Hương Tiếc Ngọc. Như khi Thúy Kiều "Đem
mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang" thì:
Thổ
quan theo vớt vội vàng,
Thời
đà đắm NGỌC chìm HƯƠNG mất rồi!
Hương lan từ Phấn, Phấn tỏa làn Hương. Hương phấn phấn hương hòa quyện lấy
nhau tạo thành mùi hương và vẻ đẹp của
người đẹp. Nên còn Phấn còn Hương là còn trẻ còn đẹp, nên Thúy Kiều đã e ngại
và lo lắng khi Thúc Sinh muốn gá nghĩa trăm năm với mình:
Bình
Khang nấn ná bấy lâu,
Yêu
hoa yêu được một mầu điểm trang
Rồi
ra lạt PHẤN phai HƯƠNG,
Lòng
kia giữ được thường thường mãi chăng?
Những người chuyên trục lợi trên thân xác của các cô
gái trẻ đẹp, thì được gọi là chuyên "buôn phấn bán hương" hay
"buôn hương bán phấn" như Tú Bà với Mã Giám Sinh vậy :
Mạt
cưa mướp đắng hai bên một phường
Chung
lưng mở một ngôi hàng,
Quanh
năm buôn PHẤN bán HƯƠNG đã lề.
Thương nhớ người đẹp cũng là nhớ thương đến cái
"hương gây mùi nhớ" như Thúc Sinh sau khi đã mất Thúy Kiều rồi, nhìn
vầng trăng non mà thương xót:
Mày
ai trăng mới in ngần,
PHẤN
thừa HƯƠNG cũ bội phần xót xa.
HƯƠNG còn là mùi thơm thoang thoảng nhẹ nhàng, phảng
phất như những ước mơ nguyện vọng hoài bão ở trong lòng muốn thể hiện, muốn
dâng lên, muốn thỉnh cầu với các đấng thiêng liêng... Nên, HƯƠNG còn là HƯƠNG
KHÓI, HƯƠNG LỬA, là NHANG ĐÈN ... để thể hiện tâm nguyện của mình, như Thúy Kiều
đã khấn vái cầu nguyện cho thân phận lẻ
mọn của mình khi Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư:
NÉN
HƯƠNG đến trước Phật đài,
Nỗi
lòng khấn chửa cạn lời vân vân.
Nhang đèn, hương khói, hoa qủa là những thứ không thể thiếu trong tín ngưỡng dân gian suốt mấy ngàn năm của nền văn hóa dân tộc chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nên nghe Thúy Kiều muốn đi tu, thì Hoạn Thư đã vội vàng khi:
Tâng
tâng trời mới bình minh,
HƯƠNG
HOA, ngũ cúng, sắm sanh lễ thường.
Đưa
nàng đến trước Phật đường,
Tam
quy ngũ giới cho nàng xuất gia !
... Hoạn Thư cũng đã rất chu đáo với:
Sớm
khuya sắm đủ dầu đèn,
Xuân,
Thu, cắt sẵn hai tên HƯƠNG TRÀ.
... nên Thúy Kiều cũng đã:
Phật
tiền thảm lấp sầu vùi,
Ngày
pho thủ tự, đêm nồi TÂM HƯƠNG.
Vì thế, sau này ở Chiêu Ẩn Am với sư Giác Duyên thì
Thúy Kiều cũng đã:
Kệ
kinh câu cũ thuộc lòng,
HƯƠNG
ĐÈN việc cũ, trai phòng quen tay.
HƯƠNG ĐÈN là HƯƠNG HỎA chỉ việc cúng tế thờ phượng, nhưng nếu nói thành HƯƠNG LỬA hay LỬA HƯƠNG thì người ta lại nghĩ ngay đến HƯƠNG LỬA BA SINH hay BA SINH HƯƠNG LỬA để chỉ tình duyên của đôi lứa gái trai (xem Thành Ngữ Điển Tích 53 : HƯƠNG). Trai gái yêu nhau, hẹn hò với nhau là đã có LỬA có HƯƠNG với nhau rồi, nên khi đã hẹn ước với nhau rồi mà suốt tháng vẫn chưa có dịp gặp mặt để hàn huyên tâm sự, nên chàng Kim Trọng đã mở miệng than phiền với Thúy Kiều:
Trách
lòng hờ hững với lòng,
LỬA
HƯƠNG chốc để lạnh lùng bấy lâu.
khiến cho Thúy Kiều phải lên tiếng an ủi :
Nàng
rằng:"Gió bắt mưa cầm...
Đã
cam tệ với tri âm bấy chầy.
Vắng
nhà được buổi hôm nay,
Lấy
lòng, gọi chút, ra đây tạ lòng !
Ta thấy khi đã yêu nhau rồi thì gái trai gì đều đắm đuối
mê mẫn như nhau. Khi đã chuộc Thúy Kiều từ lầu xanh về để " Một nhà sum hợp
trúc mai" cho "Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông" rồi, cụ
Nguyễn Du còn hạ thêm hai câu để chỉ sự khắng khít đam mê sôi nổi hơn của đôi lứa
yêu nhau là:
HƯƠNG
càng đượm LỬA càng nồng,
Càng
sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.
Qủa là những câu thơ sinh động gợi hình một cách kín
đáo nên thơ của Truyện Kiều, nó không phải là những quyến luyến thường tình như
sau nầy Thúy Kiều phải chia tay với Từ Hải:
Nửa
năm HƯƠNG LỬA đang nồng,
Trượng
phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Đến câu nói trơ trẻn muốn tống khứ Thúy Kiều cho Thổ
Quan của Hồ Tôn Hiến, thì từ HƯƠNG LỬA chỉ là cái cớ bị người nói lợi dụng mà
thôi:
Dạy
rằng HƯƠNG LỬA ba sinh,
Dây
loan xin nối cầm lành cho ai ?
Nhưng đến lời than vãn tâm sự của chàng Kim khi trở lại
vườn Thúy tìm Kiều không gặp, thì từ LỬA HƯƠNG lại đầy tình nghĩa lứa đôi một
cách chân thành thắm thiết:
Lời
xưa đã lỗi muôn vàn,
MẢNH
HƯƠNG còn đó phím đàn còn đây,
Đàn
cầm khéo ngẩn ngơ dây,
LỬA
HƯƠNG biết có kiếp này nữa thôi?
Chàng Kim qủa là người tình chung thủy hiếm có, trong
qúa trình tìm kiếm Thúy Kiều chàng luôn tỏ ra rất chân thành nhớ đến Kiều chớ
không phải chỉ tìm lấy có:
Thề
xưa giở đến kim hoàn,
Của
xưa lại giở đến ĐÀN với HƯƠNG.
... và...
Có
khi vắng vẻ thư phòng,
Đốt
LÒ HƯƠNG giở phím đồng ngày xưa.
chàng luôn luôn nhớ đến lời ước nguyện với Thúy Kiều:
Mất
người còn chút của tin,
Phím
đàn với mảnh HƯƠNG NGUYỀN ngày xưa.
như lời Thúy Kiều trối lại trước lúc ra đi:
Mai
sao dù có bao giờ.
Đốt
LÒ HƯƠNG ấy, so tơ phím này.
Nhưng khi đến Hàng Châu thì đã dò hỏi và biết được: "Rằng ngày hôm nọ giao binh, thất cơ Từ đã thu linh trận tiền" và "Nàng Kiều công cả chẳng đền, Lệnh quan lại bắt ép duyên Thổ-tù", nên "Nàng đà gieo ngọc, trầm châu, Sông Tiền-đường đό, ấy mồ hồng-nhan!". Vì thế mà cả nhà cứ đinh ninh là Thúy Kiều đã chết đuối:
Rõ
ràng HOA rụng HƯƠNG bay,
Kiếp
sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.
Khi đã đoàn viên với nhau rồi, mọi người đều muốn cho
Kim Kiều tái hợp, nhưng Thúy Kiều vì nghĩ thân mình "Bấy chầy gió táp mưa sa, mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng
tàn" nên đã từ chối khéo:
Lại
như những thói người ta,
Vớt
HƯƠNG dưới đất bẻ HOA cuối mùa.
Nhưng, cuối cùng thì đôi đứa vẫn làm lễ nên duyên, mặc
dù "Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ", nên lại:
Thêm
nến giá nối HƯƠNG BÌNH,
Cùng
nhau lại chuốc chén quỳnh Giao Hoan.
"Giao Hoan" 交歡.
GIAO 交 là Qua lại với nhau, như
Giao Tình 交情 là Tình cảm qua lại
với nhau. HOAN 歡
là Hoan Lạc 歡樂 là Vui vẻ. Nên
GIAO HOAN 交歡 là "Cùng vui vẻ qua lại với nhau".
Như câu thơ trên "Cùng nhau lại chuốc
chén quỳnh Giao Hoan" có nghĩa là : "Cùng chuốc chén rượu quỳnh tương để cùng vui với nhau"
mà thôi. Nhưng, hễ thấy chữ GIAO HOAN là người ta lại nghĩ ngay đến sự làm tình
giữa trai gái với nhau. Thế thì tại sao cụ Nguyễn Du lại dùng chữ GIAO HOAN ở
đây, mà không dùng chữ ĐỒNG HOAN, TƯƠNG HOAN hay CỘNG HOAN đều có nghĩa là CÙNG
VUI, mà lại dùng từ GIAO HOAN ?! Cụ có dụng ý hay muốn ám chỉ gì chăng ?! Hay cụ
muốn ngầm cho người đọc hiểu rằng : Trai gái gần nhau như lửa gần rơm thì làm
sao có thể chỉ "Khi chén rượu khi cuộc
cờ, Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" không cho được. Chuyện "Giao Hoan" là chuyện thực tế
của cuộc sống, sớm muộn gì cũng chắc chắn sẽ xảy ra mà thôi. Sẵn nhớ lại...
Có một lần lang thang trên mạng, đọc thấy một bài viết
về tài "nói lái" của cụ
Nguyễn Du trong Truyện Kiều với trích đoạn cái đêm KIM KIỀU hội ngộ. Sau khi
"Đến nhà vừa thấy tin nhà, Hai thân
còn dở tiệc hoa chưa về" Kiều bèn "Cửa
ngoài vội rủ rèm the, Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" gặp Kim Trọng
một lần nữa trong đêm để cùng nhau thề ước:
...Tóc
tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm
năm tạc một chữ đồng đến xương.
Chén
hà sánh giọng quỳnh tương,
Dải
là hương lộn bình gương bóng lồng.
Sinh
rằng: Gió mát trăng trong,
Bấy
lâu nay một chút lòng chưa cam.
Chày
sương chưa nện cầu Lam,
Sợ
lần khân quá ra sàm sỡ chăng?
Đoạn trên có một câu tối nghĩa: "Dải là hương lộn bình gương bóng lồng". DẢI LÀ là Dải
khăn là khăn tay của Kiều có mùi HƯƠNG thì đúng rồi, nhưng sau lại là HƯƠNG LỘN,
LỘN ở đây rất tối nghĩa. Sao không phải là DẢI LÀ HƯƠNG THOẢNG, DẢI LÀ HƯƠNG TỎA
hay DẢI LÀ HƯƠNG ĐƯỢM... mà phải là DẢI LÀ HƯƠNG LỘN ? Phải chăng cụ Tiên Điền
nhà ta đang chơi trò nói lái ? Và... chính cái "LÀ HƯƠNG LỘN" đó đã làm cho Kim Trọng phải nói là "Bấy lâu nay một chút lòng chưa
cam" và đòi hỏi :"Chày
sương chưa nện cầu Lam, Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng ?"...
Biết đâu được ! Vì cụ Nguyễn Du cũng là người sống
cùng thời với "Bà chúa thơ Nôm"
và lại còn có truyền thuyết cho là "Giữa
Hồ Xuân Hương và đại thi hào Nguyễn Du còn có một mối tình ?" Và
"BÀ CHÚA THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG" lại là Bà Chúa chuyên "nói lái" trong thi ca mà ! Sự
thật ra sao thì chưa được rõ...
Chỉ trình bày cho rộng đường... phiếm luận !
Xin được kết thúc bài phiếm về "HƯƠNG trong Truyện KIỀU" với..."LÀ HƯƠNG LỘN" ở trên !
Hẹn bài viết tới !
Đỗ Chiêu Đức
…
Trả
lời comments:
@ Phan Tự Trí :
Không
có nhiều điều kiện, chỉ có thiển ý như vầy:
“Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.” Câu
thứ 454 Truyện Kiều
Theo
Từ điển Truyện Kiều của cụ Dào Duy Anh: “Tả hai người tình nhân ngồi gần nhau,
mùi hương tỏa ra ở y phục của hai người lẫn lộn với nhau và bóng hai người lồng
vào nhau ở gương của bình phong”
Còn tác giả Hồ Tĩnh Tâm, trong bài Chữ tửu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, viết:
“Chén
hà” là chén ngọc nhuốm ráng chiều, rực lên. “Quỳnh tương” là rượu qúy. Chén qúy
không thể rót rượu xoàng. Rượu qúy không thể uống chén xoàng. Chén và rượu phải
“sánh giọng” với nhau.
“Dải
là hương lộn” là những dải lụa ở trong thư phòng đều có tẩm mùi trầm hương bay
lộn lên mà thấm vào.
“Bình
gương bóng lồng”. “Bình” là bức bình
phong trong thư phòng. “Gương” là tấm gương soi gắn trên bình phong. “Bình
gương bóng lồng” là bóng hai người lồng vào nhau trong tấm gương soi trên bức
bình phong.
Thiết
nghĩ, chỉ với hai câu lục bát, thì không thể nào còn có thể tả hay hơn và đẹp
hơn về cảnh đôi lứa nâng ly thề nguyền được nữa!
🌼🌼🌼 Đỗ
Chiêu Đức:
CÁM
ƠN bạn Phan Tự Trí đã đọc bài và góp ý rất Nghiêm Chỉnh, Chính Quy và có tính
Giáo khoa.
Nhưng
bài của tôi viết là "Tạp ghi và Phiếm luận" viết phiếm chơi khi trà
dư tửu hậu. Còn nếu tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh thì mời xem phần Chú Thích
được trích kèm theo đây :
Chú
giải và dẫn điển
[1]
Chén hà = chén làm bằng thứ ngọc thạch hồng như mầu ráng buổi chiều lúc mặt trời
sắp lặn. Chữ Hán là hà bôi [霞 杯]; hà = ráng, bôi = chén.
[2]
Quỳnh tương = rượu trong như ngọc quỳnh. Thơ Đường có câu [一 飲
琼 漿 百
感 催
= nhất ẩm quỳnh tương bách cảm thôi = một khi đã uống rượu trong như ngọc quỳnh
thì lòng sinh trăm mối xúc cảm”].
[3]
Giải là hương lộn – “Giải là” dịch từ chữ Hán [羅
帶 = la đái = những giải dây lưng bằng
lụa rũ xuống ở trước người]. “Giải là hương lộn” = mùi thơm ở các giải dây lưng
hai người lẫn lộn với nhau vì ngồi gần nhau.
[4]
Bình gương bóng lồng – “Bình gương” dịch từ chữ Hán [銀 屏
= ngân bình = cánh bình phong bằng bạc đánh bóng có thể soi gương được]. “Bình
gương bóng lồng” = bóng hai người chiếu chung nhau trong một tấm bình phong bằng
bạc đánh bóng.
......................
Theo
hiểu biết của riêng tôi thì :
* CHÉN HÀ là HÀ BÔI 霞杯 : Là loại chén được làm bằng cẩm thạch,
loại đá có vân nhiều màu đẹp như ráng chiều. Người Hoa gọi Cẩm Thạch là NGỌC,
nên Chén Hà là Chén Ngọc, nói chung là CHÉN BẰNG ĐÁ QÚY.
* QUỲNH TƯƠNG 瓊漿 : QUỲNH 瓊 có bộ Ngọc 玉 ở bên trái, là một loại đá qúy có màu
sắc như Cẩm Thạch. TƯƠNG 漿
bên dưới có bộ Thủy 水,
là Chất lỏng đậm đặc như có nhựa. Nên Quỳnh Tương 瓊漿 là thứ rượu được ướp và lên men bằng
trái cây ngày xưa, nên rượu có màu sắc đẹp và đậm đà, uống vào chỉ lâng lâng chứ
không bị say mèn, vì thế mà các bà các cô hay thần tiên trong các truyện xưa
hay uống rượu Quỳnh Tương là vì thế ! Nó chính là Rượu Cóc-Tai (cocktail) hiện
nay đó, Nhưng rượu Cocktail hiện nay trong trẻo hơn, nồng độ mạnh hơn và ...
ngon hơn rượu Quỳnh Tương thô sơ của ngày xưa nhiều !
* DẢI LÀ là LA ĐÁI (ĐỚI) 羅帶 là Dải thắt lưng bằng lụa của các bà
các cô ngày xưa, nên "DẢI LÀ HƯƠNG LỘN" là Mùi hương của dải thắt
lưng lẫn lộn với mùi hương trên người của Thúy Kiều lan tỏa ra. (Chớ không phải
là mùi thơm ở các giải dây lưng hai người lẫn lộn với nhau vì ngồi gần nhau. Vì
nếu hai người ngồi gần đến nỗi ngửi được mùi hương của nhau thì Thúy Kiều đã
"chết" vì tay Kim Trọng rồi !). Nên ...
Với
mùi hương phảng phất của dải lụa lẫn với mùi hương của người lại được lồng bóng
chập chờn trong bình trong như gương (Bình gương bóng lồng) ngây hgất trước cảnh
trí nên thơ gợi cảm trước mắt nên Kim Trọng mới ao ước :
Sinh
rằng : Gió mát trăng trong,
Bấy
lâu nay một chút lòng chưa cam !...
Trên
đây là những hiểu biết nghiêm chỉnh của tôi đối với Truyện Kiều, chớ không phải
là những ... phiếm luân như trong bài viết phiếm đã trình bày.
Nay kính,
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét