BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

TRỞ LẠI VÙNG ĐẤT XƯA TÁNH LINH (BÌNH THUẬN) - Phan Chính


             

TRỞ LẠI VÙNG ĐẤT XƯA TÁNH LINH (BÌNH THUẬN)
                                                                                  Phan Chính

Lần theo chặng đường hình thành cư dân bản địa đầu tiên ở Tánh Linh sẽ nghĩ đến sự xuất hiện làng người Chăm Tánh Linh - Palei Pacame (Lạc Tánh), phía nam tỉnh Bình Thuận, từ thời Minh Mạng thứ 5 (1824). Trước đó, đất Tánh Linh thuộc tổng Nông tang (tức địa bàn hành chính vùng sơn địa làm nông, trồng dâu nuôi tằm), huyện Tuy Định, phủ Bình Thuận. Làng Chăm Tánh Linh đã có sắc phong Thần quản tế cho Pô Harum Cơk, lãnh chúa người Chăm. Bên cạnh đó cũng có nhiều nhóm người Kinh vùng lân cận đến đây định cư lập ấp (Lạc Hóa) sống nghề khai thác sản vật rừng. Địa bàn Tánh Linh ngày xưa gồm cả huyện Đức Linh và Tánh Linh hiện giờ. Phần đất huyện Đức Linh nằm phía tây - tây bắc Bình Thuận có ranh chung với Đồng Nai, Lâm Đồng dài nhất. Ngoài ra còn có thổ dân là người K’ho, Raglai, Châu Ro, Mạ...  

CƯ DÂN BUỔI SƠ KHAI

Người Kinh có mặt ở vùng đất núi non cách trở này nhiều hơn từ khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định (1861) rồi ép buộc triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862 phải cắt nhượng ba tỉnh miền Đông Nam bộ (Định Tường, Gia Định, Biên Hòa). Nhiều sĩ phu và người dân Lục tỉnh Nam kỳ phải tháo chạy ra vùng đất giáp ranh Biên Hòa - Tánh Linh của tỉnh Bình Thuận để nương náu. Trong các nghiên cứu, triều Nguyễn từng ngấm ngầm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến do một số sĩ phu yêu nước quyết tâm chống Pháp. Trong lực lượng Trương Định có Phan Trung còn tên khác là Phan Cư Chánh/Chính, người quê Kinh Dinh, phủ Ninh Thuận, đỗ cử nhân, làm tri huyện Tân Thạnh (Gia Định) do việc kiện tụng bị cách chức. Phan Trung chiêu mộ một ngàn sĩ dân Nam kỳ theo Lãnh binh Trương Định chiến đấu với giặc Pháp bị thất bại và ẩn tích, tung tin đã chết, rút quân về Giao Loan (giữa Biên Hòa với Tánh Linh - Bình Thuận), không nằm trong nhượng địa của Pháp để lập chiến khu. Phan Trung chia 500 người khai khẩn đồn điền ở Tánh Linh để tự túc lương thực, rèn đúc vũ khí, tự xưng “Bình Tây phó Nguyên soái”, thành lập hộ Điển nông (khai phá đất hoang) do Phan Trung lãnh đạo, được triều đình khôi phục quan tịch, thăng hàm Thị giảng học sĩ và giữ chức Điển nông sứ. Sau này vua Tự Đức chuyển Phan Trung ra Khánh Hòa giữ chức Điển nông sứ Khánh Hòa và ông lập xứ Đồng Châu. Rất tiếc lịch sử địa phương chưa mấy đậm nét về nhân vật Phan Trung, một nghĩa sĩ yêu nước và có công khai mở vùng đất Tánh Linh.  Dưới cái nhìn của doanh điền sứ Nguyễn Thông qua “Doanh điền biểu văn” năm Tự Đức thứ 30 (1877), đất đai ở đây màu mỡ nằm trong địa hình thung lũng và một “chằm” nước rộng mênh mông, với dãy núi cao nhiều gỗ quý, có dấu vết khai khẩn thành ruộng rộng hơn 3.000 mẫu. Ghi rõ: “...theo chân núi phía nam Kỳ Tôn (Cà Tông) vòng theo đông bắc đến Lạc Dã (nơi tụ tập những người miền Nam ra dựng nhà được 15 nóc) vòng qua phía đông nam Biển Lạc có tên gọi chung là Lạc Dã kéo dài song song với La Ngư”(1). Với Alexandre Yersin thì mô tả Tánh Linh (Tan line) trong nhật ký thám hiểm năm 1893: “Tánh Linh là một làng Chăm gồm có một chục thôn nhỏ nằm giữa ruộng lúa. Cánh đồng Tánh Linh được giới hạn như sau: núi Ông về hướng Đông, núi Cà Tong về hướng Tây, sông La Ngà và dãy núi La Ngà về hướng Bắc, rừng ở hướng Nam. Một dòng suối lớn - suối Lạc - làm ngập cánh đồng vào mùa mưa. Người Chăm ở Tánh Linh không nhiều, khoảng hơn một trăm người. Cánh đồng Tánh Linh đầy thú rừng, nai, hươu, trâu, heo rừng…” (2).

                             Một góc huyện miền núi Tánh Linh hôm nay.


LẬP HUYỆN THƯỢNG DU

Đến năm Thành Thái thứ 13 (1901), trích hai tổng Cam Thang, Ngân Chử thuộc huyện Tuy Lý (trước năm 1854 là huyện Tuy Định) thành lập huyện Tánh Linh thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng và tri huyện đầu tiên là Mã Ôn người Chăm. Đến năm 1904, Tánh Linh đổi sang phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận, gồm 3 tổng, 17 thôn sách. Do đó Tánh Linh là một địa bàn có nhiều lần nhập tách về địa lý hành chính liên quan đến vùng Di Linh, Bảo Lộc (Lâm Đồng) nên có nhiều tác động đến mối quan hệ về cư dân và đời sống xã hội. Khi ba tỉnh miền Đông Nam bộ bị thuộc về tay Pháp và trong kháng chiến chống Pháp, sĩ dân đến vùng đất này ngày càng nhiều coi đây là đất “tỵ địa”. Nói đến vùng đất Tánh Linh xưa, trên bản đồ tỉnh Bình Thuận lập năm 1910 (Annuaire général de l’Indochine - Hanoi, 1910) có ghi địa danh “Bình Tuy” ở khu vực ngã ba sông Đồng Nai nối với phụ lưu sông La Ngà từ Tánh Linh chảy qua. Từ đó mới nghĩ đến vì sao dưới thời VNCH - Tổng thống Ngô Đình Diệm, vào năm 1956 ra sắc lệnh thành lập một tỉnh mới tách từ một phần đất Bình Thuận với Lâm Đồng, Biên Hòa lại lấy tên là “Bình Tuy”, gồm 3 Quận (bãi bỏ tên gọi huyện: Hàm Tân, Tánh Linh và Hoài Đức). Trong đó quận Hoài Đức tách ra từ quận Tánh Linh, lấy sông La Ngà làm ranh, bắc sông là quận Hoài Đức (Bắc Ruộng), nam sông là quận Tánh Linh - một thời gian ngắn, quận Hoài Đức từ Bắc Ruộng chuyển về Võ Đắc cho đến ngày giải phóng 4.1975. Phía lực lượng giải phóng, đến chiến thắng đồng khởi ở trận Hoài Đức - Bắc Ruộng (1960) và sau đó tổ chức theo địa bàn hành chính này để phù hợp với tình hình. Lúc này quận Tánh Linh và Hoài Đức là vùng đất mới, nhiều khu Dinh điền mở ra, có những đợt di dân qui mô từ Quảng Nam, Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp với tốc độ dân số tăng nhanh. Dân số của hai quận này tính đến năm 1975 khoảng 55.500 người. Điều này cho thấy không phải là ngẫu nhiên mà Ngô Đình Diệm đặt tên tỉnh Bình Tuy lấy từ một địa danh của một tổng thuộc phần đất Đồng Nai Thượng với Tánh Linh xưa. Theo bài biểu của Nguyễn Thông kể: “Lần này thần Nguyễn Thông nghỉ lại ở thôn người Thượng ở Dạ Canh. Viên phó tổng Bình Tuy tên là Khoa (người Thượng biết chút ít tiếng Kinh) cùng với ba lý dịch người Kinh và Thượng đến hầu. Nhân hỏi địa phận tổng này, phó tổng Khoa tường trình là địa giới thượng du tổng này đến núi Thần Qui, xã Cao Cương”. Dưới mắt nhìn chiến lược về phát triển kinh tế và cả về quân sự, tỉnh Bình Tuy lúc đó có một vị trí khá quan trọng, nhất là những cánh đồng rộng lớn, đất đai phì nhiêu mà lớp người xưa đã khám phá. Rồi tiếp đến, sau năm 1975 huyện Đức Linh được thành lập, gộp chung 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh nhưng đến năm 1983 thì tách ra làm hai huyện Tánh Linh và Đức Linh hiện nay.        



ĐẤT LÀNH TỤ NGHĨA

Dù có biến động về địa lý hành chính nhiều lần, nhưng địa danh Tánh Linh đã thể hiện cái giá trị lịch sử hình thành một vùng đất giàu tiềm năng và quan trọng trong các thời kỳ. Về địa danh Tánh Linh có nhiều sách ghi chép khác nhau, Tấn Linh, Tính Linh nhưng với cách giải thích thì cũng có nhiều cái lý lẽ khá thú vị khi hiểu theo âm Việt hay Hán Việt để thêm thắt thành câu truyện huyền thoại dân gian. Thông thường trong phương pháp nghiên cứu nguồn gốc địa danh đều dựa vào yếu tố cư dân bản địa, thiên nhiên và dễ bị chi phối bởi phát âm, viết, dịch… Trong bài “Biểu về việc xin khai khẩn đồn điền” của Nguyễn Thông năm 1877, có lẽ là cơ sở thực tế cho đến sau này, ông viết: “…theo chân núi phía bắc Núi Ông, đến thôn mới lập là Tính Linh xét theo bản đồ cũ của toàn quốc có các tên dịch ra chữ Hán như Lũng Cam, Trạnh Tinh, Xương Thành, Tung Từ, Lãnh Quốc… nay không còn ai biết rõ tên nữa” (Sđd). Khi thành lập huyện, “huyện trị Tánh Linh” (trụ sở) đặt tại thôn Chăm (Lạc Tánh), được mô tả là “bốn mặt rào tre, không có hào lũy, quan lại đều là người Thổ, nhà học cũng chưa kiến thiết”- theo sách ĐNNTC. Có nhiều tư liệu ghi và phiên âm theo cách viết tiếng Pháp, Tánh Linh là Palei danau Halin hoặc Palei danao H’ling có nghĩa Bàu nước thiêng, mà theo tín ngưỡng người Chăm coi đây giống vùng lòng chão hàng ngàn mẫu, quanh năm đầy nước, bốn bề núi cao bao bọc trở thành hình ảnh Tánh Linh trù phú. Nhưng theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Kinh Duy Trịnh (Tuy Phong) cho biết, với Gs.Ts. Bùi Khánh Thế từng phối hợp cùng nhóm nghiên cứu Viễn Đông bác cổ Pháp và hợp tác với Ban biên soạn sách Chăm tỉnh Thuận Hải năm 1977 đã tán đồng, với người Chăm gọi là Tơng Haling (Tơng là vực sâu, Haling là cái ao). Phiên âm theo tự điển Pháp - Chăm là Palei Danaw Haling. Có điều đặc biệt, ở một vùng rừng núi hiểm trở, cách biệt vùng biển khá xa nhưng lại có một làng Chăm (Lạc Tánh) theo Hồi giáo Bàni lại cùng hội nhập với các sắc tộc K’ho, Raglai, Mạ và người Kinh chiếm số đông đã tạo thành một cộng đồng cư dân ổn định. Cũng có nhận định, trong lịch sử vương triều Champa không còn nữa và thời kỳ Nguyễn Ánh - Tây Sơn phân tranh, rồi đến cuộc chiến tranh chống Pháp, một bộ phận người Chăm từ Ma Lâm (Bình Thuận), Tân Châu (Châu Đốc), Biên Hòa phải phiêu tán vào đây nhưng với tâm thức vùng đất nào hoang dã, biệt lập nhất là sự chọn lựa để định cư được ổn định, sống với nghề nông và chăn nuôi. 

                                             Tánh Linh hôm nay.

Đất Tánh Linh xưa vẫn là một cốt cách mạnh mẽ trong hành trình lịch sử hình thành của hai huyện Tánh Linh, Đức Linh ngày nay. Đây đúng là một vùng đất tụ nghĩa, giàu truyền thống đã dung hợp nét tinh hoa văn hóa các vùng miền, dân tộc làm nên bản sắc và giá trị nhân văn của địa phương. Câu ca dao “Cá Biển Lạc, gạo Đồng Kho” được truyền miệng từ xưa vẫn được coi là bức tranh sinh động về tiềm năng kinh tế của mảnh đất này.

                                                                                         Phan Chính

(1) Theo Nguyễn Thông, con người và tác phẩm - Ca Văn Thỉnh và Bảo Định Giang, Nxb Tp. Hồ Chí Minh-1984.

(2) Theo Đà Lạt năm xưa/ Từ Sài Gòn đến Phan ThiếtNguyễn Hữu Tranh - Nxb Trẻ 2018. 

Không có nhận xét nào: