BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

ĂN KHUYA Ở LAGI, AI BIẾT ? - Huỳnh Thục Oanh


            

Chi hội Văn học nghệ thuật La Gi vừa ra mắt giai phẩm HOA BIỂN chào mừng thị xã La Gi tròn 15 năm thành lập (2005-2020). Giai phẩm Hoa Biển tập trung vào các đề mục chính: Đối thoại, Biên khảo, Đất và người La Gi, Năm tháng và ký ức, Thơ, Văn xuôi, Ẩm thực, Nhiếp ảnh nghệ thuật… Riêng phần ẩm thực, một nét khó quên của đất và người La Gi, lâu nay ít được khai thác, lần này trong Hoa Biển, hiện lên một cách chi tiết với những con đường, góc phố bán hàng đêm… đầy ấn tượng qua bài viết của cây bút nữ Huỳnh Thục Oanh.

              
                             Tác giả bài viết Huỳnh Thục Oanh
                 

ĂN KHUYA Ở LAGI, AI BIẾT ?                                                       
                                Huỳnh Thục Oanh

 Từ lúc nào, La Gi hình thành những điểm ăn khuya. Những điểm mà tín đồ ẩm thực, sành ăn… không hẹn mà gặp nhau cho dù khi ấy đêm đã về sáng. Xa La Gi, người ta thường nhớ về những điểm ấy cho dù đường về không phải lúc nào cũng thuận tiện và nghĩ bụng là đi được. Chính vì vậy, có người bạn kể rằng rất nhớ phở đêm La Gi…

Một bát phở nóng hổi với nước dùng sóng sánh, thơm mùi quế, thịt bò ngon ngọt thái miếng vừa đủ ăn, sợ cay nhiều, nhè nhẹ thả vào vài lát ớt là ngon hết biết. Người ăn ngất ngây với hương vị đậm đà gia vị của quán phở gia truyền Ba Lô, Minh Ký …dọc đường Bác Ái. Những chiếc xe tủ nhỏ đơn sơ, vài cái bàn nhựa nhỏ đơn sơ của người bán hủ tíu gõ là món ăn dễ tìm nhất trên các vỉa hè dọc đường từ Phước Hội đến Tân An. Ngoài phở nước còn có phở xào hoặc phở chiên cũng được ưa thích bởi hương vị riêng.
 Món ăn khoái khẩu, bình dân được giới trẻ ưa chuộng nhất là chả lụi. Bánh tráng từng miếng mỏng, bỏ tôm thịt vào làm nhân, se chặt thành miếng chả hình chữ nhật nhỏ, bằng đôi bàn tay khéo léo người bán xiên vào một thanh cây và nướng giòn vàng- Nước mắm nêm thêm chút ớt xanh cay cay, tê tê nơi đầu lưỡi,  phối hợp cùng rau dưa là ngon đúng điệu, cũng như dễ dàng tìm thấy ở các ngã đường.
Có thể thấy, từ người  giàu có đến người lao động đều không ngại ngần, không vội vàng, không kiểu cách khi ăn uống dưới trời khuya mát mẻ, đặc biệt là vào tiết Thu.
 Một cây đèn led nhỏ ở ngã ba đường Lê Lợi - Thống Nhất, cô Năm với thâm niên hơn 30 năm bán chè nóng. Hàng trăm hạt đậu trong nồi chè, hạt nào cũng mẩy tròn tăm tắp, khẽ cắn thì mềm thơm tan ra nơi đầu lưỡi. Ăn xong rồi mà cứ muốn nán lại mãi chẳng muốn đứng lên vì vương vấn mùi thơm của nước cốt dừa khó cưỡng…
  Đêm đi dần về khuya, về sáng, cũng là lúc trở dậy của những người cần lao. Với người làm đêm, ăn khuya bao giờ cũng là sự bổ sung năng lượng. Trên con đường xuống biển, dưới ánh đèn đường mờ, tỏ, thỉnh thoảng xuất hiện  những người đàn ông, bàn tay, bàn chân to bè, thô ráp những ngón,  đầu đội chiếc mũ  có hai miếng vải phủ  tai, lặng lẽ  mua những chiếc bánh mì của những chiếc xe bán ven đường. Thứ bánh ấy theo chân lao động biển đến nơi làm việc, nơi lớp lớp chiếc thuyền đang đậu, dập dềnh sóng, hoặc đang rầm rầm tiếng máy,  chờ giờ ra khơi…

Thế nhưng nhiêu đó đã đủ chưa? Tôi biết có người vợ trẻ gốc La Gi, xa quê đã lâu. Đêm đầu tiên về quê, ngủ trong khách sạn sang trọng, nhưng đến nửa đêm vẫn khẽ lay vai chồng bảo rằng không thể ngủ được. Chị nói chị muốn cùng anh đi trên những con đường mà tuổi thơ chị từng đi trong những đêm mùa thu, rồi cùng thưởng thức vài món ăn khuya. Người chồng sau vài phút bất ngờ, liền mặc thêm áo, bước ra đường. Một chút lạnh, người vợ nép vào vai chồng thầm thì nói về món bánh canh. Món bánh canh mà người vợ nhớ nhất là bánh canh cô Hiền gần chùa Quảng Đức. Cô Hiền được mẹ truyền cho nghề làm chả cá rựa hấp, và làm cả một thời con gái đến khi trung tuổi nên sau này nhiều người La Gi trước khi trở lại Mỹ, đều đặt cô làm chả, mang theo. Nhưng cô Hiền chỉ bán ban ngày. Ban đêm, bánh canh chả cá La Gi cũng là một sự đua tranh của nhiều phụ nữ hai vai một gánh nuôi chồng con, vì vậy bánh canh vẫn khá là ngon.
Người chồng một tay ôm nhẹ thắt lưng vợ, dìu vợ đi như sợ tiếng giày cao gót làm xao động sự tĩnh mịch đêm, khẽ  khàng bảo vợ nên tìm quán nào đó ghé vào. Vợ ứ ừ trong cổ, bảo chồng ghé vào khu Đại Đồng trên đường xuống biển. Ở đây, ngoài bánh canh còn có mì Quảng, bánh căn, bún bò, trứng vịt lộn, sinh tố trái cây và…  bánh xèo. Đôi vợ chồng đêm ấy, thay vì ra về sau khi thưởng thức tô bánh canh khuya nóng hổi, cùng những lát chả cá rựa dòn ngọt (như người vợ nói phải giả cá trong nhiều giờ đến mỏi nhừ tay, sau đó hấp lên mới được như thế), đã ngồi nán lại bởi họ phát hiện: có rất nhiều người tìm đến ăn khuya, mỗi người một chuyện, làm nên bức tranh đêm của La Gi đặc sắc mà nghề viết của anh mong muốn nắm bắt.

Cứ thế hai vợ chồng gần như trọn đêm với La Gi khuya, với vài món ăn người vợ nhớ. Mà đâu chỉ có hai vợ chồng, nhiều người ở Sài Gòn, cách La Gi chưa đầy hai trăm cây số vẫn kể cho nhau nghe rằng: rất nhớ những đêm ăn khuya.
 Vậy đó, bạn thử một lần lang thang, ghé vào những điểm ăn khuya để khám phá LaGi kể cả khi đồng hồ điểm 24h. Sẽ hấp dẫn, cũng như cảm nhận được nhịp sống năng động không ngừng nghỉ của một thị xã ven bờ sóng luôn thức và đầy sức sống…

                                                                              Huỳnh Thục Oanh

Không có nhận xét nào: