Voi Ai Lao bị quân Phạm Ngũ Lão đánh quay đầu chạy. Nguồn: Ảnh sưu tầm
PHẠM NGŨ LÃO VỊ TƯỚNG HIẾM CÓ CỦA NHÀ TRẦN
Cứ vào ngày 11 đến Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm, ở nơi đất nhãn lồng Hưng Yên lại diễn ra lễ hội Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi) tưởng nhớ vị danh tướng nhà Trần sinh ra nơi đất này. Ông là Phạm Ngũ Lão (1255-1320).
Là danh tướng nhà Trần, Phạm Ngũ Lão với cơ duyên "giữa đường đan sọt giáo đâm không biết" đã gặp gỡ Quốc công Hưng Đạo Vương, để rồi trổ hết tài hãn mã mà phụng sự đất nước đánh Nguyên, dẹp yên nhiễu loạn của Ai Lao, Chiêm Thành. Ở ông, tài văn song hành nghiệp võ, trở thành một vị tướng toàn tài hiếm có của nhà Trần.
Lễ hội Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên. Ảnh: Báo ĐS&PL.
Trước nhất nói về con người Phạm Ngũ Lão, các sách khi đề cập đến ông, đa phần dành lời khen tặng. Như trong Nam quốc vĩ nhân truyện ghi về ông là người "có tài năng, khí độ hơn người; ham đọc sách và có chí lớn". Hay như Nam Hải dị nhân lại chú ý đến ông là người có sức khỏe phi thường, mặt mũi khôi ngô. Tựu chung đều kết ở điểm, ông là một danh tướng tiêu biểu của nhà Trần.
Bước đường đến với binh nghiệp của tướng họ Phạm, kể cũng ly kỳ mà giai thoại về ông, nay còn kể mãi. Vẫn trong Nam Hải dị nhân, Phan Kế Bính khi viết về việc này có cho hay, nhà Phạm Ngũ Lão đời đời làm ruộng, chỉ đến đời ông mới theo nghiệp đèn sách. Tuổi 20 đã khí khái hơn người. Có lần người trong làng đỗ tiến sĩ, bà con chòm xóm đến chúc mừng, riêng thư sinh họ Phạm lại không. Hỏi ra mới hay vì chưa làm được công danh gì vui lòng mẹ, nên thấy người ta công thành danh toại thì lấy làm hổ thẹn. Cái chí khí của chàng trai trẻ đã bộc lộ từ đó.
Thế rồi có lần chàng thanh niên ngồi bên vệ đường vót tre đan sọt. Tay thì thoăn thoắt làm, nhưng đầu lại nghĩ toàn việc binh thư cứu nước khi dạo ấy họa giặc Nguyên cận kề. Mê mải nghĩ đến nỗi quân Hưng Đạo vương từ trại Văn An vào kinh kéo qua, tiền hô hậu ủng quát tháo dẹp đường nhưng Phạm Ngũ Lão thì vẫn mải miết… đan sọt. Quân lính đâm giáo vào đùi, máu chảy đầm đìa nhưng chàng chẳng mảy may quan tâm. Đến khi xe của Quốc công Tiết chế đến nơi, trông thấy cảnh ấy mới lấy làm ngờ có sự gì chăng. Hưng Đạo vương liền gọi đến hỏi, bấy giờ Phạm Ngũ Lão mới biết quan quân đi qua, đùi mình bị giáo đâm.
Tranh minh họa cảnh Phạm Ngũ Lão bị giáo đâm vào chân mà không biết
Ảnh tư liệu/Zing
Ảnh tư liệu/Zing
Khi được hỏi, chàng thành thực mà rằng vì mải mê nghĩ không biết quân trẩy qua. Thấy chàng trai có tư chất hơn người, Hưng Đạo vương "lấy làm kỳ, hỏi đến sự học hành, thì hỏi đâu nói đấy, nội về kinh truyện thao lược, không sót chỗ nào, ứng đối nhanh như nước chảy".
Thế là từ lần gặp gỡ ấy, Phạm Ngũ Lão theo về với vị Tiết chế nhà Trần, được tiến cử với vua để rồi trổ tài thao lược mà góp công sức cho quân đội nhà Trần. Cũng bởi thế mà sau này Việt sử tiêu án khi viết về những người tài bước ra từ cửa nhà Hưng Đạo đại vương đã không bỏ sót ông: "Các ông Trương Hán Siêu, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực, Phạm Ngũ Lão, Trần Thời Kiến đều là môn khách của ông [chỉ Hưng Đạo vương - Người dẫn chú], đều có văn chương, chính sự nổi tiếng đời bấy giờ".
Chẳng những thế, trọng tài họ Phạm, Trần Hưng Đạo còn gả con gái nuôi cho vị tướng trẻ.
Đường binh nghiệp của vị tướng đất Phù Ủng, xem trong Đại Việt sử ký toàn thư ta thấy ông không ngừng được thăng bổ qua thời gian. Tỉ như năm Canh Thân (1290), "Lấy Hạ phẩm phụng ngự Phạm Ngũ Lão chỉ huy Hữu vệ Thánh dực quân". Năm Mậu Tuất (1298) làm Hữu kim ngô vệ đại tướng quân. Năm sau làm Thân vệ tướng quân kiêm quản quân Thiên thuộc phủ Long Hưng. Năm Tân Sửu (1301) làm Thân vệ đại tướng quân. Đến năm Nhâm Dần (1302) làm Điện súy…
Điểm qua đời ông, có thể nói Phạm Ngũ Lão là vị tướng tài có duyên dẹp loạn biên ải, trấn áp lân bang xâm phạm khi từng ba lần đánh Ai Lao, một lần bình Chiêm.
Công lao khi làm tướng đánh trận của Phạm Ngũ Lão kể ra nhiều lắm. Như lần đánh Ai Lao năm Giáp Ngọ (1294), Toàn thư cho biết: "Tháng 8, Thượng hoàng đích thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật nhiều không kể xiết. Trong chiến dịch này, Trung Thành Vương (không rõ tên) làm tiên phong, bị quân Ai Lao bao vây, Phạm Ngũ Lão dẫn quân ập tới, giải vây, rồi tung quân nghênh chiến, đánh bại quân Ai Lao. Vua ban kim phù cho Ngũ Lão". Sau này vào năm Đinh Dậu (1297) khi Ai Lao xâm phạm sông Chàng Long, ông lại "đánh bại chúng, lấy lại được đất cũ". Năm Tân Sửu (1301) Ai Lao sang cướp Đà Giang, Phạm Ngũ Lão lại cầm quân đi dẹp, đánh tan quân Ai Lao ở Mường Mai [Hòa Bình - Người dẫn chú].
Phạm Ngũ Lão cho quân lính hóa trang dữ tợn để làm voi Ai Lao khiếp sợ.
Nguồn: Ảnh sưu tầm.
Nguồn: Ảnh sưu tầm.
Khi vua đi đánh Chiêm Thành, nhờ có Đoàn Nhữ Hài chiêu dụ mà chúa Chiêm đầu hàng, quân nhà Trần không tốn một mũi tên. Nhưng lần ấy cũng có dấu ấn với sự cứng cỏi của tướng họ Phạm khi vì quốc thể mà không ngại ngược ý với vua Trần, dẫu biết rằng làm vua giận có thể lụy cả thân.
Số là: "Khi bấy giờ vua đóng quân ở Câu Chiêm, Minh Hiến vương bàn luận làm cho lòng quân hoang mang. Vua giận, đuổi ra ngoài dinh, xuống chiếu cho chư quân không được thu nhận, Minh Hiến phải nằm ngoài cánh đồng, Phạm Ngũ Lão mới vào trong trại quân, nói rằng: "Vua trách mà đuổi Minh Hiến, vạn nhất bị quân giặc bắt được, chúng sẽ nói là bắt được thân vương của ta, sợ nhục đến quốc thể. Tôi đành chịu tội trái mệnh vua, chứ không nỡ để cho quân giặc lợi dụng". Vua biết chuyện cũng không xét đến việc ấy nữa".
Bí quyết nào để Phạm Ngũ Lão cứ cầm quân ra trận lại bách thắng. Xem qua Việt sử tiêu án thấy có lời: "Ông xuất thân trong hàng ngũ, mà hình như không lưu ý vào nghề võ lắm, nhưng trị quân rất có kỷ luật, đối đãi với tướng hiệu như người trong nhà, nên các đạo quân của ông tất là quân lính thân nhau như cha con, đánh đâu cũng thắng".
Còn Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì ngợi ca: "Đối với việc vũ tựa hồ không để ý đến, nhưng chỉ huy quân rất có kỷ luật. Đối đãi với tướng tá như người nhà, đồng cam cộng khổ với sĩ tốt; đội quân của Ngũ Lão thống lĩnh đều thân yêu nhau như cha con một nhà, nên đánh đâu được đấy. Những thứ tước được trong khi đánh giặc đều sung vào kho tàng trong quân, coi tiền của thoảng như không. Thực là bậc danh tướng lúc bấy giờ".
Lời khen tặng của đời sau dành cho tài làm tướng của ông, kết lại chính là ở bí quyết "phụ tử chi binh" đã được ông thực hiện một cách hữu hiệu, phát huy cao độ tinh thần "tướng sĩ một lòng phụ tử".
Thân là tướng súy quản lĩnh quân lính dưới quyền, nhưng ông không lấy cấp bậc, ngôi thứ và uy quyền ra để làm oai thực hiện quân luật. Thay vào đó ông chú ý đến "nhân tâm", lấy sự thấu hiểu, vỗ về, đồng cam cộng khổ với quân làm phương châm quản lính.
Bởi thế mà sĩ tốt kính phục, tuân mệnh, khi hòa bình thì hưởng yên vui như cha con trong nhà, lúc chiến trận thì cùng xông pha đánh giặc, của cải chẳng tơ hào làm của riêng cho mình. Quan điểm "phụ tử chi binh" ấy đâu dễ ai cũng có thể thực hiện nhuần nhuyễn nếu không phải là vị tướng tài biết nhu biết cương. Phạm Ngũ Lão là một minh chứng sống động vậy.
Sử sách chép về Phạm Ngũ Lão, đa phần đều khen ông là người văn võ song toàn. Chẳng đâu xa, như Việt sử tiêu án có cho hay, ông dù làm tướng, nhưng tâm hồn lại rất thi sĩ, thích ngâm thơ. Điều này càng được chứng thực hơn bởi theo Nam quốc vĩ nhân truyện thì ông vốn là người ham đọc sách, từng ngồi vệ đường mà xem sách binh thư.
Thơ văn để lại cho đời của ông có bài Thuật hoài (Thuật nỗi lòng) được nhiều người biết tiếng, cũng là thể hiện một phần con người, khí phách, quan điểm về chí làm trai bản thân ông. Thi phẩm ấy Lệ Thần Trần Trọng Kim đã dịch và được tập hợp trong Thơ văn Lý Trần (tập II) như sau:
Lại khi cha vợ mất, là con rể, lại là tướng dưới quyền, ông cảm xúc mà viết bài "Vãn Thượng tướng Quốc công Hưng Đạo Đại vương". Trong đó câu luận bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn:
Sau này khi Phạm Ngũ Lão mất đi, quân tướng xót thương vị tướng yêu quân như con, còn vua Trần Minh Tông để tỏ lòng nhớ tiếc một vị tướng giỏi, đã nghỉ chầu năm ngày để tưởng nhớ. Toàn thư còn ghi: "Tháng 11, Điện súy thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão mất tại phủ đệ vua ban ở vườn cau trong thành, thọ 66 tuổi. Vua nghỉ chầu 5 ngày, đó là ân điển đặc biệt".
Biệt đãi hiếm có bởi không phải người thuộc tôn thất nhà Trần, nhưng được đối xử chẳng khác nào người trong họ. Sống được vua yêu, quân tin, nên cũng là hợp lẽ như lời Phong tục sử cho biết riêng đối với bản quán sau khi ông mất "Người ở quê lập đền ở ngay nơi ông đã ở mà thờ cúng ông", để rồi nay là lễ hội Phù Ủng truyền thống của đất Ân Thi vậy.
Để đúc kết công nghiệp một đời của vị danh tướng nhà Trần, xin lấy bài thi tán hết lời ngợi ca binh nghiệp của tướng họ Phạm trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh của kẻ ở ngôi cao trị vì thiên hạ (vua Tự Đức), mà kết lại:
Trần Đình Ba
Nguồn:
https://soha.vn/vi-tuong-hiem-co-cua-hung-dao-vuong-doa-cho-voi-dich-khiep-via-va-bi-quyet-danh-dau-duoc-day-20200204192509714.htm
https://soha.vn/vi-tuong-hiem-co-cua-hung-dao-vuong-doa-cho-voi-dich-khiep-via-va-bi-quyet-danh-dau-duoc-day-20200204192509714.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét