CÁNH
HOA ƯU ĐÀM TRONG RỪNG U MINH
Trên bàn đá trong căn chòi, chạng vạng như lọt thỏm
bên những dấu bàn cờ tướng. Hai người ngồi đối diện nhau một già một trẻ, tay
trỗi cạnh hàm, mắt đăm đăm như cào cấu từng quân cờ.
Chốc chốc, người già lại đưa tay nâng ly rượu đánh khà
một cái khi được nước cờ hay, cái xóm nhỏ ở rừng tràm U Minh thì phải biết, món
hời nhất là muỗi. Cậu thanh niên trạc 30 tuổi, một tay nâng ly rượu nốc hơi cạn
sạch, mặt vẫn chăm chú nhìn bàn cờ, tay kia kéo pháo:
- Chiếu tướng.
Không chút nghĩ ngợi, dường như lão già kia đã biết
trước nước đi, nhẹ chìa ngón tay trỏ rà con sĩ đỡ nước chiếu. Đi quân cờ mà mặt
bình thản như không, mắt ông nhắm nghiền nghe tiếng con bìm bịp dưới kinh kêu
nước lớn.
- Được, đi chốt qua sông - Chàng trai vừa đưa con chốt
sang hà bên kia vừa thì thào - Vẫn biết là hổng mong trở về.
- Về. Hừ, đã là chốt chỉ có hy sinh.
Lời nói rắn rỏi, khiêu khích ấy làm cho từng mô máu chảy
nhanh hơn, chàng trai bực tức lắm nhưng vẫn với giọng nói của kẻ bụi đời, trầm ấm
và nhã nhặn:
- Giống bà sư cô trong am bên kia sông phải hôn, đã lấy
chồng thì hông đường quay về!
- Đàn bà là chốt, đàn ông là tướng, chốt chỉ phục vụ,
hy sinh cho tướng là tròn nhiệm vụ.
- Nghe có lý quá he. Ông có khi nào thấy con tướng qua
sông hôn? Nó qua rồi đó, cũng có về đâu.
Bên kia sông, vang lên tiếng gõ mõ từng lúc nhặt hơn,
giọng đọc kinh cũng hòa vào chiều mà lãng đãng khắp một góc rừng U Minh, tiếng
kinh nghe quen lắm, dân trong vùng đã nghe nó khoảng mười năm rồi.
***
Mười năm trước, trên nền cái am đó là một ngôi nhà bề
thế, khai thác tràm và chuyển đi bán khắp lục tỉnh. Mỗi chuyến đi phải mất mươi
ngày, có khi đi tới xứ Nẫu phải hơn tháng.
Người đàn ông trong căn nhà đó theo tràm lênh đênh khắp
xứ.
- Tràm đợt này lại lên giá hở anh? - Giọng con gái lảnh
lót dưới đôi mắt nhung huyền như lúc nào cũng ướt nước.
- Đúng ời em! Đợt này cây to và thẳng, dí lại miệt dưới
anh vừa cháy rừng nên khan hiếm tràm lắm.
- Anh bán cao vậy em lấy đâu đủ tiền mà trả cho anh,
chắc phải… mà hổng biết người ta có chịu lấy hông nữa - Giọng như bông đùa, lấp
lửng đến độ chỉ người trong cuộc mới hiểu...
Xế chiều, chiếc ghe tam bản dong mái về tới xóm rừng U
Minh. Mấy mẹ con trong nhà chạy ùa ra, vẫn nụ cười hiền của vợ chào đón anh, mấy
đứa nhỏ thì reo hò: “Cha, cha đi Cà Mau có mua bánh về cho con hông cha?”. Bữa
cơm cá rô kho tộ, mớ bông súng tím nấu canh chua làm ấm cả gian nhà. Nhưng người
đàn ông trở nên gắt gỏng hơn, lầm lì và chán ngắt với cảnh quê eo sèo, tăm tối.
Các chuyến chở cây đi xa càng nhiều, thời gian ở nhà của
người đàn ông càng ít hơn. Mấy đứa nhỏ nhớ cha, vợ nhớ chồng chỉ biết ngồi đếm
tiếng muỗi vo ve, vàng vọt. Cứ chạng vạng, người phụ nữ dắt mấy đứa con ra ngồi
ở sàn lãng trước nhà mắt ngó ngơ rặng dừa nước phía cuối con kinh, lục bình tím
ngắt, dập duềnh, mấy bà già đằng xóm chèo xuồng đi chợ về muộn, ngang qua cất
giọng hò ngặt nghẽo: “Hò ơ… có một loài hoa vừa trôi vừa nở, có một loài hoa vừa
trôi vừa buồn…”, nghe đắng chát, quặn thắt, héo ruột héo gan.
- Nào cha về hở mẹ?
- Chắc về gần tới rồi con, nay 30 Tết mà.
- Cha hứa mua cho con ba bộ đồ mới lận á, mai con đi nội
chơi, chúc Tết nội.
- Con nhớ nội hả?
- Dạ hông, con nhớ trái bần chấm nước mắm đường của nội
không hà.
Mấy đứa nhỏ vô tư cười xòa, mắt Phượng thì ươn ướt,
quay đi. Ừ, nay 30 Tết rồi mà, ảnh sẽ về thôi, đi quá ba tháng còn gì, ảnh nói
đi Cần Thơ mà sao lâu vậy, hổng biết ảnh có bị gì hông nữa.
Mấy người trong xóm ngày nào cũng thấy cảnh mấy mẹ con
ngồi với chiều mà chua chát. Ừa thì đi Cần Thơ, mà thằng cha đó đi dí con nhỏ ở
Cà Mau á. Cái xóm này ai hổng biết, mà biết nói sao dí mẹ con cô Phượng giờ, chỉ
biết nhìn nhau rồi lắc đầu cho qua.
Phượng biết chớ sao hông. Biết chớ, biết từ cái lần
Phượng ngồi ăn cơm dí chồng bên mẻ cá kho và nồi canh chua bông súng lận. Mắt
chồng trốn mắt Phượng, tối nào cũng nhậu say khướt mới về nhà, giống như uống để
quên thứ gì đó buồn lắm. Phượng cũng biết lần ảnh đi vào buổi sáng ba tháng trước,
con gà sau nhà gáy te te. Đưa chồng ra sàn lãng xuống ghe mà bông tràm rụng trắng
cả sân nhà, Phượng hông rõ lắm nhưng hơi gió thổi sáng hôm ấy như nói cho Phượng
biết đây là lần cuối tiễn chồng đi.
Phượng yêu màu tím, yêu cái màu của lục bình làm đẫm cả
dòng kinh, chắc nó trôi nổi giống Phượng. Và cũng là màu tím nhưng Phượng lại
ghét, ghét cay ghét đắng, ghét đến thương, đến hận cái màu tím rịm của bông
súng dập duềnh cạnh sàn lãng trước nhà, nơi mà Phượng thường trốn mấy đứa con
ra ngồi ngó ngẩn ngó ngơ rồi khóc, chắc cũng tại nó giống Phượng, cũng tím rịm
cái đợi cái chờ, tím đến hanh hao.
***
Hơn năm sau, ngôi nhà đó đã trở thành nhà hoang, mạng
nhện phủ đầy, vài con chim chán làm tổ trên mấy cái chàng hảng của cành tràm
cũng bay vào, mỏ gặm sợi rơm đem treo lơ lửng giữa cây xiêng nhà làm tổ. Đất U
Minh hổng có mùa hè, mà có đi nữa thì hè cũng đi hông nổi qua những lớp bông
tràm dày đặc của khu rừng. Ở đây người ta chỉ biết hè đã tới khi tụi trẻ con
trong xóm thôi mặc những bộ đồ lấm chấm vệt sình đến trường và tiếng tu hú da
diết vọng lại làm trời sâu thẳm hơn. Mà hè ở cái xứ này ngộ lắm, luôn tới cùng
những đám mưa đầu mùa tầm tã, ủ dột đến buốt đau, đám nòng nọc chạy đua trong
những vũng nước to lớn của bước chân người để lại. Dưới làn mưa nhạt nhòa, một
vị sư cô đi trước, những người thợ theo sau, đứng trước ngôi nhà hoang, mở tung
cánh cửa, lũ dơi giật mình bay nhập nhoạng ra khỏi căn nhà dầm mưa về đậu trên
những tán cây.
Hai mươi cơn mưa trôi qua, trên nền đất ấy dấu vết của
ngôi nhà hoang hoàn toàn biến mất, một cái am được dựng lên, ngày nào cũng nghe
thấy tiếng tụng kinh vang vọng trong xóm nhỏ ở xứ sở này, nghe riết rồi người
dân trong vùng cũng quen nhưng hông ai thắc mắc gì về vị sư cô đó, vì nhìn quen
lung lắm, những người trong xóm nhìn nhau rồi tự hiểu, kẻ lắc đầu, người lại gật
đầu lia lịa.
***
Tiếng mõ khua đều bay ra khỏi am và kéo chiều về nhanh
hơn, bên kia sông, bàn cờ tướng, vẫn hai người ngồi tiu nghỉu chưa phân thắng bại.
- Tối rồi, ông đánh nhanh đi, thế này bí rồi nghĩ ngợi
gì nữa, gỡ không nổi đâu.
- Ừa, thua rồi, thua hoàn toàn, thua vì con chốt… qua
sông - Nói rồi ông già có vẻ tần ngần nhìn qua am.
Chàng trai dửng dưng như cố kiềm thanh âm trong cổ họng
bị đứt quãng không cho bật ra thành tiếng, nhưng mắt đẫm màu chiều:
- Ông không thua vì con chốt, mà thua vì con tướng,
con tướng… qua sông. Thôi, ông đi đi, bàn cờ đến đây là kết thúc được rồi, hôm
nay là 30 Tết, tui còn phải về đón tết với mẹ tui nữa. Hy vọng ông đừng đặt
chưn qua bên kia sông, hẹn ông ngày này năm sau ta lại đánh cờ.
Mắt lão già vẫn tần ngần với cái am, chợt sóng mắt lòa
theo từng tiếng kệ, trầm ngâm một lát, hai người ngồi đối diện nhau, nói chuyện
với nhau nhưng không nhìn nhau. Tối ở đây xuống nhanh lắm, rừng trở nên thâm u,
thâm u như lòng người, đúng như cái nghĩa U Minh, sáng sáng, tối tối, khỏa lấp,
heo hút và sâu hoắm buồn. Hai người đàn ông xốc chiếc ba-lô lên vai đi về hai
hướng. Trời tối quá! Không thấy rõ bóng người, chỉ nghe tiếng bước chân hòa vào
nhập nhằng với tiếng mõ gieo neo, bỏng rát.
Lão già bước xuống chiếc ghe tam bản đậu ở đằng xa,
phía mũi ngọn đèn treo lơ lửng như ma trơi nhịp từng hồi theo làn nước bì bõm
dưới kinh. Chàng trai gọi đò qua sông mà lòng nao nao buồn, cái buồn của 30 Tết
năm ấy chợt ùa về, lác đác vài bông tràm rụng xuống vầng trăng dưới nước làm
chao đảo cả một vùng ký ức tưởng chừng như chẳng còn mảy may nhớ. Chàng bước
vào am:
- Mẹ ơi, con đã về!
Sư cô ngừng gõ mõ, quay ra, vẫn nụ cười hiền lành. Bất
giác, cọng bông súng trước nhà nở hoa tím rịm, ngát hương như chưa từng được nở.
Truyện ngắn của Khét
Nguồn:
https://giacngo.vn/vanhocnghethuat/2020/02/16/17D099/
https://giacngo.vn/vanhocnghethuat/2020/02/16/17D099/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét