SÔNG
DINH, DÒNG SÔNG MUÔN THUỞ
Phan Chính
Sông
Dinh ở La Gi xuất phát từ Núi Ông thuộc huyện Tánh Linh, chảy qua huyện Hàm
Tân, nhưng đoạn ngang qua phần đất thị xã La Gi khoảng 6 km rồi trổ ra cửa biển
để hòa vào đại dương mênh mông. Sách xưa mô tả sông La Di phát nguồn từ phía
tây huyện Tuy Lý 70 dặm, đầu nguồn từ động Mọi và hợp lưu các khe suối núi Chà
Cố chảy đến xứ Bồn Bồn rồi tuôn ra cửa biển La Di/La Gi. Thực ra tên gọi Sông
Dinh không những ở La Gi, Bình Thuận mà còn có ở nhiều nơi như Phú Yên, Ninh
Thuận, Quảng Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu… lại gắn với truyền thuyết rất riêng. Qua
các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, cho rằng đối với người Chăm xưa thường gọi những
đoạn sông chảy ngang hoặc hướng về khu cư dân đông đảo, nơi có thờ các thần
linh với nguyên từ là “nau-ding”, từ chữ Ding phát âm là “Tìng”, người Việt
phiên âm thành Dinh, để tương ứng với nghĩa là nơi thờ thần linh ở những địa
bàn cư dân tập trung. Sông Dinh ở La Gi còn gọi là sông La Di như trong sách Đại
Nam nhất thống chí triều Nguyễn có ghi chép.
Năm 1967, bến đò ngang qua sông lâu nay từ chợ Cá
Biển với xóm chài Tân Long được bắc chiếc cầu gỗ cho người đi bộ đặt tên cầu
Long Hội (ghép tên xã Phước Hội với Tân Long) nhưng chỉ một năm sau lũ quét
trôi. Trước đó ngược dòng sông cũng có chiếc cầu gỗ qua xóm Tân Lý ở vị trí cầu
Tân Lý từ năm 1972 được xây lại bằng bê tông nhưng chia làm 2 lối đi rất hiếm
thấy ở các nơi- bên ô tô bên bộ hành. Sau trận lũ lớn vào năm 1999, cầu bị sập
và được xây mới đưa vào sử dụng hiện nay.
Cầu Tân Lý từ năm 1972 được xây lại bằng bê tông nhưng chia làm 2 lối đi rất hiếm thấy ở các nơi - bên ô tô bên bộ hành. Sau trận lũ lớn vào năm 1999, cầu bị sập...
Cầu Tân Lý được xây mới từ năm 1999 và đưa vào sử dụng hiện nay.
Dòng
sông Dinh chảy qua địa bàn thị xã La Gi tuy ngắn nhưng nằm giữa các xã phường
Tân An, Tân Bình, Bình Tân, Tân Thiện, Phước Hội, Phước Lộc được coi là những
nơi cư dân đông đảo nhất. Đoạn đầu giáp với địa giới huyện Hàm Tân có dòng Suối
Đó với truyền thuyết dân gian khá ly kỳ nhập vào tạo nên một cảnh sắc thiên
nhiên thi vị, với đá tảng cây rừng còn đậm nét hoang sơ.
Dòng sông mềm mại uốn
khúc quặn mình trông thật sinh động.Về hướng hạ lưu là Đập Đá Dựng, một công
trình ngăn dòng sông để tích trử nước cho sinh hoạt và sản xuất, xây dựng cách
đây 60 năm. Đây là một thắng cảnh nằm cạnh trung tâm thị xã.
Càng ra cửa biển,
đôi bờ dòng sông Dinh là những vườn cây xanh, bóng dừa in bóng như bức tranh thủy
mặc lúc hoàng hôn. Đứng ở cầu Tân Lý nối giữa phường Phước Hội và phường Bình
Tân, hướng nhìn về cửa biển, ta có cảm giác con sông Dinh bỗng trở mình đổi
khác khi ở đây là những dãy thuyền máy đủ sắc màu đang chờ con nước nổi để ra
khơi.
Sông
Dinh có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội và phát triển kinh tế của thị xã
La Gi, đặc biệt là hoạt động khai thác hải sản.Theo sớ dâng vua dưới triều Nguyễn
(1877) của doanh điền sứ Bình Thuận Nguyễn Thông trong “Nghĩ thỉnh thượng du đồn khẩn sự nghi sớ” đã chỉ ra tầm quan trọng
của cửa sông La Di/ La Gi để trở thành điểm kết nối vùng thượng du trù phú phía
nam của tỉnh với Phan Thiết và miền đông Nam bộ. Từ hàng trăm năm, các địa danh
xóm làng Láng Gòn, Đá Mài, Đá Dựng, Láng Đá, Xóm Rẫy, Tân Lý, Tân Long…được
hình thành dọc dài theo bờ sông Dinh. Sông Dinh trở thành mạch nguồn của sự sống
cho người dân tứ xứ từ các tỉnh miền Trung tụ hội ở đây. Đến bây giờ, ngay tại
làng biển Tân Long, Phước Lộc ai cũng có thể nhận ra đặc điểm cư dân, nếp sống
văn hóa của xứ biển Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Nghệ Tĩnh…dù đã trải
qua nhiều tháng năm vẫn còn giữ lại những nét đặc trưng làng xưa đất cũ trên mảnh
đất La Gi hiền hòa ngày nay.
Tuy
nhiên ở góc độ của cảnh quan du lịch, Sông Dinh có thể coi là một di sản văn
hóa thiên nhiên ở vùng đất này. Hãy thử tưởng tượng dưới đêm trăng đẹp, bằng một
chiếc thuyền nhỏ bồng bềnh trôi ngược dòng sẽ cảm nhận cái không gian đầy chất
lãng mạn, trữ tình. Hãy nghĩ rằng, một khi có sự chuyển mình của các khu du lịch
ở La Gi, chắc chắn dòng Sông Dinh sẽ trở thành một sản phẩm thú vị, hấp dẫn
trong hoạt động, khai thác dịch vụ du lịch ở địa phương.
1 nhận xét:
Đọc xong bài này bỗng nhớ về quê hương Bình Tuy một thời thanh xuân gắn liền với bao kỹ niệm dạt dào... Cám ơn tác giả Phan Chính.
Đăng nhận xét