BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

CÓ ĐÚNG LÀ “VĂN CHƯƠNG CÀNG HAY CÀNG XA SỰ THẬT”? - Phạm Đức Nhì


             
                      Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


Lời Nói Đầu
           
Trong thời gian tra cứu để viết lời bình cho bài thơ Tan Vỡ của nhà thơ Dư Thị Hoàn tôi đọc được bài viết “Dư Thị Hoàn: Từng Có 'Tan Vỡ' Gây Chấn Động, Xuất Hiện Sau 10 Năm Đi Tu.” (1)

Trong bài viết có đoạn:
Ba năm trước, Dư Thị Hoàn tổ chức lễ “rửa tay chậu vàng”, có nhiều bạn bè văn chương chứng kiến, tuyên bố không viết, không tham gia văn đàn.
Trong một cuộc phỏng vấn, nhà thơ chia sẻ, thực ra quyết định “bẻ bút” có từ trước đó, khi bà đọc được câu “Văn chương càng hay càng xa sự thật”.

Vì là người làm thơ và bình thơ nên trong bài viết này tôi sẽ chỉ đề cập đến khía cạnh thơ của câu nói trên. Các thể loại văn học khác xin mời những cao nhân có kiến thức và kỹ năng thích hợp lên tiếng.

Thi Sĩ Có Xạo Không?

Câu trả lời là CÓ. Tuyệt đại đa số đều xạo. Có nhiều kiểu xạo, nhiều lý do để xạo. 
Sau đây là một số kiểu xạo trong thơ:

Dối Trá Đời Thường

 1/ Xạo vì hèn, vì “teo chim” - tham sống sợ chết, thích yên thân, sợ tù đày, sợ bị trù dập - sản sinh những câu thơ Nịnh.
 2/ Xạo vì tham lợi, tham danh - viết sai sự thật vì danh vọng, vì bả vinh hoa phú quý.
Đây là 2 kiểu xạo tệ nhất, làm đục, làm bẩn “dòng sông thơ ca”.
3/ Xạo vì tình riêng – thơ về cha mẹ, vợ chồng, họ hàng, bạn bè thân thuộc…
4/ Xạo vì xã giao - thơ đám ma, đám cưới, mừng sinh nhật, đỗ đạt, thăng quan tiến chức …
Đây là 2 kiểu xạo mà người đọc dễ “thông cảm” cho qua, nhưng thơ thường được đánh giá thấp.
 5/ Xạo vì lập trường, quan điểm, đứng về một phía của một vấn đề hai mặt, chỉ nói một nửa sự thật.

“Ôi! Đẹp quá phe mình, còn phe bên kia
Phải chọn góc nhìn để chỉ thấy toàn điều xấu.” (2)

Thơ loại này đây đó cũng có bài hay nếu tác giả vững tay nghề và cao hứng.

Xạo Nghệ Thuật

 1/ Lối nói thậm xưng

Khác với dối trá đời thường (trong thơ), lối nói thậm xưng là một kiểu “xạo” đầy tính nghệ thuật. Tác giả cũng “phịa” ra những điều không thật nhưng với mục đích “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật”
Thí dụ:

Trong bài thơ Muốn Gởi Cho Em của thi sĩ Phạm Hữu T (tặng Phượng Kim Ngọc Huỳnh) thì câu:

Muốn gởi cho em
chút gió biển Galveston

là một câu “xạo tới bến” vì gió từ biển Galveston (ở Mỹ) làm sao gởi về Việt Nam được? Nhưng phần sau của đoạn thơ lại là những cái “có lý trong nghệ thuật”.

Gió từ Mỹ gởi về:
để dịu bớt cái nắng Sài Gòn gay gắt.

Có lý quá đi chứ! Và hai câu kế tiếp:

nhưng sợ người ta đang đi mà chợt mát
rồi bồi hồi

nhớ nhớ thương thương.

vừa trữ tình lãng mạn - khi mượn ý của Nguyên Sa trong Áo Lụa Hà Đông -  lại vừa khôi hài ý nhị. Đoạn thơ thật tuyệt vời. (3)

(Xin mở ngoặc nói thêm: Bài thơ là của Phạm Hữu T với cái tựa Muốn Gởi Cho Em; thí dụ trên được trích trong bài bình thơ Mối Tình Xuyên Lục Địa của tôi (PĐN)

Đây là kiểu xạo nghệ thuật, “xạo dễ thương”, nâng cao giá trị của bài thơ.
https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2018/01/xao-nghe-thuat-trong-tho.html

2/ Xạo vì “xê dịch kịch bản”
Muốn thơ hay, tâm trạng phải thật, cảm xúc phải thật. Đó là điều cốt yếu. Trường hợp kịch bản cũng hoàn toàn thật nữa thì quá tốt. Nếu kỹ thuật thơ của thi sĩ nhuần nhuyễn, bài thơ sẽ dễ có nhiều cảm xúc, và nếu hội đủ một vài điều kiện khác nữa, hồn thơ có cơ hội xuất hiện. Nhưng không phải lúc nào kịch bản của bài thơ cũng “vừa khít” với tâm trạng. Đôi khi thi sĩ phải xê dịch, điều chỉnh chút ít để có sự ăn khớp cần thiết.
Thử đọc đoạn cuối của bài Giấc Mơ Anh Lái Đò của Nguyễn Bính:

Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người giả chín quan tiền, lại thôi.

Tôi không tin là trong thực tế, con số chín hoàn toàn phù hợp với số lượng những “thứ” mà ông nói đến trong bài thơ. Đúng là ông “phịa”; nhưng ông “phịa” khéo quá, “cao tay ấn” quá, nên người đọc, theo dòng cảm xúc của mình, đâu cần biết có đúng là chín chiếc đò đón dâu, có đúng là chín nghìn cau hay chín nghìn tiền cheo, tiền cưới hay không, mà chỉ thấy cái khoảng cách giàu nghèo giữa anh lái đò và tình địch hiện ra một cách rõ ràng và cay đắng, để rồi cái cảm giác bàng hoàng đau đớn về mối tình vô vọng của anh lái đò đã như một dòng thác đổ xuống, tràn ngập tâm hồn. (4)
Ở đây thủ pháp “gợi, không kể” được phối hợp với phép điệp ngữ (chín) một cách tài tình đã dẫn đến 2 câu kết tuyệt vời.
Tuy nhiên, nếu kịch bản xê dịch quá nhiều thì cả bài thơ sẽ bị đánh giá là xạo, không những mất hẳn giá trị nghệ thuật mà tác giả còn bị chê bai, coi thường.

Mời đọc Một Kịch Bản Thơ Xạo theo link dưới đây. 
https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2017/06/mot-kich-ban-tho-xao.html

Xạo Vì Có Sự Can Thiệp Của Vô Thức

Để có thể hội nhập và thích ứng với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng, mỗi con người đương đại phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều. Sau khi vào đời một thời gian (dài ngắn tùy hoàn cảnh riêng) trong mỗi thân xác con người có hai cái tôi cùng chung sống nhưng luôn đấu đá lẫn nhau để đòi quyền làm chủ thân xác đó: cái tôi đích thực và cái tôi hội nhập với cuộc đời – tôi tạm gọi là cái tôi văn hóa.
Tuổi đời càng cao cái tôi văn hóa càng mạnh, càng rõ nét và cái tôi đích thực càng yếu kém, mờ nhạt. Đến một lúc nào đó cái tôi văn hóa sẽ “đè bẹp” cái tôi đích thực để độc quyền chiếm hữu cái thân xác kia.
Lúc ấy, nói như Jean Paul Sartre (5) thì con người là một “kẻ vong thân” (đánh mất chính mình). Còn nói như Albert Camus (6) thì con người đích thực đã bất lực – để một “kẻ xa lạ” đến chiếm hữu thân xác mình. (6)
Những trải nghiệm, suy nghĩ, toan tính, dự định, ước mơ … của ta sau một thời gian xuất hiện trên bề mặt ý thức, đều tự động đi vào kho chứa - một cỗ máy vi tính khổng lồ nằm sâu kín trong tâm hồn ta từ “muôn kiếp trước” (Tây Phương hiểu “muôn kiếp trước” theo nghĩa bóng, nghĩa là từ lúc đứa bé có khả năng tiếp nhận thông tin từ xã hội để từng bước hình thành cái nhìn của mình về cuộc đời; hiểu “muôn kiếp trước” theo nghĩa đen là cách hiểu của đạo Phật). Cỗ máy tính khổng lồ đó chính là vô thức.
Nó không chỉ đơn thuần là một kho chứa mà còn làm công việc tổng hợp và chuyển hóa (process) những dữ kiện đó (trải nghiệm, suy nghĩ, toan tính, dự định, ước mơ …) thành một quan niệm, cách nhìn nhận, đánh giá con người, cuộc đời, kể cả những thành kiến, định kiến về truyền thống, đạo đức, niềm tin tôn giáo.
Mỗi khi đối diện với cảnh đời hiện tại, hồi tưởng về quá khứ hay thả hồn về hướng tương lai, và nếu cảm xúc của ta chưa trào dâng khiến ta ngây ngất đến mức lạc thần trí, thì vô thức sẽ thông qua lý trí, tác động vào tâm hồn ta, định hướng để tâm trạng của ta phù hợp với quan niệm, cách nhìn nhận của vô thức lúc ấy.
Có những bài thơ dù đọc kỹ cách mấy cũng không thể tìm ra dấu vết của sự dối trá. Tứ thơ dễ bắt, cảm xúc dạt dào. Có điều chỉ không có tín hiệu nổi điên đến mức lạc thần trí của thi sĩ, nghĩa là vẫn có bóng dáng của lý trí.
Khi bài thơ còn sự hiện diện của lý trí, vô thức sẽ có cơ hội can thiệp. Nó sẽ dùng lý trí làm cây cầu nối tác động vào tâm tình hoặc thái độ của thi sĩ. Lời thơ sẽ có chỗ này, chỗ kia bị “điều chỉnh” (mà thi sĩ hoàn toàn không biết) và sẽ không còn là tiếng nói chân thật của con tim.

Siêu Thực Trong Sứ Mệnh Giải Trừ Lý Trí

Theo Thụy Khuê thì Siêu Thực đi từ triết học phân tâm của Freud, coi vô thức như chủ thể của sáng tạo. Siêu Thực là hiện thân của mộng, đề cao vai trò của mộng.

Freud chia hoạt động tâm thần làm ba khu vực:
Vùng vô thức tức là cái đó (le ça trong tiếng Pháp, Es tiếng Đức) chứa đựng toàn bộ những nhu cầu bản năng bị dồn nén, cấm kỵ không được phát lộ ra ngoài.
Vùng ý thức tức cái tôi (le moi, ego), hay ý thức xã hội, cái tôi xã hội, chứa đụng những gì đã được thanh lọc bởi lý trí và đạo đức xã hội, sẵn sàng trình làng.
Và cái siêu ngã (le sur moi) có trách nhiệm kiểm duyệt.

Theo Freud, cái vô thức mới là bộ mặt thật, là cái tôi đích thực của con người. Nó chi phối mọi hoạt động. Còn cái tôi ý thức chỉ là bộ mặt bề ngoài, giả dối và ngụy tạo.
Mơ, đối với Freud, là thực hiện những khát vọng bản năng bị dồn nén. Khi ngủ, cơ quan kiểm duyệt không làm việc, do đó chỉ trong mơ người ta mới thể hiện được những ham muốn bị dồn ép cấm kỵ lúc tỉnh.
Đề cao vai trò của Mộng trong thơ sẽ loại bỏ gông cùm của lý trí, sự phân tích logic, nguyên tắc đạo đức, niềm tin tôn giáo. (7)

Đưa Mộng Vào Thơ Thơ Sẽ Thành Lời Chân Thật?

Về lý thuyết thì đúng.
Những hình ảnh, cảnh tượng, sự việc xảy ra trong giấc mơ thường vắng mặt lý trí. Tuy nhiên, khi tỉnh giấc thi sĩ có nhớ đúng và đủ những gì đã xảy ra trong giấc mơ hay không lại là chuyện khác. Hơn nữa, chúng như câu chuyện kể của người điên - “đầu Ngô mình Sở”, không theo một thứ tự nào; nếu đưa vào thơ thì chức năng truyền thông của bài thơ thất bại.
Chính vì thế, dù có nhớ đúng và đủ những gì xảy ra trong giấc mơ đi nữa thì khi đưa chúng vào thơ, thi sĩ – đang trong tình trạng tỉnh táo - thường không cưỡng lại được sự thèm muốn “thêm bớt, cắt xén”, nghĩa là “nêm nếm” một chút “tài thơ” riêng của mình để “điều chỉnh”, “hợp lý hóa” câu chuyện trong mơ.
Rốt cuộc cũng chẳng khác gì những người làm thơ “phi siêu thực”.

Giải Trừ Lý Trí Bằng Kỹ Thuật Thì Sao?

Mời độc giả đọc thử một đoạn trong bài Buồn Xưa của Nguyễn Xuân Sanh.

Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa

Tác giả đã đặt cạnh nhau những chữ hoặc nhóm chữ “xà bần”, chẳng có “dây mơ rễ má” gì với nhau nhằm mục đích cắt đứt sự liên tưởng, để lý trí “giơ hai tay đầu hàng” rồi bỏ đi.
Nhưng để có được kết quả đó ông đã phải trả một giá rất đắt - triệt tiêu chức năng truyền thông của bài thơ – làm mất sự giao cảm giữa thi sĩ và độc giả.
Cho nên nếu bảo rằng loại bỏ lý trí để được nghe, được đọc tâm tình chân thật phát xuất từ “cái tôi đích thực” của thi sĩ thì theo tôi, những nhà thơ siêu thực đã không làm được điều đó.

http://bvtt-tphcm.org.vn/vo-thuc-va-suc-manh-cua-no/

Hai Cách Giải Trừ Lý Trí “Phi Siêu Thực”

1/ Thơ Thiền

Thi sĩ tâm đã đối cảnh nhưng không “dấy động”, hoặc đã hoàn toàn buông bỏ chuyện tranh cạnh hơn thua của cuộc đời trần tục, lý trí không có chỗ bám víu. Trường hợp này ta có thơ thiền. Bài thơ là “chứng đạo ca” của một người đã ngộ, đã “thấy” được lý đạo. (Từ chỗ thấy Lý đến đưa Lý vào Sự để Lý Sự Dung Thông và rồi Sự Sự Vô Ngại còn một khoảng cách xa lắm)

Thí dụ 1

THƠ TRÊN CÁT

Viết bài thơ trên cát
Con sóng vỗ xóa đi
Vô tình đâu nhớ được
Mình viết bài thơ gì

(Viên Minh, nhận trực tiếp từ tác giả)

Bài thơ mới viết xong trên cát, con sóng tràn lên xóa mất mà thi sĩ vẫn không một chút bận tâm, đến mức chẳng còn nhớ mình đã làm thơ về cái gì. Sao lại thế được nhỉ? Người làm thơ bình thường như tôi (PĐN) sẽ cố nhớ lại vì nó là tài sản tinh thần của mình. Nếu quả thật đã quên thì chắc là sẽ ngẩn ngơ nuối tiếc.
Thái độ không bận tâm của tác giả đã khiến lý trí phải “đội nón ra đi”, vô thức không có chỗ bám víu để giở trò can thiệp, “điều chỉnh”. Thiền sư Viên Minh đã biểu lộ một khả năng buông bỏ rất đáng ngưỡng mộ. Ở đây không chỉ “thấy Lý” mà đã “Lý Sự dung thông”. Việc “thấy lý” của ông đã dẫn đến hành động (sự) – thái độ ung dung, bình thản khi nhận ra mình đã quên bài thơ.

Thí dụ 2

HÃY NHƯ MÂY TRẮNG

Mây trắng lang thang khắp đỉnh trời
Tùy duyên tan hợp dạo nơi nơi
Mây không hò hẹn không vương vấn
Thế giới ba ngàn mặc sức chơi

(Linh Như, nhận trực tiếp từ tác giả)

Tâm hồn của thi sĩ như mây trắng lang thang khắp trời, lúc tan, lúc hợp tùy duyên. Không hò hẹn, không vương vấn, không trói buộc. Lý trí không có chỗ tá túc, không có lý do để xuất hiện, đành phải “đi chỗ khác chơi”.

Trong 2 bài thơ thiền tâm hồn thi sĩ vắng lặng, không tư ý, tư dục; cái tôi nhỏ bé đã hòa nhập với vũ trụ vô biên nên sự vật, cảnh đời trước mắt họ, không qua lăng kính của vô thức, hiện ra như thị, như thực. Tâm hồn họ không chỉ gần sự thật mà chính là sự thật.

    2/ Thơ Thế Tục

Trái ngược với thơ thiền, trong thơ thế tục thi sĩ đắm say mùi đời đến độ điên cuồng, máu sôi lên vì yêu thương, căm hận... Làm thơ trong tâm cảnh này, nếu có thể thơ thích hợp, dòng chảy của tứ thơ thông thoáng, cảm xúc dâng lên như nước vỡ bờ, dễ tạo cao trào. Lúc ấy lí trí sợ hãi trốn biệt, thơ là tiếng lòng chân thật của thi sĩ. Bài thơ xứng đáng bước vào Bến Bờ Thi Ca.

Thí dụ: Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương

Vũ Hoàng Chương trong cơn say – say rượu, say nhịp điệu nhạc trên sàn nhảy – đến lạc thần trí đã bộc lộ một “thành sầu” trong tâm hồn mình.
Đó là nỗi nhục của một sĩ phu bất lực trước cảnh quê hương, dân tộc đang bị ngoại bang dày xéo. Không những thế, chính mình lại sập bẫy của quân xâm lược, sa vào cảnh nghiện ngập - nghiện rượu, nghiện vũ trường, và đặc biệt là nghiện thuốc phiện – cái nghiện mà nếu vướng vào sẽ bị người đời coi rẻ, khinh khi. Nỗi nhục ấy, “thành sầu” ấy, đối với một người có thi tài và tâm hồn như Vũ Hoàng Chương là quá to lớn – “đất trời nghiêng ngửa” cũng không thể lung lay, sụp đổ.

Trong số những bài thơ xứng đáng được bước vào Bến Bờ Thi Ca thì theo tôi, Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương nổi trội nhất. Cơn điên dài, cảm xúc mạnh, hồn thơ lai láng, và lời thơ rất thật.

Độc giả có thể đọc cả bài thơ và lời bình qua link sau đây:
https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2019/03/

Sự Khác Biệt

 Những thiền sư đạt đạo, sau khi cao hứng viết bài thơ thiền - sự vật, cảnh đời xuất hiện như thị như thực trong câu chữ - lại ung dung trở về trạng thái tâm buông bỏ, thanh tịnh.
Ngược lại, trong bài thơ thế tục (Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương) tâm hồn thi sĩ còn chứa đầy những uất ức, thèm khát, bí mật phải che giấu nhưng nhờ cơn điên làm lý trí hoảng sợ trốn biệt nên “thành sầu” nguyên bản (thật, chưa qua điều chỉnh, thay đổi của vô thức) mới “bật ra”. Nhưng trạng thái nổi điên ấy chỉ đến bất chợt, có tính cách tạm thời. Ngay sau giây phút lạc thần trí đó ông sẽ lại “hoàn hồn” để trở về một Vũ Hoàng Chương “cũ”, có hàng trăm, hàng ngàn uẩn khúc khác chất chứa trong lòng không thể nói ra.
Theo tôi, đây là hai cách mời lý trí “đi chỗ khác chơi” hiệu quả mà vẫn có thể tâm tình với độc giả và giữ được nét đẹp trong sáng của thi ca.

Lấy Chữ Dâm Để Xem Ai Thật Hơn Ai?

Với người Việt chữ dâm bị cho là không thanh tao nên thường được tránh né trong thơ. Trong mỗi người đều có “con ma dâm” nhưng hễ đề cập đến nó không khéo một tí là ai cũng dẫy nẩy như đỉa phải vôi. Vì thế, bàn đến chữ dâm trong thơ, ít ai dám bộc lộ thật lòng mình. 
Dưới đây là mấy bài thơ có nói đến chữ dâm.

PHƠI NẮNG TRÊN BÃI BIỂN

Biển vắng nàng nằm phơi nắng
Chỗ không nên phơi, cũng phơi
Tôi tình cờ đi qua đấy
Nhìn thấy nóng ran cả người

                    (Phạm Đức Nhì)

Bài thơ liếc qua tưởng chẳng có chỗ nào xạo, mà tác giả có xạo cũng chẳng được cái giải gì. Nhưng đọc kỹ sẽ thấy chỗ có thể xạo nằm ở câu thơ sinh tình:

“Nhìn thấy nóng ran cả người”

Thân thể của người phụ nữ đang xuân, nửa kín, nửa hở trong bộ bikini thiếu vải đã khơi dậy lửa dục trong lòng người đàn ông xa lạ. Lửa dục ở đây chỉ ở phương diện xác thịt, không dính dáng gì đến chữ tình.
Có điều tùy đặc điểm về thể trạng, sinh lý của mỗi người chữ dâm sẽ mạnh yếu khác nhau. Nhìn người phụ nữ nằm phơi nắng trên bãi biển có người “lão Trư Bát Giới” vẫn ngủ yên, có người lão ta cựa quậy nhẹ nhàng. Nhưng cũng có người “vừa đối diện với cảnh sắc” là lão đã bật dậy phùng mang trợn mắt. Thi sĩ ở vào trường hợp nào độc giả làm sao biết được.
Trong bài thơ tôi đã chọn “nóng ran cả người” để chứng tỏ mình vẫn “còn sức sống” nhưng không đến mức dâm đãng quá đáng. Xạo ở đây chỉ mình thi sĩ biết, có thể nói là vô hại, không đáng trách, nhưng cũng vẫn là “không thật”
Cũng nên nói thêm, Phơi Nắng Trên Bãi Biển viết theo lối Kiếm Tông, chiêu thức không bí hiểm, lại ngắn, “kênh” không đủ dài để tứ thơ và cảm xúc chảy đến mức có “sóng sau dồn sóng trước”, đủ sức mạnh tạo cao trào cho thi sĩ lạc thần trí bật ra những lời chân thật. Vì thế, tứ thơ nói đến chữ dâm nhưng chỉ ở mức “nóng ran cả người”.
Tôi đưa bài thơ – tương đối non tay - của mình vào lót đường để độc giả có trớn đi tới những bài thơ “nặng ký” hơn.

TAN VỠ

Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ
Ôi anh yêu, lơ đãng đến là
Con nai rừng của em...

Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần...
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em

           (Dư Thị Hoàn, tập thơ Lối Nhỏ)

Tình của hai người đã chín mùi, sắp sửa thành vợ thành chồng. Nàng đã mở mấy cổng rào đón chàng vào thăm khu đồi hai quả của mình. Chàng và nàng đã đê mê “sau phút giây êm đềm trên ghế đá”. Thế rồi chỉ vì “Anh không cài lại khuy áo ngực cho em” mà nàng, không một lời cảnh báo, cắt đứt mối tình, “mời chàng đi chỗ khác chơi”. Và cuộc tình tan vỡ.
Điểm chính của tứ thơ là câu “Anh không cài lại khuy áo ngực cho em”. Đó là lý do để tình hai người tan vỡ. Chữ dâm chỉ là sản phẩm phụ, được khéo léo sắp xếp để xuất hiện cùng một lúc với câu thơ mang cả sức nặng của bài thơ.
Trai gái yêu thích nhau, dẫn nhau vào rạp “xi-nê” vừa xem phim vừa “sờ tí” cũng là chuyện thường tình. Cái bạo của Dư Thị Hoàn là dám cùng người yêu làm chuyện đó ngay trên ghế đá, chỗ có thể có “ông đi qua, bà đi lại”. Còn bạo hơn nữa là chị dám bóng gió đưa vào thơ “cảnh mở màn” của đoạn phim sex đó. So với bài Phơi Nắng Trên Bãi Biển ở trên, chữ dâm của Tan Vỡ, tuy không cụ thể, nhưng nhờ sức gợi mạnh mẽ nên đi xa hơn, hấp dẫn hơn.

CHẠM

Vùi vào tóc anh
Chạm
rong rêu đại dương, ẩm mục rừng già
ngai ngái phù sa, cánh đồng rơm rạ

Chạm sợi đa đoan, nhuộm màu dâu bể
Chạm sợi muộn phiền, ẩn mình lặng lẽ

Vùi vào môi anh
Chạm thềm mê man, chạm bờ mộng mị
Chạm lời chối bỏ, trong lời thầm thì
Dâng bời bời nhớ
Chạm bời bời quên

Vùi vào tay anh
Chạm đường vân quen, mịt mùng lạc lối
Chạm vết thương sâu, dấu chai cằn cỗi
Hôn ngón yêu thương
Chạm ngón lạnh lùng

Vùi sâu vào anh
Vùi vào giấc mơ
Vào đêm
Không anh.

                              (Đậu Thị Thương)

Tác giả kể lại cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc của mình trong một đêm được đắm đuối mê say dâng trọn cả linh hồn lẫn thể xác cho người yêu, nhưng bừng tỉnh mới biết đó chỉ là giấc mơ.
Với tôi, cách cấu tứ cuả Chạm có thể coi như là biến thể của phép ẩn dụ. Tác giả diễn tả sự việc cứ như đang thực sự xảy ra với tất cả háo hức, cuồng nhiệt của mình. Chỉ đến giây phút cuối mới bất ngờ hé lộ: “Đấy chỉ là tưởng tượng, chỉ là mơ.” Người đọc cảm được ý của tác giả trong sự ngạc nhiên thích thú. (Chạm Và Mấy Lời Bình, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogsot.com)

Chỉ với tài sử dụng hai chữ “vùi” và “chạm” một cách điêu luyện Đậu Thị Thương đã đẩy chữ dâm đi rất xa. Người đọc như đang xem một cuốn phim sex bằng óc tưởng tượng của mình qua một thứ ngôn ngữ gợi cảm, gợi dục nhưng rất đẹp, rất thanh của thơ ca. Dâm ở đây không những không tục mà rất Người, khoác cho bài thơ chiếc áo nhân bản rất đáng kính trọng.
Có điều chị đã khéo léo trong cấu tứ để bài thơ chỉ “vừa đủ đẹp”. Chính sự khéo léo ấy khiến chữ dâm phải ngừng trước lớp rào cản cuối cùng, không được phép nhảy qua để đi tới bến. Chữ “thật” ở đây vẫn chưa được trọn vẹn.
Chữ dâm của Chạm chi tiết, cụ thể, sống động, hấp dẫn và thật hơn chữ dâm của hai bài thơ trên.

TRÁI TIM RAO BÁN

Có thể
rồi sẽ đến một ngày
em phải xót xa
xót xa
đem trái tim mình
rao bán

Một ngày
mù khơi hạnh phúc
biền biệt tình yêu
còn lại trái tim biết đớn đau – niềm kiêu hãnh cuối cùng
rồi em sẽ phũ phàng
rao bán

Một ngày
mỏi mòn trong ảo vọng
em sẽ đem bán đi trái tim mình
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!

chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!

một chút tình
cho bớt chông chênh…

                      (Đinh Thị Thu Vân)

Mấy điểm đặc biệt trong Trái Tim Rao Bán:

1/
Chữ dâm núp bóng chữ tình:

Bằng mấy nhóm chữ “mù khơi hạnh phúc”, “biền biệt tình yêu”, “mỏi mòn trong ảo vọng” và đoạn thơ:

còn lại trái tim biết đớn đau – niềm kiêu hãnh cuối cùng
rồi em sẽ phũ phàng
rao bán

 ĐTTV muốn bộc lộ tâm trạng khao khát tình yêu đến điên cuồng.
Nhưng ở đoạn cuối:

không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!

chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!

một chút tình               
cho bớt chông chênh…

chữ tình tuy được lập đi lập lại nhưng rất mờ nhạt. Còn chữ dâm, tuy không được nhắc tới, đã là nhân tố chính lèo lái cảm xúc của tác giả.

Chị nói “không cần sòng phẳng” để chứng tỏ mình không phải loại gái làng chơi, cho thuê thân xác kiếm tiền, “không cần chọn lựa người mua” – nghĩa là ai cũng được, già trẻ lớn bé, đui què sứt mẻ cũng OK - để cho thấy chữ tình lúc ấy, với chị, chẳng đáng giá một xu, còn:

“chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!

một chút tình                
cho bớt chông chênh…”

thì rõ ràng chữ DÂM thật lớn, khoác áo chữ tình, đã độc chiếm thể xác và tâm hồn chị. 

2/

Nói về tương lai nhưng thật ra là hiện tại
Trong đoạn đầu bài thơ:

Có thể
rồi sẽ đến một ngày
em phải xót xa
xót xa
đem trái tim mình
rao bán


nhóm chữ “rồi sẽ đến một ngày” rõ ràng là nói đến tương lai. Thêm hai chữ “có thể” cái tương lai ấy còn chưa có gì chắc chắn. Nhưng giọng điệu thì đã hàm chứa cái gì đó gấp rút lắm.
Đến đoạn cuối thì tình hình đã đến mức khẩn cấp, “bom sắp nổ”, không thể chờ đợi thêm một phút giây nào nữa. Tình thì còn có thể nấn ná chờ đợi, chứ “con ma dâm” khi đã nổi cơn điên thì “trời long đất lở”. Mà như đã nói ở trên, tình ở đây chỉ là con số không to tướng.

3/

Bài thơ chỉ bộc lộ, không kể
Trái Tim Rao Bán không dài lắm, nhưng được viết theo lối Khí Tông, nặng về cảm xúc. Tác giả không kể lể dài dòng mà ngay từ câu đầu đã thẳng thắn bộc lộ tâm trạng của mình. Có thể nói Đinh Thị Thu Vân đã tận dụng tất cả 95 chữ, từ chữ đầu đến chữ cuối, không bỏ phí chữ nào để trải lòng mình trên trang giấy. Bài thơ, vì thế, rất đậm chữ tình, cảm xúc rất mạnh.

Nhân bàn về nét độc đáo của Trái Tim Rao Bán trong một buổi trà dư tửu hậu, thằng bạn yêu văn thơ nhưng có tật nói thô tục của tôi đã phát biểu:

“Con nhỏ này chắc là ‘thèm khát’ đến cực điểm nên mới nổi điên dám viết những câu thơ bất cần thiên hạ như thế. Nhưng tao lại khoái cái ‘chất điên’ của nó.”

(Tôi đã dùng “thèm khát” thay thế 2 chữ rất tục tĩu của hắn để phù hợp với khung cảnh của bài viết này. Mong bạn đọc thông cảm.)

Tôi hoàn toàn đồng ý với hắn. Nhờ cái “chất điên” ấy tác giả không còn nỗi sợ “quan trên ngó xuống người ta trông vào”, đã tháo cũi xổ lồng để “con ma dâm” tự do chạy tới bến. Chị đã tự chà đạp lên nhân cách của của mình, nhân cách của “cái tôi văn hóa”, nhân cách mà ai cũng muốn o bế, tô vẽ để nhận được thiện cảm, ngưỡng mộ của người đời. Mà rất lạ, làm như vậy tự nhiên tâm hồn chị lại toát ra một Nhân Cách khác, Nhân Cách của “cái tôi đích thực”, Nhân Cách có chữ Nhân được viết hoa một cách trang trọng. Vì sao?
Nhờ bị cuốn vào dòng chảy của thơ, cảm xúc dâng tràn, lý trí trốn biệt, vô thức mất “trạm trung chuyển” để liên lạc, không còn khả năng tác động vào tâm hồn nên chị đã tự do nói Thật cái “muốn” của mình, điều mà nhiều người khác cũng “muốn” nhưng không chộp được cái giây phút nổi điên như chị, không có tài thơ như chị để đẩy lý trí đi chỗ khác chơi nên không dám nói.

Đinh Thị Thu Vân, qua bài thơ Trái Tim Rao Bán, đã cho độc giả chúng ta cơ hội để trò chuyện với chị bằng Tiếng Người Chân Thật.

Cánh Đồng - Một Bài Thơ Lạ

CÁNH ĐỒNG

Sau ba năm chung thủy
Với người chồng đi xa
Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ
Với người đàn ông xấu xí
Già hơn chị rất nhiều

Trong một buổi chiều bão tố
Khi chúng tôi đến đó
Người đàn ông đã đi rồi
Chỉ còn lại trên đồng lúa
Vết xước của dĩa bay mà thôi

             (Nguyễn Đức Tùng)

So với 4 bài thơ nói đến chữ “dâm” ở trên, Cánh Đồng của Nguyễn Đức Tùng có mấy điểm khác biệt:

1/

Người phụ nữ đã “thất tiết” với người đàn ông già, xấu xí và … ở một nơi nào đó ngoài quả đất của chúng ta. Thông điệp của tác giả là: Khi cơn dâm - một nhu cầu thiết yếu của con người - nổi lên thì việc làm tình với người ở ngoài hành tinh cũng có thể xảy ra.
Như thế, nói về đối tượng của chữ dâm thì:

     a/ Dư Thị Hoàn tận hưởng “phút giây êm đềm trên ghế đá” với người yêu.
     b/ Chạm: Rõ ràng khi mường tượng những câu thơ đầu tiên về cảnh ân ái cô giáo Đậu Thị Thương đã nghĩ đến (và chọn) người yêu của mình. Lý do: Khác với người phụ nữ trong Cánh Đồng chồng chết đã 3 năm, khác với Đinh Thị Thu Vân đang “biền biệt tình yêu”, “mù khơi hạnh phúc”, chị có người yêu nhưng có lẽ do hoàn cảnh nào đó nên tạm thời xa cách.
Khi chữ dâm ập đến, lựa chọn người yêu của mình để đưa vào “cuộc ân ái trong mơ” là hoàn toàn hợp tình, hợp lý.

     c/ Phơi Nắng Trên Bãi Biển: Phạm Đức Nhì hứng tình (“nóng ran cả người”) khi nhìn thấy người phụ nữ mặc đồ tắm nằm trên bãi biển - tuy xa lạ nhưng đẹp, “sexy”, và là người trên trái đất.

     d/ Trái Tim Rao Bán: Đinh Thị Thu Vân không kén chọn, ai cũng được, miễn là người trên trái đất.

     e/ Người phụ nữ trong Cánh Đồng làm tình với vị khách đến thăm bằng dĩa bay.
Nguyễn Đức Tùng đã đẩy chữ dâm đi thêm một đoạn dài nữa, vượt bầu khí quyển đến một tinh cầu nào đó xa diệu vợi.
Xét về đối tượng của chữ dâm, cái nhìn của Nguyễn Đức Tùng phóng khoáng hơn, bạo hơn tác giả của 4 bài thơ trên.

2/

Chuyện người phụ nữ “thất tiết” - làm tình - với người ngoài hành tinh chỉ là bịa đặt, một kỹ xảo “xạo nghệ thuật” nhằm chuyển tải thông điệp về chữ dâm

3/

Bài thơ chỉ toàn Kể, không có Bộc Lộ Tâm Trạng. Nặng chất trí tuệ, gần như toàn lý trí, rất ít cảm xúc.

Tác giả “nghe đồn” về chuyện này, đến xem cho rõ thực hư thì:

Người đàn ông đã đi rồi
Chỉ còn lại trên đồng lúa
Vết xước của dĩa bay mà thôi

Ông quan sát sự việc rồi dùng khả năng lý luận của mình suy ra: Người ngoài hành tinh có đến thật; chuyện “thất tiết” của người phụ nữ “chắc là có”.
Tóm lại, Nguyễn Đức Tùng đã thành công trong việc chuyển đến độc giả một thông điệp mới lạ, có tính nhân bản, nhưng ông chỉ là kẻ bàng quan nên tuy chữ dâm trong bài thơ Cánh Đồng được bóng gió nói đến một cách tài tình nhưng cảm xúc và ấn tượng thì gần như không có. Riêng chữ “thật” thì bé tí ti.

Trong 5 bài thơ về chữ dâm, xét về cường độ cảm xúc và mức độ thành thật, Trái Tim Rao Bán của Đinh Thị Thu Vân thành công nhất. (8) Con ma dâm lồng lộn đã khiến chị vật vã, ngả nghiêng đế mức gần như van xin:

không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!

chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!

một chút tình               
cho bớt chông chênh…

Chị đã bộc lộ tâm trạng của mình một cách thành thật, thật đến mức gây bàng hoàng sửng sốt cho cả những người có cái nhìn phóng khoáng về những gì xảy ra “sau bức màn the”. Theo tôi, bài thơ Trái Tim Rao Bán của Đinh Thị Thu Vân xứng đáng được bước vào Bến Bờ Thi Ca.

Thơ Càng Hay Càng Gần Sự Thật

Những năm ở trung học nhà tôi nằm trong khu lao động. Đàn ông, sau thời gian làm lụng cực khổ suốt ngày, bữa cơm chiều thường tìm vui trong ly rượu. Mà khi “rượu vào” thì “lời ra”. Có ông lúc quá chén đã “buột miệng” nói ra chuyện dan díu với người đàn bà khác. Dĩ nhiên, vợ con nghe được, tình vợ chồng, cha con lạnh nhạt, hạnh phúc đội nón ra đi. Có trường hợp chỉ vì một câu nói “buột miệng” mà gia đình gẫy đổ, chồng một nơi, vợ một nẻo, con cái học hành lở dở, đánh mất tương lai.

Trong các phiên tòa hình sự ở Mỹ cả công tố viên lẫn luật sư biện hộ đều dùng nhiều thủ thuật tâm lý đẩy bị cáo hoặc nhân chứng (của cả 2 bên) vào thế tự ái, bực tức, tự “phun” ra những chi tiết lẽ ra phải che giấu để thắng kiện. Trong trạng thái nổi điên ấy những chi tiết bị “phun” ra thường được bồi thẩm đoàn tin và cho là sự thật. Họ sẽ dựa vào đó để phán xét có tội hoặc vô tội.

Với thơ, tôi có đôi lúc cao hứng nổi điên, câu chữ tuôn ra ào ạt, phải “chộp lại” bằng tốc ký. Lúc ấy lý trí trốn biệt, vô thức không có cầu nối nên không thể xen vào để bí mật “so đo hơn thiệt”, phán xét đúng sai, yêu cầu chỉnh sửa. Những đoạn thơ ấy, khi bình tâm đọc lại nghe rất “đã” vì nhiều cảm xúc, và dĩ nhiên, rất thật.
Nếu trong thời gian sáng tác, có nhiều đoạn thi sĩ cao hứng hoặc nổi điên thì bài thơ càng hay hơn nữa. Đặc biệt, nếu cơn điên kéo dài cho đến lúc viết xong bài thơ - hoặc ít nhất cũng xong đoạn tứ thơ lên đến cao trào - thì thi phẩm ấy không những cảm xúc sẽ dạt dào mà còn có nhiều cơ hội hồn thơ lai láng.
Nhưng xin đừng quên trạng thái cao hứng đến mức nổi điên của thi sĩ tuy là điều kiện rất cần nhưng chưa đủ để có hồn thơ. Bên cạnh đó thi sĩ phải có kỹ thuật thơ điêu luyện. Đặc biệt phải biết chọn (hoặc tự tạo ra) thể thơ có dòng chảy vừa nhất khí liền mạch vừa thông thoáng, dễ đưa đến cao trào.
Nếu hồn thơ lai láng thì bài thơ sẽ đạt được mục đích cao cả nhất của người làm thơ là nói được tiếng Người (viết hoa) Chân Thật. Và sẽ đi vào Bến Bờ Thi Ca.

Kết Luận

Thi sĩ mượn thơ để bộc lộ, bày tỏ tâm trạng, để độc giả “nghe” được “tiếng lòng” của mình. Nhưng vì nhiều lý do, “tiếng lòng” của Ngài thường gian dối. Nếu bài thơ bằng cách nào đó loại bỏ được lý trí - dẫn đến loại bỏ được sự gian dối – có nghĩa là thi sĩ đã ban cho độc giả ân huệ được giao tiếp với Ngài bằng Tiếng Người Chân Thật. Với một thế giới mà cái tôi văn hóa đã gần như hoàn toàn che lấp cái tôi đích thực như hiện nay thì đó là điều vô cùng cần thiết và quý giá. Và đó cũng là sứ mạng cao cả của thơ.

Nếu thi sĩ tâm có khả năng buông bỏ như các thiền sư đạt đạo thì không nói làm gì. Thơ của Ngài không có chỗ cho lý trí bám víu, sẽ là tâm tình chân thật.

Còn với những thi sĩ trần tục như tuyệt đại đa số những người làm thơ, trong đó có tôi, thì như đã trình bày ở trên - đặc biệt là phần bàn đến mức độ thành thật khi nói về chữ dâm - thơ càng nhiều cảm xúc (thứ cảm xúc từ trạng thái tâm của thi sĩ) càng gần sự thật và giá trị nghệ thuật càng cao.

Với những thể loại văn học khác thì tôi không dám bàn tới, nhưng với thơ, tôi có thể xác quyết câu nói “Văn chương càng hay càng xa sự thật” sai hoàn toàn.

                                                                        Phạm Đức Nhì
                                                                  nhidpham@gmail.com
                                                           phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:

1/ Báo Tiền Phong ngày 01/10/2019
https://www.tienphong.vn/van-hoa/du-thi-hoan-tung-co-tan-vo-gay-chan-dong-xuat-hien-sau-10-nam-di-tu-1469906.tpo

2/ Yêu Thơ Nên Phải Hết Lòng Với Thơ, Phạm Đức Nhì, t-van.net
http://t-van.net/?p=8800

3/ Mối Tình Xuyên Lục Địa, Phạm Đức Nhì
https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2017/06/moi-tinh-xuyen-luc-ia.html

4/ Giấc Mơ Anh Lái Đò hay Mối Tình Vô Vọng
https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2016/06/giac-mo-anh-lai-o-hay-moi-tinh-vo-vong_1.html

5/ Triết gia người Pháp
    Tác phẩm tiêu biểu: L'Être et le Néant (Tồn Tại Và Hư Vô), La Nausée (Buồn Nôn)

6/ Triết gia người Pháp
    Tác phẩm tiêu biểu: L'Étranger (Kẻ Xa Lạ)

7/ Từ Lãng Mạn Đến Siêu Thực, Thụy Khuê
http://thuykhue.free.fr/stt/s/breton.html

8/ Kế đến là Chạm của Đậu Thị Thương, Tan Vỡ của Dư Thị Hoàn, Phơi Nắng Trên Bãi Biển của Phạm Đức Nhì, và sau cùng là Cánh Đồng của Nguyễn Đức Tùng.

Không có nhận xét nào: