BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

CHIM VÀ NGƯỜI - Cao Hữu Lợi




    CHIM VÀ NGƯỜI

Lúc còn giảng dạy bộ môn ngữ văn cấp 2, tôi thích nhất là tiết văn bản “Lao xao” (sách ngữ văn lớp 6 .T2)… Bài trích từ hồi kí tự truyện “Tuổi thơ im lặng” của nhà văn Duy Khán. Bằng ngòi bút của mình, tác giả kết hợp tả và kể để khắc họa những hình ảnh của thế giới các loài chim ở làng quê hiện lên một cách sinh động.
Từ những loài chim trong tác phẩm văn học, hôm nay tôi được may mắn khi trong những ngày nắng ấm đầu Xuân, tôi phát hiện ra những loài chim sáo, họa mi, sẻ... bay về trong khu vườn nhà mình. Chúng sà đậu và kiếm ăn trên nóc các cơ sở lân cận như trường mẫu giáo, trụ sở ủy ban, đền liệt sĩ... Chúng ríu rít gọi nhau và cất lên những tiếng hót dài như một khúc hoà tấu chào đón buổi sáng mùa xuân vậy. Một điều khá thú vị là các chú chim lúc này thấy dạn dĩ, gần gũi và thân thiện với con người hơn. Thậm chí chúng còn bay đậu sát vào hành lang sân nhà. Có lẽ trẻ nít lúc này chỉ tìm thú vui bên những chiếc điện thoại cảm ứng chứ không săn bắt chim cá như ngày xưa. Do đó chim chóc bây giờ sinh sản nhiều và trở thành thân thiện với con người chăng? Nhờ vậy mà trong những ngày qua, cả nước đang sống ngạt thở vì ảnh hưởng của dịch Covid19 ở Trung Quốc thì quê nhà là môi trường đáng tin cậy nhất đối với chúng tôi.

Ngồi trong bụi rậm sau “ruồng”, tôi dùng chiếc điện thoại thông minh để thu lại những âm thanh hót của chúng. Rồi sáng hôm sau, tôi ra đứng sau vườn nhà phát ra những tín hiệu âm thanh đó. Theo tin hiệu âm thanh của đồng loại và theo nhu cầu bầy đàn, chưa đầy vài phút sau hàng chục chú chim bay về đậu trên hai cây xoài, thậm chí có những con sà đậu trên vai tôi tạo thành một hình ảnh rất ngoạn mục.

Giữa chim và người thân thiện như thế nhưng cách đây hơn vài ngày khi vào Huế, dọc theo đường Đoàn Thị Điểm la liệt những chú chim bị nhốt trong một khoảng chưa đầy nửa mét khối không gian. Chim ở đây phải hót thật hay. Nếu chưa biết hót hoặc hót không hay thì phải lột lưỡi hoặc cho ăn ớt... trong khi môi trường của chúng là không gian “chim trời cá biển”. Càng tàn nhẫn hơn cách đây một năm khi về huyện Phú Lộc, dọc theo quốc lộ, tôi thấy hàng chục con chim trời bị xả da lột bán một cách vô tội vạ.

Tôi nghe nói ở Singapore, họ đưa ra một quy luật rất nghiêm ngặt về vấn đề bảo vệ môi trường. Ai bắn một con chim trời sẽ bị phạt một ngàn đô? Cách đây mấy năm khi nhạc sĩ An Thuyên qua đời một việc làm rất nhân văn của cô ca sĩ Bông Mai (con gái nhạc sĩ An Thuyên). Cô yêu cầu ai đến phúng điếu bố cô, thay vì lễ vật là một lồng chim để thả chúng trở về nguyên quán.

Bài này người viết không có công phu như bà bán nước ở đường Tô Hiến Thành-Hà Nội (hai mươi năm nay mỗi buổi sáng thường vãi thóc cho chim ăn). Nhưng người viết mong xã hội chúng ta văn minh như những xã hội văn Tây Âu khác. Để xã hội chúng ta đang sống dù thành thị hay thôn quê; dù miền núi hay đồng bằng có tiếng hót của bao loài chim trên rặng tre, trên cây cao, giữa cánh đồng, trong bụi rậm, trong công viên, sân nhà, trong đầm lầy sông nước... hay trong thênh thang đất trời thay vì trong lao tù chật hẹp. Cho dù đó là “Gác tía lầu son”. Bài học đắt giá và quả báo nhãn tiền cho thành phổ Vũ Hán là nơi mua bán động vật hoang dã đã để lại một hậu quả thảm khốc cho nhân loại trong những ngày qua!

                                                                                      Cao Hữu Lợi

Không có nhận xét nào: