BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN – Lê Hữu Thăng


            
                             Thầy Lê Hữu Thăng


TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 
                                                                                  
Dù ngôi trường ngày nay không còn tồn tại về mặt vật chất, nhưng tên tuổi của trường vẫn lưu truyền mãi mãi trong con tim của người dân Quảng Trị - nhất là trong lòng những thế hệ học sinh của ngôi trường được vinh dự mang tên Chúa Tiên. Xin tạ ơn quý vị thân hào nhân sĩ, quý vị phụ huynh học sinh của thập niên 1950 đã có tầm nhìn xa trông rộng, góp nhiều công sức xây dựng nên trường Trung học Nguyễn Hoàng. Xin tạ ơn quý thầy cô giáo đã hy sinh, tận tụy khai sáng trí tuệ, truyền đạt tư tưởng một nền giáo dục “nhân bản, dân tộc và khai phóng” để hàng chục thế hệ học sinh của trường Nguyễn Hoàng được thành danh, thành người hôm nay.
Vừa thoát khỏi ách đô hộ 80 năm của thực dân Pháp, một nạn đói kinh hoàng xảy ra vào cuối năm 1944 đến tháng 5-1945 trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị trở ra khắp vùng Bắc Bộ, đã giết chết hàng trăm ngàn người dân nước Việt. Xác người chết đói nằm rải rác trên các cánh đồng, trên những nẻo đường thị xã. Tiếp theo là những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã hủy diệt môi trường sinh sống, đồng ruộng bỏ hoang, cơ sở cộng đồng, trường học bị bom đạn tàn phá. Trong hoàn cảnh ấy, tháng 9-1952, tiếng trống khai giảng trường Trung học Quảng Trị - tiền thân trường Trung học Nguyễn Hoàng đã vang lên như một giấc mơ huyền thoại của thế kỷ, như một tia sáng nhiệm màu soi đường cho tương lai tuổi trẻ Quảng Trị. Một ngày hội tưng bừng của phụ huynh học sinh và của cả cư dân trong tỉnh.

Mở lối khai phóng một nền giáo dục nhân bản

Trong giai đoạn 1940 – 1944, nước ta đang lệ thuộc hệ thống cai trị của thực dân Pháp nên việc học hành rất hạn chế. Mỗi quận hay tại thị xã chỉ có một trường tiểu học. Học sinh tốt nghiệp bằng tiểu học có thể xin làm việc tại các công sở hay làm thư ký, kế toán cho các cửa hàng kinh doanh, buôn bán tiểu thủ công nghiệp. Chỉ có một số ít con em của các gia đình khá giả mới có điều kiện vào Huế tiếp tục học các lớp ở bậc trung học.

               

Ưu tư với tiền đồ của thế hệ trẻ Quảng Trị, năm 1942, bác sĩ Phan Văn Hy – một nhân sĩ của tỉnh nhà thời bấy giờ, đã thành lập một trường trung học tư thục với danh xưng trường Trung học Tư thục Kỉnh Chỉ (Kỉnh Chỉ cũng là bút hiệu của bác sĩ trong sinh hoạt văn học lúc bấy giờ).
Năm sau – 1943, một nhóm thầy giáo từ Huế ra Quảng Trị mở thêm trường Trung học Tư thục Quảng Đức. Mặc dù bị hạn chế bởi thời cuộc, nhưng hai trường trung học Kỉnh Chỉ và Quảng Đức đã hoạt động và phát triển khá tốt đẹp, phần nào đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền giáo dục tỉnh nhà. Không những thế, ý tưởng của cụ Phan Văn Hy đã mở lối khai phóng một nền giáo dục nhân bản cho thế hệ thanh niên sau 80 năm bị đô hộ bởi thực dân Pháp.
Tháng 8 năm 1945, cũng như cả nước, Quảng Trị thành công trong việc giành lại chính quyền, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ra đời. Chính quyền mới vừa thành lập đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn với một cơ cấu hành chính chuyển tiếp phức tạp và nhất là hậu quả của nạn đói năm 1945. Tuy nhiên, chính quyền cũng đã tổ chức được một trường trung học công lập mang tên trường Trung học Quảng Trị. Trường đã mở các lớp từ đệ thất đến đệ tứ (lớp 6, 7, 8, 9). Từ đó, cơ chế trường tư thục không còn nữa nên hai trường Kỉnh Chỉ và Quảng Đức tự động giải thể.
Năm 1947, quân Pháp tái chiếm thị xã Quảng Trị và một số vùng lân cận. Chính quyền, UBND Quảng Trị phải di tản ra Vĩnh Linh nên trường Trung học Quảng Trị tạm ngưng hoạt động. Mãi đến năm 1950, hậu thân của trường mới được hình thành gồm có 2 cụm trường.
Cụm trường Trung học Triệu Phong nhằm đáp ứng cho nhu cầu học sinh thuộc hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong. Cơ sở mà một căn nhà tranh tại thôn Long Quang, huyện Triệu Phong. Tuy nhiên, trường là mục tiêu thường bị máy bay hay pháo của địch bắn phá nên trường phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác, là kho hợp tác xã thôn Linh Yên, hay chùa thôn Đạo Đầu. Đến những năm 1951, 1952, quân Pháp mở chiến dịch càn quét, hủy hoại hoa màu; giết hại lương dân cả một vùng Triệu Phong qua Hải Lăng, đến tận Kim Long, Kim Giao của Thừa Thiên. Hủy diệt môi trường sống, không có tiếng chim hót, tiếng gà gáy sáng, tiếng chó sủa… Một ký giả người Pháp, Bernard Fall, đặt tên con đường qua vùng này là “con đường buồn hiu”. Riêng thôn Mỹ Thủy 400 người bị giết. Dân chúng ngơ ngác, kinh hoàng, thầy trò thất lạc, một số trò tự bỏ trường về quê, một số về thị xã Quảng Trị thi vào trường trung học Quảng Trị vừa mới thành lập, một số ra Bắc. Trường Trung học Triệu Phong tan hàng từ đó.
Cụm trường Trung học Lê Thế Hiếu (là nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày đầu thành lập, sau đó bị tử thương trên đường công tác). Cơ sở tại Cùa dành cho học sinh vùng Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa. Đến năm 19554, khi hiệp định Geneve được ký kết, vùng Cùa thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa nên thầy giáo, học trò tự chọn cho mình hướng đi, ra Bắc hay vào Nam.

Tầm nhìn xa trông rộng

Sau khi tình hình chiến sự tạm ổn, kinh tế khởi sắc, đời sống cư dân có những bước tiến bộ, các công trình phúc lợi xã hội cũng phát triển. Đặc biệt là ngành giáo dục, các trường tiểu học được xây dựng nhiều nơi đến cấp thôn, cấp xã… nâng tỉ số học sinh tốt nghiệp tiểu học lên hàng trăm em trong mỗi niên khóa, từ đó, phát sinh một nhu cầu khẩn thiết của xã hội. Những học sinh tốt nghiệp tiểu học không có những lớp trung học để học tiếp, đa số phải quay về nông thôn làm ruộng phụ giúp cha mẹ, học các nghề may mặc, thủ công sống qua ngày. Số em thuộc gia đình khá giả, có điều kiện vào Huế học tiếp rất ít, chỉ vài chục em thôi.




Khắc khoải với tương lai đất nước, với những thế hệ trẻ học sinh quê hương, một số thân hào, nhân sĩ, phụ huynh như các ông: Hồ Duy Tinh, Phạm Tri, Nguyễn Hữu Hiệt, Lữ Mộng Liên, Đặng Văn Tắc, Phan Quang Đãi, Hồ Tiềm, Nguyễn Thuật… đã nhóm họp, bàn bạc để tìm phương hướng giải quyết, thành lập ban vận động để mở một trường trung học.
Mùa hè năm 1951, ban vận động đã xin được phép mở trường Trung học Tư thục Quảng Trị và mời ông Hồ Văn Hải, nguyên là Tham tá Công chánh làm hiệu trưởng. Chính quyền tỉnh đã hỗ trợ, cấp cho một lô đất ở vườn hoa cũ, bên cạnh bờ sông, đối diện đình Thạch Hãn. Trên khu đất này sẵn có một dãy nhà tranh, nguyên trước là Dạ Lữ điếm, gồm có 3 phòng. Phụ huynh đóng góp kinh phí xây thêm một phòng nữa. Như vậy cơ sở ban đầu trường có 3 phòng học và 1 văn phòng, tổ chức được 2 lớp đệ thất với khoảng 100 học sinh; một lớp đệ lục có khoảng 30 học sinh. Ban giảng huấn gồm có 3 giáo sư chính là các ông Thái Mộng Hùng, Lê Bích, Lê Văn Quýt. Ngoài ra, trường có mời thêm một số vị công chức dạy giờ như các ông Phan Minh Phụ, Lê Đình Trinh, Lê Đình Ngân, Nguyễn Vọng.




* Hàng ngồi, từ trái qua : Quý Thầy :
- Phan Văn Minh, Thái Mộng Hùng ( HT 57-73 ), Nguyễn Ích Xuân (GT) Nguyễn Quang Yên (vp) Chu Duy Khánh (HT 55-57), Hồ Văn Túy (vp ), Trần Công Hiệu (dạy Hán Văn), Hà Thượng Tấn, Nguyễn Cửu Triệp.
* Hàng đứng, trái qua :
- Hoàng Văn Gioang (VP) Dương Thanh Bình (tức Dương văn Đẩu, nhạc) Nguyễn Ngọc Minh (dạy toán), Cung Thế Mỹ (dạy Toán), Phạm Lộc, Nguyễn Hứa Thảo, Nguyễn Văn Thị , Lâm Sĩ Hồng, Nguyễn Quang Nghĩa) Bác Lê Quang Phúng (đại lão cai trường, có mặt từ thuở ban đầu, được rất nhiều người yêu mến)
Ghi chú thêm :
1/ Thầy Nguyễn Quang Nghĩa là con trai của Thầy Nguyễn Quang Yên (GT).Thầy Nghĩa vô NH dạy rồi về đi học ĐHSP, tốt nghiệp xong, về NH dạy tiếp.
2/ Thầy Phan Văn Minh vô dạy, đến 1958 về đi học SP, ra trường dạy TH Hàm Nghi , không về NH nữa.

Trường trung học Nguyễn Hoàng được khai sinh

Đầu niên khóa 1952 – 1953, dưới sự vận động của Hội phụ huynh học sinh và đề nghị của tỉnh, trường Trung học Tư thục Quảng Trị được Bộ Giáo dục công lập hóa thành trường Trung học Quảng Trị, gồm có 5 lớp: 2 lớp đệ thất, 2 lớp đệ lục và 1 lớp đệ ngũ. Ông Tôn Thất Dương Thanh – Trưởng ty tiểu học vụ được đề cử kiêm nhiệm hiệu trưởng của trường.

              

Vào niên khóa 1953 – 1954, chấp thuận lời đề xuất của Hội đồng Giáo sư trường Trung học Quảng Trị: Chúa Nguyễn Hoàng phải được tôn vinh xứng đáng với sự nghiệp mở rộng bờ cõi của Ngài, Bộ Giáo dục có quyết định đổi tên trường Trung học Quảng Trị thành trường Trung Học Nguyễn Hoàng theo Nghị định số 95/GD-NĐ ngày 6-5-1954. Cùng vào thời điểm và quyết định trên, các trường được chính thức công nhận là trường trung học công lập như trường Trung học Đào Duy Từ ở Đồng Hới, trường Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng, trường Trần Quý Cáp ở Hội An, trường Võ Tánh ở Nha Trang, trường Duy Tân ở Phan Rang và trường Phan Bội Châu ở Phan Thiết.
Con đường từ Trần Hưng Đạo rẽ vào trường, là ranh giới giữa đình làng Thạch Hãn và trường Nguyễn Hoàng, cũng được đặt tên là đường Nguyễn Hoàng từ đó.
Ông Tôn Thất Dương Kỳ được bổ nhiệm làm hiệu trưởng thay thế ông Tôn Thất Dương Thanh.
Niên khóa 1954 – 1955, lần đầu tiên trường Nguyễn Hoàng có khoảng 20 thí sinh tham dự thi Diplome (Trung học đệ nhất cấp). Đặc biệt trong kỳ thi này, học sinh thi viết tại Quảng Trị, phần thi vấn đáp phải vào Huế thi. Thời đó, đường bộ Quảng Trị - Huế không an toàn, các thí sinh được Hội phụ huynh mua vé máy bay khứ hồi vào Huế để thi. Có 1 học sinh thi rớt vấn đáp kỳ đầu nhưng rồi cũng đậu vào kỳ 2. Sự kiện trên thể hiện tinh thần lo lắng, quan tâm của phụ huynh dành cho em.
Niên khóa 1955 – 1956, ông Chu Duy Khánh – một giáo sư lão thành được đề bạt làm hiệu trưởng, thay thế ông Tôn Thất Dương Kỳ xin thuyên chuyển đến nhiệm sở khác. Trong niên khóa này, Bộ Giáo dục đã cấp kinh phí để xây trường mới gồm 8 phòng học, 1 tầng trệt và 1 lầu ở khu đất thuộc khuôn viên Sân vận động.
Niên khóa 1956 – 1957, trường dọn về cơ sở mới. Lúc này trường có 11 lớp và 500 học sinh.
Niên khóa 1957 – 1958, ông Thái Mộng Hùng được đề bạt làm hiệu trưởng thay thế ông Chu Duy Khánh về hưu.

      

   

  

Thăng trầm theo thời cuộc

Cuối những năm của thập niên 50, đời sống sinh hoạt của dân chúng đồng bộ phát triển. Các quận huyện đã có các trường lớp trung học đệ nhất cấp như: Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng cùng với các trường tư thục như: Thánh Tâm, Bồ Đề, Phước Môn, Bố Liêu, Đắc Lộ, Bán công Đông Hà, Bán công Cam Lộ… trường Nguyễn Hoàng cũng đã liên tục mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của con em tỉnh nhà.
Niên khóa 1958 – 1959: Mở thêm 5 lớp đệ thất và 2 lớp đệ tam.
Niên khóa 1962 – 1962: Mở 2 lớp đệ nhất, kiện toàn quy chế của một trường trung học đệ nhị cấp.
Quy mô trường lớp, số học sinh, giáo sư tăng dần theo thời gian, niên khóa 1970 – 1971 có tất cả 60 lớp, hơn 3.000 học sinh và 100 giáo sư cùng nhân viên.
Cũng trong niên khóa này, Bộ Giáo dục cho phép trường Nguyễn Hoàng mở thêm trường nữ Trung học Quảng Trị - cơ sở tại quận Mai Lĩnh, nhưng vì thiếu hiệu trưởng nên tạm thời do trường Nguyễn Hoàng quản lý.
Năm 1972, chiến trường Quảng Trị trở nên ác liệt. Dân chúng tìm đường tháo chạy, người hướng ra vùng Đông Hà, Gio Linh; kẻ tìm về phương Nam, vào Huế, vào Đà Nẵng. Quảng Trị hoang vắng bóng người, dành trận địa cho đôi bên giải quyết chiến lược. Hàng triệu tấn bom đạn đã rải thảm trên thành phố nhỏ, tất cả các cơ ngơi văn hóa, di tích cổ kính, đình chùa, miếu mạo, nhà thờ và các công trình công ích xã hội cùng hàng trăm ngàn ngôi nhà của dân chúng đều bị san bằng, thiêu rụi… trong đó có ngôi trường Nguyễn Hoàng đã tồn tại qua bao năm – nơi đã đào tạo hơn 20.000 học sinh cho xã hội và là niềm tự hào của người dân Quảng Trị.
Sau mấy tháng dân Quảng Trị tạm cư ở Đà Nẵng, sinh hoạt của trường được phục hồi. Ban giám hiệu đã tổ chức lại được 40 lớp, tạm thời dùng các doanh trại bỏ trống của quân đội để làm cơ sở học tập. Lúc bấy giờ, ông Thái Mộng Hùng được đề cử làm Chánh sự vụ Sở học chánh Quảng Trị (Trưởng ty giáo dục), ông Hoàng Văn Liệu – một giáo sư của trường được đề bạt làm hiệu trưởng trường Nguyễn Hoàng.
Năm 1974, dân Quảng Trị hồi cư, thầy trò cũng lên đường về quê cũ. Ngôi trường Nguyễn Hoàng mới khá hoành tráng, khang trang, được xây dựng trên khu Thị tứ Hải Lăng để thầy trò tiếp tục đến trường dạy và học.
Nhưng chẳng được bao lâu, vào tháng 3 năm 1975, chiến sự tiếp tục bùng nổ trên mảnh đất nghèo khó Quảng Trị. Lại một cuộc di tản, thầy trò lại bỏ trường mà đi và từ đó cũng là ngày trường Trung học Nguyễn Hoàng bị mất tên trên quê hương Quảng Trị - nơi Chúa Nguyễn Hoàng đặt bản doanh đầu tiên cho cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi cho đất nước trọn vẹn một hình cong chữ S.
Sau này, trên nền đất cũ trường Nguyễn Hoàng xưa, có xây dựng lại một ngôi trường mới, nhưng lại được đặt tên là trường Trung học Phổ thông Thị xã Quảng Trị.
Trường Trung học Nguyễn Hoàng từ khi thành lập (1952) đến tháng 4/1975 là một sự nghiệp giáo dục vỏn vẹn 24 năm, thật quá ngắn ngủi so với 400 năm (1552 – 1975) lịch sử hình thành tỉnh Quảng Trị. Song, việc khai sinh trường Trung học Nguyễn Hoàng là một cột mốc thời gian đặc biệt đánh dấu sự khai phá, mở đường cho một nền giáo dục vị nhân sinh, mang tính nhân bản; mở mang trí tuệ, gắn liền với việc hình thành, xây dựng nhiều thế hệ học sinh vừa có tri thức hữu dụng cho xã hội, vừa có nhân cách xem trọng đạo nghĩa. Bởi vậy, hơn 20.000 học sinh ngày xưa của ngôi trường này, sau khi rời trường, dù sống ở nước ngoài hay trong nước, dù có bằng cấp học vị cao hay chỉ là người công dân bình thường vẫn luôn làm rạng rỡ cho quê hương, dòng tộc.
Dù ngôi trường ngày nay không tồn tại về mặt vật chất, nhưng tên tuổi của trường vẫn lưu truyền mãi mãi trong con tim của người dân Quảng Trị - nhất là trong lòng của những thế hệ học sinh của ngôi trường được vinh dự mang tên Chúa Tiên – người đã để lại một sự nghiệp lớn lao, lẫy lừng trong việc mở mang, khai phá vùng đất phương Nam của đất nước ta.
Kinh xin tạ ơn quý vị thân hào nhân sĩ, quý vị phụ huynh học sinh của thập niên 1950 đã có tầm nhìn xa trông rộng. Quý vị đã quan tâm, ưu tư đến sự nghiệp giáo dục cho quê nhà trong thời kỳ phát triển phôi thai nhất và đã đóng góp nhiều công sức xây dựng nên trường Trung học Nguyễn Hoàng – niềm tự hào nhất cho tất cả con dân Quảng Trị.
Xin tạ ơn quý thầy cô giáo đã hy sinh, tận tụy khai sáng trí tuệ, truyền đạt tư tưởng một nền giáo dục “nhân bản, dân tộc và khai phóng” để hàng chục thế hệ học sinh của trường Nguyễn Hoàng – Quảng Trị được thành danh, thành người hôm nay.

                                                                                     Lê Hữu Thăng

* GHI CHÚ:

HIỆU TRƯỞNG:

Niên khóa 1952 – 1953: Ông Tôn Thất Dương Thanh
Niên khóa 1954 – 1955: Ông Tôn Thất Dương Kỳ
Niên khóa 1955 – 1956: Ông Chu Duy Khánh
Niên khóa 1956 – 1972: Ông Thái Mộng Hùng
Niên khóa 1973 – 1975: Ông Hoàng Văn Liệu

GIÁM HỌC:

Niên khóa 1963 – 1964: Ông Lê Vĩnh Kiến
Niên khóa 1965 – 1966: Ông Vĩnh Quyền
Niên khóa 1968 – 1972: Ông Nguyễn Thiện
Niên khóa 1973 – 1975: Ông Cái Ngọc

GIÁM THỊ:

Niên khóa 1959 – 1960: Ông Nguyễn Ích Xuân
Niên khóa 1963 – 1964: Ông Tống Viết Mẫn
Niên khóa 1966 – 1972: Ông Hồ Ngọc Thanh
Niên khóa 1972 – 1973: Ông Phan Văn Cẩn
Niên khóa 1973 – 1975: Ông Trần Văn Khảm








    





       
                                    Thầy Lê Đình Ngân


        
                                   Thầy Lê Hữu Thăng


              

2 nhận xét:

laiquangnam nói...

CẢM ĐỘNG VÀ CẢM PHỤC KHI ĐỌC BÀI VIẾT NÀY .
VÀ NAY THỰC SỰ MỚI HIỂU BIẾT VỀ SỨC RƯỚN ĐÁNG KINH NGẠC CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ .
TẠI LITTLE SG HỘI CƯU HOC SINH NGUYỄN HOÀNG VẪN CÒN SINH HOẠT CHUNG VỚI CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC TẠI MIỀN NAM .TRÔNG HỌ RẤT TƯƠI BÊN CẠNH TRẦN QUÝ CÁP QNAM VÀ NỮ TRUNG HỌC GIA LONG SAIGON . XIN CÁM ƠN

Bâng Khuâng nói...

Cảm ơn bác Lai Quang Nam ghé thăm và ghi còm trân trọng. Những ngôi trường như Nữ Trung Học Gia Long Sài Gòn, Trung Học Quốc Học Huế, Nữ Trung Học Đồng Khánh Huế, Trung học Trần Quý Cáp Quảng Nam, Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng... cùng những ngôi trường khác của nền giáo dục VNCH với nguyên tắc giáo dục là "nhân bản", "dân tộc", và "khai phóng" đã đào tạo rất nhiều nhân tài cho đất nước