BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

HAI ĐỘNG TỪ “VÀO/RA” TRONG TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI - Nguyễn Tài Cẩn

Nguồn:
http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Hai-dong-tu-Vao-Ra-trong-tieng-Viet-hien-dai-48808.html

            
                     

GS.TS, NGND Nguyễn Tài Cẩn, sinh ngày 22/5/1926, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Ngữ Văn, trường Đại học tổng hợp Hà Nội, nguyên giáo sư kiêm nhiệm khoa Ngôn ngữ học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN. Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2000, đã từ trần hồi 19h04’, ngày 25/02/2011 tại nhà riêng ở Matxcơva, Cộng hòa liên bang Nga, thọ 85 tuổi.


HAI ĐỘNG TỪ “VÀO/RA” TRONG TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI
                                                                                  Nguyễn Tài Cẩn

Bài này vốn là lá thư GS. Nguyễn Tài Cẩn gửi cho ông Nguyên Thanh, sau khi đọc bài của ông đăng trên báo Đoàn Kết số 410 (tháng 2-1989, tập san của Hội người Việt Nam tại Pháp) thử cắt nghĩa nguồn gốc của thành ngữ ra Bắc vào Nam (mà theo tác giả chỉ là một bài bàn chuyện phiếm). Đây cũng là bài mà giáo sư đã viết trước đó một năm để trả lời cho nhà nghiên cứu Tiệp Khắc Ivo Vatxiliep về vấn đề này. Nhận thấy giá trị của bài này, mãi đến năm 2006, ông Nguyên Thanh mới cho đăng lên mạng diễn đàn ở Pháp. Đây không chỉ là vấn đề ngôn ngữ, mà còn liên quan đến nhiều khái niệm về lịch sử, nên chúng tôi xin giới thiệu lại với bạn đọc, để tưởng nhớ đến nhà ngôn ngữ học tài ba vừa qua đời cách đây ít lâu.

Trong nhóm động từ chỉ sự di chuyển có định hướng, hai động từ Vào, Ra từ lâu đã được chú ý(1), vì chúng có một cách dùng khá đặc biệt: ngoài những điểm chung như ở nhiều ngôn ngữ khác, ở tiếng Việt, VÀO còn dùng để chỉ sự di chuyển đến một địa điểm ở phía NAM, và RA còn dùng để chỉ sự di chuyển đến một địa điểm ở phía Bắc. Ví dụ:

- (Từ Huế ) ra Vinh, đưa ra Vinh, ra họp ở Vinh hướng Ra Bắc;
- (Từ Vinh) Vào Huế, đưa vào Huế, vào họp ở Huế hướng Vào Nam.

Những cách nói này lại còn mật thiết liên quan đến việc dùng hai từ chỉ vị trí Trong và Ngoài: Vào Vinh, Trong Vinh → vào trong Vinh, Vào Nam, Trong Nam → Vào trong Nam / Ra Vinh, Ngoài Vinh → Ra ngoài Vinh, Ra Bắc, Ngoài Bắc → Ra ngoài Bắc.

Nhưng về đặc điểm của những cách dùng này, cũng như về lai nguyên của chúng, hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa cung cấp được một sự giải thích thật sáng tỏ.

Dựa vào cứ liệu trong một số văn bản cổ, chúng ta thấy việc gắn liền các ý niệm VÀO, TRONG với phương Nam, các ý niệm Ra, Ngoài với phương Bắc, chậm nhất cũng đã có từ đầu thế kỷ XV:

a) Trong Dư địa chí, cuốn sách địa lý viết bằng Hán văn đầu tiên của người Việt, ta thấy động từ Nhập đã được dùng để chỉ việc đi vào Nam:

Trần Thái Tôn mệnh thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải Nhập ngự Nguyên nhân vu Nghệ An (Vua Trần Thái Tôn hạ lệnh cho thượng tướng Chiêu Minh vương, Trần Quang Khải, vào chặn đánh quân Nguyên ở Nghệ An), (Dư Địa chí, phần chữ Hán, trang 87, in năm 1966, Văn hoá tùng thư xuất bản, số 30).

Dư Địa chí thì ai cũng rõ là do Nguyễn Trãi viết và do Nguyễn Thiên Tích, Nguyễn Thiên Túng, Lý Tử Tấn chú giải, bổ sung, bình luận thêm. Cả bốn nhân vật này đều là người đầu đời Lê.

b) Trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư của một tác giả tự xưng là “ nhà nho đỗ thi hương, họ Đỗ Bá, hiệu Đạo Phủ, quê ở Bình Triều, Thanh Giang” cũng đã có những câu dùng Xuất, Nhập, Ngoại liên quan đến hướng Nam / Bắc như vậy:

1. Như tự Cửa Lạc việt, Nhập nghi thu đông, Xuất nghi xuân hạ (Nếu từ cửa Lạc vượt biển để VÀO thì phải đi trong mùa thu hay mùa đông, để Ra thì phải đi trong mùa xuân hay mùa hạ), (Hồng Đức Bản đồ, Sài Gòn, phần Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, trang 76).

2. Tự Lại doanh Xuất chí Kinh Nhà Hồ... Tự Ngoại Nhập chí Tạm độ... (Từ doanh Lại Ra đến Kinh Nhà Hồ... Từ Ngoài mà Vào đến Tạm độ...), (Tác phẩm như trên, trang 91).

Hơn nữa, có chỗ văn bản vừa dùng câu chữ Hán có Xúât, Nhập vừa dùng câu chữ Nôm có Ra, Vào để giải thích cho nhau, ví dụ:

3. Tự Cầu Ngạn Nhập tắc xanh thuyền diên Thạch Hà biên, Xuất tắc xanh thuyền diên Thiên Lộc biên, tục vân: Vào Thạch Hà, Ra Thiên Lộc(Từ Cầu Ngạn mà Vào thì phải chèo thuyền ven bên Thạch Hà, mà Ra thì phải chèo thuyền ven bên Thiên Lộc, có câu tục ngữ rằng: Vào Thạch Hà, Ra Thiên Lộc), (Tác phẩm như trên, trang 84).

Theo công trình nghiên cứu tập thể gần đây nhất, Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư là một tác phẩm viết trong khoảng 1630-16552. Vì không rõ gì hơn về tiểu sử và về vùng Bích Triều, Thanh Giang, nhóm nghiên cứu phỏng đoán tác giả của nó là một người sống thế kỷ 17. Nhưng theo sự hiểu biết của chúng tôi thì:

- Bích Triều là một vùng cách thành phố Vinh khoảng 30 km; Thanh Giang là tên trước năm 1469 của huyện Thanh Chương3. Tác giả còn tự xưng quê ở Thanh Giang, vậy tác giả là một người của thế kỷ 154. Văn bản có niên đại 1630-1655 chỉ là một văn bản sao chép lại, nhưng khi sao chép có sửa chữa: một trong nhiều chứng cớ là ngay tên huyện Thanh Giang lắm chỗ cũng đã đổi thành Thanh Chương.

- Từ vùng quê của tác giả có đường thông sang Hà Tĩnh khá gần, vậy câu Vào Thạch Hà, Ra Thiên Lộc chắc là một câu tác giả đã tự tai nghe được và thu thập đưa vào tác phẩm từ giai đoạn Lê sơ. Nhưng dầu có chủ trương cho đó là một câu mới thêm vào sau, trong giai đoạn sao chép 1630-1655, thì chính những người sao chép cũng phải công nhận đó là câu đúc rút kinh nghiệm có đã từ lâu đời, vì họ cũng nói đó là một câu tục ngữ.

Gần đây có ý kiến cho rằng hai tên gọi Đàng Trong, Đàng Ngoài (hình thành vào khoảng thế kỷ XVII) là nguyên nhân đưa đến lối nói Vào Nam Ra Bắc5. Rõ ràng những cứ liệu dẫn trên đây hoàn toàn không ủng hộ cho ý kiến đó.

Nhưng từ lâu ở Việt Nam thường hay dùng từ Nam thay cho từ Việt và thường hay dùng sự đối lập Nam/Bắc thay cho sự đối lập Việt /Trung Quốc . Việc tự xưng tên nước là Nam Quốc (hay Nước Nam, Nam bang) chậm nhất cũng đã có từ đời Lý. Vậy có thể từ cơ sở thực tế này mà suy ra các lối nói Trong Nam/Ngoài Bắc, Vào Trong Nam / Ra ngoài Bắc được không? Theo ý chúng tôi cũng khó lòng mà chấp nhận được một giả thuyết như vậy.

a) Khảo sát các động từ trong cùng nhóm với Vào, Ra, chúng ta thấy:

– Trong việc diễn tả sự di chuyển đến một địa điểm nào đấy, người Việt Nam thường thích dùng những động từ có hình tượng, có khả năng miêu tả cụ thể như lên, xuống, vào, ra, sang, qua thay cho những động từ trung lập kiểu như đi, đến, tới:

– Cách dùng động từ + địa danh thường theo sát cách đặt động từ + danh từ chung. So sánh: Lên núi - Lên Tam Đảo, Lên vùng cao - Lên Tây Bắc, Xuống biển - Xuống Hạ Long, Xuống vùng thấp - Xuống Thái Bình, Qua bên kia sông - Qua Gia Lâm...

– Đó là những cách nói phản ảnh một sự hiểu biết sâu sắc về địa hình chi tiết từng vùng, vì khi nói phải xác định đúng vị trí đối đãi giữa chỗ xuất phát và vị trí hướng đến. Ví dụ:
– nói từ Vinh lên Nam Đàn: biết Vinh gần biển hơn Nam Đàn;
– nói từ Rạng xuống Nam Đàn: biết Rạng gần núi hơn Nam Đàn.
– Hơn nữa, nhiều khi cách nói đó còn phản ảnh cả sự cân nhắc lựa chọn chủ quan của người nói trước những khả năng nhìn nhận khác nhau về cùng một địa hình. So sánh:
– nói lên Điện Biên nhấn ý Điện Biên là một vùng cao;
– nói vào Điện Biên: nhấn ý Điện Biên là một vùng thung lũng kín.

Như vậy, chắc trước tiên phải có những câu nói cụ thể ở từng địa phương nhỏ, phản ảnh sát đúng sự đi lại tuỳ theo địa hình từng vùng rồi sau mới hình thành những câu nói chung như xuống Đông lên đoài, ra Bắc vào Nam, chứ không phải là trước tiên có những công thức khái quát dựa trên địa lý toàn quốc rồi sau mới đem ứng dụng nhất luật vào từng vùng nhỏ. Có quan niệm thế, chúng ta mới hiểu được vì sao ở vùng Nam Bộ – nơi người Việt mới đến sinh sống gần đây chưa lâu lắm – trên những trục đường đúng hướng Nam/Bắc như Gia Định - Thủ Dầu Một - Lộc Ninh hoặc Gia Định - Củ Chi - Tây Ninh ai cũng nói Lên/xuống chứ không nói Vào / Ra, theo công thức đã sẵn có từ lâu đời. Ví dụ: (Từ Thủ Dầu Một) Lên Lộc Ninh; (Từ Lộc Ninh) Xuống Bến Súc; (Từ Gia Định) Lên Tây Ninh; (Từ Tây Ninh) Xuống Củ Chi.

b) Hơn nữa, nếu cho rằng những cách nói Trong Nam / Ngoài Bắc, Vào Nam / Ra Bắc đều bắt nguồn từ sự đối lập Nam quốc / Bắc quốc thì cũng khó hiểu được vì sao, về phương diện đi lại, Ra Bắc không bao giờ có nghĩa là đi sang Trung Quốc, và vào Nam hầu như cũng không bao giờ có nghĩa là đi vào đất Việt Nam, trong lúc, về nhiều phương diện khác, vẫn còn dùng những lối nói đối nhau như Nam sử / Bắc sử, Quân Nam / Quân Bắc, Thuốc Nam / Thuốc Bắc, v.v...

Vậy quá trình hình thành lối nói vào Nam/ra Bắc nên hình dung như thế nào? Về vấn đề này, ý kiến chúng tôi có thể tóm tắt như sau:

a) Lối nói vào Nam/Ra Bắc đã có mặt từ thời Nguyễn Trãi. Vậy nó phải sản sinh trên cơ sở những lối nói về việc đi lại trên địa bàn Việt Nam khoảng thời gian đó, tức là khoảng đầu thế kỷ 15 trở về trước. Thời gian này, như cứ liệu lịch sử cho biết, lãnh thổ Việt Nam mới bao gồm vùng Bắc Bộ và giải đất từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên. Người Việt Nam tập trung sinh sống chủ yếu ở châu thổ sông Hồng, một vùng đồng bằng rộng, mở mang, khai phá từ lâu, ba phía giáp vùng núi cao (Bắc, Tây và Tây Nam), một phía giáp biển (Đông), ở giữa có một hệ thống sông ngòi chia cắt đất nước thành nhiều khu vực nhỏ. Giải đất ở Bắc Trung Bộ, nói chung, đồng bằng ven biển khá hẹp. Đây là khu vực biên giới, nhiều vùng mới chiếm được còn man rợ, bí hiểm6. Tuy nhiên, việc đi lại giữa vùng châu thổ sông Hồng và vùng đất biên giới này cũng đã xẩy ra nhiều khi khá ồ ạt do những đợt di dân, vận chuyển lương thực, và những đợt kéo hàng vạn quân vào tập luyện, đi đánh Chiêm Thành7.

b) Căn cứ vào những cách nói về việc đi lại ở địa bàn này, hiện còn lưu lại ở tiếng Việt, chúng ta thấy:

– Nói về việc đi lại giữa các điểm trong cùng một vùng, thì vào Nam ra Bắc chỉ được dùng chủ yếu ở Bắc Trung Bộ: (Từ Thanh Hoá) vào Nghệ Tĩnh, vào Bình Trị Thiên, (Từ Bình Trị Thiên) ra Nghệ Tĩnh, ra Thanh Hoá.. Ở Bắc Bộ, trái lại, chủ yếu dùng lên, xuống, sang, qua: (Từ Hà Nội) lên Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Hoà Bình; xuống Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồ Sơn, Thái Bình, Hải Hậu,… qua Gia Lâm…nhưng đối với những địa điểm sắp dẫn vào đất Bắc Trung Bộ thì lại dùng vào, ra ví dụ: vào Ninh Bình.
– Khi nói về việc đi lại giữa hai điểm khác vùng (một bên thuộc Bắc Bộ, một bên thuộc Bắc Trung Bộ) thì bao giờ cũng dùng vào/ra được:
– (Từ Bắc Bộ) có thể vào bất kỳ chỗ nào ở Bắc Trung Bộ;
– (Từ Bắc Trung Bộ) có thể nói ra bất kỳ chỗ nào ờ Bắc Bộ.

c) Như vậy, lối nói vào Nam/ Ra Bắc chắc được sản sinh khi nói về việc đi lại trên trục đường châu thổ sông Hồng – vùng Bắc trung Bộ; và chắc lúc đầu sự đối lập vào/ra cũng không gắn liền với sự đối lập về phương hướng Nam/Bắc: chứng cớ là trên những trục đường đúng hướng Nam/Bắc như Hà Nội - Bắc Cạn, hoặc Hà Nội - Lạng Sơn người ta vẫn nói lên/xuống chứ không nói vào/ra, ví dụ: (Từ Hà Nội) lên Thái Nguyên, (Từ Bắc Ninh) xuống Từ Sơn, v.v... Có thể phỏng đoán rằng:
– Lúc đầu chỉ có những câu nói cụ thể như (Từ Kẻ Chợ) vào Bố Chính, vào Thuận Hoá; (Từ Thuận Hoá) ra Nghệ An, ra Đông Đô, v.v...
– Đi vào nơi hẹp, kín, bí hiểm, tận cùng mà dùng Vào, Vào trong..., đi ra nơi rộng thoáng mở mang mà dùng ra, ra ngoài..., điều đó hoàn toàn phù hợp với nội dung ngữ nghĩa của hai động từ này. Đặt những câu như vậy hoàn toàn không có gì xa lạ so với lối nói quen thuộc như vào ngõ, vào cổng, vào trong góc, vào trong hang, vào trong rừng/ra khơi, ra đồng, ra ngoài sân, ra ngoài bãi… Những cách đặt câu như vậy, ngày nay chúng ta vẫn dùng, so sánh với: vào Cúc Phương, vào U Minh; ra Sầm Sơn, ra Vũng Tàu…
– Nhưng do một sự tình cờ của địa lý, giải đất hẹp, bí hiểm vùng biên giới lại ở phía Nam, chỗ đồng bằng rộng thoáng, mở mang lại ở phía Bắc, cho nên những lối nói có vào/ra như trên lại ngẫu nhiên mang thêm một nét nội dung mới: nói vào một địa điểm X là nói đi về phía Nam hơn, so với đồng bằng Bắc Bộ; và nói ra một địa điểm là nói đi về phía Bắc hơn so với các vùng Nghệ Tĩnh, Bình Trị.
– Rồi về sau, do sự mờ nhạt dần của một khía cạnh ngữ nghĩa vốn quan trọng lúc ban đầu (khía cạnh “vào nơi hẹp, ra nơi rộng” mờ nhạt dần vì từ Nghệ An vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị hay từ Thừa Thiên ra Quảng Trị, đâu đâu giải đất đồng bằng ven biển cũng hẹp cả) nên ý nghĩa nam/bắc lại dần dần nổi rõ hẳn lên, để cuối cùng đưa đến khả năng khái quát thành vào Nam/ra Bắc.
– Cố nhiên tình hình từ đầu thế kỷ 15 đến nay cũng càng ngày càng góp phần củng cố thêm cho lối nói đó: sự ra đời của những tên đàng Ngoài hoặc Nam Hà/ Bắc Hà (thời Trịnh, Nguyễn), sự phân vùng địa lý thành ba kỳ Bắc – Trung – Nam (triều Nguyễn) đều là những nhân tố, theo ý chúng tôi, có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức bắc/nam của người nói, và đến cách dùng những từ vào/ra, trong/ngoài của họ. Địa danh có mang những yếu tố nam, bắc nhất định phải có ảnh hưởng trực tiếp hơn là hai phương hướng ấy8.

Cuối cùng, cũng cần nhấn mạnh thêm một điều: là đứng trước những lối nói ra Bắc/vào Nam, Ra ngoài Bắc/vào trong Nam, không nên nghĩ đến một hướng bắc, một hướng nam xác định đơn thuần chỉ dựa theo la bàn. Trong việc đi lại, điều kiện quan trọng nhất là các trục đường giao thông chính. Từ một điểm A đến một điểm B, nếu quả có một đường giao thông về cơ bản làm nổi rõ cái trục Bắc - Nam thì lúc đó mới có thể dùng hai động từ vào, ra cũng như hai từ chỉ vị trí trong - Ngoài được. Không có điều kiện đó thì người ta thường dùng những lối nói khác. Một ví dụ để minh hoạ: theo la bàn, huyện Thanh Chương ở phía Bắc huyện Hương Sơn, nhưng đường giao thông chính lại đi vòng từ Thanh Chương xuống Vinh (hướng Tây-Đông), sau đó từ Vinh vào Đức Thọ (hướng Bắc-Nam), rồi cuối cùng lại từ Đức Thọ lên Hương Sơn (hướng Đông-Tây). Trong hoàn cảnh đó vị trí đối đãi Bắc/Nam giữa hai huyện bị lu mờ, người dân thường không nhận thức được. Cố nhiên, từ xưa giữa Hương Sơn và Thanh Sơn vẫn có một lối đi quen thuộc, nhưng đó không phải là một trục đường chính mà chỉ là một con đường mòn đi tắt, phải vượt qua truông. Chính vì vậy, trong việc đi lại giữa hai huyện người ta không dùng Vào/Ra mà người ta lại dùng sang, qua: sang (bên) Hương Sơn, qua (bên) Thanh Chương..,

Có điều, có đường giao thông chính theo trục Nam/Bắc cũng mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Nếu có những đặc điểm địa hình khác nổi rõ hơn (ví dụ có sự đối lập cao/thấp, có đặc điểm vượt sông, vượt đèo, v.v...) thì lúc ấy sự đối lập Nam/Bắc cũng bị lu mờ trong tâm lý người nói, và vào/ra cũng phải nhường chỗ cho lên/xuống hoặc sang, qua, v.v...Ví dụ: (Từ Hà Nội) sang Gia Lâm – (Từ Bến Súc) lên Lộc Ninh.

Đã có trường hợp sự đối lập nam/Bắc bị lu mờ trong thực tế thì tất có trường hợp trong thực tế vốn không có Nam/Bắc, nhưng ở người nói lại nhận thức là có, ví dụ ở quãng đường Xuân Lộc - Phan Thiết. Thực ra đây là một đoạn đường chủ yếu đi theo hướng Đông-Tây. Nhưng đã chia toàn quốc thành ba vùng Nam, Trung, Bắc thì tự nhiên trong nhận thức của người nói, từ Xuân Lộc ra Phan Thiết, người ta vẫn nghĩ là đi theo hướng ra Bắc, và từ Phan Thiết vào Xuân Lộc người ta vẫn nghĩ là đi theo hướng vào nam.

Tóm lại sự đối lập Nam/Bắc theo la bàn với sự đối lập Nam/Bắc trong nhận thức người nói không thể hoàn toàn đồng nhất làm một. Muốn nói được vào/ra phải có điều kiện làm nổi rõ được thế đối lập Nam/Bắc ở trong nhận thức người nói: ví dụ phải có đường giao thông chính theo trục đó, hoặc phải có sự hỗ trợ của thế phân vùng hành chính địa lý thành Nam-Trung-Bắc, và nhất là phải vượt qua được sự cạnh tranh của các đặc điểm địa lý khác.

Tất cả những điều nói trên hiện đưa đến hậu quả như sau:

a) Trong địa bàn Việt Nam, khi nói đến việc đi tới một địa điểm xa, khác vùng thì bao giờ cũng dùng Vào/Ra (và trong/ngoài được):
– (Từ Bắc Bộ) có thể nói vào bất kỳ chỗ nào ở Trung Bộ, Nam Bộ;
– (Từ Nam Bộ) có thể nói ra bất kỳ chỗ nào ở Trung Bộ, Bắc Bộ;
– (Từ Trung Bộ) có thể nói vào bất kỳ chỗ nào ở Nam Bộ, và ra bất kỳ chỗ nào ở Bắc Bộ.

Nhưng khi nói đến việc đi lại giữa điểm này điểm khác trong cùng một vùng thì vào/ra chỉ dùng với các điểm ven đường quốc lộ thuộc Trung Bộ, hoặc nằm trên đoạn đường sắp dẫn sang đất Trung Bộ. Ngoài ra hầu như chỉ dùng sang, qua, lên xuống. So sánh:

– (Từ Hà Nội) Lên Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lao Cai, Hoà Bình..., Xuống Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồ Sơn, Thái Bình, Hải Hậu... nhưng vào Ninh Bình (vì Ninh Bình dẫn vào Trung Bộ).
– (Từ Huế) ra Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Vinh, Thanh Hoá... vào Hội An, Bình Định, Qui Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết...
– (Từ thành phố Hồ Chí Minh) lên Biên Hoà, Lộc Ninh, Tây Ninh... xuống Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau... nhưng có thể nói ra Xuân Lộc (vì Xuân Lộc dẫn ra Trung Bộ).

b) Khi ra nước ngoài, bước vào một hoàn cảnh địa lý xa lạ, khác hẳn cái hoàn cảnh địa lý đã sống, đã vào sâu trong nhận thức ở Việt Nam, thì người Việt bắt buộc phải từ bỏ lối nói gắn ra với Bắc, Vào với Nam vốn đã quen thuộc ở trong nước. Vào Nam, Ra bắc, trong Nam, ngoài Bắc tuy là lối nói phổ biến, nhưng chúng chỉ dùng phổ biến trong phạm vi địa lý Việt Nam mà thôi.

Chú thích:

1. Gọi “di chuyển có định hướng” là để phân biệt với các động từ như chạy, nhảy, bơi,bay v.v... Xin xem các công trình của I.S. Bưxtrop ( Tư liệu về sự phân loại động từ trong tiếng Việt, Thông báo khoa học trường Đại học Tổng hợp Leningrat, 1962, số 306, tiếng Nga); I.S. Bưxtrop, Nguyễn Tài Cẩn N.V. Stankevitch (Ngữ pháp Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đại học tổng hợp Leningrat, 1975, tiếng Nga); Nguyễn Lai (Một vài đặc điểm của nhóm từ chỉ hướng được dùng ở dạng động từ trong tiếng Việt hiện đại, tạp chí Ngôn Ngữ, số 3, 1977).

2. Hồng Đức bản đồ, Sài Gòn 1962 (do nhóm các ông Bửu Cầm, Đỗ Văn Anh, Phạm Huy Thuý, Tạ Quang Phát, Trương Bửu Lâm dịch, giới thiệu).

3. Trong Dư địa chí còn ghi Thanh Giang, nhưng ở bia tiến sĩ năm 1409 đã đổi thành Thanh Chương như hiện nay.

4. Ông còn là người tập hợp bộ Hồng Đức bản đồ. Ông có đưa những con số về phủ, huyện, châu rất lạ, nhưng xét kỹ thì rất đúng: điều này càng chứng tỏ ông nắm chắc tình hình thế kỷ 15.

5. Xin xem thêm: Nguyên Thanh ( Thử cắt nghĩa nguồn gốc của thành ngữ ra Bắc, vào Nam tạp chí Đoàn kết tháng 2.1989, số 410).

6. Vì lý do này xưa mới gọi là “trại”.

7. Theo tài liệu lịch sử, có những đợt di dân như năm 1075, 1402..., những đợt vận chuyển lương thực như năm 1376, và rất nhiều đợt kéo quân vào tập luyện, đánh Chiêm Thành (1104, 1252, 1311, 1318, 1353, 1367, 1376-1377, 1383, 1402, 1403...).

8. Lộ Nam Giới hay Quảng Nam thừa tuyên là địa danh chỉ vùng đất từ Thừa Thiên đến khoảng Qui Nhơn. Có tên Nam Giới thì có thể nói Vào Nam như kiểu nói Ra Thanh, Ra Nghệ; với tên nói Quảng Nam thừa tuyên vẫn có khả năng dùng Nam để chỉ toàn vùng như vậy: hiện ta vẫn thường nói Vào Bình, Trị, Thiê; vào Nam, Ngãi...

Về ảnh hưởng của địa danh, ngay tình hình gần đây vẫn cho thấy rõ: lối nói Lên Kontum, lên Pleiku, có phần phổ biến thêm, lối nói ra Kontum, ra pleiku, có phần giảm bớt đi; vì sau 1954, về hành chính, không chia thành Trung Bộ, Nam Bộ như trước.

                                                                              Nguyễn Tài Cẩn

1 nhận xét:

Vũ Nho Ninh Bình nói...

Rất thuyết phục và thú vị!
Cám ơn chủ trang đã sưu tầm và giới thiệu!