Tác giả Ugno Vn
TÔN VINH CHỮ QUỐC NGỮ
Cho đến bây giờ, nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất với
nhau 2 người có công đầu trong việc hình thành chữ Quốc ngữ là Francisco de
Pina và Alexandre de Rhodes, 2 giáo sĩ dòng Tên Paris vào nước ta truyền bá đạo
Ki Tô từ những năm đầu thế kỷ XVII. Linh mục Francisco de Pina (1585-1625), người
Bồ Đào Nha đến xứ Đàng Trong năm 1617,
phạm vi truyền đạo từ Hội An đến Quy Nhơn. Ông
là giáo sĩ đầu tiên thành thạo tiếng Việt và truyền giảng Phúc âm không
cần người thông dịch. Ông cùng với một số giáo sĩ, dùng mẫu tự La tinh ký âm tiếng
Việt. Ông dạy thứ chữ này cho các giáo
sĩ, giáo dân. Thứ chữ này phát triển hoàn chỉnh thành chữ Quốc ngữ ngày nay.
Linh mục Alexandre de Rhodes (An-Đắc-Lộ-Sơn,
1591-1660) người vùng Avignon (Pháp). Ông đến Hội An năm 1624, học tiếng Việt
và chữ Quốc ngữ từ ông Pina và các giáo sĩ đến trước. Ông đã có công hệ thống
hóa và dùng chữ Quốc ngữ viết tài liệu "Phép giảng 8 ngày", biên soạn
Từ điển Việt-Bồ-La xuất bản tại Roma năm 1651. Đây là cuốn từ điển đầu tiên đối
chiếu tiếng Việt với tiếng Bồ Đào Nha và tiếng La tinh. Chữ quốc ngữ là văn tự
chính thức của nước ta ngày nay. Đến nay, chữ Quốc ngữ hình thành và phát triển
đã hơn 400 năm, ghi nhận nhiều thành tựu và góp phần xứng đáng trong lịch sử
văn hiến, công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng tổ quốc hiện nay. Là văn tự thứ 3 trong quá trình tiến hóa của
văn tự nước nhà, tiếp sau chữ Hán và chữ Nôm, việc tôn vinh chữ Quốc ngữ và
công lao những người sáng tạo ra nó làm nẩy sinh nhiều ý kiến khác nhau, thậm
chí là mâu thuẫn, gay gắt. Chỉ xét trên mặt văn tự, điểm qua sự phát triển của
3 loại văn tự Hán, Nôm, Quốc ngữ ở nước ta, những người quan tâm đến vấn đề dễ
nhận ra những nét tương đồng cần lưu ý để thấy rõ hơn mặt tích cực, mặt tiêu cực
trong sự hình thành từng loại, nhằm lựa chọn chừng mực nào là vừa phải, nếu
không sẽ tạo nên mặc cảm phủ nhận toàn bộ những thành tựu dân tộc đã đúc kết
trong 2 loại văn tự kia.
Chữ Hán hiện nay được công nhận là thứ chữ đầu tiên,
du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc (TK I CN). Thứ văn tự này được thể hiện
khá đủ trong chính sử và các tác phẩm kinh văn còn lưu giữ được. Nhưng theo một
số nhà nghiên cứu, trước thời Bắc thuộc, nhà nước Văn Lang của các bộ tộc Lạc
Việt thuộc dòng Bách Việt đã có chữ viết Khoa đẩu và đạo Bụt, (tên gọi Phật giáo theo hệ phái nguyên thủy
Nam tông, xuất hiện nhiều trong các truyện cổ tích, thần thoại còn lưu truyền đến
ngày nay). Người Trung Hoa xâm lăng nước ta, đem chữ Hán và đạo Phật hệ
phái truyền thừa Bắc tông thay thế chữ Khoa đẩu và đạo Bụt với âm mưu đồng hóa
Văn Lang. Chúng đã chia đất nước Văn Lang thành quận huyện và đặt quan lại cai
trị. Những tên Thái Thú có công lớn trong việc đồng hóa các bộ tộc Lạc Việt, dạy
lễ nghĩa, văn tự, văn minh Tàu như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, một thời được
chính sử ca ngợi và nhân dân trọng vọng, nhớ ơn. Chính sử cũng ca ngợi những
người Văn Lang học giỏi chữ Hán, đỗ đạt và làm quan ở thiên triều như Lý Cầm,
Lý Tiến, Trương Trọng, xem đó là một tự hào. Việc thay đổi tín ngưỡng thần linh
và văn tự của nước bị chiếm đóng là cách làm triệt để nhất trong công cuộc đồng
hóa của người đi xâm lăng. Dân tộc ta sau ngàn năm Bắc thuộc, không những không
bị đồng hóa mà đã vùng dậy, giành lại độc lập. Thế nhưng, các bậc tiền bối
không tìm lại chữ Khoa đẩu và phục hưng đạo Bụt sau gần ngàn năm bị xóa sổ, vẫn
phải dùng chữ Hán và đạo Phật để xây dựng đất nước. Nhờ chữ Hán của Tàu mà ta
viết được "Nam Quốc Sơn Hà",
"Hịch Tướng Sĩ", "Cáo Bình Ngô" và nhiều áng văn thơ
thiền nổi tiếng thời Lý Trần. Chữ Hán là văn tự chính thống thịnh hành trong những
thành quả văn học, nghệ thuật, chính trị, hành chánh, luật pháp, tôn giáo, tín
ngưỡng... nước nhà trong thời gian 10 TK độc lập nối tiếp 10 TK bị xâm lăng trước
đó. Thời hiện đại với cuộc cách mạng vô sản giải phóng dân tộc, vẫn còn nhiều
nhà thơ, nhà chính trị sử dụng chữ Hán trong sáng tác văn chương. Nhìn những nước
chung quanh ta, chữ Hán không phải chỉ dùng ở nước ta mà còn được truyền bá
sang Cao Ly, Nhật Bản, tạo thành môi trường văn hóa đồng văn riêng cho 4 nước cực
đông châu Á. Thời kỳ vùng Đông Á còn chịu ảnh hưởng văn hóa đồng văn Trung Hoa,
quan lại các nước trong vùng được đào tạo trong nền giáo dục Hán học, đều thành
thạo chữ Hán. Sứ giả các nước này khi về thiên triều hay tiếp xúc với nhau, tuy
không đàm thoại với nhau được vì ngôn ngữ bất đồng, họ dùng chữ Hán làm phương
tiện trao đổi. Hình thức đàm thọai này gọi là bút đàm.
ĐỐI
VỚI CHỮ NÔM
Lịch sử ghi nhận chữ Nôm xuất hiện từ thời nhà Trần với
việc Nguyễn Thuyên làm bài văn bằng chữ Nôm trong lễ tế đuổi được con cá sấu
trên sông Hồng. Từ việc này, ông được đổi họ thành Hàn Thuyên, như nhà văn Tàu
Hàn Dũ có công trạng tương tự. Sự xuất hiện của chữ Nôm bắt nguồn từ ý thức tự
chủ, độc lập của dân tộc trong văn tự. Loại chữ mới này dùng các nét chữ Hán, bằng
các phép cấu tạo giả tá, hài thanh, hội ý của chữ Hán để ghi lại âm tiếng Việt
nên còn được gọi là Quốc âm. Chữ Nôm phát triển một thời gian dài song song với
chữ Hán, nhất là trong quần chúng có học và các loại hình văn nghệ dân gian. Về
phía triều đình và các quan lại, Hồ Quý Ly ngay sau khi thay nhà Trần, đã có chủ
trương dùng chữ Nôm làm quốc tự. Thời Hậu Lê đã có Nguyễn Trãi làm thơ Nôm với
tập "Quốc Âm thi tập". Vua Lê Thánh Tông cũng có nhiều bài thơ Nôm nổi
tiếng. Nguyễn Bỉnh Khiêm thời Lê-Mạc có "Bạch
Vân Quốc ngữ thi tập" là tập thơ chữ Nôm. Cuối thế kỷ XVIII, vua Quang
Trung cổ xúy sử dụng chữ Nôm trong các loại giấy tờ hành chánh. Giai đoạn chiến
tranh loạn lạc, nhiều tác phẩm văn thơ Quốc âm nổi tiếng nói lên khát vọng dân
tôc Việt Nam, nhiều bài phú Đường luật, nhiều tác giả thơ Đường viết bằng chữ
Nôm có những thành tựu đáng kể trong việc sử dụng ngôn ngữ nước nhà, đánh dấu
giai đoạn phát triển rực rỡ của chữ Nôm.
ĐỐI
VỚI CHỮ QUỐC NGỮ
Lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ gắn liền với việc truyền
đạo Ki Tô và gót giày xâm lăng của các đạo quân thực dân châu Âu tiến về phương
đông. Việc La tinh hóa các loại chữ viết đã hoàn thành ở lục địa cổ châu Âu đồng
hành với công cuộc Ki tô hóa diễn ra ở đây. Đến thế kỷ XVII-XVIII, các nước
phát triển ở châu Âu dùng việc quảng bá Ki tô giáo sang các nước cực Đông như một
chiêu bài chính trị hổ trợ cho các đội hàng hải tìm kiếm thị trường và nguyên
liêu ở vùng đất chưa phát triển. Công việc gặp nhiều khó khăn do các nước này
đang chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn - Trung với các phương tiện văn tự chữ Phạn và
chữ Hán. Việc La tinh hóa các ngôn ngữ bản địa thành chữ viết dùng riêng cho
con chiên và giáo đoàn, tách khỏi ảnh hưởng văn hóa bản địa là việc phải làm để
hoàn thành sứ mạng nước chúa. Đó là toan tính có ý đồ. Trên bước đường truyền
giáo của các giáo sĩ châu Âu, nước nào họ đặt chân vào là ở đó có công việc
dùng chữ cái La tinh ký âm tiếng nói bản địa. Nhưng Ki tô giáo phát triển ở các
vùng đất mới, các quốc gia này vẫn giữ nguyên văn tự của nước họ. Chỉ có ở Việt
Nam, chữ Quốc ngữ thành công trong việc xóa chữ Hán và chữ Nôm, hai thứ chữ đã
gắn bó với dân tộc Việt gần 2 ngàn năm. Do đâu mà chữ Quốc ngữ làm được việc
này?
Nguyên nhân trước tiên là họ đã tạo được một đội ngũ
những cộng tác viên đắc lực trong công đồng những người mới cải đạo Ki Tô. Thời
gian các giáo sĩ phương Tây xâm nhập nước ta là thời gian nước ta trải qua kỳ
loạn lạc kéo dài mấy trăm năm. Hết cảnh phân li Nam Bắc triều giữa vua Lê, chúa
Trịnh với nhà Mạc; đến Nam Bắc phân tranh giữa họ Nguyễn xứ Đàng Trong, họ Trịnh
ở Đàng Ngoài; rồi cuộc đối đầu Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn. Đó là cơ hội tốt để các
giáo sĩ xâm nhập mà ít có sự ngăn cấm của chính quyền địa phương. Các giáo sĩ
còn thừa cơ hội này, tiếp cận các thế lực cát cứ, mua dùm vũ khí, cung cấp khí
tài, kỹ thuật chiến tranh tạo thanh thế làm điểm tựa cho công cuộc truyền giáo
và toan tính lâu dài. Có thể nói, giai đoạn này, công việc truyền bá đạo Ki Tô
diễn ra thuận lợi vì chưa có nhiều sự cấm đoán của chính quyền sở tại. Việc
chúa Tiên Nguyễn Hoàng có một bà vợ theo Ki Tô giáo đã minh chứng điều đó.
Trong thời gian dài thuận lợi, các nhà truyền giáo phát triển được số lượng lớn
con chiên, xây dựng nhà thờ, lập được các giáo xứ, đào tạo một số chức sắc Ki
Tô giáo cai quản các giáo xứ người Việt mới hình thành. Chữ Quốc ngữ đơn giản,
dễ học, được truyền bá qua các "Phép
giảng", là những tài liệu "giáo
khoa" truyền giáo, đóng góp đắc lực trong việc phổ biến Phúc âm đến
nhiều tầng lớp quần chúng nghèo khổ, được hứa hẹn có cuộc sống tốt đẹp hơn
trong niềm tin mới.
Nguyên nhân thứ 2 và cũng là yếu tố quyết định trực tiếp
đến sự phát triển của chữ Quốc ngữ là dụng ý đồng hóa của các thế lực xâm lược.
Sau hơn 200 năm, từ khi Alexandre de Rhodes hệ thống hóa thứ chữ mới và xuất bản
từ điển Việt-Bồ-La làm cơ sở tra cứu để sử dụng trong công cuộc truyền giáo, chữ
Quốc ngữ vẫn chỉ loanh quanh trong giáo đoàn và các giáo xứ. Đợi đến khi 3 tỉnh
miền Đông Nam kỳ trở thành nhượng địa của Pháp qui định trong hòa ước Nhâm Tuất
1862, người Pháp mở trường dạy đạo, dạy chữ Quốc ngữ, chữ Quốc ngữ chiếm thế
thượng phong ở vùng đất mới. Năm 1865 tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên được phát
hành ở Nam kỳ. Khi đặt xong nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam, chữ Quốc ngữ được
chính quyền chiếm đóng tiếp sức, dần dần trở thành độc tôn, loại bỏ chữ Hán và
chữ Nôm. Nhưng chữ Quốc ngữ không phải là lựa chọn cứu cánh của thực dân Pháp
trong mưu đồ đồng hóa nước ta. Nó chỉ được xem như là công cụ để truyền giảng
Ki Tô trong cộng đồng người Việt, một bước đi trước dọn đường cho âm mưu đồng
hóa. Sau hiệp ước Quí Mùi 1883, Giáp Thân 1884, Pháp đặt xong nền bảo hộ nước
ta, năm 1887, thực dân Pháp lập Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise) gổm 5
xứ Nam kỳ (Cochinchine), Trung kỳ (Annam), Bắc kỳ (Tonkin), Lào (Laos), sau có
thêm Campuchia (Cambodge) (1893), do một vị Toàn quyền người Pháp đứng đầu.
Toan tính đồng hóa thể hiện rõ ràng khi người Pháp còn gọi tên liên bang này là
Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Francaise) hoặc Đông Pháp (Est France). Để sâu
bền gốc rể công cuộc đồng hóa, người Pháp từng bước triệt hạ chùa chiền Phật
giáo, xây dựng nhà thờ Ki Tô ngay trên những thắng địa là cơ sở Phật giáo trước
kia; mở trường Pháp để đào tạo cộng sự và truyền bá chữ Pháp, văn minh Pháp, tạo
lớp người mới thay đổi dần xã hội phong kiến Á Đông.
Nguyên nhân thứ 3. Trong khi triều đình nhà Nguyễn
không còn thực quyền, chịu nhận sự bảo hộ của Pháp thì nhân dân ta tập hợp lực
lượng chống giặc ngoại xâm. Các cuộc khởi nghĩa võ trang chống Pháp của các sĩ
phu, văn thân cần vương thất bại. Đến đầu thế kỷ XX, phong trào kháng Pháp có
những chuyển biến tích cực. Một số trí thức chịu ảnh hưởng Tây học, hay các sĩ
phu Hán học tiến bộ, có khuynh hướng tiến hành cách mạng dân chủ tư sản, chủ
trương nâng cao dân trí, tạo sức mạnh đoàn kết toàn dân, đấu tranh xóa bỏ chế độ
phong kiến, thực dân, xây dựng chế độ dân chủ. Việc nâng cao dân trí trước tiên
là phải dạy dân biết chữ. Lựa chọn nào đây? Trong lúc việc học chữ Hán vô cùng
khó khăn, mất nhiều thời gian, cách học chỉ là học vẹt thuộc từng nét chữ trong
các sách Tam tự kinh, Tam thiên tự; học chữ Nôm lại càng khó hơn vì phải qua
con đường chữ Hán mới đi tiếp được con đường sang Nôm. Nói chữ Hán với quần
chúng như nói tiếng nước ngoài, phải có người dịch nghĩa sang Nôm mới hiểu được.
Đối với chữ Quốc ngữ chỉ cần nhớ mấy chục chữ cái và cách ghép vần là có thể
ghi và đọc được ngôn ngữ nước nhà. Cũng vì lý do đó, đáng lý ra những văn thân
yêu nước phải chống lại thứ chữ mới ngoại lai, họ lại làm ngược lại, cổ xúy, hô
hào người dân học chữ Quốc ngữ. Phong trào Duy Tân do nhà chí sĩ yêu nước Phan
Chu Trinh khởi xướng với chủ nghĩa Tam dân "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu
dân sinh" hô hào cuộc sống Âu hóa trong cách ăn mặc, cắt tóc ngắn, bỏ các
hủ tục lạc hậu, đặc biệt tuyên truyền mạnh mẽ việc bỏ chữ Hán, chữ Nôm, bỏ lối
học tầm chương trích cú, khuyến khích phát triển Tây học và dùng chữ Quốc ngữ.
Chủ trương này được phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục hưởng ứng. Nguyễn Khắc Hiếu,
nhà thơ gạch nối giữa Hán học và Tây học đã có bài thơ trong sách giáo khoa viết
như tam tự kinh : "Sách Quốc ngữ. Chữ
nước ta. Con cái nhà. Đều phải học...". Sau này báo Đông Dương, báo
Nam Phong và một số tờ báo chữ Quốc ngữ khác, kể cả những nhà cách mạng vô sản
đã góp công phát triển chữ Quốc ngữ đến hoàn chỉnh. Hội "Truyền bá chữ Quốc ngữ" do cụ Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân
Hãn và một số nhân sĩ trí thức khởi xướng đã truyền bá sâu rộng chữ Quốc ngữ
trong quần chúng với phong trào Bình dân học vụ, phổ cập chữ Quốc ngữ đến toàn
dân. Nhóm "Tự Lực Văn Đoàn"
và phong trào thơ mới đưa chữ Quốc ngữ thành đỉnh cao trong văn học cũng như
Nguyễn Du trước đây đã làm việc này với chữ Nôm qua tác phẩm Kim Vân Kiều. Đến
bây giờ chữ Quốc ngữ đã phổ cập toàn dân. Số người Việt hiện nay còn biết chữ
Hán và chữ Nôm rất ít, đó là những người được đào tạo cho việc nghiên cứu, bảo
tồn. Sự lớn mạnh của chữ Quốc ngữ đi đến địa vị chiếm được thế thượng phong chỉ
có khi có sự góp tay của các thế lực đế quốc, thực dân xâm lăng; nhưng phát triển
rực rỡ trở thành thứ chữ riêng của người Việt góp phần vào công cuộc giải phóng
dân tộc, củng cố ý thức độc lập, bảo vệ tổ quốc, tách hẳn sự nô lệ vô hình với
thế lực văn hóa ngoại bang (kể cả Tàu và Pháp) là sự nỗ lực bền bĩ của nhiều thế
hệ người Việt chung tay góp sức vào.
BỎ
HÁN, BỎ NÔM CHỌN QUỐC NGỮ: VÌ SAO ?
Cũng có những ý kiến khác về chữ Quốc ngữ với cái nhìn
không thiện cảm. Những người này lý luận rằng, ta có chữ Nôm phát triển đạt đến
đỉnh cao, sao không tiếp tục dùng thứ chữ này như một số nước quanh ta, khi họ
từ chối cách ký âm La tinh và giữ thứ chữ của dân tộc mình. Nếu tiếp tục dùng
chữ Nôm, kho tàng văn hóa, văn học Hán Nôm đồ sộ của dân tộc có người kế thừa,
không sợ mai một. Lý giải điều này thì phải nhìn lại lịch sử nước nhà. Dân ta
có truyền thống bất khuất chống ngoại xâm và bảo vệ độc lập dân tộc. Ngàn năm Bắc
thuộc tuy ngoại bang không đồng hóa được về mặt lãnh thổ, chính trị nhưng trong
lĩnh vực văn hóa, tư tưởng dân tộc ta ảnh hưởng Trung Quốc khá nặng. Cho đến
ngàn năm độc lập, mấy lần chiến tranh vệ quốc quét sạch quân xâm lược về phương
Bắc nhưng nhân dân ta vẫn mang tâm lý nhược tiểu, chư hầu, bên ngoài chịu thần
phục thiên triều để giữ yên bờ cõi. Văn hóa, học thuật chịu sự chi phối nặng nề
của truyền thống Nho Lão phương Bắc. Điều gì của Tàu, lời từ cửa miệng của các
trí thức Lão Nho đều là khuôn vàng thước ngọc. Hoa Hạ là văn minh, Hồng Mao là
man di bạch quỷ. Các sĩ tử ta thì suốt ngày "chi,
hồ, giả, dã..." nhai các sách thánh hiền Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học,
Trung dung... chờ khoa thi chiếm bảng. Chữ Nôm còn chịu tiếng "Nôm na là cha mách qué" và có
luận điệu phê phán nặng nề "Đàn ông
chớ đọc Phan Trần. Đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều". Như thế thì
nói chi đến việc có người tâm huyết để gia công cải tạo, biến chữ Nôm trở thành
văn tự chính cho nước nhà. Bỏ Nôm trở lại Hán là xu thế của nhà Nguyễn. Trong
thời gian 143 năm trị vì, nhà Nguyễn tổ chức 47 khoa thi Hương, chọn được 5232
Cử nhân; 39 khoa thi Hội, chọn được 506 Tiến sĩ cân đai áo mão Hán học. Người
nước ta có mặc cảm nô lệ Hán từ trong văn tự, văn hóa. Làm thế nào gột ra đây?
Chữ Quốc ngữ xuất hiện như một cứu cánh. Đây là cơ hội tốt, các trí thức nước
nhà vận dụng để hình thành một loại văn tự mới cho quốc gia, trở thành một vũ
khí sắt bén trong mặt trận văn hóa, tạo thế cho đất nước phát triển, xây dựng
và bảo vệ tổ quốc độc lập lâu dài trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Dân ta đã biết
"dùng gậy người đánh mình để làm
phương tiện chống đỡ mình đứng dậy". Chữ Quốc Ngữ là chiếc gậy chống
dân tộc ta đứng dậy. Cũng vì thế mà nhiều trí thức, nhân sĩ, chí sĩ cách mạng,
... bất kể lập trường chính trị, chính kiến đối lập, đã có công vun vén, hoàn
thiện loại chữ viết này
Địa chính trị nước ta không thể khác vì ta luôn ở bên
một anh chàng khổng lồ có máu bành trướng và nhiều thủ đoạn thôn tính, đồng hóa
nước ta. Một ngàn năm nhồi nhét văn hóa Tàu, dân ta đã biết lựa chọn cái hay để
làm giàu văn hóa Việt, tạo sức quật khởi đánh lại Tàu. Bị đuổi về Tàu, giặc Tàu
không tỉnh mộng xâm lăng, chúng lại đem quân qua chiếm lại. Ba trận Bạch Đằng, phòng
tuyến Như Nguyệt, ải Chi Lăng, gò Đống Đa..., tại những nơi đó, đã biết bao tướng
giặc rơi đầu, nhục nhã như việc Thái tử chúng phải chui ống đồng chạy trốn.
Nhưng từ đó, chúng thấy được sức mạnh Việt Nam là sức mạnh có từ văn hóa. Thế kỷ
XV, khi chiếm được Thăng Long, giặc Minh đã thu vét hết sách vở An Nam mấy chục
xe, truy lùng thợ giỏi, người tài, kẻ sĩ, lương tăng... bắt đem về Tàu; bắt dân
ta học tiếng Tàu, mặc áo, để tóc kiểu Tàu. Lệ triều cống, thế mạng bằng người
vàng cũng bắt đầu từ thời nhà Minh, Từ đó mỗi lần lên ngôi, các vua chúa nước
ta đều qua xin thiên triều phong "An
Nam Quốc Vương" và chịu thần phục.
Người Pháp đến nước ta, phải nói rõ là xâm lăng, không
có một từ nào có thể thay thế được. Đó là một sự thật lịch sử phải khắc sâu vào
tâm khảm người Việt. Biết bao tội ác bọn xâm lăng đã giáng xuống cho dân tộc.
Đó là bản chất của bất cứ một đội quân xâm lăng nào khi chiếm cứ đất đai người
khác. Tội ác này không thể nào quên! Chúng mang Ki tô giáo và chữ Quốc ngữ (rồi
sẽ đến tiếng Pháp) gieo vào xứ thuộc địa chỉ với ý đồ đồng hóa. Âm mưu này ai
cũng biết. Người nước ta, có những người theo chân, làm việc cho Pháp, đóng góp
công sức cho việc truyền bá Ki tô giáo và chữ Quốc ngữ với suy nghĩ phải làm
thay đổi đất nước từ một thực thể lạc hậu, bế tắc, bạc nhược vọng Hán, để đưa đất
nước tiến lên một tầm cao văn minh, tiến bộ, ngang bằng thế giới. Việc họ theo
giặc không tránh được tội "Việt
gian", nhưng việc làm của họ phải bình tĩnh nhìn nhận lại. Tội thì phạt,
công phải thưởng thế mới công bằng. Nguyễn Trường Tộ với những bản điều trần thống
thiết, triều đình vọng Hán có nghe đâu! Trương Vĩnh Ký với những đóng góp đáng
kể trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và làm thông ngôn trong những lần giao dịch
của Pháp với triều đình nhà Nguyễn, nhìn rõ thì không phải là con người phản quốc.
Huỳnh Tịnh Của, người cùng Trương Vĩnh Ký làm báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở nước
ta cũng là một người theo Pháp, làm việc cho Pháp nhưng với văn hóa nước nhà,
chỉ kể một công trình "Đại Nam Quấc
âm Tự vị" in lần đầu tiên năm 1895 tại Sài Gòn thì ông không phải là
không có công. Người Pháp xâm lăng Việt Nam với chiêu bài khai hóa một xứ sở lạc
hậu. Có khai hóa không? - Có! Việc làm của họ nhằm mục đích khai thác thuộc địa:
Làm đường sá, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo người làm việc, người phục vụ,
tuyên truyền, mở mang Tây học, áp đặt văn minh Tây phương thay thế văn minh Á
Đông, thay thế chủ trương Hán hóa của triều đình bằng chủ trương Pháp hóa của
chính quyền bảo hộ trong lãnh vực văn hóa, văn tự... Năm 1885, khi đã nắm quyền
bảo hộ nước ta, Pháp ký hiệp ước Thiên Tân với nhà Thanh, phân định biên giới,
chấm dứt vai trò của vua Tàu trên đất nước Việt Nam. Hiệp ước này ngày nay ta
đã căn cứ làm cơ sở trong lần Việt Nam và Trung Quốc phân định biên giới trên đất
liền năm 2009. Chữ Quốc ngữ do các cha cố gây dựng trong mưu đồ đồng hóa, nhân
dân ta đã biết tận dụng để phục vụ sứ mạng giải phóng dân tộc. Chữ Quốc ngữ
phát triển như ngày nay là thành trì kiên cố trên mặt trận tư tưởng, văn hóa
trong việc hình thành hệ tư tưởng Việt Nam. Đối với những thành tựu của cha ông
ta viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, những nhà văn hóa tâm huyết đã dày công dịch ra
chữ Quốc ngữ thì không có cớ gì chúng ta sợ mai một. Dân tộc ta biết tận dụng
thất thế làm lợi thế, dùng chữ Quốc ngữ, học thuật phương Tây thay thế chữ Hán,
chữ Nôm và học thuật Nho Lão trong âm mưu đồng hóa của Pháp để tạo nên sức mạnh
chống Pháp, giải phóng dân tộc.
THAY
LỜI KẾT
Năm 1819, kỳ thi Hội cuối cùng dưới triều Khải Định
nhà Nguyễn, đánh dấu sự chấm dứt nền giáo dục Hán học, mở ra nền giáo dục Tây học
với chữ Quốc ngữ. Năm 2019 tròn trăm năm, có người muốn dùng mốc thời gian này
để ghi nhận công lao của những người có công lớn trong việc hình thành chữ Quốc
ngữ trong đó có trưng cầu việc tôn vinh 2 Linh mục Francisco de Pina và
Alexandre de Rhodes. Những tượng đài to lớn, lừng lẫy ở nơi trang nghiêm như một
"bộ mặt" của thành phố, của
quốc gia, hay những con đường lớn mang tên 2 ông có nên chăng trong khi học lịch
sử chống ngọai xâm của dân tộc, dân ta thấy biết bao máu và nước mắt của nhiều
thế hệ đã đổ ra. Nhưng không thể phủ nhận sự đóng góp của "kẻ
xâm lăng" trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, một gia tài di sản vô giá
trong sức mạnh văn hóa Việt Nam hiện đại, nguồn động lực vô hình tạo nên sức mạnh
dân tộc chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trước năm 1975, chính quyền
miền Nam có ghi nhận công lao của người có công sáng tạo chữ Quốc ngữ Alexandre
de Rhodes, song hành với người có công sáng tạo chữ Nôm Nguyễn Thuyên bằng việc
đặt tên 2 con đường song song với đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn) thẳng tắp
trước dinh Độc Lập. Thiết nghĩ như thế là vừa phải.
Ugno.Vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét