Tác giả bài viết Đỗ Tư Nhơn
BÊN CHIẾU RƯỢU VỚI VÕ THÌN
Đỗ Tư Nhơn
Ai đã từng ngồi chung chiếu rượu với Võ Thìn chắc
không thể nào quên giọng ngâm thơ hào sảng, đầy tâm huyết của anh. Những câu
thơ của Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Phan Phụng Thạch… và
bằng hữu khi thì bay bổng, lúc thì đằm sâu vào tân tâm can của người đồng cảm đồng
điệu mà cuộc đời xô dạt nổi trôi đây đó về gặp lại, cùng ngồi xuống bên nhau
quên đi bao nhọc nhằn phiền muộn. Chiếu rượu với Võ Thìn có thể nói là chiếu rượu
ân tình tri ngộ.
Qua mấy tuần rượu, cảm hứng đã ấm áp trong tâm hồn mọi người, Võ Thìn đưa tay vuốt mái tóc dài tận vai và xin được mở đầu chương trình bằng một đoạn thơ trong Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư - nhà thơ nổi tiếng của miền nam trước 1975 : “Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng ngủ say”. Không gian và âm hưởng của lời thơ đã đưa các thân hữu cũng như Võ Thìn đến một cõi nên thơ tĩnh lặng xa xưa trong truyện cổ tích thần tiên. Mọi người nâng cốc rượu đầy chúc mừng giọng ngâm thơ truyền cảm của chủ nhà mà nghe tâm tưởng bồng bềnh nhẹ tênh như chàng Từ Thức thuở trước ! Đến lượt Phan Văn Hậu - Người bạn sắp đi xa gởi gắm lòng mình cùng quê hương, mong một ngày không xa sẽ trở về với nhạc phẩm Đường Xưa Lối Cũ của Hoàng Thi Thơ. Phan Văn Hậu hát rất hay và xúc động : “Đường xưa lối cũ có me tôi run run trong hôn hoàng. Lòng già thương nhớ ,nhớ đến tôi lom khom đi tìm con”.
Tôi là khách mời, bạn vong niên, đàn anh của Võ Thìn. Quê ngoại của tôi là
làng Quảng Điền ở gần làng Hiền Lương quê nội Võ Thìn. Nơi đây tôi đã tập tễnh
những bước chân thơ dại để học con chữ vỡ lòng thời chiến tranh Việt - Pháp trước
khi gia đình lên thị xã Quảng Trị sinh sống. Tiếp theo tôi xin đóng góp bài thơ
Tưởng Vọng Tố Như có đoạn : “Người về
thao thức bơ vơ./ Ba trăm năm ấy bây giờ còn đau”. Thái Đào ngồi im lặng từ
đầu buổi đến giờ được mời đọc bài “Mượn”
mà Võ Thìn và bạn bè yêu thích, chàng bèn rít một hơi thuốc dài,nhả khói lên
cao rồi đọc thơ của mình: “Mượn trời xanh
cho con én lượn. Mượn tình em anh ở với đời”
Họ Thái với giọng đọc ngang tàng đã cuốn hút mọi người
trong chiểu rượu. Nhà thơ Phan Văn Quang đang rong ruổi từ Đông Hà đến Quảng Trị
phát hành tạp chí Cửa Việt đã ngâm bài
thơ Không Đề mở đầu cho tập Mưa Nắng Quanh Đời vừa được xuất bản : “Gã làm thơ hành nghề cháo bột / Cháo nuôi
tôi giữ trọn trái tim người”.
Anh bạn Trần Trọng Thắng đọc Trường Ca Hòa Bình của cố
thi sĩ Ngô Kha “|Ta bước đi / Từ giấc mơ hiện thưc.Trái tim hợp xướng hòa bình”
Hoàng Tấn Trung đọc “Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán với đoạn cuối mạnh mẽ dứt khoát : “Yêu ai
cứ bảo là yêu.Ghét ai cứ bảo là ghét”
Một số thân hữu tiếp tục hát, ngâm thơ, bộc bạch tâm
tình. Nguyễn Hữu Hưng ôm đàn hát bài Phôi
Pha của Trịnh Công Sơn nghe hư vô lồng lộng và xót xa cho phận người : “Ôi phù du từng tuổi xuân đã già một ngày
kia đến bờ. Đời người như gió qua”. Hoàng Văn Chẫm đã nuôi dưỡng hồn thơ
trong cuộc sống đồng áng nắng mưa lam lũ cùng cuộc tình tưởng thoáng qua mà dư
hương còn phảng phất trong thơ chàng. Anh em thúc dục Chẫm đọc thơ. Họ Hoàng chỉ
thích hát, với bài Hạnh Phúc Lang Thang của
Trần Ngọc Sơn như một cách trần tình nỗi riêng . “Ngày ấy em như cung tơ cho đời thẩn thờ .Cho tôi dệt mơ ”.
Nhìn những
khuôn mặt bè bạn đã ửng hồng vì hơi men, chủ nhà bỗng nhớ đến Bài Thơ Làm Khi Say Rượu của cố GS Nguyễn
Hoàng - nhà thơ Phan Phụng Thạch. Đồng cảm với tâm trạng của người thầy, Võ
Thìn ngâm bài thơ như chuyển đi một thông điệp hãy gắn bó thương yêu khi đã ngồi
lại bên nhau nâng cốc rượu như hôm nay:
“Buổi
tối tiêu sầu chai rượu đắng, Tri âm! Này hãy uống cho say. Lỡ mai có chết không
ân hận. Vì đã ngồi chung một chiếu này !”
Và cứ như thế Võ Thìn đã tổ chức nhiều cuộc rượu khi
đông, khi ít, ở nhà, ở quán, ở bờ mương thủy lợi đêm trăng sáng, ở trằm Trà Lộc
với nhóm Hồ Sĩ Bình, Nguyễn Khắc Phước, Lê Baor Laam...
Riêng tôi tham dự vài
lần, khi Nguyễn Đặng Mừng ở Sài Gòn ra, nhà thơ Hoài Ân từ Hà Nội vào, nhà văn
Hoàng Phủ Ngọc Tường được cô con gái từ
Huế đưa về thăm QT là anh em rủ nhau đến nhà Võ Thìn. Chàng luôn hiếu
khách và hào phóng nên là mạnh thường quân, tạo điều kiện cho bằng hữu giao lưu
vui vẻ không hề thoái thác hay phàn nàn bao giờ.
Sự trải lòng đối
với bạn hữu là vẻ đẹp từ ái, tâm bồ đề của Võ Thìn càng khiến mọi người trân
quý khâm phục khi anh cùng nhóm thân hữu ở Huế lo việc hậu sự cho nhà thơ Nguyễn
Văn Phương (bút hiệu là Phương Xích Lô) ra Quảng Trị chơi và đã chết đuối trên
dòng kênh Nam Thạch Hãn năm 2002.
Thỉnh thoảng tôi đi mua sách ghé qua Tố Linh Đường
phát hành giúp tập san Hương Quê Nhà của Ái hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng tại
Sài Gòn, Đặc san Nguyễn Hoàng tại Huế và bộ sách Trường Nguyễn Hoàng - Chân
Dung & Kỷ Niệm của cô Võ Thị Quỳnh. Bao giờ anh cũng đón nhận nhiệt tình và
dặn mua thêm vài tập để tặng bạn cũ ở xa quê.
Đạo Phật đã nói nhiều về sự vô thường trong các pháp-từ
thiên nhiên đến con người, và cũng bàn đến luật nhân-quả trong cuộc đời. Điều
này chúng ta đều hiểu và đồng cảm. Từ các cuộc gặp gỡ tri ngộ với bạn bè trên
chiếu rượu Võ Thìn đã sẻ chia tương trợ thiết thực bằng cả tấm lòng từ ái. Anh đã vun trồng một
Chữ Tình - tấm lòng ngày một lớn hơn giữa cuộc đời không phải bao giờ cũng được
mùa nhân nghĩa. Viết đên đây tôi chợt đến dòng chữ thư pháp của một người bạn tặng,
ghi lại câu thơ của thiền sư Thích Thiện Siêu :
“Cuộc
đời sắc săc không không ,
Còn
chăng chỉ một tấm lòng mà thôi !”
Đó là điều Võ Thìn đã ý thức và gieo nhân lành trong
suốt đời mình nên vợ con anh sẽ gặt hái dần qua từng vụ mùa cuộc sống. Cho nên
khi anh bị khối u sau gáy phải ra Hà Nội mổ, bạn bè đã vận động nhau hỗ trợ
tích cực giúp đỡ anh. Cảm động vô cùng khi cả một đoàn 30 người xa gần ra tiễn
và động viên anh chị ở ga xe lửa Đông Hà năm 2003. Khi đến nơi, nhà văn Nguyễn
Quang Lập đã liên hệ với các BS giỏi giúp anh thành công trong ca mỗ đấy nguy
hiểm ! Từ đó anh trở lại với nghề, vui cùng bạn hữu không chút ưu tư lo lắng.
Cho đến một ngày của tháng 10 -2010 con tim yêu thương cuộc sống và bè bạn ấy
đuối sức, anh bị đột quỵ qua đời nhẹ nhàng thanh thản. Đám tang của anh rơi vào
những ngày mưa kéo dài, nước đầy sông, ngập đường quê lối xóm, thế nhưng bạn bè
thân hữu gần xa đều về phúng viếng và tiễn anh về đến nghĩa trang quê nhà Hiền
Lương mênh mông biển nước ! Cả TXQT đều bùi ngùi tiễn anh về cõi xa khuất. Họ
nhận ra con người đích thực của anh, một thầy thuốc có tâm giúp đời, một con
người có cốt cách đạo sĩ khiêm cung và bản tính nghệ sĩ biết lắng nghe đồng cảm
với mọi người, tùy cảnh ngộ, cá tính mà bao dung chấp nhận như một cái duyên.
Cho nên trong số bạn cũ bên chiếu rượu Võ Thìn không phải ai cũng thủy chung giữ
gìn chút tình xưa sau. Chắc anh biết và mỉm cười như Trịnh Công Sơn thường nhẹ
nhàng nói “thôi kệ” và dung thứ lỗi lầm của bạn. Hai vầng nhật nguyệt chói lòa soi rọi khắp
nơi! Trên đặc san Hương Quê Nhà xuân
2011, ban biên tập đã trân trọng dành trọn 14 trang để đăng văn thơ Khóc Võ
Thìn của nhóm NH 64-71 và các thân hữu khắp nơi, với lời nhận định chung : “Anh là một người sống hết mình cho bạn
bè,gia đình, xóm làng… Võ Thìn là một
HSNH tuyệt vời”.
Võ Thìn ra đi để lại vợ và bốn người con đang ở tuổi ăn học,
gia đình rơi vào sự hụt hẫng, khó khăn biết chừng nào ! Bởi thế một nhóm thân hữu
cùng chiếu rượu đã đến thắp hương nhớ bạn, động viên mẹ con chị Niềm bằng một số
tiền nhằm hỗ trợ các cháu học tập. Ngoài ra, các cựu học sinh NH khác còn giúp
con của Võ Thìn đang học đại học. Cháu Võ Thị Công Dung theo học Đại học kiến
trúc Đà Nẵng nay đã tốt nghiệp từng nhận sự hỗ trợ hằng tháng từ một cô giáo
hưu trí, là bạn học của Võ Thìn. Cháu gái thứ hai là Võ Thị Tố Linh vừa học
xong khoa quan hệ quốc tế tại Đại Học Khoa học và Nhân Văn TPHCM cũng nhận học
bổng của Ái hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng tại Sài Gòn mấy năm qua. Nhiều lần chị
Niềm biểu lộ chân thành lòng biết ơn đối với quý thầy cô và bạn bè trường Nguyễn
Hoàng xưa đã cưu mang gia đình chị sau những tháng năm anh Võ Thìn qua đời.
Đúng như lời Phật nói : người gieo nhân lành sẽ gặt quả tốt !
Hôm nay, ngày 03-3-2016, tôi đến nhà Võ Thìn thắp
hương tưởng nhớ anh và thăm hỏi gia đình. Cũng như các lần trước khi kể về anh
chị luôn bày tỏ lòng kính yêu, đồng cảm, khâm phục và biết ơn anh như một người
thầy dạy đạo lí làm người và phong cách sống bao dung vị tha nhân ái, một người
yêu chân thành biết tôn trọng người mình yêu.Tấm gương của anh sống đã có ảnh
hưởng sâu đậm đối với vợ con Đó là điều khiến anh ngậm cười nơi chín suối. Lúc
này trong phòng thờ Võ Thìn có đặt một lẵng hoa tươi. Chị cho biết đó là
quà sinh nhật của vợ con tặng cho anh !
Thật là lãng mạn và đáng yêu vô cùng ! Con trai anh, cháu Võ Thiên Thư
đã post hình ba mẹ bên nhau với comment : “
Chúc mứng sinh nhật ba , con chúc ba vui, khỏe . Mong ba phù hộ mẹ và các con
!”. Chị luôn nói chuyện, tâm tình với di ảnh của anh như lúc anh còn sống.
Suốt hơn hai năm trời sau khi anh đi vào cõi tịnh hằng ngày chị thường lau mặt cho
anh qua ảnh thờ và chế cà fe, đốt thuốc, pha trà cho anh. Tôi ra về mà lòng cảm
thấy nhẹ nhàng lâng lâng vì vừa ở trong bầu khí quyển của yêu thương, thông cảm,
bao dung đã thấm chất đạo lí mà người về thiên cổ gửi lại cùng trầm hương thơm
ngát.
Một bài thơ ngắn tặng chị Niềm bỗng hiện ra trong tâm
trí tôi lúc đó, khi về ngồi vào bàn tôi gõ nhẹ đưa lên Dòng thời gian cùng mấy
tấm hình của anh chị.
Hôm
nay sinh nhật Võ Thìn,
Thắp
hương nhớ bạn phiêu linh mây trời.
Vợ
yêu tặng lẵng hoa tươi,
Như
anh vẫn ở trên đời bên nhau !
Thị Xã Quảng
Trị 03-3-2016
Đỗ Tư Nhơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét