BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

ĐÂU KÊNH LÀNG TÔI - Võ Cẩm


        

        ĐÂU KÊNH LÀNG TÔI
                                                                   Võ Văn Cẩm    

Tôi rất vui được xem và nghe phóng sự của Đài Phát thanh và truyền hình Quảng Trị về “Nét đẹp làng quê” giới thiệu Làng Đâu Kênh của tôi.

Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này. Những ngày tháng ấu thơ tôi có nhiều kỷ niệm. Gia đình thuộc loại nghèo khó, tuổi thơ tôi cũng như bao đứa trẻ khác đều gặp khó khăn trong việc cắp sách đến trường. Không những làng tôi mà cả cái tỉnh nghèo khó này cũng thế.
Cả gia đình tôi chỉ có mấy sào đất trong vườn, ba mẹ tôi phải đi làm nghề mướn nhiều nơi, anh em chúng tôi phải ra nương nhờ bên ngoại tại làng Thượng Nghĩa bên nách thị xã Đông Hà. Vì vậy khi thi rớt Đệ thất Trung học Nguyễn Hoàng (một ngôi trường Trung học đệ nhất cấp Công lập độc nhất của tỉnh Quảng Trị.) nên tôi vào lớp đầu tiên của trường Trung học Bán công Đông Hà. Nhưng cũng chỉ vài tháng đành phải bỏ vì không có tiền đóng học phí. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tôi quyết rẻ qua con đường học nghề. Nếu như không có ý tiến thủ, chắc tôi đã là một thợ may chính hiệu rồi.
Ngồi trong tiệm may của cậu, buổi sáng hay chiều, nhìn ra đường thấy bạn đồng lứa cắp sách đến trường mà lòng mình se lại. Cứ nghĩ về tương lai mà lòng quặn thắt, cứ nghĩ bao đời nghèo khó vì thiếu học mà đau nhói, cái gương của quý
Cụ trong làng cho tôi bài học vô giá ấy. Chỉ có cái học mới vượt được nghèo khó và chỉ có cái học mới là chìa khóa vạn năng mở các kho tàng khoa học. Nghề may không còn là hấp lực ngăn cản tôi trở lại sân trường. Tương lai nghề may không lấy gì hấp dẫn. Chuyện học vô cùng khó khăn đối với thân phận nghèo khó như tôi. Tôi không nản lòng, khi nhận thêm một lần thi hỏng.
Nỗi đau và buồn không làm nhụt chí người học trò nghèo như tôi. Trời không phụ lòng người, với sự quyết chí và đam mê việc học, cuối cùng tôi cũng được vào ngôi trường công lập ấy.
Bảy năm dài đăng đẵng, mình phải vượt qua muôn ngàn khó khăn, khi ngồi hồi tưởng lại không biết làm sao mình vượt qua được ?.
Hoàn thành bậc Trung học, với mớ kiến thức ấy mình có thể vào đời bằng nhiều con đường khác nhau. Nhưng tôi thấy mình đam mê việc học, và mình định hướng cho tương lai.
Tôi luôn nghĩ, chỉ có ánh đèn điện mới làm con người thấy được nền văn minh của nhân loại. Tôi vào thành phố mà một thời được vinh danh “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Xuống chiếc xe đò cũ kĩ, vào một đêm khuya, tôi chưa có điểm đến và điểm dừng.
Rồi tôi được một ân nhân cưu mang cho ăn ở. Chẳng bao lâu tôi nhận dạy kèm cho một học trò lớp đệ tam con chủ, với một số tiền thù lao khá hậu, có chỗ ăn ở qua ngày.
Ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực, chủ nhà cũng đồng tình và ủng hộ trong việc học của tôi. Tôi ghi danh vào trường ĐHKH. Việc học chưa bao lâu thì chiến tranh lan rộng, chính phủ ra lệnh Tổng động viên toàn lực. Tôi được đưa vào quân trường Thủ Đức gần cuối năm 1966.
Số phận đã an bài, khi mãn khóa tôi trở lại quê nhà trên vai đầy súng đạn, tôi dẫm nát vùng giới tuyến trong nhiều cuộc hành quân. Máu tôi đã đổ ở căn cứ A1, trên vùng đất có hàng rào điện tử Macnamara, mà chính tôi đã được học về nó.
Đầu năm 1968 tôi được trở lại Sài Gòn hoa lệ, được làm loại sĩ quan kiểng. Năm 1969 tôi chuyển về quân trấn Cần Thơ và cuối năm ấy tôi được trở lại giảng đường Đại học Phú Thọ và Đại Học Maryland Long Bình trước khi đi học ở Mỹ.
Nhưng cuộc đời đâu lúc nào cũng suôn sẻ, cuối năm 1973, việc du học bị hủy bỏ, do ngân sách ngoại viện, trong chương trình Việt hóa, tôi thi vào làm việc ở công ty National Nhật. Có dịp qua Nhật ngắm hoa anh đào trong cuối năm ấy.
Năm 1975 đất nước hết chiến tranh, tôi vẫn trụ lại Sài Gòn cho đến tận bây giờ. 1978 lấy vợ, năm 1979 có con đầu lòng khi tuổi đời gần 40. Rồi đâu cũng vào đấy, 4 con lần lượt rời giảng đường Đại Học rồi có công ăn việc làm ổn định. Nhờ phước đức ông bà, tổ tiên gia đình tôi được sức khỏe, an phận với sự nghiệp của mình.
Tuổi đời chồng chất, nhưng tôi nặng lòng với quê nhà, mỗi lần trở về, nhìn sự đổi mới xóm làng mà lòng khởi sắc vui mừng. Con người khi tuổi càng cao, thường sống nhiều với quá khứ, sống lại với tuổi thơ, những kỷ niệm dồn dập quay về, chính những giây phút ấy hình bóng quê nhà, những khó nhọc, vất vả, những ngày nắng cháy da, những đêm dài lạnh buốt, những gánh nặng trên vai, những giọt mồ hôi ướt đẫm chiếc áo nhiều mãnh vá, nỗi nhọc nhằn ấy làm oằn vai người cha, người mẹ, một đời khó nhọc vì đàn con.
Tuổi già, nhìn lại mới thấy thương cha mẹ một đời lam lũ. Công lao trời biển mẹ cha. Một nỗi đau tê buốt là không còn người để phụng dưỡng đền ơn. Quê hương ơi, với bao nỗi nhớ, những quặn lòng thổn thức.
Mỗi lần về lại, con đường, mảnh vườn xưa, những kỷ vật của người cha người mẹ, tôi vẫn tìm thấy đâu đây những giọt mồ hôi, cả những giọt máu của người vì đàn con mà đổ xuống.
Ôi :
“Quê hương nếu ai không nhớ, không lớn nỗi thành người”.
“Khi ta ở chỉ là đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Tuổi tôi nay quá thất thập, khi trở lại sao mình quyến luyến quê nhà, mảnh đất mà mẹ cha nuôi mình khôn lớn.
Năm 1558 khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng dừng chân ở Ái Tử, mở đầu việc mở cõi phía Nam. Năm 1563 khi dời đô về Trà Bát dựng nghiệp làng Đâu Kênh ở phía Đông Nam cùng làng Hoa la tức làng Bích la Thượng bây giờ.
Quê tôi còn đó, gồm chín Xóm thôn, còn đó đình làng, ngôi chùa Thiên Tôn cỗ nhất Nhà Nguyễn, làng tôi có Lục Miếu thờ 6 vị thần có công lớn với Triều Nguyễn, trong đó có 3 vị quan Trung Đẳng Thần thuộc họ Võ, một vị quan thuộc họ Đỗ và 2 vị quan không phải dân làng nhưng cai quản vùng này.
Họ Võ làng Đâu kênh có một vị Tiến sĩ Võ đầu tiên ở Miền Nam là Ngài Võ Văn Lương đang thờ ở Văn Miếu Huế.
Không biết từ bao giờ, nguyên sông Thạch Hãn chảy từ làng Bích Khê, Đại Lộc Thượng, Bích la Thượng, Đâu Kênh, Đại Lộc Trung rồi ra sông Thạch Hãn. Như vậy làng Tân Đinh, An Mô, Bịch la Thượng, Xóm Rào Thượng, Xóm Rào Hạ ở phía bên kia sông. Bàu Sen làng tôi chính là dòng sông Thạch Hãn cũ. Không rõ nguyên do nào dòng sông Thạch Hãn nắn dòng như hiện nay. Để làng Tân Định, An Mô, Bích la Thượng, Xóm Rào Thượng, Xóm Rào Hạ, một phần nhỏ làng Đại Lộc Trung lại nằm bên này sông như hiện nay.
Hai Xóm Rào Thượng, Rào Hạ kết hợp với Xóm Bàu, Xóm Hói, Xóm Đùng, xóm Triêu, Xóm Kiệt, Xóm Cồn, Xóm Bồi, nằm 2 đầu kênh hay đâu hai kênh lại nên có tên gọi Đầu kênh, Đâu kênh, Đâu kinh, Đầu Kinh hay Đâu kênh( kênh = kinh = kêng). Tên trong danh mục làng tôi hiện nay là: làng ĐÂU KÊNH.

Cách đây gần 15 năm, theo quy định tổ chức hành chánh, thì làng tôi chia thành 9 làng. Như vậy tên làng Đâu Kênh không còn nữa, mà lấy tên 9 Xóm thành 9 làng: Triêu, Đùng, Hói, Bàu, Rào Thượng, Rào Hạ, Kiệt, Cồn, Bồi.
Sự lo lắng của bà con dân làng, chúng tôi có Kiến nghị với Sở Tư Pháp và UB Tỉnh xem xét vì đây là làng có gần 600 năm lịch sử và đề nghị đổi thành 9 làng từ Đâu Kênh 1 đến Đâu Kênh 9.
Nay các thủ tục Hành chính vẫn còn là làng Đâu Kênh có kèm theo Xóm (như Xóm Bàu Đâu kênh, xóm Bồi Đâu Kênh...).
Khi có chủ trương sợ mất tên làng nên tôi có Bài thơ dưới đây :

ĐÂU KÊNH LÀNG TÔI.

Ba tôi bảo làng mình đông dân lắm,
Chín xóm thôn quanh quẩn vây quanh.
Dòng Thạch Hãn nước trong uốn khúc,
Dòng sông này lắm lúc đổi thay.
Quê tôi đó có Xóm BÀU, Xóm HÓI,
Với Đình làng cây cối xanh tươi.
Bên bờ sông có RÀO THƯỢNG, RÀO HẠ,
Xóm BỒI cuối thôn, Xóm CỒN, Xóm KIỆT,
Xóm TRIÊU, Xóm ĐÙNG mà ai chẵng biết.
Giữa quê tôi có BÀU SEN trang nhã,
Có chùa THIÊN TÔN, có LỤC MIẾU linh thiêng.
Có họ VÕ, ĐOẠN, NGUYỄN, ĐỖ, LÊ.
Làng Đại xã bao thế kỷ qua dân sống.
Quê tôi đó, bên kia bờ Ái Tử,
Dọc theo làng, đối diện Trà Liên.
Đất màu mỡ nhờ dòng sông mang đến.
Lưu luyến quê nhà chẳng muốn bước đi.
Về phía Bắc có Võ Thuận, Trà Liên.
Phía Đông giáp Phù Lưu, Phương Ngạn, Hà My.
Phía tây có Đại Lộc, sông Hãn.
Phía Nam giáp An mô, Tân Định, Bích Khê.

Quê tôi đó tuy nghèo nhưng đầm ấm,
Vách phên tre, cây cột vẹo xiêu.
Dân vẫn sống, vẫn hiền hòa như biển lặng.
Vẫn thương nhau, vẫn đùm bọc lấy nhau.
Tôi còn nhớ những năm dài tháng rộng.
Học trò xa lẻ tẻ đi về.
Thăm quê cũ, thăm mẹ già và em dại.
Quê tôi đó, bị chiến tranh cày xới.
Nhà tan hoang đất ruộng vỡ tung.
Những hố bom, hố đạn còn ghi dấu tích chung.
Hằn lên quê nghèo những vết thương ngày tháng.
Ai đã đến quê tôi một dạo.
Bằng đường sông hay đường bộ về làng.
Qua bãi cát vượt sông Vĩnh Định.
Qua Xóm Hà, chợ Sãi thân thương.
Theo tỉnh lộ chạy dài về Cửa Việt.
Quê tôi đó, dân Quảng ai chẳng biết.
Đâu Kênh làng thuốc xã Triệu long.
Người Phủ Triệu sử sách ghi dấu.
Bạn ghé quê tôi bằng đường Quốc lộ.
Xe dừng ngay Ái Tử, Chợ Hôm.
Cô gái trẻ đưa đò mời gọi.
Qua cầu An Mô đưa bạn đến làng.
Làng tôi đó tuy nghèo nhưng hiếu khách.
Với rau, dựa bữa cơm đạm bạc.
Nước chè xanh xin tiếp bạn hết lòng.

                                                                                     Võ Văn Cẩm                                                                      

Không có nhận xét nào: