BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

VIẾT LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN - Võ Văn Cẩm


                
                             Tác giả Võ Văn Cẩm 


               VIẾT LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN 
                                   (Tặng Văn Mạnh)
                                                                       Võ Văn Cẩm

Hôm nay không ngủ được, không biết tại sao? 3giờ sáng tôi mở điện thoại lướt một vòng Facebook để tìm đọc thời sự, chuyện vui buồn, những trang thư tình vụn vặt, những mẫu chuyện ngắn, qua trang Đồng môn Nguyễn Hoàng.
Hoa Trương đã truyền tải bài:
“Người con gái đất Duy Xuyên” của Hương Thủy.
Với cái tên tác giả thấy quen quen. Tôi chưa nghĩ là Hương Thủy Bảo Lộc, nàng là học sinh Nguyễn Hoàng, dân Quảng Trị rặc, sao lại viết về người con gái Duy Xuyên Quảng Nam. Chắc nàng có một thời gian ở đó, hay vương vấn chàng trai nào bên dòng sông Thu Bồn?
Thủy là cô giáo dạy văn ở trường cấp 3 Bảo Lộc Lâm Đồng. Người đã viết bài “Người tình phụ” mà tôi đọc một lèo không nghỉ. Tôi đọc đến lần thứ 3 mà chưa chán.
Không biết đời thường cô giáo thế nào? Mà những chuyện tình cô viết lúc nào cũng trắc trở, ngang trái, đau buồn, bi lụy, đau cho thân phận đời người, thế sự, trách cho vận nước ngả nghiêng, trách cho lòng người đen bạc, trách cho số phận hẩm hiu, trách cho tuổi thơ một một quảng đời chinh chiến.
Tôi dùng thời gian đọc hết chuyện tình ngang trái của Hương Thủy kể về người bạn học cùng lớp thời Trung học, câu chuyện khá thật, khá lý thú xảy ra vào thời ly loạn. Trong câu chuyện tình này thấp thoáng, mường tượng chuyện tình không trọn vẹn của tôi, của bạn bè cùng trang lứa.
Tôi chắt lọc, quay chậm những thước phim về cuộc đời mình, nhớ lại một số tình tiết chính chuyện tình của mình để :
“VIẾT LẠI MỘT CHUYỆN TÌNH BUỒN”

Tôi muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu, cuộc đời của một chàng trai sinh vào thời ly loạn và nỗi đau của những người làm cha, làm mẹ, cùng nỗi đau của cả dân tộc, trong một quê hương chinh chiến, nồi da xáo thịt, bên này hay bên kia, chiến tuyến này hay chiến tuyến nọ.
Đây là dáng dấp của một chàng trai Quảng Trị một vùng đất nghèo khó, một địa danh mà dân gian thường gọi là nơi “chó ăn đá, gà ăn muối”, “vùng nắng cháy da, mưa thúi đất”, nghèo đến nỗi “Tên con người không có chữ lót”.
Quê nghèo, người dân chỉ chúi đầu trên những thửa ruộng cằn khô, không được như ý nguyện của ngài khai khẩn đã đặt tên làng “Long Hưng” một cái tên không những hay về ngôn từ mà cả về ý nghĩa và tâm linh. “Long Hưng: Rồng vươn lên” như tên gọi.
Học trò làng Long Hưng học ở Nguyễn Hoàng rất giỏi toán. Hiện nay còn sót lại một vài người như: Văn Tần, Văn Phong, Văn Mạnh. Thế hệ kê thừa như Văn viết Đức đoạt giải nhất “Đường lên đỉnh Olympia năm 2015”.
Cũng như Triệu Long quê tôi, chưa có con Rồng nào xuất hiện đúng theo ý nguyện của tiền nhân. Cũng như Cổ Thành trở thành Thành cổ.
Hàng ngàn năm trước, làng tôi nằm hai bên sông Thạch Hãn. Khi Thạch Hãn đổi dòng, tạo thành con kênh (kinh) làng tôi ôm hai đầu con kênh ấy nên có nhiều tên gọi : Đâu Kênh, Đâu Kinh, Đầu Kênh, Đầu Kinh hay Đầu Kêng.
Vùng đất sẽ vượng phát về tài lộc, hiếu đạo và nhân nghĩa.
Giữa làng tôi có Bàu Sen rất đẹp, mà Bàu Sen chính là dòng sông Thạch Hãn năm xưa vậy.
Đến mùa lũ lụt dòng sông Thạch Thạch Hãn tạo thành hai dòng chảy từ Bích Khê đến Trà Liên. Chính dòng chảy mang lại nhiều phù sa, nên quê tôi đất đai rất màu mỡ.
Học sinh làng Long Hưng hay Đâu Kênh nói riêng, Quảng Trị nói chung, sống trong vùng đất chiến tranh khốc liệt, học hành bị gián đoạn, phần lớn gia đình nghèo nên bỏ học sớm, đằng nào cũng vào quân ngũ và phải chọn cho mình một ngành lính.
Võ Huy đỗ tú tài 2, cha mẹ không kham nổi cho con tiếp tục con đường học vấn, học ngành Sư phạm mà Võ Huy thích.
Huy gặp Hoàng, anh của bạn mình nhập ngũ vào khóa 25 trường Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt (SQVBĐL). Võ Huy được bạn cho biết, vào trường VBĐL thì được song toàn văn võ.
Sau 4 năm quân trường Huy là sĩ quan lại có bằng Cử nhân khoa học, đây là một lựa chọn tốt cho người trai thời lọan và kiến thức ấy dành cho hậu chiến.
Năm 1971 Võ Huy thi đậu khóa 28.
Vào trường Sĩ quan Đà Lạt, học một thời gian, qua mùa Tân Khóa sinh. Huy được mặc bộ quân phục, áo kaki vàng, cầu vai gắn alfa đỏ. Thời gian này SVSQ bắt đầu có phép ra phố ngày Chủ nhật hay ngày lễ. Huy hiền từ, không có bà con ở xứ non cao này, nên chẳng biết đi đâu, loanh quanh phố với bạn rồi vào quán cafe. Con gái của xứ “Hoa anh Đào” cũng chưa làm rung động trái tim chàng.
Năm 1972 mùa hè đỏ lửa, Quảng Trị chìm trong bom đạn, nhiều trận chiến xảy ra khốc liệt trên Đại Lộ Kinh Hoàng.
Cuối năm 1972, Huy cùng khóa đàn anh đi công tác Chiến tranh Chính trị ở Quảng Nam Đà Nẵng. Sau chuyển công tác trở về trường, thì Hiệp định Paris được ký kết, khóa Võ Huy phải ra Thừa Thiên Huế. Đại đội Huy được phân công đi các chi khu. Nhóm Huy được về quận Quảng Điền “Sịa”, một vùng đất nằm về phía Tây Bắc, cách Huế chừng 30 cây số, có con sông Bồ  hay “sông An Lỗ”.
Dòng sông uốn khúc rất đẹp, hạ lưu nối với phá Tam Giang và Thuận An. Trên thượng nguồn có hồ nước nóng Thanh Tân bây giờ trở thành khu du lịch nổi tiếng và hồ chứa nước Tả Trạch, hồ lớn nhất Huế, nhờ hồ chứa nước này làm giảm lụt cho đất Cố đô.
Dòng sông Bồ đã đi vào văn thơ và đi vào lòng dân Huế. Đất và người hiền hòa dễ sống.
Thời gian công tác chưa được bao lâu thì Võ Huy quen và yêu cô gái tên Hà. Hà vừa tốt nghiệp cán sự điều dưỡng Huế, sau khi học xong trường Quảng Phước. Thời gian quen Hà khá dài mà Võ Huy không được mẹ nàng đón nhận. Bà không thuận tình cho con gái mình yêu Huy.
Võ Huy yêu Hà thật lòng và Hà cũng dành cho Chàng một tình thương đặc biệt. Những con đường làng đều in dấu chân Võ Huy và Hà, bờ sông Bồ nơi hai người hò hẹn, những chiều hè Võ Huy choàng vai Hà hay ngồi bên sông ngắm chiều về, nhìn dòng nước trôi mang theo ánh tà dương thơ mộng, Võ Huy nghĩ về một tương lai gần của một gia đình nhỏ.
Thấy mẹ mình không muốn cho Huy tiến xa hơn.
Hà về cầu cứu dì Tư giúp Hà để giải quyết mối tình của đôi trẻ. Dì Tư thương Hà lắm, nhưng trong sâu thẳm của trái tim dì mách bảo: Không được.
Nguyên do mà mẹ và dì không chịu, không phải không thương Hà hay ghét Huy, chỉ một lý do mà mẹ và dì không dám nói ra.
Mãi 10 ngày rồi mà Võ Huy không gặp Hà, Huy rạo rực nhớ thương, tâm can rối bời. Huy đâu biết Hà đang đau khổ tột cùng. Hà ôm gối, quấn chăn nằm khóc, dòng nước mắt cứ tuôn trào, chỉ nguyện cầu cho tình mình được viên thành.
Võ Huy thuê xe về nhà Hà khi mẹ nàng đi vắng, do chị Dung báo. Vào phòng Hà, Võ Huy thấy trên gối Hà để tập thơ mà chàng tặng hồi hai đứa hẹn hò. “Dù chân trời góc biển” và lúc hai đứa dành cho nhau nụ hôn đầu đời, lúc tình yêu đã chín.
Những câu đầu trong tập thơ rất dễ thương:

“Lần đầu ta ghé môi hôn.
Những con ve nhỏ thất hồn kêu vang”

Võ Huy còn nhớ trong tập bài giảng trường Y của Hà, mà Hà đưa cho Võ Huy xem vào một buổi chiều cận Tết. Võ Huy lật trang sau rồi viết một câu thơ của ai đó mà Huy không nhớ, Chế lan Viên?

      “Hồn lưu lạc chưa hề thờ một chúa.
      Yêu một người tôi dâng trọn niềm thương”

Dưới trang vở ấy, suốt một đêm trằn trọc, Hà nắn nót từng chữ:
“Vâng, yêu một người tôi xin dâng trọn niềm thương”.
Hà đóng khung và tạo hình rất đẹp.
Bây giờ những giọt nước mắt đã làm hoen ố trang bìa.
Võ Huy cầm lên, mân mê từng trang sách, trong đó có trang giấy vở xếp tư. Huy tò mò mở ra xem, nét chữ cứng vì viết vội.
“Ba đã nghe dì Tư nói chuyện. Con hãy chấm dứt mối quan hệ không lành mạnh đó.” Đọc chừng ấy chữ, mà mắt Huy hoa lên, trong lòng thấy sợ.
Phía nhà dưới Hà bước nhẹ trong bộ đồ ngủ màu sáng nhạt. Hà chạy lại ôm choàng Huy. Võ Huy cố bình tĩnh, nhưng những dòng chữ cứng cỏi như len lỏi vào từng thớ thịt, nổi sợ hãi làm Huy quên mất người mình yêu đang hiện hữu. Hà xích sát vào chàng, nhưng phản xạ tự nhiên, Võ Huy đẩy Hà ra khỏi tầm tay.
Ngoài sân có tiếng người, bạn nàng đến chơi. Lợi dụng cớ này Huy xin chia biệt trước sự ngạc nhiên của Hà và bạn.
Ra về nhưng lòng đầy ray rứt, khó chịu. Võ Huy đi một mạch về nhà, hình ảnh Hà cứ quay cuồng trong đầu, Huy nằm bẹp xuống giường, Võ Huy ôm đầu, tìm cách trấn an mình.
“Không lẽ Hà đang dăng bẫy mình?. Ba nàng còn sống? Đang là cán bộ CS hoạt động tại đây?”. Nỗi lo sợ cứ ám ảnh Huy.
Một tuần sau, Hà lên quán sách nhờ cô Dung liên hệ với Võ Huy, nhưng Huy tìm cách né tránh.
Võ Huy đã được dạy trong quân trường: “Người Sĩ quan không có việc gì là không thể”. Đây là “bửu bối”. Lời dạy ấy làm cho Huy mạnh mẽ lên.
Thời gian công tác đã hết, Huy trở lại quân trường không người đưa tiễn, về trường để tiếp tục việc học.
Thời gian đào tạo còn dài, chương trình nặng hơn về khoa học thực nghiệm. Huy tự bảo lòng mình, chuyện tình yêu đầu đời Võ Huy gác lại, khép vào một ngăn nhỏ trong trải tim.
Hai tháng quân trường trôi qua, Huy mới lấy lại sự an bình. Tháng thứ 3 có thư của Hà gởi do một SV khóa đàn em mang đến “Không có gì mà SVSQ không thể”. Tháng đó Huy nhận đủ 30 lá, Huy chất vào học bàn mà không đọc lá nào và cũng không trả lời. “Thôi hãy chôn chặt vào kỷ niệm”. Mấy hôm sau Huy nhận một lá thư lạ, lần này Huy mở ra đọc. Thư của chị Dung, người chủ tiệm sách, cũng là người mai mối cho mối tình đầu của Huy. Đọc xong Huy không trả lời. Huy bỏ chung vào chồng thư của Hà.
Huy làm như vậy không phải không nuối tiếc mà Huy muốn chôn những kỷ niệm ấy xuống vực sâu và để Hà không còn kiên nhẫn đợi chờ và hy vọng. Huy muốn xóa hình ảnh mình trong trái tim của Hà.
Nửa tháng sau, một sáng sớm, Võ Huy được thông báo ra nhà khách tiếp đón người thân. Huy đoán, không thể mẹ và em mà chắc chắn là Hà, không còn ai khác. Huy nhờ bạn thân ra tiếp, Võ Huy nói rõ nội dung cho bạn, và nhờ bạn thông báo cho Hà là Võ Huy được nghỉ phép về thăm nhà và làm lễ đính hôn theo ý mẹ.
Bạn của Huy không đủ ngôn ngữ để diễn tả hết nỗi đau buồn của Hà khi thông báo tin ấy, Hà nghẹn giọng, xin chia tay trong dòng nước mắt, Hà khuỵu người, chân không muốn bước. Bạn của Huy nhìn Hà mà đau xót, thương cảm, nghẹn ngào, tự trách mình làm một điều tàn nhẫn.
Gặp Huy, cố gắng lắm mới thốt được câu, “Tau đã hoàn thành trách nhiệm” bạn không dám kể hết sự thật.
Ngày 30/4/1975 khi Huy chưa có được một ngày làm chỉ huy thì quân trường bỏ ngũ.
Huy trốn chạy về quê nhà. Võ Huy nắm chắc chuyện vào tù không tránh khỏi ở vùng đất quê nhà.
Hơn hai năm trong trại giam, Võ Huy được thả.
Huy về với mẹ, suốt đêm ba mẹ con nghẹn ngào trong bữa ăn cuối cùng.
Sáng hôm sau mẹ móc hết túi, nhét cho Huy chỉ mấy đồng bạc lẻ. Mẹ nói: “Ở đây con không sống nổi, con vào Nam tìm đất lành độ nhật”.
Bà ôm con vào lòng như ôm một đứa bé. Đợi tới tối, sau bữa cơm đạm bạc, bà và em trai tiễn Võ Huy ra đầu ngõ rồi có vài lời căn dặn, bà có linh cảm đây không phải là buổi chia tay mà là lần ly biệt. Bà nhắc lại : “Quê nhà không còn là đất sống, con hãy ngẩng cao đầu, hãy làm đúng những điều mẹ dạy”. Huy cúi mặt, nghẹn ngào, cố nuốt những uẩn ức vào lòng rồi bước mạnh, một đoạn xa Huy mới can đảm ngoái nhìn, bóng mẹ chìm vào đêm tối, chỉ còn trong ký ức.
Huy nhìn màn đêm tối rồi quỳ xuống lạy 3 lạy: Một lạy dành cho quê hương đất tổ, một lạy dành cho đấng sinh thành, còn một lạy Huy dành cho ước nguyện của mình. Võ Huy đứng thẳng người tiến bước về phương Nam.
Bến xe Sài Gòn trước mặt, Huy xuống xe, không biết đi đâu và về đâu? Nhìn dòng người xuôi ngược mà quên đi chính mình. Trước mắt Huy, đủ mọi tầng lớp người trong xã hội: Người thiếu tay, thiếu chân, kẻ mù mắt, già có trẻ có, đàn ông có, đàn bà có, hầu hết áo quần không lành lặn, những miếng vá đủ màu. Không gian này làm cho Huy có thêm nghị lực, bớt thất vọng. Vì Huy còn đủ chân tay, có sức khỏe, còn trí tuệ.
Những ngày tháng nhọc nhằn, với đủ công việc, nếm đủ mọi nỗi đau, những vị mặn của đời. Huy dành được ít tiền, mở đường theo bạn tìm vùng đất hứa.
Huy qua Campuchia, kiếm thêm tiền rồi qua Thái Lan bằng đường bộ. Huy vào trại tỵ nạn, trong người không có một tấm giấy lận lưng. Vốn có một ít Anh ngữ, lại quen ông thầy dạy Anh văn thời Trung học đang làm quản trại nên Huy được nhập cư vào Mỹ rất sớm. Vốn kiến thức sẵn có, Huy hòa nhập nhanh với đời sống mới. Chỉ vài năm thì cuộc sống ổn định. Huy vẫn chưa liên lạc được với quê nhà.
Số phận đẩy đưa, Huy gặp người bạn gái qua một bạn đồng khóa. Một cách ngẫu nhiên người bạn đời trùng tên: Hà. Chính cái tên làm cho Huy mở ngăn trái tim mà từ lâu đóng kín. Rồi hình bóng Hà (Sịa) quay về cứ chập chờn trong trí nhớ. Nhiều câu hỏi cứ dồn dập ùa về : Bây giờ Hà đang làm gì?.ở đâu? Đời sống ra sao?. Gia đình có được ân huệ nào không ? Chồng con? Có hạnh phúc?
Cứ nhớ những nụ hôn đầu đời, những lần đi chơi, nhớ 30 bức thư mà Hà viết đủ 30 ngày trong một tháng.
Hình ảnh một cô gái đi xa gần ngàn cây số để thăm tình nhân, rồi quay trở về với một điều bất hạnh, phũ phàng. Bao nhiêu oan nghiệt, dù không phải do Huy gây ra.
Nghĩ cho cùng đều do số phận, nhưng trong tâm Huy vẫn thấy ăn năn, thương cảm. Võ Huy mong gặp một lần để nói lời xin lỗi và có cơ hội phân trần.
Càng nghĩ về Hà, về mối tình đầu không trọn vẹn, Huy nghĩ về thân phận con người, oán hận một cuộc chiến nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, gây mâu thuẫn thù hận, chỉ vì ý thức hệ. “Không có gì là không thể” viên thần dược mà bao lần cứu Huy thoát nạn. Huy trở lại với chính mình.
Đến thời khắc thuận tiện, Huy một mình trở về quê hương thăm mẹ, thăm em.
Chuyển bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào nửa đêm, không một ai đưa đón vì từ lâu chưa liên lạc được với người thân. Nằm ở phi trường chờ sáng, tìm phương tiện ra quê. Huy gặp một người đồng cảnh ngộ. Chuyện xe tàu vẫn khó khăn. Huy và bạn đón xe đò về Trung.
Đến Huế chia tay bạn, Huy trực chỉ về Quảng Trị. Lâu ngày và lắm điều thay đổi. Đứng ở ngả ba Long Hưng mà Võ Huy chưa nhận ra nhà minh. Căn nhà lá năm nào không thấy. Đang định hướng về nhà thì có người gọi. Huy quay lại, gặp người em họ. Huy nắm chặt tay hỏi thăm gia đình.
Huy lặng người khi biết mẹ mình đã qua đời, người em trai vẫn là một nông dân chưa có vợ con, vẫn ở căn nhà xưa cũ xiêu vẹo mà bao năm vẫn chưa sửa lại. Nỗi đau đè nặng, Võ Huy đi vào nhà. Huy ôm cứng người em trai nước mắt chảy ướt cả áo.
Huy lặng người ngồi nghe người em kể lại những ngày Huy đi xa. Mẹ Huy phải chịu bao nhiêu khắc nghiệt, nuôi hy vọng một ngày gặp con. Thời gian mòn mỏi trôi qua rồi một đêm đông giá rét, không chịu nổi cơn lạnh bà đã vĩnh viễn ra đi, cái ước nguyện nhỏ nhoi bà chưa thực hiện được.
Em trai, dẫn Huy ra mộ đốt cho mẹ một nén tâm hương. Nhìn ngôi mộ đất lài ra, cỏ mọc phủ kín mà lòng Huy thêm trĩu nặng.
Hôm sau Huy cúng giỗ mẹ có đầy đủ bà con, Huy đi một vòng thăm làng xóm, bà con để vài ngày nữa Huy về Mỹ. Trên đường trở lại Sài Gòn, Huy dành một ít thời gian men theo sông Bồ ghé Sịa để tìm lại dấu chân xưa, thời gian quá ít và không gian thay đổi quá nhiều, nên Huy đành quay về trong thất vọng, chán chường, chờ mong đợt tới nhân ngày giỗ mẹ.
Về Mỹ chưa được bao lâu. Huy đi dự đêm hội ngộ SVSQĐL, đúng là quả đất tròn, Huy gặp nhiều bạn bè cùng khóa, khóa đàn anh và đàn em. Một điều bất ngờ là gặp lại chị Dung, chồng chị là người Huế trước Huy một khóa. Hai chị em ngồi ôn lại chuyện xưa, không có thời gian nên Huy hẹn chị ngày hôm sau. Một đêm thức trắng, không làm sao ngủ được, mong đêm ngắn lại, trời mau sáng.
Đúng 8giờ 30 sáng hôm sau Huy có mặt ở nhà chị, chồng chị phải đi làm. Chị ngồi kể cho Huy nghe cuộc đời của Hà sau ngày Huy trở lại quân trường chia xa đất Sịa.
Hà không còn như xưa, tiều tụy lắm, ba Hà là một cán bộ lớn ở Huế. Hà nói với chị vì ba mà Hà mất Huy.
Năm 1977 mẹ Hà đưa Hà về ở với dì Tư, vì ba Hà có vợ con khác ngoài Bắc. Hà không chịu lấy chồng, hai mẹ con sống lây lất, an phận. Dì Tư mất một thời gian thì mẹ Hà đổ bệnh rồi qua đời.
Giỗ mẹ xong, Hà vào một Ni viện ở Huế, gần chùa Từ Đàm. Hà không chạy trốn cuộc đời, mà Hà ngộ ra cuộc đời là vô thường, “Sinh, lão, bệnh, tử” và chính con đường tu học mới giải thoát cho mình.
Từ ngày theo chồng qua Mỹ, chị không có thông tin gì về Hà. Huy không còn lòng dạ nghe chị kể tiếp, Huy xin hẹn chị lần sau. Tiễn Huy ra trước cổng, chi nắm tay Huy hứa: Chị sẽ nhờ người bạn hỏi thăm Ni cô Uy Hà (Uy tức là Huy) rồi cho Huy thông tin, chị còn bảo: Dù muộn màng nhưng vẫn còn hơn!

                                                                       Sài Gòn, 2/11/2018
                                                                            Võ Văn Cẩm

Không có nhận xét nào: