BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

ĐƯỜNG TÔI ĐI HỌC – Nguyễn Văn Quang


       
                 Tác giả Nguyễn Văn Quang


         ĐƯỜNG TÔI ĐI HỌC 
                     
Quê tôi - làng An cư, là một ngôi làng nhỏ thuộc xã Triệu Phước. Làng nằm cạnh một dòng sông, đoạn cuối của hợp lưu hai sông Thạch Hãn và sông Hiếu đổ ra cửa Việt. Tên làng, tên xã nghe thì bình yên, hạnh phúc thế, nhưng quả thực dân chẳng an cư và chẳng được phước lộc là bao!
Sống nơi nước mặn đồng chua, dân thuần nông không đủ gạo ăn, phải đi làm thuê khắp bốn phương trời. Nghe câu hát của Duy Khánh (một người con của làng) thì đủ thông cảm:

Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn!

Nhà tôi không đến nỗi ba đời ăn củ chuối nhưng cũng ba đời đi ở đợ, làm thuê! Ông nội tôi lên làm thuê tận trên vùng sơn cước, Cha tôi và hai chú tôi phải đi ở giữ trâu, phụ cày cho nhà giàu tại ba xã khác nhau; tôi mồ côi cha lúc bảy tuổi, hai em tôi chết từ nhỏ vì thiếu ăn và bệnh tật không có thuốc chữa. Mẹ tôi đi làm thuê, tôi đi mót lúa, mót khoai để nuôi nhau sống qua ngày! Thế nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn ước ao được đi học!

Thời Pháp thuộc, quê tôi nằm trong vùng kháng chiến. Tôi mới 8 tuổi nhưng đêm đêm vẫn hăng say cùng với người lớn trong xóm đi học bình dân học vụ trong các nhà thờ họ hoặc tại đình làng. Năm 1951 ở xã có mở trường cấp Một thì tôi ghi danh đi học lớp Một, rồi lớp Hai tại một nhà thờ họ của làng Cao Hy, cách làng tôi một cánh đồng. Hằng ngày tôi mang cái bị lác đựng một cuốn vở, một chai mực tự pha chế và một ngòi bút cán làm bằng tre có buộc vào đầu cán một lưỡi bút, gọi là bút lá tre. Đi học về phải đem bị vở ra vườn nhà moi đất lên, bỏ vào cái hố nhỏ đã đào sẵn, đặt bị vở trên hai thanh tre gần mặt đất rồi đậy lên bị một tấm lá chuối và lấp đất lại cho ngang với mặt đất. Tay chân, quần áo tuyệt đối không để có một vết mực. Tây mà phát hiện có mực, chúng biết đi học trường Việt Minh thì chúng đánh chết. Còn nhỏ mà bọn tôi đã rất ý thức phải làm gì để tồn tại trong chiến tranh. Đến lớp học, việc trước tiên là phải đào một cái hầm tròn vừa cho một người ngồi, gọi là hầm tròn hay hầm cá nhân. Lần đầu tiên máy bay bắn bay ngang qua, chúng tôi chạy ra hầm, nhảy xuống ngồi mới biết hầm còn cạn quá, vai và đầu nhô trên mặt đất, dễ ăn đạn như chơi! Sợ quá, hôm sau tôi phải mang cuốc chét theo, cố gắng đào sâu thêm. Một hôm tôi đang trên đường về thì máy bay đến bắn mấy loạt rồi bay đi. Tôi nhét bị vở vào gốc cây giữa đồng rồi núp mình giữa ruộng lúa đang chín vàng. Máy bay bay đi đã lâu mà không thấy con về, mẹ tôi lo lắng quá nên cầm lấy một cái hái (dụng cụ để gặt lúa) giả vờ đi gặt lúa để tìm con. Hai mẹ con gặp được nhau giữa đồng lúa thì ôm nhau khóc. Tại nhà, mẹ tôi đào hai hầm cá nhân dọc luỹ tre, cách nhau chừng bảy mét để hai mẹ con núp khi có đại liên từ ca-nô dưới sông hay moóc- chê dưới đồn Cửa Việt bắn lên và ca-nông trên Đông Hà bắn về. Mẹ con tôi không nằm chung hầm vì sợ trúng đạn pháo thì chết cả hai! Mỗi lần hai mẹ con chạy ra hầm, mẹ tôi luôn khấn to: Lạy trời nếu rủi ro có chết thì cho tui chết, để con tui được sống kẻo hắn còn nhỏ dại tội nghiệp!

 Nơi hợp lưu 2 ngọn sông người dân cào xúc hến nước lợ để cung cấp các chợ trong tỉnh (Khúc sông từ Giàng Hến về Cửa Việt)
Qua năm 1953 Tây về đốt nhà, thiêu sạch cả làng. Mẹ tôi đi kiếm tre và rơm làm lại một cái lều che mưa nắng. Cũng năm ấy chúng đóng đồn ở đầu làng gọi là bốt (poste) An Cư. Tây đóng đồn khắp nơi. Cách vài ba cây số có một đồn. Dọc tỉnh lộ 4 từ thị xã về đến Cửa Việt chúng đóng đến 7 đồn. Vậy là tôi thất học. Năm 1954 chia cắt đất nước, năm 1955 chưa có trường, tôi lại thất học. Đến năm 1956 chính quyền miền Nam cho mở trường sơ cấp, tôi đã lớn xác nên phải thi xếp lớp và được vào học lớp Ba. Đến 1959 học hết lớp Năm, tôi đi bộ 7 cây số lên trường Đại Hào để thi Tiểu học. Đỗ Tiểu học thì tôi phải ở nhà đi giữ trâu cho người bà con vì mẹ làm thuê không đủ nuôi con học trường tỉnh. Tuy thế tâm trí tôi luôn nuôi một ước mơ được tiếp tục đi học như bạn bè cùng trang lứa! Nhưng một đứa trẻ con như tôi, đi bộ 16 cây số lên đến trường tỉnh Nguyễn Hoàng để học tiếp Trung học là điều không thể. Nhìn mấy đứa bạn con nhà khá giả được tiếp tục đi học trường tỉnh trong khi tôi phải một mình đi theo con trâu ra đồng, nhiều đêm nằm tủi thân âm thầm khóc! May làm sao, năm 1960, bộ Giáo dục thời bấy giờ cho mở mỗi quận một lớp Đệ Thất. Tôi nghe được tin ấy mừng lắm, vì nghĩ rằng đây là cơ may mình có thể tiếp tục con đường học tập. Làng tôi có một đứa học sau tôi một lớp tên là Phụng, Thằng Phụng lại mồ côi mẹ, cha chiêu yếu làm không đủ nuôi con phải nhờ người o của hắn nuôi giúp. Hắn cũng là một đứa hiếu học. Vậy là hai đứa tôi rủ nhau nộp đơn thi vào Đệ Thất Trung học Triệu Phong. Quá mơ ước được đi học mà đi thi chứ lòng không tự tin lắm vì đã bỏ học một năm và mình là dân nông thôn e không tranh nổi với dân trên vùng ngoại ô và thị xã! Thế mà kết quả đến không ngờ. Cả hai đứa tôi đều lọt vào con số ít ỏi 50 trên 492 học sinh dự thi. Thi đỗ rồi vẫn không nghĩ ra cách để đi học. Mẹ tôi và o của thằng Phụng đều lắc đầu: “Tau chịu, tau chịu!”
Trong làng có một bà quan đã đến nhà nói thẳng với mẹ tôi rằng: “Mấy đứa cháu tau ở trên thị xã sáng sữa bò, tối trứng lộn sung sướng thế mà học không nổi, con mi bủng beo rứa, đừng cho hắn đi học, sinh bệnh ra mà chết chừ!”
Mẹ tôi nghe nói thế sợ quá, kiên quyết không cho tôi đi. Tôi thì nằng nặc xin mãi, nên cuối cùng mẹ tôi đành nhượng bộ, nói lẩy: Mặc kệ mi, mi mần răng học được thì học, tau bất kham!”

       
                            Cổng nhà Thờ HỌ ĐỖ làng Bích Khê

 Hậu điện nhà thờ HỌ ĐỖ vẫn còn dáng dấp xưa cũ, ngày ấy những cô cậu học sinh THTP ngồi học tại nơi nầy
Tôi và thằng Phụng vẫn quyết tâm đi học. Dù sao, mẹ tôi cũng như o thằng Phụng vẫn thương con, thương cháu, vẫn thầm mong sao cho chúng tôi ăn học bằng người. Và thế là họ tiếp tục kiếp làm thuê, cần cù hơn, chịu khó, chịu khổ nhiều hơn để có cơm có khoai, sắn cho chúng tôi ăn học! Tất nhiên chúng tôi không thể ở nhà trọ nên chỉ có một cách duy nhất là rèn đôi chân cho chắc, khoẻ để cuốc bộ một ngày hai vòng: Từ An Cư lên nhà thờ họ Đỗ Bích Khê một năm, rồi sau đó là đình Cổ thành và đình Hậu kiên. cung đường cả đi lẫn về trên 24 cây số. Mẹ tôi ngày đi làm thuê, đêm đi bắt cá bằng cách cùng những người khác vây sáo lại để bắt gọi là đi mò sáo. Tôi học xong bài là một mình đến chõng tre ngủ. không biết mẹ về từ lúc nào. Nhưng cứ gần 3 giờ sáng là mẹ thức dậy ăn cơm. Nói là ăn cơm nhưng thực ra thì cơm ít, sắn khoai nhiều. Phần lớn cơm bới vào mo cau cho bữa ăn trưa để khi mở ra ăn tại lớp đỡ tủi hổ với bạn bè! Ăn uống xong, chuẩn bị sách vở, chừng 3 giờ rưởi sáng hai đứa hai cái bị lác, hai mo cơm và hai cái gậy chống đi trong đêm tối mịt mờ! Băng qua cánh đồng làng Cao Hy (xã Triệu Phước) gặp một trạm gác của lính dân vệ xã. Họ quát lớn: “Ai, đứng lại!” Cả hai đứa sợ run người, nhưng cũng lấy lại bình tỉnh để đáp: “Dạ hai đứa cháu bên làng An Cư đi học.” Họ lại hỏi vặn: “Học hành đâu giờ này?”

         
                                    Đình làng Cổ Thành

“Dạ, tụi cháu học trường Trung học Triệu Phong, tận côi Sãi, xa lắm!” -
“Ừ, rứa thì cho đi đi!”
Chúng tôi mừng quá, tiếp tục cuộc hành trình.
Qua đến Bồ Bản thì trời tờ mờ sáng. Đôi chân phải hoạt động đều và khẩn trương để có thể kịp giờ vào lớp (7 giờ sáng). Nhiều lúc trể giờ, lén nhảy cửa sổ vào ngồi bàn sau cùng mà vẫn bị thầy phát hiện, kêu đứng dậy la một trận nên thân. Sau khi chúng tôi trình bày lý do, hoàn cảnh, thầy cũng thông cảm và cho ngồi tiếp tục học. Nhìn chung, tụi tôi phần lớn là con nhà nghèo, thất học từ nhỏ và ở xa trường, nên việc đi học gắn với mo cơm bới. Mùa đông không phơi được nên cái mo để gói cơm mốc meo trông rất bẩn! Trên đường đi, hai đứa tôi gặp các bạn khác cũng cặp kè mo cơm bên mình, cũng kiếp nhà nghèo như nhau, cùng cảnh ngộ nên dễ thân nhau. Chúng tôi hẹn đợi nhau cùng đi để chuyện trò cho quên mệt nhọc. Qua Vĩnh Lại có Trương Đăng Sỏ, lên Đại Hào có Phạm Tiến, Phạm Như Tâm ... Hỏi ra mới biết Tiến mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng, được bà nội nuôi từ bé. Bà nội đã già nhưng thương cháu quá cũng ngày hai buổi đi giũi cá về bán kiếm gạo cho cháu ăn học! Cảm động làm sao tấm lòng thương con, thương cháu của bà Mẹ Việt Nam! Trong lớp, con nhà giàu chơi với nhau, bọn con nhà nghèo chúng tôi chơi thân với nhau; tụi tôi nghèo cơm áo nhưng rất quyết tâm nên học khá giỏi, được thầy cô thương và thường quan tâm động viên, giúp đỡ. Trường quy định mặc đồng phục quần xanh, áo trắng. Chúng tôi cũng phải chấp hành để khỏi bị phạt. Nhưng mẹ không có khả năng may nổi cho con bộ đồng phục nên tôi phải tự bản thân tìm cách làm thuê để có quần áo mặc. Một loại hình lao động mà bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ là đi thắp hương thay. Tôi có một người bà con họ hàng nhà ở trên thị xã Quảng Trị. Nhà này có người con gái chết trẻ, đem về chôn ở nghĩa địa của làng. Do xa xôi cách trở, gia đình họ không thể về thắp hương liên tục 50 ngày đầu ở mộ được. Họ thấy tôi nghèo cũng muốn giúp đỡ, nên đã hợp đồng với tôi. Nội dung như sau: “Cứ mỗi chiều tối tôi ra nghĩa địa thắp hương cho người vừa qua đời ấy, thắp đủ 50 ngày” thì sẽ cho tôi đủ vải để may bộ áo quần đi học. Tôi ra điều kiện là vải tốt, xấu cũng được, nhưng vải áo phải màu trắng, vải quần phải màu xanh đậm.
Họ chấp nhận, và tôi hăng hái thực hiện hợp đồng. Mấy buổi đầu đi một mình ra nghĩa địa trong gió lạnh tôi thấy run người, nhất là lúc ra về trời tối thêm nên cứ tưởng tượng có người chết đi theo sau lưng mình. Nhưng chí đã quyết, nghĩ đến bộ áo quần đồng phục sắp có đã giúp tôi vượt qua tất cả. Mỗi năm người mỗi cao thêm, áo quần thì dần bạc màu và ngắn lại, lai quần đã lên quá mắt cá chân khá xa, nhưng nó vẫn theo tôi cho hết năm Đệ Tứ!
Lớp tôi có một bạn cũng con nhà nghèo, quê ở Ái Tử học rất giỏi, vì nó đã học trường tư một năm trên thị xã nên cái gì nó cũng biết trước, nói cho cam quả, nó cũng thông minh, (mà không thông minh thì làm sao hồi ấy nó chỉ đỗ Tú Tài mà bây giờ nó dạy luyện thi Đại học cho ba đứa con và các học trò đời nay đến học thêm với nó?). Học trò trong lớp có nhiều đứa giỏi, phần lớn là những đứa con nhà nghèo, cần cù, chịu khó học. Môn Pháp văn thì tôi và thằng Hoá ngang sức nhau, cuối năm Đệ Lục, hai đứa tôi đã viết lưu bút cho nhau bằng tiếng Pháp. Toán thì nó giỏi hơn tôi nên luôn đứng đầu sổ. Học xong lớp Đệ Ngũ thì nó thi băng lên Đệ Tam Nguyễn Hoàng, nghĩa là bỏ qua lớp Đệ Tứ. Tôi không dám thi băng, sợ trượt thì xấu hổ, hơn nữa lúc ấy tôi chưa nghĩ mình có thể đi bộ một quãng đường gần 16 cây số để lên học trường Nguyễn Hoàng.
Học xong lớp Đệ Tứ là thi Trung học Đệ Nhất cấp. Hồi ấy đánh giá bằng cấp chia làm 4 hạng: Ưu, Bình, Bình thứ và Thứ. Tôi được hạng Bình. Mừng quá, tôi chạy ngay về nhà báo cho Mẹ biết. Mẹ tôi bắt một con gà giò, sáo một lon nếp đặt lên cúng tạ ơn Trời đất, Tổ tiên.
Bốn năm học ở Triệu Phong để lại biết bao nhiêu kỷ niệm thân thương, nhưng rồi tôi cũng đành tạm chia xa mái trường để lên Trung học Đệ Nhị cấp Nguyễn Hoàng. Mấy đứa bạn nghèo nhà quê xa trường chúng tôi lại phải tìm cách giúp nhau để có điều kiện ăn học. Con đường duy nhất là kiếm nhà dạy kèm để có cơm ăn và có chỗ trọ. Nhanh nhất trong đám chúng tôi là Phạm Tiến. Hắn bạo dạn, xông xáo, không sợ xấu hổ. Hắn đi hỏi từ nhà này qua nhà khác. Tôi chưa từng làm quen với cảnh sống thành phố nên rụt rè, lớ ngớ không dám đi hỏi tìm. Đang lo lắng bồn chồn thì thằng Tiến chạy về báo cho tôi là đã tìm ra chỗ dạy kèm cho nó và một chỗ khác cho tôi. Tôi mừng như bắt được vàng!
Hắn dẫn tôi đến giới thiệu với nhà chủ rồi ra về. Tôi cảm ơn hắn và ở lại với nhà ấy. Ông chủ nhà là một sĩ quan cấp uý, có một mẹ già, vợ và 4 con nhỏ. Việc làm của tôi không những dạy học mà còn việc đưa và đón các cháu đi học hàng ngày. Tôi ở trọ được hơn một tuần thì chị vợ gọi tôi đến và thân mật bảo: “Anh chị cũng cần em ở dạy cho các cháu, nhưng bà mẹ chồng không muốn có người lạ trong nhà. Em thông cảm và chịu khó đi tìm nhà khác mà kèm.” Nghe chưa hết câu, tôi đã sững sờ, tuyệt vọng, nghĩ rằng con đường đến trường đã bị chặn lối từ đây! Sáng hôm sau tôi bỏ buổi học, về quê xin mẹ mấy đồng để ăn cơm ở quán cơm xã hội, nằm cạnh bờ sông Thạch Hãn. Tôi bỏ học hai buổi để đi kiếm nhà làm gia sư (gọi là làm prề-xép-tơ, tiếng Pháp: précepteur). Tôi đang buồn lo không ngủ được thì thằng Phụng, thằng bạn nghèo cùng làng đến báo một tin vui: “Có một gia đình nông dân ở xóm Dương, thôn Cổ thành đang cần một prề-xép. Họ có hai con trai năm vừa rồi thi trượt Đệ Thất Nguyễn Hoàng, muốn nhờ người kèm để sang năm thi lại.”
Tôi như người chết đuối níu được phao. Thằng Phụng dẫn tôi đến giới thiệu với bác chủ nhà, chuyện trò một hồi, nó chào ra về. Tôi cảm ơn nó và ở lại với gia đình này. Hồi ấy vào cho được Đệ Thất Nguyễn Hoàng thật chua xương! Dạy cho học sinh từ yếu kém lên trung bình hoặc khá thì còn dễ, dạy cho thi đỗ Đệ Thất quả là một áp lực lớn đối với tôi, nhất là mình còn có tham vọng học giỏi. Nhưng với quyết tâm của cả thầy lẫn trò, với sự chăm lo, động viên của bác chủ nhà, năm sau hai học trò tôi kèm đều đỗ vào Nguyễn Hoàng với vị thứ khá cao. Bác chủ nhà tuy nông dân nhưng rất chăm lo việc học cho con. Bác mừng quá, nói lời cảm ơn tôi, và mời tôi tiếp tục kèm cặp hai em cho đến ngày tôi thôi học Nguyễn Hoàng. Do sức khoẻ yếu, làm việc quá sức nên việc học của tôi đuối dần. Thi Tú tài Bán tôi đỗ Bình thứ và Tú tài Toàn chỉ đỗ hạng Thứ. Tôi hơi buồn nhưng không xấu hổ vì biết mình không thể làm hơn thế, khỏi đúp lớp là may! Xong Tú tài Toàn, các bạn tôi tiếp tục vào Huế kiếm phương tiện học tiếp Đại học. Tôi không mơ gì thêm nên bằng lòng về xin một chân dạy giờ tại trường Bồ đề Triệu Phong. Gần cuối năm học 1967-1968 tôi trở lại thăm trường cũ Triệu Phong, thì cơ duyên đã đến. Tôi được gặp thầy Hiệu trưởng Phan Thanh Thiên, thầy mời tôi vào phòng uống nước. Thầy hỏi tôi có thích về dạy trung học Triệu phong không, tôi mừng quá, nói lời cảm ơn thầy. Sau đó thầy đã làm việc với Nha Học chánh, và hai tháng sau tôi đã có giấy nhận về dạy tại ngôi trường mà 4 năm trước mình còn là học trò ở đây. Những đứa bạn nghèo của tôi mạnh dạn vào Huế kiếm nhà dạy kèm để học tiếp lên Đại học. Các bạn đã tự lo việc học được rồi thì giục tôi bỏ dạy để vào Huế học với họ. Tôi không chịu nên họ bàn cách thứ hai là cứ ghi danh học, bài vở họ chép dùm, gởi xe đò (xe khách) ra cho tôi. Có thầy ở Sài gòn ra dạy thì báo để tôi đổi giờ dạy cho các giáo viên khác để vào học. Kiên trì theo con đường ấy, với sự giúp đỡ của những thằng bạn nghèo tốt bụng, ba năm sau, năm 1971 tôi đã đỗ được bằng Cử nhân Việt Hán.
Con đường đi học của tôi là vậy đó, gian nan, vất vả, nhưng chưa bao giờ than thở, bỏ cuộc. Nghiệm lại, thấy câu nói của người Pháp: “Vouloir c’est pouvoir - muốn là được.” nghe cũng có lý!

Nhờ được thầy cũ giúp đỡ, tôi có cơ duyên gắn bó với trường xưa cho gần đến ngày trường ngưng hoạt động (4/1975). Tôi là người thứ ba ở với trường lâu nhất: 4 năm học và 7 năm dạy. (Trường tồn tại 15 năm thì Thầy Hồ Bính và bác Hồ Thơm ở với trường 14 năm, tôi: 11 năm.)
Từ cái duyên trở thành cái nợ. Nợ này không ai đòi tôi, nhưng tình cảm đối với trường xưa, sự hàm ơn đối với thầy cũ và những kỷ niệm thân thương của tuổi học trò cứ bắt tôi phải ngày đêm suy nghĩ. Trường thì đã bị huỷ hoại trong chiến tranh. Năm mươi năm trôi qua, cũng đã hai phần đời người mà thầy xưa, bạn cũ mỗi người một nơi, ai còn ai mất, sống thế nào, chết ra sao, ... không thể biết được hoàn cảnh của nhau! Tôi đem tâm tình này trao đổi với các thầy cô, các CHS của trường về nguyện vọng tổ chức một ngày đoàn tụ, và làm một cuốn Đặc san kỷ niệm - xem như một cuốn lưu bút của 15 thế hệ học sinh TP thân yêu. Vui thay, mọi người đều đồng tình ủng hộ và quyết tâm thực hiện thành công cả hai nguyện vọng đã đề ra.

                                                       Thị xã Quảng Trị, tháng 4/2010
                                                                 Nguyễn Văn Quang

2 nhận xét:

Trương Hữu Chút nói...

Thầy Quang ơi,
Thầy nói Tú Tài 1 đỗ Bình thứ, Tú tài 2 đỗ Thứ là học thụt lùi vì do công việc và sức khỏe. Tôi thì rất khâm phục sức học của Thầy, đỗ được Tú tài thời đó là giỏi quá rồi. Tôi nhớ có năm ban B đỗ 14%, Ban A lại chỉ đỗ 8% thôi. Đến cỗng Nguyễn Hoàng toàn thấy 2 chữ BÃI KHÓA rất to, có học được mô mà đỗ cho cao thầy hè.

Trương Hữu Chút nói...

Thầy Quang ơi,
Thầy nói Tú Tài 1 đỗ Bình thứ, Tú tài 2 đỗ Thứ là học thụt lùi vì do công việc và sức khỏe. Tôi thì rất khâm phục sức học của Thầy, đỗ được Tú tài thời đó là giỏi quá rồi. Tôi nhớ có năm ban B đỗ 14%, Ban A lại chỉ đỗ 8% thôi. Đến cỗng Nguyễn Hoàng toàn thấy 2 chữ BÃI KHÓA rất to, có học được mô mà đỗ cho cao thầy hè.