Nguồn:
https://ethongluan.org/index.php/doc-bai-luu-tru/3168-d-h-c-d-ngu-nguy-n-d-c-l-p
https://ethongluan.org/index.php/doc-bai-luu-tru/3168-d-h-c-d-ngu-nguy-n-d-c-l-p
Nhà
văn Nguyễn Đức Lập, tự là Chánh Phương, sáng tác dưới các bút hiệu Nguyễn Đức Lập,
Chánh Phương, Hương Giáo, Ngô Phụng Anh, tên rừng Hướng Đạo là Sóc Vui Vẻ.
Ông
sinh ngày 21 Tháng Chín, 1945, tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Con của nhà thơ-nhà
báo Hồng Tiêu – Nguyễn Đức Huy (1902-1985) và nhà văn Bà Tùng Long – Lê Thị Bạch
Vân (1915-2006), tác giả nổi tiếng tại miền Nam trước 1975. Ông có chín anh chị
em.
Ông
là cựu học sinh trung học Pétrus Ký, cựu sinh viên luật khoa Đại Học Đường Sài
Gòn, nguyên luật sư Tòa Thượng Thẩm, Sài Gòn.
Sau
30 Tháng Tư, 1975, ông về làm rẫy ở ấp Phước Lập, xã Phú Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Đến
Tháng Tám, 1980, vượt biên và ở trại tị nạn Palawan, sau đó đến trại chuyển tiếp
Bataan, Philippines. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1983. (Trích báo Người Việt
:nguoi-viet.com/little-saigon/Nha-van-Nguyen-Duc-Lap)
Ông là bào đệ của thi sĩ Trạch Gầm Nguyễn Đức Trạch ở Nam Cali…
Nhà văn Nguyễn Đức Lập
DỦ
HỌC DỦ NGU
Nghe cái câu “Dủ học dủ ngu”, càng học càng ngu, dễ mấy
ai tin được. Càng học thì phải càng khôn ra, cũng như gừng, quế, “dũ lão dũ
tân”, càng già càng cay, mới phải cho chớ.
Hồi nhỏ, tôi học chữ Nho với thân phụ. Cha thì dạy
nghiêm túc, nhưng thằng con thì học lơ là, lại thêm cái tánh rắn mắt, cắc cớ đã
quen. Nên nhiều khi nó cố tình cắt nghĩa những câu chữ Nho học được theo ý của
nó để cười chơị.
Học tới câu “Dủ
học dủ ngu”, tôi đã dám ngồi xếp bằng chễm chệ, đã nói là cái tánh rắn mắc
cắc cớ đã quen mà, cắt nghĩa cho thằng em tôi như vầy:
-
“Dủ học dủ ngu”, là “càng
học càng ngu”, thành ra, trò học ít thì trò ngu ít, trò học nhiều thì trò
ngu nhiều, mà trò không học thì trò không ngu.
Thằng em gật đầu khoái trá, ai dè được mà cha tôi đứng
ở sau lưng. Tôi bị 5 roi quắn đít và học 1 bài học nhớ đời : “chữ nghĩa thánh hiền không thể đem ra mà
đùa giỡn được”.
Bị đòn, bị học một bài học để đời, nhưng với tuổi trẻ
háo thắng, tôi không bao giờ tin rằng “càng
học càng ngu”. Tin làm sao được khi con đường học vấn cứ thẳng tắp, lấy hết
văn bằng này tới văn bằng kia và ra trường với 1 nghề vững chắc, trong khi mặt
còn non choẹt, còn búng ra sữa, phải xin phép cha để râu mép, cho được già dặn
thêm một chút (phải xin phép để râu vì cha tôi quan niệm rằng : “Cha chưa chết, con không được để râu”).
Cho đến khi lăn lộn ngoài đời, tôi mới biết rằng có rất
nhiều điều mà sách vở và học đường không hề dạỵ. Học đường học chợ, học trên
báo chí, nghe lóm những bậc trưởng thượng, thấy rằng kiến thức của mình “thiên bất đáo, địa bất chí”, càng học
càng thấy ngu.
Chưa cần nói tới những chuyện trời cao, đất rộng, biển
thẳm, núi cao, sông dài chi cho xa, chỉ những câu ca dao, những câu hát ru em
huê tình, tai vẫn nghe hoài, miệng cũng có khi hát, tưởng rằng đã hiểu cháo
chan, ai dè biết ra, không hiểu một cái gì hết.
Hồi nhỏ, chị tôi ru em, vẫn thường hát câu :
Chim
quyên ăn trái ổi tàu
Xứng
đôi mẹ gả, ham giầu mà chi
Tôi nghe câu này tới thuộc lòng mà không hề thắc mắc.
Dễ quá mà, “ổi tàu” là giống ổi ở bên
Tàu chứ còn cái gì nữa. Giống ổi ở bên Tầu, dĩ nhiên, phải lớn hơn, phải ngon
hơn ổi bên mình, cũng như con ngựa to lớn thì gọi là ngựa Bắc Thảo, con gà, con
vịt to con, được gọi là gà Tàu, vịt Tàu …
Không hề thắc mắc như vậy, cho mãi tới hơn nửa đời người,
đọc một bài của ông Võ Phiến, mới biết rằng “ổi
tàu” ở trong câu hát không phải là giống ổi bên Tàu, mà là một loại cây
hoang, mọc thành từng lùm từng bụi ở mấy vùng đất gò miền Trung, cây này ở miền
Bắc gọi là hoa cứt lợn, còn ở cái xứ “chó
ăn đá, gà ăn muối” của tôi thì gọi là bông ngũ sắc. Tôi đã từng hái trái của
nó, lớn chỉ bằng hột tiêu, để ăn, đã từng hái những cái bông của nó để hút chất
mật ngọt ở cuống bông, mà đâu biết tên của nó là ổi Tàu. Mẹ tôi vẫn thường hái
bông ổi tàu này, chưng với đường phèn cho anh em tôi uống mỗi khi bị ho
Có một câu hát ru em nữa, mà tôi cũng nghe đi nghe lại
hoài:
Trách
ai ăn giấy bỏ bìa
Khi
thương, thương vội, khi lìa, lìa xa
Câu này thì tôi có thắc mắc, giấy thì làm sao mà ăn ? “Ăn giấy bỏ bìa” là làm sao ? Tại sao hạng
người “ăn giấy bỏ bìa” khi thương lại
thương vội, khi lìa lại một mạch lìa luôn theo kiểu “hạ thủ bất lưu tình” ?
Tôi đem những thắc mắc này hỏi nhiều người, kể cả những
ông thầy dậy Việt Văn, nhưng không có ai trả lời nghe xuôi tai được.
Cho mãi tới sau khi đổi đời, “giả dại qua ải” (mà chút xíu nữa thành dại thiệt), về ở rẫy, tôi mới
được nghe giải thích thỏa đáng câu hát nàỵ.
Người dạy tôi là bà Ba Thời. Bà này, cạo đầu, ăn chay
trường, tu tại gia, không ăn trầu, nhưng hút thuốc phun khói còn hơn là đầu máy
xe lửa. Bà có biệt tài chữa bệnh bằng phương pháp cắt lể rất mát tay. Nhiều người,
trong đó có tôi, nhờ bà chữa trị mà lành bịnh được. Đặc biệt bà có ba con dao để
lể, một cái bằng vàng, một cái bằng bạc, một cái bằng đồng, cái nào cũng chỉ lớn
bằng cây móc tai. Tùy theo con bịnh nặng nhẹ mà bà dùng con dao nào để lể. Bà,
người nẩm thấp, hơi nới về chiều ngang, mấy ngón tay mũm mĩm no tròn như nải
chuối cau, nhưng cắt lể cho bịnh nhơn, bà làm coi bộ gọn gàng nhặm lẹ khéo léo
lắm. Tôi khoái nhất là cái màn được bà se se mấy sợi tóc, rồi giựt nghe cóc
cóc.
Đọc tới đây xin độc giả đừng vội lên án tôi là tuyên
truyền đề cao cho những phương pháp chữa bệnh thiếu khoa học. Chuyện thiếu khoa
học hay đúng theo khoa học, biết làm sao mà nói cho cùng. Tôi viết ra đây là
theo những điều chính tôi đã từng trải qua, theo kiểu “thấy mà tin”, chớ không hề thuyết phục ai phải tin theo mình cả.
Hồi 1977, 1978 trong nước bị khủng hoảng kinh tế nặng,
một trăm thứ bệnh đều chữa bằng xuyên tâm liên, sống ở rẫy, nếu không có những
người như bà Ba Thời, bà Tám Thông, có lẽ tôi đã ấm mồ xanh cỏ từ lâu.
Bà Tám Thông cũng chuyên về giác lể như bà Ba Thời,
nhưng hành nghề chính thức. Mỗi ngày, bà quẩy gánh, đem đồ nghề ra chợ Phú Mỹ (nằm trên quốc lộ 15, đường SG-Vũng Tàu),
giác lể, ăn tiền. Bà Ba Thời chỉ cắt có 1 vết nhỏ, rồi nặn ra 1 chút máu. Bà
còn dùng bông gòn sạch, tẩm dầu tràm, chặm lên vết thương đàng hoàng. Còn bà
Tám Thông sau khi cắt, dùng bầu thủy tinh giác hơi để hút máụ. Bà này làm ăn
cũng rất bầy hầỵ. Bà dùng một nùi giẻ rách bươm, lau máu lau vết thương cho bịnh
nhơn. Không biết một năm bà giặt được mấy lần, nùi giẻ dơ hầy, hôi rình.
Bởi lối chữa bịnh của bà Tám Thông làm mất máu nhiều
quá, trong thời buổi ăn khoai mì cầm hơi, một giọt máu còn quí hơn vàng và bởi
cái lối làm ăn của bà thiếu vệ sinh quá, nên tôi chỉ nhờ bà ra tay có một lần.
Độ ấy, cứ chiều chiều là tôi cảm thấy ớn lạnh, tay chân bải hoảị. Bịnh kéo dài
cả tháng không hết. Một người hàng xóm, là thím Sáu Liệt, nói tôi bị trúng nước,
nếu không chữa trị cho sớm, để lậm vô phổi, thì chỉ có “bà cứu nị”. Và thím giới thiệu tôi tới bà Tám Thông. Vừa nằm
dài, đưa lưng trần cho bà cắt, giác, mà tôi nhờm gớm cái gì đâu. Tôi nhủ thầm
là tự hậu, không bao giờ tới bà lần thứ hai. Quả thiệt như vậy, tôi không tới gặp
bà lần nào nữa, vì chỉ một lần chữa trị đó, bịnh hết hẳn. Mấy chuyện như vậy,
biết sao mà nói cho cùng.
Cái chuyện cắt lễ khiến cho tôi nói sang đàng, xin trở
về đề tài “ăn giấy bỏ bìa”.
Bữa ấy, tôi ráng lội qua nhà bà Ba Thời để nhờ bà trị
cho cho cái chứng Thiên Đầu Thống, đau đầu có một bên. Bà lấy cây kim vàng ra lể.
Nói không phải để quảng cáo cho bà, bà chữa bịnh đâu có nhận tiền thù lao, chỉ
cứu nhân độ thế mà thôi, vả chăng, bà mất đã 10 năm có lẻ, cát bụi trở về với
cát bụi lâu rồi, đâu cần tôi phải quảng cáo, bà cắt lể, giựt tóc nghe cóc cóc
cho tôi một hồi, bịnh mười phần nhẹ hết tám, chín. Bà chỉ vô cái võng treo tòng
teng ở góc nhà, biểu tôi: “Thằng Tám mày
nằm đó, đánh một giấc đi, ngủ một giấc, mày sẽ hết nhức đầu luôn.”
Nằm trên võng, chưa ngủ được, tình cờ mà tôi học được
thế nào là “ăn giấy bỏ bìa”.
Ngồi trên bộ ván ngựa, bà Ba Thời trải rộng tờ giấy
quyến, lớn bằng tờ nhật trình khổ lớn. Bà cẩn thận xếp đôi chiều dọc của tờ giấy,
bà xếp đôi nữa, rồi lại xếp đôi nữạ. Bà dùng dao rọc theo những lằn xếp. Tờ giấy,
như vậy, được rọc ra thành tám mảnh, chiều dài vẫn giữ y nguyên. Tự nhiên, bà
nói :
– Rọc giấy như vậy kêu bằng ăn giấy. Miếng giấy, tao rọc
làm 8 vun, kêu bằng ăn 8, nhiều người hà tiện, rọc thành 16 vun, kêu bằng ăn
16. Nhưng giấy ăn 16, điếu thuốc ngắn ngủn, kéo chưa đủ 3 hơi đã hết. Tao thà
chịu tốn giấy, ăn 8, đặng vấn điếu nào đáng điếu nấy, hút mới đã.
Không chờ không đợi mà tôi còn mừng hơn là khi không bắt
được vàng thoi bạc nén vì bỗng dưng, bà ngâm nga :
Trách
ai ăn giấy bỏ bìa
Khi
thương, thương vội, khi lìa, lìa xa.
Bà cắt nghĩa liền
– Thằng Tám mày thấy không? giấy quyến đâu có bìa, hổng
có cái gì đáng mà phải bỏ hết. Vậy mà có những kẻ ăn giấy, bày đặt bỏ trên, bỏ
dưới, bỏ tả, bỏ hữụ. Những kẻ ăn giấy bỏ bìa này chánh thị là ba cái quân điệu
bộ kiểu cách lỏng nhách, mà lại kiêu căng phí phạm bạc hẳn không ai bằng.
Bà ngậm ngùi ngang :
– Tao khổ gần một đời cũng vì ba cái quân “ăn giấy bỏ bìa” này đây… bị, hồi đó,
tao nghèo quá…
Té ra, giấy ở đây là giấy quyến để vấn thuốc, và ăn giấy
là như vậy đó, chớ giấy không lẽ bỏ vô miệng mà ăn được. Và, có nghe bà Ba Thời
giải thích như vậy, tôi mới hiểu được tại sao cái kẻ “ăn giấy bỏ bìa” lại “khi
thương, thương vội, khi lìa, lìa xa”.
Khi tôi cảm ơn vì đã học được, đã được giải thích tường
tận những điều thắc mắc ôm ấp từ lâu, thì bà Ba Thời cười, khoe hàm răng ám
khói vàng khè.
– Tao mà dạy cái gì? Chữ nghĩa của tao vừa đủ để ký
tên. Đây là tay tao làm, miệng tao nói, cho vui vậy thôi …
Có người sẽ trách rằng tại làm sao mà tôi lại chấp nhận
lời giải thích của một người phụ nữ quê mùa ít học một cách dễ dàng như vậỵ.
Trách tôi thì tôi chịu. Thú thật, tôi vẫn còn đem thắc mắc về cái câu “ăn giấy bỏ bìa” ra hỏi nhiều người lắm,
có người là nhà ngữ học lừng danh nữa, nhưng không có ai giải nghĩa được hết.
Có một lần, đọc trên một tờ báo, nơi mục giải đáp thắc
mắc, tôi thấy có người cũng thắc mắc về cái câu “ăn giấy bỏ bìa”, hỏi rằng giấy làm sao mà ăn được, người giữ mục
giải đáp đã trả lời rằng câu đó sai rồi, phải sửa lại là “trách ai được giấy bỏ bìa” mới đúng.
Đọc tới đó tôi bỗng ngậm ngùi, vì phải ai cũng có cơ
duyên gặp được bà Ba Thời như tôi vậy đâụ. Bà bây giờ, đã ra người thiên cổ, một
chữ cũng là thầy, huống hồ bà còn dậy cho tôi nhiều điều khác nữa
Có lần, bà mời tôi hút thuốc, bà nói thuốc ngon lắm.
Thuở đó, chuyện hút thuốc, tôi còn là trong mơ, cứ tưởng thuốc ngon là thuốc nhẹ
lâng lâng, như kiểu thuốc vàng sợi ở Lạng Sơn. Nào dè, thuốc của bà, mới rít vô
một hơi, tôi đã muốn bể phổi, ho sặc sụạ. Té ra, thuốc ngon là thuốc nặng, có
biết như vậy rồi, mới hiểu được tường tận ý nghĩa câu “thuốc ngon nửa điếu”. Trời ơi, thuốc ngon cỡ như thuốc của bà Ba Thời,
mà chỉ còn có phân nửa, quến nhựa của nửa điếu thuốc trước thì… ngon kể gì.
Tôi có cơ duyên may mắn được gặp bà Ba Thời và có gặp
được bà rồi mới biết mình còn ngu nhiều lắm.
Có nhiều câu thành ngữ, nghe người ta nói, hay đọc
trong báo chí, sách vở, riết rồi quen, tôi cũng nói y theo như vậy, không cần
biết trúng trật, không cần nghiệm coi nó có hợp lý hay không. Thí dụ như câu “Một kiểng hai quê”. Câu này, người ta vẫn
thường nói và tôi vẫn nói theo, để chỉ người đàn ông có hai vợ..
Một dịp tình cờ, tôi nghe chị Mũ Đỏ Vũ Thị Vui nói
khác, chị Vui là một phụ nữ, có một thời ngang dọc, là một sĩ quan nổi tiếng
trong binh chủng nhảy dù. Chính chị làm quan, chứ không phải làm quan tắt. Chị
bày tỏ ý kiến một cách nhẹ nhàng, không cần thuyết phục người nghe:
– Phải nói là “Một
kiểng hai huê” mới đúng.
“Huê”
là “hoa”, vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa
là vợ vua Minh Mạng, nên chữ “hoa” phải
đọc là “huê”, ở miền Trung, có nơi
còn đọc là “ba”, miền Nam thì nói là “bông”.
Bữa chị Vui nói đó, có mặt cả nhà thơ Lê Giang Trần.
Nhà thơ này có nghĩ gì không, tôi không biết, riêng tôi, nghe xong, tôi giật
mình. Té ra, bấy lâu nay mình quen miệng nói theo người ta, trật lất mà mình
không biết. Một chậu kiểng mà trồng hai loại hoa khác nhau, để chỉ người đàn
ông hai vợ là phải quá rồi.
Từ cái câu “Một
kiểng hai huê”, mới hợp với câu ca dao :
“Một
bồn một kiểng tuổi xanh
Một
chàng, hai thiếp khổ anh nhiều bề”.
Tại sao mà khổ dữ vậy?
Tại vì :
“Một
chàng, hai thiếp, anh xử hiếp tôi rồi,
Tối,
buồng ai nấy ngủ; gạo, hai nồi nấu riêng.”
Đó, như đã nói, có nhiều câu nhiều chữ, nói riết thành
quen, rồi hiểu cũng theo một thói quen, không cần tìm tới tận gốc cái nghĩa
đích thực của nó.
Hồi nãy, tôi nói tới chữ “ổi tàu”, bây giờ, xin nói tới “thịt
kho tàu”.
Hồi trước, chỉ có người miền Nam mới biết món thịt kho
tàu. Ăn với dưa giá trong mấy ngày tết. Bây giờ, bất kỳ là Bắc, Trung, Nam,
không mấy người là không biết món thịt kho tàu. Kho làm sao, không ướp hành ướp
tiêu gì hết, mà vẫn thơm tho? Kho làm sao mà miếng thịt mềm rục nhưng không
nát. Kho làm sao mà không bỏ nước màu, nước thịt vẫn tươi màu nâu đỏ, trong
khe? Mấy điều này, xin hỏi mấy bà nội trợ lành nghề. Tôi chỉ biết về điều tôi học
được về “thịt kho tàu”.
Ăn món thịt kho này từ hồi mới mọc 3 cái răng cửa, tới
hơn nửa đời người, tôi vẫn cứ đinh ninh món này là món của người Tàu.
Thịt kho tàu là món thịt kho của người Tàu, chắc nhiều
người cũng nghĩ như tôi vậỵ. Nghĩ riết như vậy rồi quen, không hề thắc mắc rằng
trong các tiệm ăn do chính người Tàu làm chủ và làm đầu bếp chính, kể cả các tiệm
ăn bình dân, không hề có món thịt kho tàu, ghi trong thực đơn. Mà thiệt, gẫm
cho cùng, bên Tàu, xứ lạnh, làm gì có cây dừa, để có nước dừa tươi đổ vô nồi thịt
kho.
Mãi cho đến khi đọc một bài của Ông Bình Nguyên Lộc,
viết cho các em thiếu nhi, mới hiểu rằng chữ “tàu”, ở đây, theo nghĩa của người “miền dưới” là “lạt”, như
sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ là hai con sông nước lợ.
Té ra, kho tàu là kho lạt lạt chứ không phải là kho
theo kiểu người Tàu.
Cũng nói quen miệng mà không cần tìm hiểu là “cây lẻ bạn”.
Lẻ bạn là loại cây giống như cây thơm, cây dứa, nhưng
thấp hơn, nhỏ hơn, cao độ hai tấc, hai tấc rưỡi là cùng. Tàu lá lẻ bạn màu tím
than, bông mục ra ở dưới gốc, giống như hai cái vỏ sò khép lạị Khi bông nở, hai
mảnh hé ra, nhụy là những hột trắng tươi.
Ở miền Nam, người ta thường trồng cây lẻ bạn ở những
gò mả, ngụ ý sự thương tiếc ngậm ngùi, người sống cũng lẻ bạn, người chết cũng
lẻ bạn.
Đó là tất cả những gì mà tôi biết, tôi hiểu về cây lẻ
bạn. Tôi chưa một lần trồng cây lẻ bạn bên mộ của ai, nhưng tôi thích cái ý
nghĩa nàỵ.
Nào dè tôi biết, tôi hiểu trật lất.
Đọc sách cụ Vương Hồng Sển mới biết cây này tên của nó
không phải là cây “lẻ bạn”, mà là “lão Bạng”, lấy từ câu “lão Bạng sanh châu” (con trai, con sò
già, sanh ra ngọc). Sở dĩ cây gọi làm vậy là vì bông của nó giống như 2 vỏ sò
úp lại và khi nở bày nhụy trắng tinh bên trong như những hạt minh châụ
Cụ Vương còn cho biết ở vùng núi Ngũ Hành Sơn ở Quảng
Nam, cây Lão Bạng mọc làng khang.
Biết thêm một điều gì, đỡ ngu thêm một chút, nhưng trường
hợp của cây Lão Bạng này, tôi nghĩ thà là không biết còn hơn. Bấy lâu, tôi vẫn
thấy bụi cây màu tím đó, mọc bên cạnh một ngôi mộ, là một hình ảnh nên thơ, nói
lên một ý nghĩa thương tiếc ngậm ngùi “Lẻ
bạn” bỗng trở thành “Lão Bạng”,
hình ảnh nên thơ, chan chứa tình cảm đó, bỗng nhiên biến mất …
Tôi, bây giờ, ai “đem
tiêu muối vải lên đầu” rồi, mà muối đã nhiều hơn tiêu, ngồi mà tiếc lại thời
gian đã qua, bỏ lỡ nhiều dịp may để mà học. Nhưng, tiếc là tiếc vậy thôi chứ
làm sao níu kéo lại được thời gian.
Thế giới càng ngày càng văn minh tấn tới. Khoa học kỹ
thuật tiến triển mau lẹ tới mức theo không kịp, tôi vẫn nuôi tham vọng muốn học
nhiều, nhưng ngày giờ có chừng, sức người có hạn, học làm sao cho hết. Bà Ba Thời
đã về với cát bụi, các ông Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển cũng không còn,
nhưng các bạn trẻ tấn lên, cái kiến thức về KHKT của họ, học biết bao giờ rồi?
Đức Khổng Tử dạy rằng: “Vi nhơn nan” (làm người thì khó). Nội cái chuyện học làm sao để sống
cho ra con người, xứng đáng là 1 con người, cũng đã hụt hơi.
Tôi lớn lên trong phong trào Hướng Đạo, luật phong
trào dạy: “trong sạch từ tư tưởng, lời
nói tới việc làm”. Cho tới ngày giờ này, điều luật vẫn làm tôi lao đao, chỉ
biết cố giữ câu châm ngôn “gắng sức”
của sói con, để cho ngựa đừng trở chứng đạp rào.
Đức Phật là người đi mà không đến. Cái học của tôi
cũng vậy, học thầy, học bạn, học sách, học báo, học đường, học chợ, học chỉ để
mà học. “Dủ học dủ ngu”.
Ngày xưa, thầy Tử Lộ hỏi Đức Khổng Tử khi nào thì chấm
dứt sự học. Vị Vạn thế Sư Biểu đã trả lời rằng :
– Khi huyệt đã đào nhẵn nhụi rồi, đất đã đắp chắc chắn
rồi, người đi đưa đã quay chưn lui gót rồi, lúc đó mới hết học.
Và, cái học khó nhứt vẫn là học làm sao để sống cho ra
con người …
Tự Truyện Nguyễn Đức Lập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét