BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

NGHỀ THẦY XƯA VÀ NAY - Hồ Ngọc Thanh


            
                     Thầy Hồ Ngọc Thanh


NGHỀ THẦY XƯA VÀ NAY

Sự nghiệp giáo dục nước Việt Nam ta bắt đầu hình thành và phát triển từ thời nhà Lý, khi việc học được coi trọng, được đặt làm nền tảng cho việc tuyển chọn nhân tài để kinh – bang – tế - thế. Triều đình đã cho lập Quốc tử giám để đào tạo, mở khoa thi tam trường để chọn người chăm lo việc nước, việc dân. Nối tiếp nhà Lý, các đời vua Trần, Lê, Nguyễn đã lập Văn Miếu, Văn Thánh,... ở kinh đô của các triều đại như Hà Nội, Huế để dựng bia đá khắc tên nhằm tôn vinh hiền tài, khuyến khích việc học và lưu danh hậu thế.

Đã có thi cử, tuyển trạch thì phải có sĩ tử và phải có người làm công việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức và đạo lý làm người cho học trò, đó là người Thầy – một vai trò quan trọng trong việc phát triển nhân cách và tương lai của một con người.    Tuy nhiên, cứu cánh của việc giáo huấn suốt cả thời kỳ Nho học, qua các triều đại phong kiến suốt gần một nghìn năm không chỉ là truyền đạt kiến thức chữ nghĩa Thánh hiền, mà cốt lõi là đạo lý sống của bậc tri giả: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Người sở đắc chữ nghĩa của Thánh hiền là để tiến vi quan, thối vi sư. Làm quan là để phục vụ nước nhà, làm thầy là để đào tạo người khác phục vụ. Người dạy và người học không lệ thuộc hẳn về thứ lớp của tuổi tác hay trình độ tri thức mà bằng cái tâm, cái chí sở cầu. Thầy giáo được tôn xưng là bậc tri giả, đức độ cao dày. Người thầy không hẳn là người từng đỗ đạt ở chốn trường thi mà chính là tâm, trí và đức đã hấp thu từ chữ nghĩa của bậc trí nhân quân tử mà thành. Đệ tử cũng cầu tìm thầy bằng cái tâm quyết chí tầm sư học đạo. Thầy có sở học và tâm đạo đến đâu thì truyền cho môn sinh đến đó, nhưng tựu trưng vẫn là việc dạy học. Những sách Tam thiên tự, Tứ thư, Ngũ kinh, Luận ngữ, v.v... chỉ là phương tiện cho việc dạy và học. Sự thành đạt ở chốn quan trường thường tuỳ thuộc vào tâm và trí của thầy lẫn trò. Thầy truyền dạy chữ nghĩa và đạo lý Thánh hiền, trò học không chỉ để biết mà còn để sống theo khuôn mẫu Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Người có học được nể trọng, là giai cấp đứng đầu trong xã hội theo thứ tự: sĩ, nông, công, thương. Do đó, người thầy được tôn cao hơn cả đấng sinh thành – chỉ sau vua - theo thứ bậc: Quân, sư, phụ. Trò tôn vinh thầy là sư phụ không hẳn vì thầy đã dạy trò thành đạt ở chốn trường thi, nên danh phận trong xã hội mà giản đơn chỉ vì thầy đã góp tâm sức khai trí, truyền đạt đạo lý làm người dù ít hay nhiều bởi cơ duyên thầy trò gặp gỡ. Tương quan thầy trò là tương quan sư đệ. Đạo lý sư đệ rất được coi trọng theo châm ngôn Nhất tự vi sư, bán tự vi sư – một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy – công ơn ấy trò luôn ghi tâm khắc cốt. Trò trở lại thăm viếng thầy khi thành đạt và có người còn để tang thầy khi thầy rời xa nhân thế. Ôi! Nghĩa thầy trò mới cao đẹp làm sao!
Từ đầu thế kỷ thứ XX, phong trào tây học với chữ quốc ngữ bắt đầu đào tạo tầng lớp trí thức có cách tân, có sở học đa năng, đa dụng nhằm phục vụ guồng máy chính quyền thuộc địa và xây dựng xã hội mới. Cơ sở giáo dục được tổ chức có hệ thống từ thấp lên cao dù chưa rộng khắp. Người thầy bắt đầu được đào tạo có tính chuyên môn, nhưng cứu cánh của giáo dục vẫn là đào tạo con người có tri thức, có đạo đức để làm người, sống hữu ích và tốt đẹp hơn.

Nghề thầy vẫn tiếp tục được tôn vinh, việc học vẫn được coi và truyền thống Tôn sư trọng đạo vẫn mãi là đạo lý của thầy trò. Dù là hương sư dạy bậc sơ học ở trường làng, dù là đốc học hay giáo sư dạy bậc trung học, đại học thì tất cả đều được tôn vinh là thầy giáo. Thầy giáo không chỉ được học trò mà cả xã hội đều kính trọng. Đầu thế kỷ XX, ít có phụ nữ làm nghề giáo mặc dù không thiếu bậc hiền mẫu dạy con nên người. Trong giai đoạn nầy, nghề thầy vẫn là nghề tự phát của một số người có học thức, có tâm chí muốn góp phần xây dựng xã hội. Số thầy giáo và học trò còn hạn chế, thầy không dạy vì đồng lương và trò không học bằng học phí. Mãi đến thập niên 1950 mới bắt đầu có các lớp sư phạm. Các trường sư phạm được mở ở các thành phố lớn của cả ba miền Nam – Trung – Bắc để đào tạo cán bộ ngành giáo dục ở các bậc tiểu học, trung học và đại học nhưng số lượng chính quy vẫn còn hạn chế và sự nghiệp giáo dục chưa mấy phổ cập.
Người đi học vẫn là con cái của những gia đình khá giả ở thành thị hoặc những ai hiếu học, có chí tự vượt qua sự khó khăn trong cuộc sống. Thầy cô giáo là hình tượng để học sinh ngưỡng mộ về tư cách đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tri thức truyền giảng. Do đó thầy cô giáo luôn gương mẫu trong lời nói, cử chỉ; ngay thẳng trong việc làm;lịch sự trong trang phục; đạo đức trong quan hệ. Hầu như không có trường hợp tai tiếng về tư cách của người thầy trong các mối quan hệ từ gia đình, học đường đến xã hội.

Nhưng từ khi nhu cầu học vấn bùng nổ và sở học là cứu cánh để tiến thân trong cuộc sống thì số lượng người học tăng lên; đội ngũ nghề thầy cũng đông hơn. Cuộc sống phát triển nhiều mặt đến nổi mục đích giáo dục không đáp ứng kịp thời nhu cầu tri thức của con người trong cuộc sống. Do đó định hướng giáo dục đôi khi võ đoán phiến diện, kết quả là con người được đào tạo có tri thức nhưng đạo đức được un đúc một cách giáo điều. Hệ luỵ là xã hội đầy rẩy những tri thức rởm, lắm kẻ đạo đức giả, học đường mất đi nhân xưng cao quý là nơi sản sinh bậc hiền giả, tri thức như ngày xưa. Vì thế nghề thầy cũng bị đánh đồng như bao nghề khác trong xã hội, không còn đứng ở bậc cao địa vị hằng được tôn vinh như ngày trước. Thậm chí có nơi trường học hoặc cơ sở giáo dục đào tạo mang hình thái của chợ chữ; Nhà quản lý bán chữ của thầy cô giáo và học trò là người mua chữ. Thầy cô chỉ là người lao động chữ nghĩa nên không còn được trọng vọng như xưa. Trước thực trạng đau lòng ấy, có người đã lên tiếng kêu gọi đã đến lúc cần chấn hưng đạo đức và trách nhiệm giáo dục ở học đường.

***
Tôi may mắn được học với những vị thầy trong thập niên 1940 và suốt thập niên 1950. Dù họ là thầy giáo sơ học, tiểu học, trung học hay ở trường sư phạm, tất cả đều là những bậc thầy khả kính, đáng nể phục về tri thức lẫn đạo đức. Tôi luôn nhớ đến hình ảnh của các vị thầy đã dạy tôi ở bậc tiểu học thời đó. Quý thầy đều là người đứng tuổi, có phong cách của một công chức thời Pháp thuộc. Trang phục thầy luôn chỉnh tề: sơ - mi, cà - vạt và veston theo mùa, nghiêm chỉnh trong lời nói, cử chỉ; phong thái đĩnh đạc, đạo mạo, khả kính vô cùng. Quý thầy dạy tôi ở bậc trung học trẻ trung hơn nhưng vì tác phong nghề nghiệp nên trang phục, ngôn ngữ, cử chỉ cũng rất nghiêm chỉnh. Khi đứng lớp giảng bài, phong thái của quý thầy thật là uyên bác và sinh động. Đặc biệt quý thầy dạy ở trường sư phạm thì thật là mẫu mực trong mọi sự, vì thầy đang đứng trước giáo sinh – những người thầy tương lai. Do đó, tư cách của quý thầy đã ảnh hưởng đến giáo sinh không ít, trong đó có tôi và các bạn đồng môn, đồng nghiệp sau nầy.
Suốt gần năm mươi năm, dù xã hội có nhiều chuyển biến nhưng đối với tôi nghề thầy vẫn là niềm vui, niềm tự hào suốt cuộc đời. Tôi luôn thể hiện tư cách tốt của một người thầy mà tôi đã hấp thụ được từ các bậc thầy khả kính của tôi. Bản chất nhà giáo từ khi còn trai trẻ cho đến nay vẫn không thay đổi. Tôi vui vì đã góp phần đào tạo cho xã hội những con người có ích, trong đó nhiều người đã tiếp bước vai trò thầy cô giáo có danh trong ngành giáo dục ngày nay. Với tôi, thầy trò vẫn giữ được tình nghĩa như thuở nào dù bây giờ đã ở vào tuổi hưu trí.
Mong sao các nhà giáo dục hiện nay sớm có chương trình chấn hưng nền giáo dục nước nhà, phát huy đạo đức và trách nhiệm của người thầy đối với sự hưng vong của xã hội theo câu nói Lương sư hưng quốc để những nhân tài là sản phẩm của một nền giáo dục tốt.

                                                     Hồ Ngọc Thanh
                            Tổng Giám Thị trường Trung Học Nguyễn Hoàng
                                                     (1966 – 1973)

Không có nhận xét nào: