BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

CHUYỆN MIỀN TÂY... – Ngô Hương Thủy




    CHUYỆN MIỀN TÂY... 
              Ngô Hương Thủy


Mùa Xuân này tôi quyết định về miền Tây ăn Tết theo lời mời của một người bạn văn chương. Chuyến xe khởi hành sáng sớm ngày hai mươi bảy tháng chạp mang theo không khí vui tươi của những ngày cuối năm. Khoang hành lý đầy ắp bánh mứt, những bó hoa giấy màu sắc rực rỡ, sự náo nức của những người con xa quê được trở về nhà thể hiện rõ trên gương mặt hành khách.

Xe chạy vào đường cao tốc Trung Lương. Cơn gió chướng lùa qua cửa sổ mát lạnh. Mùi lúa thơm ngào ngạt. Tôi khoan khoái tựa người vào thành ghế, tận hưởng hương vị đồng quê, lòng thầm cám ơn người cháu đã tinh ý chọn cho mình một chỗ ngồi ưng ý.
Tôi ngồi băng hai sau lưng tài xế. Kinh nghiệm đường trường cho biết đây là băng ghế lý tưởng dành riêng cho những người đặt trước hoặc ưu tiên cho ông già bà lão. Băng ghế này ít bị chen lấn khi có khách lên xuống, nó cũng khá an toàn khi gặp những tay tài xế lái ẩu.
Ghế bên là một thanh niên khoảng ba mươi. Trông cách ăn mặc và mùi nước hoa thoang thoảng, tôi đoan chắc đây là một Việt Kiều về thăm quê hương. Kế tiếp là một lão nông trên dưới tám mươi, nét mặt quắc thước, chùm râu bạc phơ phất. Chàng thanh niên quan sát hai bên đường với một vẻ chăm chú. Thói quen khó ngủ trên xe khiến tôi vô tình trở thành người nghe bất đắc dĩ những cuộc đối thoại giữa hai người khách cùng chuyến.
Hễ thấy cái gì là lạ ven đường thì người thanh niên lại nghiêng người qua hỏi ông lão. Đại khái như cuộc sống của người dân hai bên quốc lộ, những trạm thu phí B.O.T, ngã rẽ này đi về đâu… Ông già nhiệt tình trả lời cặn kẻ.
Đặc biệt, tên những cây cầu ngồ ngộ trên đường làm người thanh niên thi thỏang bật ra nụ cười khoái chí rồi hỏi ông già kế bên:
Sao cây cầu này lại có tên là Xẻo Trầu hở bác?
Thì hồi xa xưa ở đây có nhiều con lạch nhỏ đầy bùn và sình. Lâu ngày nó tạo nên một con xẻo thuận tiện cho việc lên liếp trồng trầu tươi tốt. Từ đó chết tên Xẻo Trầu.
Xe tiếp tục đường trường. Một chốc, người thanh niên lại thắc mắc:
Thế tại sao cây cầu này lại có tên là Xẻo Lò?
Ông già vui vẻ giải thích:
Chú biết không, hồi xưa hai bên dốc cầu này dân chúng hành nghề móc đất sét làm lò và cà ràng nấu bếp đó mà! Dấu tích còn lại là đống lò bể chú không thấy a?
Chàng thanh niên gật gù có vẻ thú vị.
Mọi người trên xe đã bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Tôi cũng kéo cái nón rộng vành sụp xuống mặt khép hờ đôi mắt nhưng lát sau tiếng anh thanh niên lại cất lên:
Ngộ ghê. Sao cây cầu này tại sao lại có tên là Xẻo Mác hở bác?
Ông lão có vẻ mệt mỏi với những câu hỏi liên miên của chàng trai. Ông nói một mạch:
Này nhé, để tôi nói một hơi cho chú về những cây cầu mà chúng ta sẽ đi qua nghe. Cầu Xẻo Mác là nơi ngày xưa có nhiều lục bình, rau mác ứ đọng, ghe xuồng đi qua phải lấy mái chèo gạt lục bình rau mác mà qua. Cầu Xẻo Vạt là nơi chật hẹp, ghe phải dạt vào để tránh nhau cho khỏi va chạm. Còn Xẻo Chim là vùng đất màu mỡ, chim chóc tụ hội ăn trái nên gọi là Xẻo Chim. Cầu Mù U là nơi mọc nhiều cây mù u, dân chúng chung quanh lấy mủ mù u làm đuốc thắp đèn đi chợ sáng sớm…Thôi, chú để tui ngủ một chút nghen, hồi sáng ra bến sớm buồn ngủ quá chừng …
Sợ ông già nổi quạu, người thanh niên “dạ, dạ” rồi im thin thít.
Ông già dựa lưng vào thành ghế nhắm mắt nhưng nghĩ sao lại ngồi bật dậy:
Đã nói thì nói cho trót. Chú à, người miền Tây thật thà chất phác, đến việc đặt tên đất tên người cũng không màu mè văn chương như người miền Bắc và miền Trung. Chú là người có ăn có học, cứ so sánh cách nói năng của các nhân vật trong Truyện Kiều và Lục Vân Tiên thì thấy rõ điều này. Người miền Tây chúng tôi thấy chi nói nấy, dựa trên cơ sở tượng hình tượng thanh chớ không hoa hòe hoa sói. Ngay tui đây, cha má đặt tên là Phạm văn Cu, đứa em gái là Phạm thị Bẹp cũng trên cơ sở tượng hình. Họ quan niệm đặt tên xấu cho dễ nuôi, không bệnh hoạn, chết chóc. Ngày nay, tui nghe mấy cái tên các cô các chú tràng giang đại hải mà phát ớn…
Người thanh niên cười hà hà khi nghe ông già giải thích nhưng nói nhỏ - Thôi, bác ngủ đi, cháu không dám làm phiền bác nữa.
Chuyến xe nuốt thêm gần trăm cây số trong tiếng ngáy của ông
già và tiếng huýt sáo nho nhỏ của chàng trai.
Trời đã dần về chiều. Xe đi qua một thị trấn. Giọng một người đàn bà cuối xe lanh lãnh:
-Bác tài ơi, làm ơn cho tui xuống Lấp Vò đi, ngay dốc cầu đó…
Ông lão cũng vừa tỉnh giấc, thở ra một hơi dài khoan khoái. Trong khi chờ người phụ xe lấy đồ đạc cho bà khách, anh thanh niên mở một chai nước suối mời ông lão và lại thầm thì:
Cái tên gì nghe ngộ quá chừng chừng!
Được dòng nước mát thấm giọng và như thấy tội nghiệp chàng trai, ông lão lên tiếng:
Thôi, tui cũng sắp xuống rồi. Chú còn thắc mắc chi thì cứ hỏi?
Chàng trai nhỏ giọng:
Cháu cũng không muốn làm phiền bác nhưng tại sao cái cầu này lại có tên là Lấp Vò vậy bác?
Dân miền Tây chính gốc nhưng lần này ông già lại có vẻ ấp úng:
Ừm…Tui chỉ biết khi xưa tên cũ của nó là quận Thạnh Hưng. Qua nhiều thời kỳ thay đổi và sáp nhập giữa ba tỉnh Long Xuyên, Đồng Tháp và Long Châu Hà nó có tên là Lấp Vò… Vậy thôi.
Chàng trai dường như thất vọng. Anh ta lẩm bẩm:
- Tên gì khó quá! Làm sao mà nhớ nổi đây?

Ông già dường như cũng mủi lòng trước những lời than thở của chàng trai nên góp ý:
-Thì như tui đã nói với chú, người dân miền Tây đặt tên con cái, vùng đất, cây cầu trên cơ sở tượng thanh và tượng hình. Lần sau chú đi ngang đây mà quên tên thì cứ liên tưởng đến hành động của một cặp trai gái hẹn hò nhau ở một chỗ vắng vẻ như trong bụi chuối, trên cái gò hoặc ngoài bãi tha ma là chú nhớ liền à!. Mà chú về miền Tây có chuyện gì vậy?
Người thanh niên rụt rè tâm sự:
-Chẳng giấu gì bác, cháu định cư ở nước ngoài, nghe lời ba má về quê hương lấy vợ chính cống dân miền Tây. Cháu phải tỏ ra mình am hiểu vùng đất quê vợ…
Ông già cười phá lên:
- Đó đó. Tui nói có sai đâu. Làm sao mà quên được. Lần này chú tha hồ Lấp Lấp…Vò Vò.
Anh thanh niên ngẫm nghĩ, đỏ mặt rồi cười hà hà. Còn tôi... cười mím chi sau cái mũ rộng vành.
Thật sáng suốt và thú vị khi quyết định ăn Tết miền Tây!

                                                                          Ngô Hương Thuỷ

Không có nhận xét nào: