Tác giả Hoàng Long Hải
GIÓ
BẤC
“Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam”
(Tục ngữ)
Chẳng ai lấy vợ đàn… ông. Cũng có nghĩa rằng
chẳng ai làm nhà quay về hướng khác, nhất là hướng bắc, mà nhà thì phải quay về
hướng nam.
Hướng bắc
là hướng gió Bấc thổi, lạnh lắm, nên muốn tránh cái lạnh của gió Bấc người ta
phải quay mặt nhà về hướng nam.
Câu tục ngữ
nói trên là của đồng bào miền Bắc Việt Nam.
Đó cũng là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm dựng nhà của
người ngoài đó. Nhà đã quay về hướng nam, cửa chính cũng không làm rộng, cửa sổ
đã nhỏ lại nằm trên cao. Dĩ nhiên, đó là những nhà tranh thuộc các gia đình
trung lưu hay nghèo khó, là những nét đặc biệt của lối kiến trúc người Bắc, vừa
ngăn cái lạnh của gió Bấc, vừa giữ trộm cắp, nhà lại kín đáo. Người ta thường dấu
cái nghèo của mình, cháo thay cơm, hay ăn sắn khoai trừ bữa cũng không ai hay.
Mái nhà xuống
thấp, trùm kín phần trên vách để che mưa. Hơn nữa, cửa chính nhỏ và hẹp, cửa sổ
nhỏ và cao để việc sinh hoạt trong nhà được kín đáo nên trong nhà thiếu ánh
sáng tự nhiên.
Làm nhà hướng về phía nam có thể đón gió nồm thổi mát
vào mùa hè. Hai chái phụ ở hai đầu, một hướng đông, một hướng tây chống hơi
nóng mặt trời sáng và chiều.
Trước nhà trồng cau (để đón gió nam mát) sau nhà trồng
chuối (lá chuối ngăn bớt gió bấc lạnh mùa đông).
Người đàn bà vắng chồng, đêm đêm ôm con, nghe tàu lá
chuối bị gió đập phía sau hè, lòng buồn lắm. Đó là nguồn hứng khởi của câu ca
dao:
“Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh nghe vợ bé, bỏ bè con thơ.”
Người giàu làm nhà ngói, nhà cao cửa rộng, tác giả
không bàn ở đây.
Nhưng người vùng Đông Bắc Hoa Kỳ rất ngại Wind Chill
(North wind chill). North wind chill (Wind Chill) là gió từ Bắc Cực, từ Canada,
từ Alaska xuống nên trời rất lạnh, lạnh tái tê. Mặc quần áo đã dày, đồ nỉ, đồ
bông nhưng người ta có cảm tưởng cái lạnh như kim chích. Cái lạnh chui qua vải,
qua nỉ mà chích vào da thịt người.
***
Cái lạnh của
gió Bấc ở nước ta không thua gì!
Cho nên
người Việt đang định cư ở miền Bắc hoặc Đông Bắc Hoa Kỳ, - như vùng tôi chẳng hạn
-, những ngày có “North wind chill” lại
nhớ da diết gió Bấc ở quê nhà.
“Cái
gì không nhớ, lại nhớ cái gió lạnh tê tái bên bờ sông Thạch Hãn”?
Có người sẽ trách tôi như vậy. Nhưng quê hương đâu phải chỉ toàn là khế ngọt để
trèo hái mà ăn
“Cho tôi trèo hái mỗi ngày.”
Yêu quê hương như yêu mẹ. Yêu cả cái “không đẹp” của mẹ,
như tóc bạc, da mồi, ốm o, lụm khụm?
Nhớ quê
hương và nhớ mẹ, mấy ai không nhớ tới “Nhà
Mẹ Lê” trong “Gió Đầu Mùa” của Thạch
Lam.
“Nhưng
đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới
gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác
làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: con Tý, con Phún, thằng
Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách
nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy
con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó. Thằng con lớn thì từ
sáng đã cùng thằng Ba ra cánh đồng kiếm con cua, con ốc, hay sau mùa gặt, đi
mót những bông lúa còn sót lại trong khe ruộng. Thật là sung sướng, nếu chúng
mang về được một lượm, trong những ngày may mắn. Vội vàng bác Lê đẩy con ra, vơ
lấy bó lúa, đem để xuống dưới chân vò nát, vét hột thóc giã lấy gạo. Rồi làm một
bữa cơm nóng lúc buổi tối giá rét, mẹ con ngồi chung quanh nồi cơm bốc hơi,
trong khi bên ngoài gió lạnh rít qua mái tranh.”
Đó là cái “khổ muôn đời” của nông dân Việt Nam.
Cái lạnh và cái đói hình như có “bà con”, hay hai người yêu quấn quít lấy nhau. Đã lạnh thì dễ đói.
Đã đói thì lại càng thêm lạnh. Đó cũng là kinh nghiệm cay đắng của những người
miền Nam bị tù ở vùng núi non Bắc Việt như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn…
sau năm 1975.
Nhà nào
không đói thì cũng nghèo.
Đó là hoàn cảnh Cô Tâm trong “Cô Hàng Xén”, tôi cũng trích trong tập truyện ngắn trên, cùng tác
giả:
“Cái
đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của
bước đi. Chịu khó, chịu khó từng tí một, hết bước nọ sang bước kia, cứ thế mà
đi không nghĩ ngợi. Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày mai cũng thế nữa;
tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức, như tấm vải thô dệt đều
nhau. Có phải đâu chỉ một mình cô; trong những lũy tre xanh kia, bao nhiêu người
cũng như cô, cũng phải chịu khó và nhọc nhằn, để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi
con, nuôi các em. Tâm không chán nản cũng không tự kiêu, chỉ thấy yên tâm chắc
chắn, như nhiều người khác cũng làm việc, cũng sống như nàng.”
….
“Lúc
Tâm ra về, trời đã tối. Nàng vội vã bước mau để về cho con bú. Sương mù xuống
phủ cả cánh đồng, và gió lạnh nổi lên: Tâm thu vạt áo lại cho đỡ rét, lần theo
bờ cỏ đi.”
***
Cơn gió Bấc thường đến bất chợt bởi vì nó phát xuất từ
Tây Bá Lợi Á. Cơn gió từ đó thổi đi, thường mang theo cái lạnh của vùng trung
tâm lục địa Châu Á. Nó ập vào miền Bắc nước ta như một tên xâm lược, tiến nhanh
như gió bão:
“Buổi
sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua giời
hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng, và
làm ròn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài cánh đồng còn thấy
nóng bức, chảy mồ hôi.
“Thế
mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm
cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt.
“Sơn
tung chăn tỉnh dậy, nhưng không bước xuống giường ngay như mọi khi, còn ngồi
thu tay vào trong bọc, bên cạnh đứa em bé vẫn nắm tay ngủ kỹ. Chị Sơn và mẹ Sơn
đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Sơn nhìn thấy mọi người
đã mặc áo rét cả rồi.”
…
“Sáng
sớm hôm sau, trong gió bấc lạnh, Tâm đã mở cổng gánh hàng lên chợ. Sương trắng
còn đầy ở các ngõ trong làng; mùi rơm rác và cỏ ướt thoang thoảng bốc lên, mùi
quen của quê hương và của đất mầu khiến Tâm thấy dễ chịu và thêm can đảm. Nàng
rảo bước cho mau chóng đến chợ.”
Gió Bấc làm cho đời sống dân chúng khổ sở. Chiến tranh
làm cho họ khổ hơn, như gió Bấc đã từng đóng một vai trò nào đó trong lịch sử.
Sử chép:
“Tháng
3 năm Giáp Dần (1794) nhà Tây Sơn tổ chức phản công, tướng Nguyễn Văn Hưng đem
bộ binh đánh vào Phú Yên, và tướng Trần Quang Diệu vào vây thành Diên Khánh.
Đông cung Cảnh cho người về Gia Định cầu viện. Tống Phúc Đạm liền theo chúa
Nguyễn đem đại binh đến đánh giải vây, buộc Trần Quang Diệu phải rút quân về.
Chúa
Nguyễn thấy thế Tây Sơn còn mạnh, vã lại đã đến mùa gió bấc lạnh lẽo,nên chúa
đem Đông cung Cảnh (Hoàng tử Cảnh tg) về Gia Định, để lại Võ Tánh giữ thành
Diên Khánh.”
***
Trong các tháng 1 tháng 2 dương lịch, tức là trước và
sau tết âm lịch, vùng trung tâm đại lục Châu Á nhiệt độ xuống thấp lắm, từ 10 độ
âm tới 40 độ dưới không độ, có khi xuống tới 50 độ âm. Verkhoïansk, một thành
phố nhỏ ở miền đông-bắc Tây Bá Lợi Á được coi là thành phố lạnh nhứt địa cầu, về
mùa đông có khi nhiệt độ xuống tới âm 70 độ C.
Gió từ Tây Bá Lợi Á, ở phía Bắc biển Thái Bình thổi về
phía nam nên người ta mới gọi là gió Bắc, người Bắc gọi trại thành Bấc. Tuy
nhiên vì vòng quay của địa cầu, gió Bấc từ biển thổi vào đồng bằng Bắc Việt
theo hướng Đông - Bắc chứ không phải hướng Bắc.
Khi vào châu thổ sông Hồng Hà, gió Bấc rẽ theo thung
lũng của các dãy núi hình nan quạt mà lên Tây Bắc, nên vùng Tây Bắc về mùa đông
lạnh tái tê. Nhiều người đi tù ở Việt Bắc, có đi mà không có về cũng vì những
cơn “gió Bấc lạnh lùng thổi vào mái rạ” nầy.
Toàn bộ phần Nam lục địa, kể cả Tây Nam Á, về mùa đông
có gió mùa Đông Bắc từ lục địa thổi xuống. Tuy nhiên do ảnh hưởng của các dãy
núi cao theo hướng Đông-Tây, gió Đông Bắc từ áp cao Tây Bá Lợi Á không thể tiến
tới phía Nam bán đảo Đông Dương được. Vì thế, chỉ có vùng từ đèo Cả trở ra phía
bắc mới chịu ảnh hưởng gió Bấc. Từ Phú Yên xuống phía nam, ở phía nam đèo Cả,
không phải chịu cảnh “mưa phùn gió bấc”
triền miên như các vùng phía ngoài. Cái lạnh cũng bớt đi. Tuy nhiên, vùng phía
bắc đèo Cả, cho tới đèo Hải Vân, ảnh hưởng “gió
Bấc lạnh” cũng bớt đi phần nào.
Khi từ lục địa thổi ra, gió lạnh nhưng khô. Tuy nhiên,
khi ngọn gió đi qua vùng phía bắc Thái Bình Dương, nó đem theo hơi nước của biển,
cộng thêm những tầng mây dày và nặng trên vùng trời nầy, gió mang theo cơn mưa
của biển.
Mưa không nặng hạt, có khi rất nhẹ như lúc mới vào
mùa, còn gọi là gió heo may, thường thích hợp cho các bà các cô Hà Thành mặc áo
nhung đi dạo phố. Vào cửa hàng, họ chỉ cần cầm vạt áo rủ nhẹ là hạt mưa phùn
rơi xuống.
Vào giữa mùa, hạt mưa nặng hơn, mưa dai dẳng kéo từ
ngày nầy sang ngày khác, có khi dài hằng tháng.
Mưa chen trong gió hay gió mang theo mưa?
Trong mùa gió Bấc,
mưa rỉ rả, và lạnh, và buồn, và kéo lê nhiều ngày khiến có lần Nguyễn Bính phải
than:
“Trời
mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ
kéo dài ra đến mấy ngày
Thềm
cũ nôn nao đàn kiến đói
Trời
mờ ngao ngán một làn mây.
“Trường
Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập
Đá mênh mang bến nước đầỵ
Đò
vắng khách chơi nằm bát úp
Thu
về lại giở gió heo may...”
Nguyễn
Bính hỏi “sao buồn thế?” Đỗ Tấn nói
rõ hơn:
“Đêm
Huế mưa buồn như em không nói,
Những
cây mù u gục đầu. (1)
Lạnh
về cắn xé đêm thâu”
Nhạc sĩ
Ưng Lang thì nhìn lá rụng theo mưa:
“Mưa rơi!
Chiều nay vắng người,
Bên thềm nhớ ai!
Mưa gió đầy vơi...
Vì mùa “Mưa phùn giáo bấc” nên cái lạnh của xứ
Huế ẩm ướt và khó chịu. Không có cái áo mưa nào ngăn nổi những giọt nước của
cơn mưa phùn. Mưa thấm qua mũ, thấm qua áo quần và thấm vào đôi bít tất. Những
giọt nước ở lại đó, - trong hai chiếc giày, cùng với hơi lạnh, kiên trì dai dẳng
làm tê cóng mấy ngón chân.
Mây phủ kín đầy trời, rất thấp, tưởng như
vói tay có thể “đụng” tới mây; có khi
cả tháng, người ta không thấy mặt trời. Mưa rỉ rả suốt ngày đêm, mưa kéo dài
hàng tuần. Đi học, có lần tôi than vản:
“Qua cầu Trường Tiền
Mưa gió lê thê
Tôi đặt
một bàn tay lên che trước ngực
Tôi thấy buồn tấm tức
Kể làm chi những đứa học trò
nghèo
Mẹ tôi già vất vả gieo neo.
Có một lần
về phép, may quá, tôi lên chiếc máy bay quân sự C-47. Máy bay ra tới phi trường
Phú Bài mà không đáp xuống được vì mây rất dày, lại phải quay về Saigon. Thế là
bỏ phí một ngày. Ông Trời không biết rằng, đối với người lính, một ngày về phép
là quí lắm hay không?
***
Những người
trẻ ngày nay có thể không biết “cái lồng ấp” là cái gì?
Nó đã chết
theo thời gian rồi! Người miền Nam cũng không biết nó.
Nó là cái trách nhỏ, bằng cái tô, đất nung, trong đựng
những cục than đỏ tỏa ra hơi nóng ấm áp. Và một vật trông như cái giỏ tre đan
giữ cái trách đất trong lòng nó. Ôm chặt cái trách đất, làm như cái giỏ tre
cũng sợ lạnh!
Các mẹ, các bà cụ già, mùa đông lạnh, thường giữ kèm
cái lồng ấp bên cạnh, hay đặt trước bụng, hơ hai bàn tay trên cái trách đất cho
đỡ cóng.
Cái lồng
ấp và ngọn gió Bấc thổi về có “họ hàng” gì với nhau không mà mỗi khi cơn gió Bấc
vi vút thổi trên mấy hàng dương liễu bên bờ sông Thạch Hãn thì cái lồng ấp xuất
hiện. Người ta mới mua ở chợ hay mới lôi từ trên giàn bếp xuống?
Không!
Cái lồng ấp cũng chống lại cái lạnh của ngọn gió Bấc đấy. Trong khi cái lạnh của
cơn gió làm tê cóng hai bàn tay, thì ngọn lửa trong cái lồng ấp làm cho hai bàn
tay hồng trở lại, máu lại chạy đều trong mấy ngón tay.
Cái lồng
ấp của mẹ tôi đã cũ, có lẽ nó được mua ở chợ hồi năm ngoái, có nghĩa rằng nó
thâm niên được một năm, một năm giúp mẹ tôi bớt cóng mấy ngón tay. Những nan
tre màu trắng của cái lồng ấp nay đã sậm mầu. Miệng cái giỏ tre lồng ấp bị cháy
xém đen. Ngọn lửa trong cái trách đất quá nóng hay lửa bùng lên làm cháy những
nan tre?
Nhiều
khi, đi học về, tôi “xề” tới bên mẹ, đưa tay hơ trên lồng ấp, kiếm một chút hơi
nóng.
Mấy chục
năm sau, kể từ khi khôn lớn rồi lưu lạc tới tận miền Nam xa xôi, sông Tiền,
sông Hậu, tôi không còn thấy cái lồng ấp nữa. Miền Nam không có cái lạnh của ngọn
gió Bấc để những người già phải cần tới nó.
Và thế rồi
tôi quên nó, tôi quên cái lồng ấp đã làm cho hai bàn tay mẹ tôi bớt tê cóng. Gần
chục năm trong trại cải tạo, nhiều đêm đông gió lạnh cũng làm tê tái hai bàn
tay, tôi bỗng nhớ đến cái lồng ấp của mẹ tôi.
Và sáng hôm
nay, trời ở Mass bỗng chuyển “North wind
chill”.
Nhìn gió lắc
lư trên những ngọn thông màu xanh sẫm sau nhà, tôi bỗng nhớ đến cơn gió Bấc nơi
cố quận, nhớ mẹ tôi và bất chợt, qua hình ảnh của mẹ mà tôi đã sống gần gủi bên
mẹ khi tôi còn niên thiếu, tôi chợt nhớ tới cái lồng ấp của mẹ. Cái lồng ấp như
một “hồn ma cũ” thức dây từ trong tiềm thức của tôi.
Mẹ tôi chạy giặc khỏi quê nhà năm 1972. Tôi
không biết những năm trước đó mẹ tôi còn dùng cái lồng ấp nữa hay không, những
cái lồng ấp cũ mẹ tôi đã dùng có lẽ đã tiêu tan vào những thùng rác sau nhà.
Nhưng trong tâm hồn tôi, từ thơ ấu đến giờ, hình ảnh cái lồng ấp vẫn còn ở lại
đó, chẳng qua, vì tôi cũng như mọi người: Tôi thương mẹ!
Năm ngoái
đây, chị Như, một bà chị bà con bên ngoại, con gái cụ Đốc Hy, từ Canada gọi điện
thoại hỏi thăm tôi. Chị bảo rằng ở Canada đang lạnh và mưa, làm chị nhớ “cái áo tơi lá” hồi còn học tiểu học ở
Quảng Trị..
Cái “áo tơi lá” Lại thêm “một hồn ma cũ” cố hương!
Tôi cứ tưởng
những đứa bé con nhà nghèo như tôi mới phải mang cái “tơi lá” đi học chứ. Con gái một ông bác sĩ, sao lại phải “áo tơi lá” như tôi?
Té ra
không phải!
Cuối thập
niên 1940, kỹ nghệ chưa phát triển, nên thời kỳ ấy chưa có “nylon” để làm “áo mưa
nylon”. Vậy thì, dù giàu hay nghèo, bọn học trò tiểu học như chúng tôi hồi
đó, ai ai cũng phải mang “áo tơi lá”
đi học. Binh lính Tây có áo mưa, là một thứ vải tráng cao su, chưa có loại vải
tráng nylon như sau nầy.
Đến lớp,
cái “áo tơi lá” cồng kềnh được treo
hay móc ngoài hành lang, không được đem vô lớp.
Xem vậy mà
cái tơi lá tiện lợi cho chúng tôi khi chúng tôi đi học dọc theo bờ sông Thạch
Hãn. Khi đi tới trường hoặc khi về, chúng tôi quay cái tơi lá về phía Tây, hướng
gió thổi tới, để che cơn gió lạnh. Cái tơi lá không che tới chân, nên phần dưới
hai ống quần ướt đẫm, làm cho hai cái chân lạnh cóng, dù đã vào ngồi trong lớp
học.
Khi gió mạnh,
cái mép cuối của cái tơi lá đập vào hai ống chân khá đau, có khi làm cho chỗ da
ở đó đỏ lên vậy.
Cái tơi
lá, như một tấm bạt, phía trên bẻ ngang, có sợ giây rút lại. Cái đầu của bọn
tôi ló ra khỏi cái tơi lá ở chỗ sợi giây ấy. Những người kéo xe, gánh gồng,
dùng cái tơi lá có hai lỗ hai bên để có chỗ cho hai cái tay thò ra.
Không hẳn
cái tơi lá ngày nay đã mất dấu ở quê hương. Xứ tôi gần rừng, có nhiều lá cọ, để
cho người ta dùng những cánh lá non để “chằm”
nón lá, và những cái lá già để “chằm”
tơi lá. Người dân quê tôi đâu đủ giàu để không còn dùng tới cái tơi lá nữa.
***
Một số
người thành phố, những người không phải là ngư dân, sau 1975, biết thêm một
danh từ mới của những người đi ghe biển Việt Nam, sinh hoạt trong vùng Châu Á
Gió Mùa.
Mùa đông, gió Bấc thổi nhiều ngày, từ tuần nầy qua
tháng nọ. Khi gió đang mùa, “thuyền vượt
biên” hay ghe đánh cá không ra biển xa được. Sóng lớn, thuyền vượt biên dễ
gặp nguy
Nhưng rồi bỗng mấy hôm, gió Bấc ngừng thổi. Biển lặng.
Thời điểm đó, người làm nghề đánh cá biển ở miền Nam VN gọi là “Đồng Chung”, là lúc biển êm, gió lặng.
Những ngư phủ có nhiều kinh nghiệm, đoán được những ngày “đồng chung” nầy.
Cũng chỉ ở Miền Nam mới có Gió chướng.
Gió thổi từ Đông đến Đông Nam, ngược chiều sông Tiền,
sông Hậu, nên nước mặn lấn vào sông. Gió thường thổi mạnh từ tháng 11 đến tháng
3 năm sau.
Gió Bấc thổi vào mùa Đông, nhất là những ngày trọng
đông.
***
Đừng
lầm gió Bấc với gió heo may!
Cơn gió lạnh thổi vào mùa thu, nó có một cái tên khác:
Gió heo may.
Gió heo may thổi khi trời còn ít mây, có khi còn những
cơn nắng chiều mầu tím, và cũng có khi trời nhiều mây nhưng không sũng nước như
những tầng mây đen dày mùa đông.
Kinh nghiệm thời tiết của tổ tiên cho chúng ta biết:
Tháng
Bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão.
Trịnh
Công Sơn có cái nhận xét tinh tế đó khi ông viết “Nhìn những mùa thu đi”:
“Nhìn
những lần thu đi
Tay
trơn buồn ôm nuối tiếc
Nghe
gió lạnh về đêm
Hai
mươi sầu dâng mắt biếc
Thương
cho người rồi lạnh lùng riêng
Gió
heo may đã về
Chiều
tím loang vĩa hè
Và
gió hôn tóc thề
Rồi
mùa thu bay đi
Trong
nắng vàng chiều nay
Anh
nghe buồn mình trên ấy
Chiều
cuối trời nhiều mây
Đơn
côi bàn tay quên lối
Đưa
em về nắng vương nhè nhẹ
Đã
mấy lần thu sang
Công
viên chiều qua rất ngắn
Độc giả để
ý những chữ tôi in nghiêng là những câu
tả cảnh mùa thu ở Huế, có gió heo may: “Gió lạnh về đêm”. Có nghĩa rằng ngày chưa đến nỗi lạnh lắm. Gió
cũng thổi không mạnh lắm. Gió thổi mạnh sao có thể “Gió hôn tóc thề”. Nắng thì vàng (nắng vương nhè nhẹ) nhưng chiều
thì đã ngã sang mầu tím (chiều tím loang vĩa hè). “Công viên chiều qua rất ngắn”, có nghĩa rằng đã đến “Thu phân”, ngày ngắn lại, đêm dài hơn,
trời nhiều mây nên mau tối.
Nước ta
thuộc “Châu Á Gió Mùa”. Nói một cách
đơn giản thì mùa đông có gió Bấc, thường được gọi là “Gió Mùa Đông Bắc”. Đến
mùa hè, gió thổi ngược lại, từ hướng nam đi lên, là gió Nam, tên thường được gọi
là gió Nồm, mang theo cái mát mẻ của biển.
Mùa Đông,
người ta sợ gió Bấc, mùa hè, người ta mong được cơn gió Nồm. Đọc bài thơ sau
đây của Nguyễn Khuyến, độc giả biết ngay:
“Ai
xui con cuốc gọi mùa hè
Cái nóng nung người nóng nóng ghê
Ngõ
trước vườn sau um những cỏ
Vàng
phai thắm nhạt ngán cho huê
Đầu
cành kiếm bạn oanh xao- xác
Trong
tối đua bay đóm lập-loè
Mong
được nồm nam cơn gió thổi
Đàn
ta, ta gãy khúc Nam nghe.”
Cũng như ngọn
gió Bấc đã nói ở phần trên, nó ngăn giặc! (Chúa Nguyễn thấy thế Tây Sơn còn mạnh,
vả lại đã đến mùa gió bấc lạnh lẽo, nên chúa đem Đông cung Cảnh về Gia Định…)
thì gió Nồm làm cho giặc “dậy” lên. Nguời dân miền Nam Trung Bộ, khi đã “ngán”
nhà Tây Sơn rồi thì họ cầu:
“Lạy trời cho nổi gió Nồm
Để cho Chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra.”
Trong cuộc
chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn, thường chuyển quân bằng thuyền. Khi
gió Bấc lạnh lẽo, quân Nguyễn Ánh rút về Nam. Khi gió Nam (Nồm) thổi, thuận gió
cho Chúa Nguyễn kéo quân ra miền Trung thì Chúa Nguyễn Ánh bèn ra đánh nhà Tây
Sơn.
Lịch sử gọi
những lần đánh nhau như thế là “giặc
mùa”, được ghi trong lịch sử và ca dao.
Có đi xa
bao nhiêu ngàn dặm, vì thời gian có trôi dài vài ba mươi năm hay lâu hơn nữa,
tôi không quên những năm niên thiếu bên bờ sông Thạch Hãn.
Mùa hè, nằm trên bãi cỏ bên bờ sông để nghe
Gió Lào thôi vi vu trên những hàng cây dương liễu bên bờ sông. Mùa đông, nằm
trong chăn ấm, trí vẫn không quên được hình ảnh gió lạnh thổi qua sông. Phía
đông, phía hạ lưu sông Thạch Hãn là một mầu mây âm u ảm đạm, mưa lạnh theo gió
Bấc về tê buốt từng cơn.
Cái lạnh,
bên sông, tưởng như trong lòng người tuôn ra cùng với cái lạnh từ miền trung
tâm lục địa Châu Á thổi về. Hình ảnh hàng dương liễu, ướt lướt thướt, đứng trầm
ngâm trong cơn gió Bấc lạnh lùng, hứng lấy cơn gió mà thổi vi vu với một điệu
nhạc trầm buồn muôn thuở như nỗi buồn của người cô phụ, của người mẹ mong con,
của một người ở cuối sông mong ngóng một người ở đầu sông mà không hy vọng gì
có ngày gặp gỡ. Muôn đời, có phải đó là “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang…” như
trong thơ Xuân Diệu
Khi mùa
đông tới rồi, không ít lần cô (hay bà) xướng ngôn viên của đài phát thanh
Saigon ngày trước đọc câu sau đây trên làn sóng điện, trước khi kết thúc một bản
tin: “Hôm nay, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh trên biển Nam Hải.”
Nghe mãi
thành quen, nó hằn sâu vào tâm hồn tôi lúc nào tôi chẳng hay.
Đối với
những người làm chính trị, khi đọc diễn văn, họ vẽ ra một quê hương là cái gì
đó vĩ đại, lớn lao, cao quí. Nhưng với tôi, đôi khi thấy Wind Chill ở miền
Đông-Bắc Mỹ nầy thổi vi vút qua những tàng cây cao, tôi bỗng nhớ câu dự đoán thời
tiết ngày trước “Gió mùa Đông-Bắc thổi mạnh trên biển Nam-Hải” qua giọng nói
trên đài phát thanh Saigon.
Chỉ có mấy
tiếng thôi mà sao tôi nhớ lâu quá vậy?
Ôi quê hương! Quái lạ không? Đơn giản chỉ
là một câu nói của một người nào đó mà tôi chưa từng biết tên, gặp mặt bao giờ./
hoànglonghải
***
(1) Văn Thánh trồng thông
Võ Thánh trồng bàng
Ngó lên xã tắc hai hàng mù u.
(Ca dao Huế. Xem thêm “Mùa Hè ở Huế” cùng tác
giả)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét