Tại phường Tân Thiện, thị xã La Gi (Bình Thuận) có
ngôi chùa Pháp Bửu Đường (còn có tên Linh sơn Pháp bửu tự) trước năm 1959 là phần
đất của Sư bà Thích nữ Bổn Đại, cũng là đệ tử của đại sư Thích Vĩnh Thọ thuộc
dòng Lâm Tế thứ 40, đã cúng hiến để xây chùa. Vì vậy Linh sơn Trường thọ tự, tức
chùa núi Tà Cú và chùa Pháp Bửu đường cùng tổ nghiệp, có mối nhân duyên rất lớn
với người dân La Gi theo tín ngưỡng Phật giáo từ xưa.
Từ thành phố Hồ
Chí Minh theo quốc lộ 1A vượt trên đoạn đường 170 km và dừng ở cây số 28 tính từ
Phan Thiết vào, có con đường rẽ về hướng biển chừng 2 km là đến chân núi Tà Cú.
Nếu bằng đường bộ lên núi phải leo hàng ngàn bậc đá quanh co, luồn qua truông
lá đại ngàn mới đến chùa Long Đoàn rồi mới lên chùa Tổ. Khu vực chùa Linh sơn
Trường thọ nằm lưng chừng núi ở độ cao 420 mét so mặt biển, hài hòa với bức
tranh thiên nhiên được kết bằng đá tảng, khe suối, cây rừng trầm lặng trước pho
tượng Phật nằm giữa cảnh Song lâm thị tịch. Đứng dưới bóng đại thụ ngàn năm
nhìn về hướng đông thấy đảo nhỏ Hòn Bà ở La Gi côi cút giữa biển mênh mông vừa
cảm giác chút se lạnh bởi ở đây quanh năm với nhiệt độ dao động khoảng 16 -20 độ
C, tưởng chừng có một phần trời Đà Lạt. Với khí hậu hiền hòa như vậy nên núi Tà
Cú rất phong phú các loài kỳ hoa, dị thảo. Theo điều tra khảo sát của Viện qui
hoạch lâm nghiệp thì có đến 178 loài động vật và 77 loại thảo dược quý hiếm.
Những
chú khỉ sinh sống gần chùa
Nhiều danh mộc như căm xe, trắc, giáng hương, sao, bằng lăng…Trong rừng, trên
thân cây biết bao giống phong lan đeo bám, nhiều nhất là ngọc điểm, thủy tiên,
nhất điểm hồng và bên vách đá cũng rực rỡ những cánh thạch lan, hồ điệp…Có mặt
trong các loài hoa, mỗi độ xuân về hoa mai vàng, hoa vông đỏ đua nở thơm nức cả
cánh rừng. Núi Tà Cú nằm trong qui hoạch rừng bảo tồn thiên nhiên quốc gia,
không những giàu tiềm năng về thực vật mà còn là vương quốc của nhiều loài cầm
thú hoang dã và chim muông. Triền núi có nhiều dòng suối nước trong ngần như vắt
ra từ đá tảng. Vị ngọt lịm của nước cho khách hành hương cảm xúc là uống được
nước Cam lồ trong truyền thuyết.
Đường
lên chùa Núi Tà Cú
Đường
lên chùa Núi dài hơn 2.000 mét qua nhiều chặng dốc cao với những tên gọi rất ấn
tượng. Như ở chặng đầu có Đá Bàn Hạ rồi Đá Bàn Thượng hoặc là Đá Ông Địa. Cạnh
đó có dòng suối chảy róc rách len dưới chân tảng đá lớn thờ Thổ Thần. Càng lên
cao, dốc càng gắt cũng là lúc gặp đoạn dốc Bằng Lăng bởi quanh đây có nhiều cây
bằng lăng, hoa nở tím ngát một góc rừng. Rồi tiếp đến là dốc Yên Ngựa với một
khối đá lớn mặt phẳng như một bộ phản nằm nghiêng bên khe suối có tên gọi là Giếng
Tiên gợi cho khách hành hương hình dung được một bàn cờ của các vị tiên chưa
tàn cuộc còn lưu dấu. Trước năm 1975, người đi chùa Núi thường qua ngã làng Hiệp
Nghĩa (Tân Thuận), đoạn đường ngắn hơn nhưng dốc ngược, khó đi.
Ngày nay ngồi
trên cabin cáp treo loại hiện đại có thể nhìn thấy toàn cảnh của gần nửa phía
núi. Dưới kia là thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam) ôm trong lòng con đường
quốc lộ 1A với xe cộ xuôi ngược bắc-nam và những cánh vườn thanh long trái chín
mọng tít tắp thẳng hàng. Xa xa là ngọn hải đăng Khe Gà in lên nền biển xanh
mênh mông. Cabin đưa khách nhẹ nhàng lướt trên những ngọn cây cổ thụ và có lúc
xuyên qua những đám mây bay còn ẩm lạnh hơi sương để tưởng mình đang ở cảnh
tiên bồng.
Đường
cáp treo lên núi Tà Cú
Quần
thể chùa Núi được hình thành dựa theo thế núi nên có chùa Trên, chùa Dưới đều
quay mặt về hướng đông nam. Với đặc trưng kiến trúc chùa theo phái Bắc tông thường
thấy. Dù qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét cổ kính với mái cong lợp
ngói, lưỡng long chầu nguyệt đã nhuốm dày bao lớp rêu phong tồn tại cùng thời
gian. Các chú chuẩn đề ở vòng linh phù được chạm khắc trên vách đá sau chánh điện
chùa Tổ mới thấy phần nào dấu tích của phái Mật tông lưu lại. Nói lên một thời
các bậc cao tăng đại lão đã tu luyện pháp thuật để làm phương tiện tu chứng đạt
hai chữ Chơn-Không.
Tượng
sư tổ Trần Hữu Đức
Cảnh Tịnh
độ nhân gian với ba pho tượng Phật Di Đà (7m), Quán Thế Âm và Đại Thế Chí
(6,5m) hiện nay là một trong 7 cấp của cảnh Tịnh độ đạo tràng theo quán kinh và
kinh Di Đà do sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ phác thảo từ năm 1960. Màu vôi trắng
toát của các pho tượng nổi lên giữa màu xanh cây rừng tạo nên cảnh hùng vĩ siêu
nhiên. Ban sớm có những đám sương mù lởn vởn như trộn lẫn vào lớp đá hoa cương
đang phiêu bồng giữa thực và mộng. Vị trí trung tâm chùa Linh sơn Trường thọ gồm
chùa trên là chùa Tổ. Chùa xây dựng vào khoảng năm 1870 do sư tổ Hữu Đức và các
chư hậu tổ tiếp tục trùng tu. Qui mô cấu trúc chùa Tổ có 3 gian, giữa là chánh
điện thờ Phật, bên tả nhà giám tự, bên hữu là nơi thờ Tổ Hữu Đức. Có trên một
trăm bậc đá tam cấp rêu phong, ngược dốc từ cổng tam quan lên chùa Tổ càng tôn
vị thế tôn nghiêm và nhìn thấy mái cong vút điểm xuyết trên nền trời xanh lồng
lộng. Đặc trưng phong cách nghệ thuật kiến trúc Phật giáo dưới thời Nguyễn. Khoảng
mười năm gần đây, khu vực chùa Tổ, trong đó ngôi chánh điện, nhà thờ Tổ và các
chư tôn kế tục được trùng tu với các hạng mục công trình xây dựng rất qui mô,
hoành tráng.
Nhóm
tượng Tam Thế Phật
Ở triền
núi hướng đông của chùa Tổ là chùa Long Đoàn, trước đó là một thảo am (1881) do
sư Tâm Hiền (môn đồ của Tổ Hữu Đức) để tu tập. Sau khi Tổ Hữu Đức viên tịch
(1887) sư Tâm Hiền dựng chùa, đặt hiệu Linh sơn Long Đoàn tự. Lối kiến trúc
mang tính pha tạp với phong cách hiện đại nhưng nóc chùa hình tháp, mái ngói âm
dương tạo được nét hài hòa, thanh thoát. Ngôi chánh điện với bức tường xây đá
chẻ trông rất bề thế giữa khu đất rộng có nhiều cây ăn trái lưu niên tạo nên
màu xanh sinh thái tự nhiên hài hòa với cảnh sắc núi rừng. Tổng thể di tích
Linh Sơn Trường Thọ tự, không thể tách rời những cụm kiến trúc tượng Phật, tháp
mộ, miếu thờ, ao thất bảo…xây dựng sau này. Công trình mang tính đồ sộ và độc
đáo nhất là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn dài 49 mét, tượng
trưng cho 49 năm tu tịnh đến khi nhập diệt, phần vai cao 12,2 mét, phần bàn
chân cao 8,8 mét với tư thế nằm nghiêng, nét mặt trầm tư, an lạc. Lưng tượng tựa
vào vách núi, gối đầu lên tay. Khởi công xây dựng từ năm 1962 và gần 4 năm sau
mới hoàn thành. Có người từng đi khắp đất nước nói rằng, chưa thấy pho tượng Phật
nào có kích thước lớn và có giá trị nghệ thuật như vậy. Đến sau này, vẫn có những
câu hỏi không hiểu sao lúc bấy giờ, nơi thâm sơn cùng cốc, đường lên hiểm trở
và trong hoàn cảnh chiến tranh mà bằng sức lực con người lại chuyển hàng ngàn tấn
sắt thép, xi măng làm nên kỳ quan đó. Phải kể đến điêu khắc gia Trương Đình Ý,
pháp danh Quảng Lưu (có người nhầm là kiến trúc sư) đã phát nguyện cống hiến
công sức và trí tuệ của mình cho đạo pháp. Tháng 5. 2013, tổ chức xác lập kỷ lục
Châu Á đã tổ chức trọng thể lễ công nhận danh diệu kỷ lục về tượng Phật nằm.
Pho tượng phật nằm Thích Ca Mâu Ni
Trong khuôn viên chùa có tháp mộ Tổ và các
chư hậu tổ. Chuyện kể rằng khi Tổ Hữu Đức sắp tịch, có một đệ tử là sư cô Thái
Thị Tràng nhờ chuyên tâm tu niệm, khắc kỹ tu thân đã tiên tri được nên tự chất
củi thiêu mình thoát hóa trước Tổ. Lại có chuyện, sau khi Tổ viên tịch, có con
bạch hổ lâu nay theo hầu Tổ cũng về phủ phục bên mộ Tổ buồn rầu, chẳng hề ăn uống
và mấy hôm sau nằm chết bên ngôi mộ. Do vậy mà cạnh tháp Tổ có một nấm mồ gọi
là Bạch Hổ do nhà chùa an táng. Phía chân tượng Phật nằm, ven bãi đá ngổn ngang
mọc đầy cây thuốc ngũ gia bì, chuối đá…Cạnh đó có một hang đá, cửa vào rất hẹp
chỉ vừa vặn một người cũng đã khó khăn. Luồn vào trong có tảng đá lớn bằng phẳng
là nơi Tổ thiền tịnh nay trở thành chỗ thờ (Hang Tổ). Bước chân đầu tiên của buổi
khai sơn, Tổ đã coi nơi này là “Như Lai tịnh thất”. Vào sâu nữa bằng nhiều ngõ
ngách, bóng tối âm u trong đá như vô tận. Lối đi càng xa càng thấy trút xuống dần,
gặp nhiều ngã rẽ, nhiều vực thẳm và hơi lạnh từ đá xông ra. Người đi thám hiểm
vào hang sâu thường đốt nhang cắm dọc lối đi để định hướng quay về và cũng là
van vái được an toàn. Tiếng nước chảy róc rách từ khe đá vang vọng chân ngôn
huyền bí khó mà diễn đạt bằng ngôn từ trần thế. Có người kể, ngày xưa quăng vào
hang một trái bưởi hoặc quả dừa nếu đánh dấu thì khoảng vài ngày sau sẽ tìm thấy
trôi trên biển Khe Gà… Những chuyện mang vẻ kỳ bí và linh diệu về Hang Tổ đến
nay vẫn còn trong tâm tưởng của người mộ đạo.
***
Ngưỡng
mộ trước những di tích đậm bản sắc tín ngưỡng trong một khung cảnh thiên nhiên
đầy quyến rủ, khách thập phương sẽ thầm nghĩ từ cơ duyên nào mà đưa đẩy thiền
sư Trần Hữu Đức vượt ngàn trùng rồi dừng chân nơi này. Đất có linh, núi có
thiêng cũng phải từ một sức mạnh vô hình được khơi dậy sự mầu nhiệm đáp ứng nỗi
khao khát của tư tưởng con người. Giá trị siêu phàm của pháp thuật mà thiền sư
Hữu Đức ở chỗ dày công khổ luyện biến năng lực tự phát của tâm hồn như dòng nước
xoáy trở thành hồ gương phẳng lặng phản chiếu hình ảnh thế gian. Bởi ngài thấu
triệt tinh thần Mật tông đích thực để trở thành bậc đại trí nguyện độ chúng
sinh. Tà Cú với tiềm năng đa dạng được thiên nhiên ưu đãi rồi nức tiếng linh
sơn có từ xa xưa, gắn với những ngày khổ hạnh tu luyện của Tổ Hữu Đức.
Nguyên
quán của Tổ thuộc làng Bạc Má, quận Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay là huyện Tuy
An, Phú Yên) và sinh ra trong một gia đình quí tộc. Thân phụ ngài là Trần Thái
Công, thân mẫu là Nguyễn Thị Từ , bậc hiền đức từ tâm. Tổ có thế danh Trần Hữu
Đức sinh năm 1812 dưới thời Gia Long thứ 11. Thời thơ ấu ngài đã phát lộ tư chất
thông minh lạ thường. Trong các bữa cơm gia đình chỉ một ít mùi cá thịt là ngài
không bao giờ đụng đũa. Những suy nghĩ đầy trí tuệ, nhân hậu đến người lớn tuổi
cũng phải trầm trồ thán phục. Năm 17 tuổi, song thân lần lượt qua đời, ngài quyết
chí xuôi vào nam tìm đường tu tập. Tuy còn trẻ nhưng ngài sớm nhận ra nỗi trầm
luân, cảnh đau thương vì sinh ly tử biệt của kiếp người luôn đọng lại trong tâm
tưởng. Cùng lúc trước hoàn cảnh xã hội đương thời bao chuyện nhiễu nhương đã
thôi thúc ngài thực hiện ý nguyện thoát tục để bắt đầu cuộc hành trình đạo pháp
từ đó. Trên mảng thuyền nan lướt sóng theo mùa gió, ngài cập bến Phan Thiết, yết
bái sư trụ trì Trí Chất đại sư, chùa Phước Hưng xin thọ giáo và được đặt pháp
danh Thông Ân. Ngài trải qua 13 năm dồi mài kinh điễn, giữ nguyên đạo giới. Từ
đây, thực hiện ý nguyện hoằng dương đạo pháp, giải thoát kiếp người. Rời chùa
Phước Hưng, ngài đến làng Kim Thạnh, xứ Bàu Trâm (nay thuộc xã Hàm Minh, Hàm
Thuận Nam) dựng thảo am tu tịnh, vừa bốc thuốc tế độ dân nghèo. Dân làng mến phục
góp công của dựng chùa Kim Quang nhưng ở đây được 30 năm ngài quyết theo con đường
hành đạo và đi đến Bàu Siêu lập thảo am thiền tịnh. Nhưng rồi nhiều người đến
xin thọ giáo mà thầy thấy tâm nguyện chưa thành nên lại tiếp tục ra đi. Núi Tà
Cú là nơi ngài tìm đến, từ Đá Bàn Hạ rồi chuyển dần lên Đá Bàn Thượng để tịnh
tâm khổ luyện. Điểm cuối cùng ngài cảm được sự an nhiên là một hang đá sâu thẳm,
vừa tĩnh lặng vừa bí ẩn làm tịnh thất tọa thiền. Đó là Hang Tổ.
***
Giữa cảnh núi cao, khí hậu khắc nghiệt, thú dữ rình rập,
cách biệt với dân cư thì nhà sư sẽ sống ra sao, nhưng được lý giải từ những môn
đồ kế tục. Nhờ pháp thuật cao siêu mà Tổ thuộc dòng Lâm Tế chánh tông thứ 40 đạt
được sức mạnh chuyển hóa vạn vật xung quanh. Pháp thuật Siddhi mà Tổ tu luyện
có khả năng biến tư tưởng hạ tiện thành bảo vật, biến than thành kim cương sáng
chói, biến thuốc độc thành thuốc trường sinh. Biết bao huyền thoại về Tổ Hữu Đức
suốt 16 năm khai sơn với sự nhiệm mầu của trí tuệ, đại hùng. Theo lời truyền tụng
nghe có vẻ hoang đường nhưng có gì đó để thành điều suy gẫm về ý nghĩa nhân quả
trong triết lý Phật giáo. Chuyện con cọp lông trắng (bạch hổ), từ oai danh chúa
sơn lâm nay trước Tổ chỉ là bé nhỏ, yếu mềm bởi pháp thuật và đạo hạnh của Tổ,
nên làm con vật trung thành cho đến ngày Tổ mất thì cũng chết theo. Trên cánh rừng
chùa Núi có cặp chim hồng hoàng cao cát với bộ lông rất đẹp, xuất hiện từ khi
có Tổ. Tiếng chim hót lên cũng là báo hiệu có khách thập phương đi lễ Phật ở dưới
núi sắp lên, rồi bay lượn mừng rỡ dẫn đường. Bữa ăn chay tịnh của Tổ chỉ có lá
rừng rau lũi hái từ vách núi, nước uống hứng tận khe đá trong hang. Có người kể
về sự linh ứng của Tổ còn đến sau này, đó là khi xây pho tượng Phật nằm 49 mét,
nhu cầu vận chuyển sắt thép, xi măng lên đến núi đã khó. Trong khi khối lượng
cát xây phải cần đến gấp trăm lần lại giữa địa hình sườn núi đá phủ kín mà
không phải đưa từ dưới lên. Trước ngày thi công, sư trụ trì lúc ấy cho trữ nước
dùng vào các mái khạp rồi bít kín các lỗ mạch nước tự nhiên chảy hàng ngày, thắp
nhang niệm chú. Sáng ra, từ các mạch nổi trào ra những đụn cát nhuyễn dùng được
cho công trình.
Vào
năm Tự Đức thứ 33 (1880), Hoàng thái hậu Từ Dũ lâm trọng bệnh, mắt mù lòa nhưng
các ngự y, danh y tài giỏi ở triều đều bất lực. Nhà vua châu tri khắp thần dân
trong nước kêu gọi ai cứu được mẫu hậu sẽ trọng thưởng. Bởi tiếng đồn về danh đức,
pháp thuật của Tổ từ lâu, vị quan đầu tỉnh Bình Thuận lập tức viết biểu tâu lên
vua. Vua Tự Đức hạ chiếu sai sứ xin rước Tổ về triều chữa bệnh cho Hoàng thái hậu.
Nhưng vì đã nguyện không bao giờ xuống núi nữa mà chỉ trao cho sứ thần mấy chú
chuẩn đề và thảo dược cùng cách sử dụng vì không thể về triều theo chiếu chỉ của
vua. Quả là linh nghiệm, sau khi uống hết các chú chuẩn đề và thảo dược, Hoàng
thái hậu vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, nhanh chóng bình phục là điều không ai
tưởng đến. Vua Tự Đức tỏ lòng cảm phục Tổ và ân đức ban sắc phong bốn chữ “Linh
Sơn Trường Thọ” cho mái chùa mà Tổ khai sơn và tu tịnh.
Là một
địa danh lịch sử văn hóa nổi tiếng nhưng vẫn còn thường gặp cách gọi cách viết
từ Tà thành Trà.Thực ra từ Tà do phát âm của người Chăm và viết theo phiên âm
tiếng gốc từ “jaye” trong tiếng Phạn như Trà Khúc, Trà Bồng (Quảng Ngãi), Trà
Mi (Quảng Nam)… tất nhiên mang nghĩa khác. Nhưng ở miền Nam cũng gặp ở các địa
danh Trà Cú (Trà Vinh) gốc Khmer –Thkóu là con rạch sâu. Ngữ âm Tà/Trà bị ngữ
âm địa phương chi phối (đọc trại) hoặc lỗi in sai, dịch sai địa danh vay mượn từ
gốc dân tộc. Cũng có tài liệu theo bản đồ người Pháp ghi Ta Kou, tiếng Chăm là
Takuh (con chuột), người Tày-Nùng , K’ho gọi Tà là núi. Từ đó được ghi bằng chữ
Nôm, mượn dạng chữ Hán để rồi dịch ra theo nghĩa Việt. Nhưng từ Tà là thành tố
địa danh Tà Cú ở đây có nghĩa là Ông/ Thần, hình ảnh thiêng liêng.
Phan Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét