BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỚI THẠC SĨ LẠI QUẢNG NAM - Phiếm luận của Chu Vương Miện


        
             Nhà thơ Chu Vương Miện


                      MA MỊ
          (Trao đổi với Thạc Sĩ Lại Quảng Nam)

Được biết anh, chưa tới 25 tuổi đã tốt nghiệp Cao học. Bây giờ sau 42 năm, chúng ta còn may mắn sống sót qua cuộc "kim kiếm điêu linh" thật là mừng. Xin trao đổi về từ Ma Mị, theo anh thì từ Ma không có nghĩa nào Tốt Đẹp cả.
Chu Vương Miện chỉ Thống Nhì với anh ở quan niệm này mà thôi, không thể thống nhất được. Nếu dùng từ Nhất Trí thì cũng chỉ là Nhất Trí Thôi, chớ không Nhất Trí Cao được.
Mở vài trang ở vài cuốn tự điển, thì Chu Vương Miện thấy như sau :
- Ma là một loại cây có vỏ, có thể tước ra phơi khô, xe lại thành dây để cột (như cây gai còn có tên là cây tầm ma, cây trữ ma)
- Ma có nghĩa là cha, các Hoàng Tử con của vua Khang Hy gọi Ngài là Hoàng A Ma, còn Hoàng A Nương Là Mẹ, là Hoàng Hậu"
- Ma thuật là chiến thuật tác chiến quân sự, khi ẩn khi hiện, làm cho quân địch không biết đâu là thật đâu là giả để dành lấy thắng lợi.
Chữ để diễn đạt nghĩa, không có từ nào chỉ để diễn tả cái xấu, và cũng không có từ nào chỉ để diễn tả cái đẹp ?
*
Từ MA MỊ mà nhà văn Lê Mai choàng vào thơ của nhà thơ Nguyễn Khôi, là quyền của nhà văn Lê Mai, còn đúng được bao nhiêu phần trăm lại là phần chung của người đọc, chứ không có nghĩa là ai cũng giống như nhà văn Lê Mai. Chúng tôi không có ý khen hay chê mà chỉ tham gia vào giải nghĩa từ chữ mà thôi.
Anh Lại Quảng Nam có đề cập tới Mị Nương và Mị Châu là hai Mỹ nhân có mang từ Mị, (hình như để trả lời riêng với bạn Phú Đoàn) mà không đề cập chi nhiều tới từ Ma. Vậy trước khi đi tới diễn giải từ Mị, chúng tôi xin lạm bàn về từ Ma trước.

MA
Ma Thiên Lãnh là một Ải tối quan trọng của nước Đông Liêu, tức là nước Cao Ly, vào thế kỷ thứ 7, thì Sử Trung Hoa còn chưa mở mang, họ cũng không biết nước Cao Ly là nước nào, mà họ chỉ biết nước Liêu ở Phương Bắc, tiếp giáp với Sơn Hải Quan của tỉnh Hà Bắc "bây giờ là Bắc Kinh" gần với sông Áp Lục mà qua sông này là nước Cao Ly, mà nằm về phía Đông của nước Liêu, nên họ gọi là Đông Liêu  (tức là nước nằm về phía Đông của nước Liêu). Ải Ma Thiên Lãnh là một vị trí chiến lược quan trọng vào bậc nhất, bên cạnh núi là vực thẳm của biển cả, vì nếu chiếm được Ải Ma Thiên Lãnh thì chỉ đi chừng 50 dặm nữa là đến một vùng mỏ vàng Lộ Thiên  Kim Ô, tha hồ mà tiếp thu, đó là lý do nhà Đại Đường mang quân chinh phạt nước Cao Ly. Lý do phụ là chậm ngày Cống Phẩm, đáng lẽ phái đoàn đi về phía Tây đến Lạc Dương, Hà Nam thì lại đi về hướng đông. Còn lý do chính là nước Cao Ly (Đông Liêu) có mỏ vàng lộ thiên, cứ xúc mang về nấu lỏng ra đổ vào khuôn là mang ra xài thoải mái, không phải mất nhiều sức lao động chi cả. Thành ra cứ thường xuyên lấy cớ mang quân sang chiếm "dạy cho bài học nhớ đời". Cứ bổn cũ soạn lại, đi Tiền Phong là các bạn Hỏa Đầu Quân dưới quyền Nguyên Soái Tiết Nhơn Quý, khi thành công thì toán này đi chỗ khác chơi, mà dành cho Lỗ Quốc Công Trình Giảo Kim với mấy chục chiếc xe goòng, cấp kỳ ngày đêm khuân vàng ròng lên xe, rồi chuyển xuống thuyền mang về nước Tàu. Càng học cho đến khi Mỏ Vàng Lộ Thiên hết ráo, thì người Hán không còn mang quân dạy cho nước Đông Liêu một bài học nào nữa.
- Đơn Kiếm Diệt Quần Ma là tác phẩm kiếm hiệp Chưởng cùng môn phái với đại văn hào Trà Lương Cấm Dùng.
- Lục Chỉ Cầm Ma cũng giống như trên, nhưng có xuất xứ từ pho Lục Mạch Thần Kiếm, dùng 6 đường chỉ lực để giữ con Ma lại không thì sợ con Ma biến mất!

MỊ
Thời Hùng Vương con trai Vua được gọi là Lạc Hầu (văn) và Lạc Tướng (võ), con gái gọi là Mị Nương tức Công Chúa. Vào thời Nhà Thục thừa kế nhà Hùng Vương thì gọi khác đi, con gái là Mỵ Châu. Nếu xét về từ chữ thì Mị Nương đã sai rồi , bài thơ ca dao truyền khẩu như sau :

Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu hát thì thậm hay 
Cô Mị Nương vốn ở lầu tây
Con quan Thừa Tướng ngày rầy cô cấm cung 
                                          (Lời ca dân gian) 

Như trên đã dẫn, từ Nương chỉ để dành cho con Gái nhà Vua  mà thôi (như Công nương Diana), còn con quan Thừa Tướng ai cho phép được gọi là Nương (Mị)?
Thôi bỏ qua chuyện này, chúng tôi trở lại với từ Mị, Giai nhân Mị Nương được chàng Ca Nhạc Sĩ Trương Chi ngưỡng mộ, còn Trương Chi thì cũng được ngưỡng mộ lại, nhưng khi gặp nhau thì kết quả không ra cái gì! Chàng Ca Nhạc Sĩ ôm mối tình tuyệt vọng mà thác, thân xác thì tan thành cát bụi để trộn với vôi xây lâu đài, còn trái tim thì được đục đẽo cải tạo thành cái ly uống nước trà, mỗi khi nàng Mị Nương uống trà thì hình ảnh anh chàng thuyền chài nghèo khổ mặt rỗ mắt toét, xuất hiện trên ly trà, và tiếng hát xa xưa vọng về. Mị Nương thương cảm rớt nước mắt trên ly nước, sau đó thì nước và ly nước tan ra thành nước hết.
Mị Châu là con vua Thục An Dương Vương, vì mắc vào Kế Nam Nhân nên thân bại danh liệt và bỏ của chạy lấy người. Chạy đến chân núi Mộ Dạ thì thần Kim Qui hiện lên và phán ngay rằng : "Giặc sau lưng nhà ngươi đó", thế là An Dương Vương bèn rút kiếm, chém một nhát cô con gái cưng Mị Châu đi đời nhà ma! Máu của Mị Châu từ cổ chảy lênh láng xuống biển, các loài nhuyễn thể như con trai, con sò, uống phải nên kết tinh lại thành những viên ngọc trai tuyệt đẹp tuyệt đắt giá.
Phần trên là trái tim của chàng Trương kết thành khối Ngọc Người. Phần dưới thì máu Mị Châu kết thành Ngọc Trai.
Ma Mị có nghĩa chung chung là mối tình lâm ly bi đát, có thể mang diễn thành tuồng tích hay soạn thành phim truyện để chiếu thành cinema.
Và người viết này tức Chu Vương Miện đang chờ Thạc Sĩ Lại Quảng Nam chỉ bảo cho đôi điều phải quấy.
                                                                                          Kính!
                                                                                Chu Vương Miện 

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỚI HAI ÔNG NGUYỄN BÀNG VÀ NGUYỄN KHÔI - Phiếm luận của Chu Vương Miện


          
               Nhà thơ Chu Vương Miện


TRAO ĐỔI

Kính gửi Huynh Nguyễn Bàng & Huynh Nguyễn Khôi.
Tiểu đệ đã đọc bài viết của Hai Huynh nặng về Ngôn Ngữ Học "kèm theo Thư Mục hoàn chỉnh của một thời quá độ mà giá trị thực tiễn không còn lại bao nhiêu" vì thời gian qua quá mau và quá nhanh, mọi sự mọi chuyện đã thay đổi, tiểu đệ mang tâm trạng của nhà thơ Phùng Quán để trao đổi với hai huynh, mục đích là tìm học tận cùng cái đích của sự hiểu biết :

           Hỡi cô bạn sinh viên trường đại học 
           Vẫn cùng tôi luận luận bàn bàn
           Kiến thức hai ta dù góp lại 
           So với đời chỉ độ tấc gang ?
                        (Thơ Phùng Quán)

Xin được vào đề ngay, từ "Ma Giáo" hay "Tà Ma Ngoại Đạo" đa số chúng ta hiểu theo những bộ trường giang tiểu thuyết dã sử của Đại Văn Hào Kim Dung (được chế độ Hoa Lục công nhận là bốn vị Đại Văn Hào số 1 của Trung Quốc thời cận đại, Kim Dung chỉ đứng sau Lỗ Tấn và đứng trước Ba Kim, còn một vị thứ tư nữa thì tiểu đệ quên mất), những điều tiểu đệ trình bày ở đây là hoàn toàn có tham khảo vài vị "Sa Môn" và "Tỳ Khưu" kiến thức đã được cập nhật mới toanh.
- Tà Ma Ngoại Đạo có nghĩa là đạo từ bên ngoài truyền vào nước Hoa Lục  từ cuối thế kỷ thứ 5 đầu thế kỷ thứ 6 là Phật Giáo Thiền Tông, thời kỳ sau nhà Đông Tấn đến Nam Bắc triều, Hỏa Giáo thì truyền vào đầu thời nhà Bắc Tống thế kỷ thứ 11, Tà theo người miền Tây Nam Bộ và người Việt gốc Miên có nghĩa là Ông Thần.
Ma thì đúng là có tới 28 nghĩa như Huynh Nguyễn Bàng đề cập ở trên, nhưng ở bài này thì tiểu đệ diễn giải theo sự hiểu biết của tiểu đệ, theo Phạn Ngữ (Pali) thì :
- Bồ Đề Đạt Ma, chữ Đạt Ma ở đây có nghĩa là người đã đạt tới cảnh giác Ngộ Đạo, chấp pháp.
- Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị Phật Sống "Hoạt Phật" ngang hàng với Ban Thiền Lạt Ma, vị Phật Tái Sinh.
Tà Ma có nghĩa là Ông Thần hiện đang còn sống, có phép mầu nhiệm cứu nhân độ thế, có nghĩa là một vị giáo chủ có võ công tuyệt luân như Trương Vô Kỵ dùng tuyệt học " Càn Khôn Đại Na Di Tâm Pháp" ghi trên tấm da dê cất dấu trong hang Quang Minh Đỉnh và bí quyết ghi trên sáu thanh Thánh Hỏa Lệnh, thắng được Lục Đại Môn Phái của Trung Thổ là Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, Côn Luân, Không Động và... Sau Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký thì tới Đông Phương Bất Bại với tuyệt học "Quỳ Hoa Bảo Điển" một phó bản của "Tịch Tà Kiếm Pháp" và Nhậm Ngã Hành giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo với đại công phu "Hấp Tinh Đại Pháp".
Nội Giáo của người Trung Quốc, cơ bản là Đạo Khổng và Đạo Lão Trang, Đạo Khổng là một đạo nặng về Luân Lý làm người công dân, trung với nước, hiếu với vua "Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung" hoặc Quân, Sư, Phụ, làm công dân thì phải tôn trọng Vua, rồi tới Thầy sau cùng là Cha.
Quan niệm nhân sinh là như thế, từ mấy ngàn năm rồi.  Thờ Trời, mà Hoàng Đế tức là Vua, là con Trời (Thiên Tử), khi không bây giờ xuất hiện một thứ Tôn Giáo du nhập từ bên ngoài vào mà chủ trương chỉ thờ Thần Linh mà thôi. Quan niệm này nó "chõi" với chế độ phong kiến đang lưu hành lúc đó, nên bằng mọi cách bị giai cấp thống trị liệt vào dạng Ma Giáo để tiêu diệt, chả hạn giặc Phương Lạp du nhập vào từ thời Bắc Tống có ngưồn gốc từ Ba Tư  (Iran) có tên là Mani giáo, truyền sang Trung Quốc chuyển thành Minh Giáo tức Hỏa Giáo chuyên ăn chay, thờ Ma (Thần) không uống rượu, không ăn thịt, không tà dâm, y như bài "Hỏa Ca":
Sống chả có gì vui, chết chả có gì buồn, hãy mang thân xác này đốt ra tro .
Giặc Phương Lạp là giặc chuyên dùng một cái thau bằng đồng để cỏ khô thơm vào đó, rồi đốt cho khói bay lên trời, còn tín đồ thì đứng thẳng người, hai tay dơ lên mà hát Hỏa Ca, bên cạnh là những dẫy đèn cầy, Phương Lạp là tên gọi của giáo Phái đầu tiên của Minh Giáo, sau đó thì chuyển thành Nhật Nguyệt Thần Giáo (vì chữ Minh vốn là hai chữ Nhật Nguyệt ghép lại), sau đó thì một bộ phận cùng giáo phái khác tông là Di Lạc Tôn, ở Tứ Xuyên thì có một bộ phận khác là Xí Hỏa Giáo và ở Vân Nam thì có một chi phái là Ngũ Độc Giáo.
Bài trao đổi lần thứ hai này, xin tạm kết thúc nơi đây. Rất mong là chúng ta còn trao đổi dài dài. Cả một rừng sách,tha hồ mà tham khảo, tha hồ mà trao đổi, anh em ta ở không, "đáp lời sông núi", tiểu đệ sẵn sàng bồi tiếp hai huynh
                                                                                         Kính.
                                                                             Chu Vương Miện

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỀ KHẨU NGỮ "MA MỊ" - Nguyễn Khôi


    

   Thân gửi : Các Bạn thơ...

  TRAO ĐỔI VỀ KHẨU NGỮ "MA MỊ"
             
  Theo Từ điển Hoàng Phê thì "Ma mị" là khẩu ngữ, tương tự như "ma giáo"...mà "Ma giáo = gian giảo , bịp bợm. Đó là thời điểm Tiếng Việt năm 1987, cách nay đã 30 năm  (thời kỳ CHXHCN Việt Nam đang bị "cấm vận"/ và cũng tự "đóng cửa" ; bị cô lập & tự cô lập mình ! ?). Đến nay công cuộc "đổi mới" - mở cửa cũng đã ngót 30 năm (1 thế hệ đời người) Tiếng Việt là "sinh ngữ" được Người Việt "vượt biên"/ xuất khẩu lao động / đi học ở nước ngoài giao lưu/ sử dụng khá rộng rãi nên nhiều "từ"/ thuật ngữ  cũng thay đổi ngữ nghĩa không còn  như "từ gốc "ban đầu nữa . Riêng từ "ma mị", hiện đang được các Nhà Báo, Nhà văn dùng trong nhiều trường hợp với ý nghĩa "đẹp/ huyền diệu"...xin ví dụ :
*1- Người đẹp Lâm Thùy Anh (1m75) với vẻ đẹp ma mị quyến rũ sắc đỏ : với bộ sưu tập sắc đỏ phù hợp với ý tưởng Đạo diễn đề ra, tôn lên sắc vóc đẹp xứng tầm siêu mẫu thế hệ mới Lâm Thùy Anh... Khán giả sẽ bị thôi miên từng thước hình sắc đẹp rực rỡ chiều hoàng hôn mà Lâm Thùy Anh biến hóa ma mị xứng tầm 1 tài năng siêu mẫu thế hệ mới. Nguồn : http://Ngôi sao.vn
*2- Ma mị là điều huyền  bí
*3- Sửng sốt bộ ảnh ma mị mà ám ảnh của Nhiếp ảnh gia tài năng gây ấn tượng cho người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên ( huyền diệu / siêu nhiên)
*4- Ma mị = sức hút làm mê đắm.
*5- Ma mị : làm mê muội, quyến rũ.
*6- Nói về cô Phượng Hàng Ngang: nàng là "Tây Thi phố cổ" mang vẻ đẹp ma mị (xem Truyện "mồ cô Phượng ")
*7- Ma mị : bí ẩn, nhiều tầng nghĩa sâu sắc.
*8- Film "có yêu nhau" kể chuyện tình ma mị, ám ảnh
*9- Thung lũng Ma Thiên Lãnh ở Tây Ninh: đẹp ma mị và hoang sơ.
*10- Qua vùng Thủy Tiên- một thoáng ma mị trong lòng xứ Huế mộng mơ.
*11- BST tung MV ma mị : nhạc chất chẳng kém gì USA- UK !
*12- Say đắm trước vẻ đẹp từ đáng yêu đến ma mị của nàng "Sam Sam" Triệu Lệ Đĩnh (Film Hoa ngữ)
*13- Vẻ đẹp ma mị nơi tận cùng thế giới : nơi đây cuốn hút bởi vẻ đẹp ma mị đày bí ẩn khó lòng giải thích được ở Chi lê và Argentina.
*14- Vẻ đẹp ma mị kiêu sa của hot girl trường Đại học Điện ảnh. V.v...
  Sơ bộ kết luận : "từ"(ngữ) MA MỊ dùng theo "thì hiện tại" nó có thể giải nghĩa là :
       1/huyền bí, quyến rũ, ám ảnh
       2/ sức hút làm mê đắm
                     
 Kính các Bác, các anh, các chị xem xét... có điều  gì bất cập, xin được chỉ giáo nhằm  hoàn chỉnh giải nghĩa từ "ma mị" ?

                                       Làng Mọc Quan Nhân (Hà Nội) 24-2-2017
                                                      Kính bút: Nguyễn Khôi

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỀ CÁC TỪ 'XÁCH MÉ", "MA MỊ" - Phiếm luận của Chu Vương Miện


         
               Nhà thơ Chu Vương Miện


                 TRAO ĐỔI VỀ CÁC TỪ 'XÁCH MÉ", "MA MỊ"
                                                                       Chu Vương Miện

Cùng các niên trưởng Nguyễn Bàng, Nguyễn Khôi, các thân hữu Châu Thạch, Phạm Đức  Nhì, nhà thơ Lê Mai, tiến sĩ ngữ học Nguyễn Ngọc Kiên... Toàn là những người quen cả.
Trong thời gian vừa qua,Chu Vương Miện phần thì tang gia bối rối, phần đau, máy vi tính thì bị " Sự ông Cố ", muốn lên tiếng minh họa nhưng không được. Nay tạm ổn nên có đôi dòng viết huề vốn là không khen ai, và cũng không chê ai, mà chỉ xin được giải nghĩa hai từ  :
1. Xách mé
2. Ma mị
Đầu đuôi cũng do hai từ này mà ra!
1. Xách mé :
- Là danh từ cũ cùng thời với từ cái trống Cổ, con vịt Cồ, Cổ và Cồ đều có nghĩa là Lớn, y như con Trâu Mộng vậy, ngoài ra còn chữ Kếch Xù nữa .
Ví dụ như chúng ta VÁC trên vai "ba lô, gùi, bó mía, bó rơm. Hai tay BƯNG nồi cơm, hai tay bưng chiếc mâm (dùng 2 tay). Nhưng XÁCH thì chỉ dùng 1 tay mà thôi (tay phải hay tay trái tay nào thuận) như xách va ly, cặp táp, xách đèn (đi câu ếch).
Nhưng dùng 1 tay để XÁCH đồ vật có chứa nước thì thường là nước chảy ra lênh láng, như xách cái nồi có nước, hay xách cái chảo có nước, ý nói là không hoàn chỉnh "không hoàn hảo"
2 Ma Mị :
Ma có nhiều nghĩa, nhưng giải cho nó đúng theo cái nghĩa của tác giả Lê Mai thì Ma có nghĩa là Con, chúng tôi ở miền Tây Nguyên bốn năm, có biết đôi chút về tiếng Rhade "Ede" và tiếng Chăm. Nguyên chữ ban đầu là A Mỉ Ma Thuột rồi chuyển đến là Buôn Thuột, rồi Buôn Ma Thuột, người Kinh Việt sửa lại thành là Ban Mê Thuột. Ban Mê Thuột là do người Việt sửa cho nó thống nhất, chứ thực ra không có ý nghĩa gì cả. A Mỉ Ma Thuột là quận nội thành, còn tên chính thức địa phương của tỉnh là DakLak, người Pháp cố sửa chữ Ê Đê có nguồn gốc giống người Pháp, là DacLac có nghĩa là cái nơi có Sông và Hồ
Bây giờ xin trở lại địa danh "A Mỉ, Ma Thuột" có nghĩa là " Bà Mẹ, Con Thuột". Bà mẹ thì rõ ràng là đàn bà, nhưng Ma Thuột chỉ có nghĩa là Người Con "không nam và không nữ " cũng như Người Tây Nguyên gọi :
- Ma Gà, Ma Chó có nghĩa là Con Gà, Con Chó không phân biệt gà lớn hay gà nhỏ, Gà Đực hay gà Mái, khi mang ra chợ bán,thì giá đồng hạng, gà trống nặng chừng 2-3 ký lô giá 1 đồng, gà mái nặng từ 1 đến 2 kí cũng 1 đồng và gà con bằng nắm tay cũng giá 1 đồng, và chỉ mua một con, trả tiền xong thì mua tiếp con thứ hai,
chứ mua một lúc hai con thì ngừơi Tây Nguyên không bán, lý do là trong số đếm họ chỉ có số duy nhất số Một (1) mà thôi.
MỊ : ngủ thì nằm mộng, nhưng thức thì hết mộng
          "Khi tỉnh rượu lúc tàn canh 
           Giật mình mình lại thương mình xót xa"
                                                              (Kiều)
Còn Mơ thì có thể không cần phải ngủ, thức cũng được, như trường hợp cô Bê Rét trong truyện của La Fontaine, cô này đầu đội bình sữa bò ra chợ bán chừng 5 lít, cô vừa đi vừa nghĩ bán xong cô sẽ mua một bầy gà con, rồi gà lớn cô bán đi... nhiều tháng cô để dành mua một con Bê, con Bê lớn thành con Bò cho nhiều sữa, tha hồ mà sung sướng, nghĩ tới đó thì cô vui mừng quá bèn nhảy lên, làm bình sữa đổ mất .
MỊ theo học giả Phạm Quỳnh khi phê bình thơ của cụ Tản Đà thì như sau : "Những người mắc bệnh MỊ thì cứ có cảm tưởng mình là Trích Tiên, hay Lý Thái Bạch bị trời đầy xuống trần gian, cứ rượu vào là trăm lần y như một, giống như có nhiều Diễn Viên (kép hát) thủ diễn xong vai tuồng trên sân khấu, trở về đời thường có nhiều người còn nhập vai có khi vài tháng sau mới hết, có người thì nhập vai luôn"
Vậy Ma Mị có nghĩa là một người được xếp vào loại không là Nam  và không là Nữ, thuộc vào loại Ma như Ma Gà... và MỊ là bị bệnh tưởng  na ná giống bệnh Mộng Du vậy!
Ma Mị có nghĩa là : " Nó bị bệnh MỊ "
Đây chỉ là ý kiến của "Cá Nhân" ? Vậy còn ý kiến của "Thịt Nhân" như thế nào ? Kẻ viết bài này xin lắng tai được nghe được chỉ bảo.

                                                                                Chu Vương Miện

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

TRAO ĐỔI VỚI CHÂU THẠCH - Phạm Đức Nhì


             
                      Anh Phạm Đức Nhì 


   TRAO ĐỔI VỚI ANH CHÂU THẠCH

Về “sức ma mị” trong thơ Nguyễn Khôi.
Cả anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng đều tra tự điển và đều cho rằng hai ông Lê Mai và Nguyễn Ngọc Kiên có ý xấu khi gán cụm từ “ma mị” cho thơ NK.
Đầu tiên là anh Châu Thạch:
Trước hết tôi tra tự điển hai chữ “ma mị” và thấy giải thích như sau: Ma mị (khẩu ngữ) như ma giáo. Sau đó tôi tra tiếp chữ “ma giáo” và thấy giả thích như sau: Ma giáo (khẩu ngữ) xảo trá bịp bợm.
Sau đó là bác Nguyễn Bàng:
Tôi có cảm giác đây là một lời khen đểu mà đểu nhất ở cái từ “ma mị” bởi ma mị không chỉ như từ điển diễn giải giống như “ma giáo” mà nó còn bao hàm 3 yếu tố: Kích thích nhẹ, quyến rũ nhẹ và kinh dị nhẹ….
Và nếu đúng thế thì, nhận định ấy không chỉ coi nhẹ thơ Nguyễn Khôi mà còn coi thường người đọc thơ Nguyễn Khôi và đặc là những người yêu thích thơ ông là những người không hiểu nhiều gì về nghệ thuật thi ca mà chỉ là những người rất tầm thường, bị cuốn hút bởi những tiếng thơ như tiếng hồn ma ấy chả khác gì những kẻ sợ ma nhưng thích nghe truyện ma,
Tôi cũng tra mấy cuốn tự điển rồi dạo internet vài vòng và tìm được khá nhiều cách dùng chữ “ma mị” không xấu như anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng đã đưa ra để chỉ trích hai ông Lê Mai và Nguyễn Ngọc Kiên. Xin cử ra vài chỗ:
Chất ma mị trong giọng hát của Lana Del Rey
https://www.facebook.com/YeuNhacTiengAnh/posts/238446172974157
Nổi da gà trước giọng hát ma mị của Miu Lê
http://tiin.vn/chuyen-muc/nhac/noi-da-ga-truoc-giong-hat-ma-mi-cua-miu-le.html
Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp ma mị của Krystal (f(x)) trong MV hợp tác với thành viên ban nhạc Indie
http://tinnhac.com/ngo-ngang-truoc-ve-dep-ma-mi-cua-krystal-f-x-trong-mv-hop-tac-voi-thanh-vien-ban-nhac-indie-94358.html
Theo tôi “giọng hát ma mị”, “vẻ đẹp ma mị”, “thơ NK có sức ma mị” là những lời khen “đắt giá”, ý nói giọng hát của Lana Del Rey, Miu Lê, vẻ đẹp của Krystal hay thơ Nguyễn Khôi có khả năng xâm nhập và (đôi khi) chiếm đoạt tâm hồn người nghe, người xem, người đọc một cách phi logic – không thể giải thích được.
Nếu sự tra cứu và giải thích của tôi đúng với tâm ý của hai ông NNK và Lê Mai (tôi hy vọng là như vậy) thì khi viết câu “nó có sức ma mị” (ông Lê Mai viết, ông NNK trích dẫn) cả hai ông đều nghĩ là đang trao tặng nhà thơ NK một bó hoa hồng tươi thắm, nhưng qua sự phân tích của anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng, bó hoa hồng đã biến thành một rổ cà chua trứng thối. Thật bẽ bàng cho cả người trao tặng lẫn người đưa tay đón nhận.
Dù có đúng như thế, tôi vẫn nghĩ đây là lỗi kỹ thuật trong sạch. Cả anh Châu Thạch và bác Nguyễn Bàng đều không có ác tâm, ác ý trong chuyện này.

ĐI TÌM BẾN MY LĂNG TRONG THƠ YẾN LAN - Hồi ký của Lâm Bích Thủy


                       
                              Nhà thơ Yến Lan


       ĐI TÌM BẾN MY LĂNG TRONG THƠ YẾN LAN

Không biết tự bao giờ cái không gian mơ, thực đầy tình người của một bến sông tên là Bến My Lăng đến và lắng lại trong tôi...? Phải chăng một sáng nọ, khi tôi học lớp 10, thấy ông anh họ hí hoáy vẻ trên sổ tay cái tựa của một bài thơ là Bến My Lăng. Chữ Bến My Lăng anh viết bằng bút máy Trường Sơn, nét chữ thanh mảnh, mực xanh mờ dần rất nghệ thuật. Xa xa anh vẻ vài bụi cỏ có hoa nở đỏ li ti lã lướt …tôi thấy thinh thích; nhưng không biết mình thích nỗi gì?! chỉ nói: “Anh viết đẹp nhỉ!” Anh cười và hỏi: “Em biết bài thơ này của ai không?”. "Không"- tôi trả lời gọn lỏn. Vì lúc ấy bạn ơi, tôi không quan tâm đến công việc của cha mình - nhà thơ Yến Lan - đâu. Rồi sau đó, tôi lại được nghe chị cùng cơ quan - người Huế kể: "Bài thơ của ba em, trước đây, ở Huế, có một họa sĩ rất mê, anh ta đã thể hiện hình ảnh về cái Bến My Lăng bằng bức tranh vô cùng nên thơ, và lãng mạn! Bức tranh ấy hiện có thể ở đâu đó trong nhà của một gia đình thuộc dòng dõi quan lại ở Huế".  

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

MÊNH MANG XUÂN... - La Thụy cùng thi hữu


                                 

         
                  MÊNH MANG XUÂN...
                  Rằm giêng vằng vặc ánh tơ ngần
                  Lấp loáng đào mai óng sắc xuân
                  Suối nhạc du dương nâng cánh mộng
                  Sóng thơ dào dạt dậy thuyền trăng
                  Tình đời thao thiết ngân se sẽ
                  Hồn biển bâng khuâng vọng khẽ khàng
                  Thi tứ trào tuôn dần lắng đọng
                  Đất trời giao cảm đẫm mênh mang
                                                   LA THUỴ

                                     HOẠ:

                 Bài hoạ 1 

                           NGẪU HỨNG XUÂN 

                 Giữa tháng sương giăng sắc trắng ngần 
                 Nguyên tiêu ngẫu hứng họa bài xuân 
                 Thất ngôn ngữ cảnh toan tròn mộng 
                 Bát cú ngôn từ lại khuyết trăng
                 Đành bảo mây trời bay sẽ sẽ
                 Đủ ru sóng biển vỗ khàng khàng
                 Cho thơ kết tủa tình vương đọng
                 Gửi tặng xuân rằm chút ý mang
                                                     TỐ MỸ 

                  Bài hoạ 2 


                           XUÂN RẰM GIÊNG 

                  Hằng đó nhìn trong ngọc trắng ngần 
                  Muôn đời vẫn rạo rực lòng xuân 
                  Giận chồng biền biệt ham săn quạ 
                  Xót phận xa xăm thích kiếm trăng 
                  Khởi thủy xuân lai cựu tuế hảo 
                  Kết chung đông khứ tân niên khang 
                  Nguyên Tiêu ấm áp trời và đất 
                  Ý tưởng vọng toàn luôn cứ mang

                                               VÕ SĨ QUÝ 

                  

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

PHÚ ĐOÀN, LA THỤY & TRẦN MINH TẠC - Thơ Chu Vương Miện


 
                  Ảnh Phú Đoàn


        PHÚ ĐOÀN

       Ta ra đi, mười năm sau
       bạn vào lớp đệ thất

       ta năm nay 76 tuổi, cũng đang ngồi chờ chết
       nắm xương tàn xin gửi lại quê người
       chúng mình sinh ra giữa thế kỷ 20
       ngoảnh mặt lại ôi buồn da diết
       bạn xa quê nghèo định cư Phan Thiết
       quê vợ hụt cuả ta! Bình Thuận năm nao!
       bắt chước nhà thơ Bùi Quang Đoài
       ngó lên vòm trời đếm những vì sao
       bao nhiêu vì sao
       anh còn yêu em hơn thế nữa!
       chuyện vàng thau cám heo lòng chợ
       từ xưa chừ vẫn chuyện dở dang
       chuyện váy chuyện quần
       chuyện phấn chuyện son
       chuyện guốc dép mỗi ngườì mỗi nẻo
       ta đâu  phải Chế Mân chết ngoẻo
       thành quách tháp vàng thau dùng để gối đầu
       cùng voi ngựa hàng hàng xếp lớp
       chả còn gì /ngoài một cánh đồng lau
       tình với nghĩa đỏ đen nơi sòng bạc
       vào quá vui tay nhẵn lại quay về
       tình với tiền không mũ nón cũng ra đi
       ơi Bình Thuận, Bình Tuy cũng là Phan Thiết ?
       60 năm toàn ly toàn biệt

       bạn giáo viên giờ cũng về hưu
       sáng sáng, trưa trưa, rồi lại chiều chiều
       nhìn khói tàu xuyên Việt chạy qua Mương Máng
       đời chúng ta nơi nào cũng là cõi tạm
       sống ít năm khăn gói rồi dông
       bấy nhiêu năm vẫn chỉ ngọn gió nồm
       ngoảnh mặt lại chốn nào, quê hương nhỉ ?

                                        Chu Vương Miện


      
        Anh Trần Minh Tạc và La Thụy


        LA THỤY & TRẦN MINH TẠC

        Một ngườì cùng lớp đệ ngũ năm 56-57
        Một người sau mười năm mới vào lớp đệ thất
        Cũng cùng nhau nhìn một ánh trăng rằm
        Mà kẻ Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam
        La Gi, Bình Tuy, Hàm Tân 
        Trước cùng sau, chúng ta 
        đều đồng khói đồng môn
        cùng chung nhau trường trung học Nguyễn Hoàng
        thời loạn lạc mỗi người mỗi nẻo
        năm 1972 lửa bay, đạn réo
        chỉ một đường binh duy nhất
        Quảng Nam, Đà Nẵng, Sơn Chà
        Vùng cát vàng bờ bãi Tiên Sa
        dăm túp lều căng camp book
        qua chuỗi ngày chạy loạn
        sau năm 1973 chia ra từng đoàn từng nhóm
        lớp Vũng Tàu, Bà Rịa, lớp Đồng Nai
        lớp Phan Rang, Phan Thiết 
        Hướng Quảng, Đồng Xoài
        Dân mất đất biến thành dân tứ chiếng
        những bước đầu du canh du cư
        khai hoang lập ấp
        đời giáo viên, lại tiếp tục giáo hòn
        mắt rợp nhìn toàn những rừng buông
        dọc theo hai bên đường tàu xe hỏa
        thời loạn ly kẻ đi người ở
        nước non mình từ Quảng Trị vô đây
        theo gót Huyền Trân ngậm ngái tháng ngày
        bao loạn lạc rừng thiêng khí độc
        bao thương nhớ cả một đời Phan Thiết
        heo hắt buồn Hàn Mạc Tử nơi nao!
        Lầu Ông Hoàng, Ghềnh Ráng ở phương nào?
        Nhà thơ ở Quy Hoà rên xiết
        Bình Thuận, Bình Tuy vẫn quê nhà Phan Thiết
        nước non Chàm bỗng chốc lại phân hai
        chuyện anh em mình  
        vừa đồng hương đồng khói
        lại đồng môn đồng khoai...

                                       Chu Vương Miện

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

TẠP THI - Chu Vương Miện


          
            Chu Vương Miện


            TẠP THI

             tục và tu
             tu và tục
             tục đẻ ra tu
             tu cứu lại tục
             ôi hoạ cùng phúc ?

             đời nội ăn mặn
             đời cha khát nước
             đời con không còn nước
             mà uống

             độc lập
             rồi độc ruột
             kẻ chết
             kẻ chờ chết
             dở sống dở chết
             sống cũng bằng thừa
             sống cũng như không

             không biết sống để làm gì ?
             chả lẽ đây là con tiên cháu rồng
             chả lẽ đất nước này
             là của vua Hùng
             tổ tiên là Lạc Long Quân ?

                          Chu Vương Miện