Trong
các tài liệu do gia đình thi sĩ Bùi Giáng vừa cung cấp qua đợt tưởng niệm 15
năm ngày mất của ông, có một số nội dung liên quan đến tiểu thuyết võ hiệp Kim
Dung mà ông viết đến...
Bùi Giáng đã dịch Kim kiếm điêu linh của Ngọa Long
Sinh và nhận định: “Những kiệt tác của Ngọa
Long Sinh đi song song với Kim Dung và Gia Cát Thanh Vân - thực hiện cuộc chuyển
biến dị thường trong lịch sử văn học tư tưởng Trung Hoa”. Không chỉ đọc suông,
theo Bùi Giáng, đọc truyện võ hiệp là “một trong những phép tu dưỡng ký ức và
khơi dẫn nguồn vui ẩn mật trong mình. Đọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa
suy gẫm. Chưởng lực, kiềm chế, nội kình phát ra có thể là tinh thể của tinh thần
phát hiện”. Riêng với thi sĩ, sách võ hiệp sẽ “giúp bạn làm thơ lai láng một
cách không ngờ - điều đó không có chi lạ: ban sơ vũ học, văn học, thi nhạc cùng
phát khởi tại một cỗi nguồn: uyên nguyên của tinh thần xuất phóng”
(Sương Bình Nguyên, NXB Võ Tánh, Sài Gòn 1969).
Đoạn trên do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến trích dẫn
về Bùi Giáng và Đỗ Long Vân với truyện võ hiệp trong tài liệu chúng tôi mượn được,
có ghi nhận xét của Bùi Giáng về cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta - hay Hiện tượng Kim
Dung của Đỗ Long Vân (NXB Trình bày, Sài Gòn 1967): “Ông Đỗ Long Vân nhận định thâm viễn khoảng vắng lặng vô ngôn trong
sách vũ hiệp... Những khuyết điểm của bản dịch không làm trở ngại Đỗ Long Vân.
Vì những kẻ tư tưởng chân thành, vốn thường nhận ra rất mau những gì gọi là “ý
tại ngôn ngoại” hoặc “huyền ngoại chi âm” (âm thanh ngoài cây đàn - H.N.C) - hoặc
“ngôn tại thử nhi ý tại bỉ” (lời ở đây mà ý nằm ở nơi khác - H.N.C)”. Bùi Giáng
cũng viết “Sách tôi bị cháy hết, nhưng tôi sẽ tìm riêng cuốn Vô Kỵ giữa chúng
ta để đọc lại”.
(Sương Bình Nguyên, NXB Võ Tánh, Sài Gòn 1969).