BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn TÔ THÙY YÊN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TÔ THÙY YÊN. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

MỘT THUỞ TRẦN GIAN BAY LƯỚT QUA! – Phạm Hiền Mây



1.
Nói biết, thì hẳn là phải biết rồi. Tên tuổi như Tô Thùy Yên, làm sao mà không biết cho được. Nhưng chú tâm đọc, thì thú thiệt, tôi cũng chỉ đọc khoảng hơn mười năm nay.
Còn tại sao trước đây thì không? Thiệt tình, tôi cũng chẳng hiểu nữa. Có lẽ vì ông không in thơ chăng? Hay là do thơ ông khó đọc, không dành cho lứa đôi và tuổi hoa mộng? Có thể. Và chắc cũng do nhiều nguyên do khác nữa.
Biết sớm hay biết muộn, yêu thích nhiều hay yêu thích ít, thì hẳn, ai cũng phải thừa nhận, thơ Tô Thùy Yên vững chãi, sừng sững, một mình một cõi, dù năm tháng có qua đi.
 
Cũng hơn mười năm trước, trên trang facebook, có một người bạn trẻ, Lê Hoàng Tuấn Kiệt, thư sinh, nho nhã, khiêm tốn, là thầy giáo dạy môn vi tính, vậy mà cậu lại am hiểu văn chương, đặc biệt là thơ, một cách tinh tường, làm tôi hết sức ngạc nhiên.
Cậu như một thư viện cổ. Mỗi ngày, cậu đưa lên trang một bài thơ hay, của một trong các nhà thơ tài hoa tại miền Nam trước 1975. Nguồn ở đâu, thì chịu. Cậu ấy có bí mật riêng của mình. Như ma xó vậy đó.
 
Hai chị em quen nhau. Và, cùng với nhà phê bình văn học Đặng Tiến, đôi khi, gặp một bài thơ hay, xuất sắc, độc đáo, mắc nói về nó quá, thế là ba anh em, nhắn tin qua lại cho nhau, trao đổi, chuyện trò, hết sức thú vị và mở mang kiến thức.
Mấy năm gần đây, Tuấn Kiệt để avatar là ảnh của Tô Thùy Yên, và, chỉ đăng gần như duy nhất, không thêm ai nữa, ngoài thơ Tô Thùy Yên.
 

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

HỒN VÔ SỞ CƯ - Thơ Tô Thùy Yên


  

HỒN VÔ SỞ CƯ
 
Thôi đã mấy đời chim khách nôn nả
Ghé cổng báo mừng lầm.
Trúc ra hoa, trúc chết.
Khóm trúc nhà, thôi đã mấy đời hoa.
 
Chàng chưa về.
Sao chàng mãi chưa về?
Gió nước cầu âu mọi nhắn hỏi.
Họa bèo mây biết loáng thoáng tin chàng,
 
Mảng mảng huyền thoại lữ khách rách tứ tán.
Kẻ chiêm nghiệm trần gian
Miên viễn đang trên đường…
Mộng rủ dẫn…
Tâm tư trời đất nghe chưa trọn,
Nỡ nào tự ý bỏ ra ngang?
Lịch sử mỗi thời, một mặt nạ.
Đất thay tên,
Người chẳng nhận ra nhau.
Đời có sao sống vậy?
Ai vừa ý chính mình?
Thơ đã viết trăm bài,
Vẫn tình si một bài chưa tụ tứ.
 
Ta thấy lạ lẫm mặt trời mọc,
Tạo vật chừng đang mở, mở ra.
Rừng lên tiếng rừng, biển tiếng biển,
Tràm vui xôn xao mênh mang ta.
 
Mừng dun rủi gió đưa gió đẩy…
Quán dốc, đường quan,
Tình cố tri đãi người sơ ngộ.
Chim hối giục chiều,
Cạn, cạn này chén hôm nay.
 
Trời đất, ồ, tính khí thất thường,
Chén mai sau nào dám hẹn.
Đứng chỗ kiếp người,
Nhón chân, phóng mắt,
Xây xẩm muôn trùng cuộc hậu lai.
Con vượn non cao khóc cách biệt…
 
Bóng ta tách vượt ta.
Gió thổi qua truông, gió kéo qua đầm.
Ta mờ người chạy đuổi,
Càn, càn băng hiện đại lạnh rồi thây…
Ngồi, ngồi lại, định thần cõi sáng tối,
Rũ bỏ mọi bình sinh,
Dẫy, dẫy phá tự thể tù ngột,
Chàng hóa thân từ mỗi độ hoa.
 
Bước, bước tiếp khỏi tầm tiếng hú cất thăm dò,
Hú, hú tiếp…
Sao nghĩa đời không xuất lộ cho?
Hoa nở hẳn đau nở
 
Mỗi bài thơ, một biển dâu riêng.
Cùng nỗi chết ăn đời ở kiếp,
Mọi việc chừng không đáng nói thêm.
Đêm nao, chợt động lòng trăng sáng,
Thiền sư mơ màng như chuyện ai.
Cát nổi, cát lặng, cát nổi, lặng…
Hồn hỡi hồn, hồn vô sở cư…
 
                                      Tô Thùy Yên
                                          9-2005
 

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

TA VỀ MỘT BÓNG TRÊN ĐƯỜNG LỚN… - Thảo Dân

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu bài viết của cô Thảo Dân, bình luận rất sâu sắc bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên. Càng ngạc nhiên biết cô là giáo viên miền Bắc, sinh năm 1974.
 


 
Xưa giờ, tôi vẫn tự nhận mình mê thơ Nam hơn thơ Bắc. Bởi lẽ, với riêng tôi, thơ là tiếng nói thốt lên tự đáy lòng, không cần phiên dịch, không cần triết lý, không cần gò bó trong những trúc trắc diễm lệ câu từ. Thơ càng chau chuốt, bóng bẩy thì, hình như, cái tình càng ơ hờ, nhạt nhẽo. Thơ cũng không phải nơi để gửi gắm triết lý. Làm việc đó, văn xuôi và triết học tốt hơn nhiều. Thơ để cảm, để yêu, để nơi trái tim gặp gỡ trái tim. Vậy mà có một ngoại lệ, nhà thơ tôi yêu thích trong âm thầm, khá lâu bền, lại là người được giới phê bình nhận xét “Người Nam nhưng mang hồn thơ Bắc”: Nhà thơ Tô Thùy Yên.

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

THẮP TẠ - Thơ Tô Thùy Yên


   


THẮP TẠ
(Tặng Huỳnh Diệu Bích)
 
Trăm năm đã chẳng nề hà...
 
Một mai nàng lên núi chan chứa
Hỏi tìm cho gặp đá tiên tri...
Về sau, đời có ra sao nữa
Cũng đã đành tâm sẵn một bề
 
Đá, chẳng đá nào lên tiếng với...
Nàng đi thôi đã nát chân hồng
Nghe con vượn ẩn thân khóc hối
Một lần bỏ lỡ chuyến lìa non
 
Một mai nàng vô rừng u ẩn
Nhặt trái nưa về nhuộm dạ sầu
Thấy trăm họ cỏ cây chen quấn
Nương náu nhau mà tội nợ nhau
 
Con loan, con phượng bay đâu lạc
Đến nỗi nào, sao chẳng gọi bầy?
Nếu như hoa biết chiều nay rụng
Âu cũng vui mà nở sáng nay
 
Một mai nàng qua cầu cam mặc
Mưa nắng gì thôi cũng một thì...
Rau hạnh, rau vi từ lúc có
Chưa từng nguôi biếc bãi Kinh Thi
 
Cửa đẩy lầm, vô lường cuộc diện...
Ba ngàn thế giới đã nhà chưa?
Lâu ngày, thân thế rách như gió
Thấy lại mình như kẻ đáng ngờ...
 
Một mai nàng đến thành hoa gấm
Hát một chiều, tiền tưởng ngập chân
Vui nốn náo trời, thốc tháo biển...
Một lần, thử đổi bỏ chân thân
 
Gà nửa khuya gáy xộ trăng muộn
Ai hồ nghi lộn kiếp bên này?
Con chó khóc tru ngoài địa giới
Ngờ ngợ người góc biển chân mây
 
Một mai nàng ra bãi vô định
Nhìn sông đổi lòng, nhìn núi chuyển chân
Mây bay bay như những vẫy biệt...
Nàng đứng cho tàn như một nén nhang
 
Thắp tạ càn khôn một vô ích
Thắp tạ nhân quần một luyến thương
Biển Đông đã một ngày xe cát...
Khuất giạt, mơ lai kiếp dã tràng
 
                            Tô Thùy Yên
                                7.1998

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

CẢM ĐỌC BÀI THƠ "QUA SÔNG" CỦA TÔ THÙY YÊN – Nguyễn Khôi

Tô Thùy Yên sinh 1938 tại Gò Vấp, Gia Định; Tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Thiếu tá QLVNCH, là một trong những Nhà thơ lớn (cùng lứa với Thanh Tâm Tuyền) ở Sài Gòn trước 1975. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị nhà cầm quyền cầm tù ba lần, tổng cộng gần 13 năm. Cuối năm 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư theo dạng tù nhân chính trị ở Saint Paul, Minnesota rồi sau chuyển về sống ở Houston, tiểu bang Texas. Ông mất ngày 21 tháng 5 năm 2019 tại Texas. 

Nguyễn Khôi, tác giả bài bình thơ, trước năm 1975 vốn là người phía chiến tuyến đối nghịch với Tô Thùy Yên. Ông Nguyễn Khôi đề nghị chúng tôi đăng lại bài bình thơ này từ trang web BẠN VĂN NGHỆ (đã đăng từ năm 2013)

 
Tác giả bài viết Nguyễn Khôi
 

Thơ Việt Nam ta xưa nay hiếm có bài tả về một trận đánh...? Năm 1948 có bài "Tây Tiến" của Quang Dũng, và trước 1975 có bài "Qua sông" của Tô Thùy Yên.
 
Thôi, hãy đặt sang bên những gì là "địch/ta" (quan điểm, lập trường, bên này, bên kia) - coi như người đứng ngoài cuộc, cảm nhận theo kiểu "nghệ thuật vị nghệ thuật"... ta thử đọc bài "Qua sông" của Tô Thùy Yên xem Thơ đích thực ra sao ?
 

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

TÔ THÙY YÊN NGỌN GIÓ LẠ THƯỜNG SẼ THỔI TỚI – Nguyễn Đức Tùng


 
Con người có thể bị số phận vây khổn, bị lỗi lầm săn đuổi, bị thời gian ruồng bỏ, nhưng khi đêm tối xuống, vầng trăng là của hắn.
 
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi
 
Thơ Tô Thùy Yên là một đứa trẻ. Đó là tấm lòng thương yêu đối với cuộc đời.
Con người là sự sống tự ý thức về nó. Không những ý thức về nó mà còn về người xung quanh, về những mối quan hệ, ý thức về sự yếu đuối của cá nhân, cô đơn, sự cần thiết của người khác. Con người biết rằng khi tách khỏi nhân loại, tồn tại đơn lẻ, cuộc sống trở nên không thể chịu đựng được. Con người chỉ có thể tìm ra bản thể của mình trong mối quan hệ với người khác. Toàn bộ những quan hệ ấy đặt trên một điều cốt lõi, khởi thủy và kết thúc, đó là tình yêu. Không có nó, mọi thứ khác sụp đổ.
 
Trời dậy sáng
Như một lời nói mới
Hồng loang đám ruộng xa, hồng lên khóm tre cao
Mặt trời xao xuyến mọc
Ôi có hừng đông nào chẳng làm ta muốn khóc
Một ngày nữa xuống với đời ta
Vui biết mấy
Mà cũng buồn biết mấy
 

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

TIỄN NGƯỜI - Thơ Nguyên Lạc


   
           Nhà thơ Tô Thùy Yên


TIỄN NGƯỜI
(Tiễn biệt Tô Thùy Yên)

Đất trời gầy cuộc ly tan
Tôi mang áo trắng khăn tang tiễn người
Nắng chiều nhuộm tím bờ vai
Lay hồn tám sải chuông hoài vọng âm

Người đi vào cõi hư không
Để vần thơ lại muôn năm cho đời
"Ta về". về với đất trời
"Từ tâm vô lượng" những lời "nở hoa"

"Cảm ơn hoa nở vì ta"
"Mười năm ta vẫn cứ là ta" thôi
"Một lần kể lại rồi thôi"
"Ðành không trải hết lòng" tôi với người!

"Vầng trăng tiếc cuộc rong chơi"
"Tiếc đời hữu hạn". lẻ loi "Ta về"!

                                 Nguyên Lạc
....

(" ") Một số lời thơ trong bài "Ta Về" của Tô Thùy Yên

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

CHUYỆN NGƯỜI TÌNH LỠ VẬN - Thơ Tô Thùy Yên


     
                        Nhà thơ Tô Thùy Yên


CHUYỆN NGƯỜI TÌNH LỠ VẬN
(Tặng người thiếu phụ đọc thơ cứ tưởng có mình ở trong)

Một cơn chóng mặt xanh từ kiếp trước
Nay biến ta thành một con trốt say
Ta hốt ta đi cho đời thảng thốt
Ta làm trò tung hứng trái tim chai

Ta xuất hiện như tên tù tẩu thoát
Trọn gia tài : một huyết thống phiêu lưu
Ta hát lớn những ưu sầu chất ngất
Lời vỗ về cao hết độ ngu ngơ

Ta gặp em như gặp người thứ nhất
Em gặp ta như gặp kẻ cuối cùng
Nhưng đêm đó, một vành trăng đã khuyết
Làm hoang đường những mộng mị trăm năm

Biết đã trễ nên không thèm hối hả
Cuộc tình này như chút đỉnh khoan dung
Của định mệnh cũng có lần nới thả
Hạnh phúc này như sóng rã trên sông

Lòng hoài vọng những điều không rõ rệt
Buồn quá nên yêu, yêu quá nên buồn
Việc vô ích mà ta công kỹ nhất
Thân thể ta, ta đổi tiếng cười suông

Như yêu lại một người yêu thất tiết
Xót xa này chan đổ muối trong lòng
Đời lỡ vận một lần nên lỡ miết
Chí lớn đành đốn sập đốt ra than

Thà làm kẻ si tình hát điên loạn
Hơn làm người thành đạt thời nhiễu nhương
Ta sống cuộc đời không sửa soạn
Như nhan sắc em cần chi điểm trang

Ta cứ coi em như hoàng hậu góa
Dẫu biết thừa em vốn gái lê dân
Còn ta đây: một vĩ nhân tàn tạ
Chẳng làm nên công nghiệp đáng lưu danh

Ta dắt em đi giữa ngày tháng rối
Như đôi du hồn khuất thực co ro
Cả xã hội bu quanh cười cợt hỏi
Em cứ sắm tuồng đi, ta nhắc cho

Em làm khôn, còn ta, ta giả dại
Ngày bồn chồn ngày, đêm khắc khoải đêm
Ta tủi thân thêm mỗi lần vượt ải
Nghề ngông cuồng tập mãi cũng thành quen...

                                              Tô Thùy Yên
                                                   9.1971

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ TÔ THÙY YÊN !


             

             

Theo nguồn tin của gia đình, qua con trai của ông là Đinh Kinh Hiệt, thi sĩ Tô Thùy Yên, đã từ trần tại Houston vào lúc 9:15 PM ngày thứ Ba 21 tháng 5-2019, sau một thời gian dưỡng bệnh tại một Rehab Center ở thành phố Houston, Texas, hưởng thọ 81 tuổi. Ông đã lâm vào trạng thái hôn mê từ ngày thứ Bảy 18 tháng 5 vừa qua.
Theo bản tiểu sử trên Wikipedia, nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, đã nổi tiếng từ thập niên 1950s tới nay.
Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1938 tại Gò Vấp.
Ông bắt đầu có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950) trước khi xuất hiện và nổi tiếng trên tạp chí Sáng Tạo. Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các họa sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp là những người nòng cốt của nhóm Sáng tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ Tự Do" trên văn đàn Miền Nam vào thập niên 1960. Ông là người miền Nam duy nhất trong nhóm Sáng tạo.
Tô Thùy Yên cùng Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn và Thanh Tâm Tuyền được giới văn nghệ xếp vào “tứ trụ của thi ca miền Nam

 Xin giới thiệu 3 bài thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên: Ta Về, Trường Sa Hành và Chiều Trên Phá Tam Giang


    


TA VỀ

Tiếng biển lời rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang.

Ta về – một bóng trên đường lớn.
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai…
Sao vẫn nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay.

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu.
Mười năm, mặt xạm soi khe nước,
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.

Ta về qua những truông cùng phá,
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may.
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ,
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay.

Chỉ có thế. Trời câm đất nín.
Đời im lìm đóng váng xanh xao.
Mười năm, thế giới già trông thấy.
Đất bạc màu đi, đất bạc màu…

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa.
Ai đứng trông vời mây nước đó,
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ.

Một đời được mấy điều mong ước?
Núi lở sông bồi đã lắm khi…
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động,
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?

Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cám ơn hoa đã vì ta nở.
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa,
Làng ta, ngựa đá đã qua sông,
Người đi như cá theo con nước,
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng.

Ta về như lá rơi về cội.
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay.
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này.

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta.
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó,
Người thức nghe buồn tận cõi xa.

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời.
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt.
Tội tình chi lắm nữa, người ơi!

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ.
Mười năm, người tỏ mặt nhau đây.
Nước non ngàn dặm, bèo mây hỡi,
Đành uống lưng thôi bát nước mời.

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh.
Ai gọi ai đi ngoài quãng vắng?
Phải, ôi vàng đá nhắn quan san?

Lời thề truyền kiếp còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra.
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ.
Mười năm, ta vẫn cứ là ta.

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên.
Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách.
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền.

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ.
Nhà thương khó quá, sống thờ ơ.
Giậu nghiêng, cổng đổ, thềm um cỏ.
Khách cũ không còn, khách mới thưa…

Ta về khai giải bùa thiêng yểm.
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!
Hãy kể lại mười năm mộng dữ.
Một lần kể lại để rồi thôi.

Chiều nay, ta sẽ đi thơ thẩn,
Thăm hỏi từng cây những nỗi nhà.
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu.
Mười năm, con đã già như vậy.
Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu…

Con gẫm lại đời con thất bát,
Hứa trăm điều, một chẳng làm nên.
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn.
Hạt lệ sương thầm khóc biến thiên.

Ta về như tiếng kêu đồng vọng.
Rau mác lên bờ đã trổ bông.
Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông.

Ta gọi thời gian sau cánh cửa.
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu.
Ta nghe như máu ân tình chảy
Từ kiếp xưa nào tưởng lạc nhau.

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em.
Đau khổ riêng gì nơi gió cát…
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm.

Cây bưởi xưa còn nhớ trăng hoa.
Đêm chưa khuya lắm, hỡi trăng tà!
Tình xưa như tuổi già không ngủ,
Bước chạm khua từng nỗi xót xa.

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui.
Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng.
Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi.

Bé ơn, này những vui buồn cũ,
Hãy sống, đương đầu với lãng quên.
Con dế vẫn là con dế ấy,
Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen.

Ta về như nước tào khê chảy.
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ.
Thân thích những ai giờ đã khuất?
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa.

Người chết đưa ta cùng xuống mộ.
Đêm buồn, ai nữa đứng bờ ao?
Khóc người, ta khóc ta rơi rụng.
Tuổi hạc, ôi ngày một một hao.

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian, kiếm chính mình.
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh.

Ngồi đây, nền cũ nhà hương hỏa,
Đọc lại bài thơ buổi thiếu thời.
Ai đó trong hồn ta thổn thức?
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi.

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua.
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn,
Đành không trải hết được lòng ta.

                         TÔ THÙY YÊN
                                7-1985