Những ngày đầu xuân vừa qua, chúng tôi đến thăm Lagi, một thị xã thuộc tỉnh Bình Thuận, ở phía nam và cách Phan Thiết gần 70 km. Niềm vui trước tiên là hưởng được nắng ấm và tắm biển trong khi ở quê nhà mùa xuân thì đẹp nhưng lạnh và mưa lất phất. Sáng tinh mơ, trước mặt chúng tôi là biển cả mênh mông, chân trời ửng hồng, mặt trời như quả cầu đỏ dần dần lên khỏi mặt biển. Những con thuyền đánh cá trở về muộn. Sóng nhẹ, chúng tôi tắm biển, mát mẻ, sảng khoái.
Đối với người bình thường ở mọi miền đất nước, Lagi chưa là địa danh quen thuộc, ít ai đặt chân đến vùng này. Tuy nhiên, Lagi cũng như hầu hết dãi đất ven biển của tỉnh Bình Thuận đã càng ngày càng sáng lên trên bản đồ du lịch, hấp dẫn du khách vì biển xanh, hiền hòa, ấm áp quanh năm, nhất là du khách Nga ở xứ lạnh giá nên rất thèm biển. Ngay cả người Sài Gòn, không còn quanh quẩn ở biển Vũng Tàu, mà đã đến vùng biển này, với những resort, những khu du lịch hấp dẫn chạy dài, những địa danh ngày càng nổi tiếng như Kê Gà, Mỏm Đá Chim, Dinh thầy Thím, Tà Cú,…
Lagi có cái gì hay hay, ngay cả tên gọi. Chữ viết là Lagi hay La Gi, đọc là La-Di. Phải chăng địa danh xuất xứ từ tiếng Chăm? Tôi hỏi những người quen ở đây thì cũng đồng ý như thế; có người cho rằng, theo người Chăm, chữ Tà chỉ núi (như Tà Cú, Tà Mon, Tà Dôn…), chữ La chỉ sông (như La Ngà, La Ngâu, Lagi…, Sông Dinh là sông lớn nhất chảy qua Lagi). Mảnh đất xa xưa đầy huyền thoại Chăm giờ đây là đất lành của những người định cư lâu đời lẫn những người tứ xứ. Người ở lâu đời gồm người Chăm và người các dân tộc thiểu số khác, người di dân suốt chiều dài lịch sử Nam tiến. Người đến sau này do chạy thoát chiến tranh ác liệt, cũng như do hoàn cảnh lịch sử: dân di cư từ miền Bắc, trong đó đáng kể là đồng bào theo Thiên Chúa giáo, Việt kiều hồi hương từ xứ sở Chùa Tháp, dân chạy nạn chiến tranh từ sau năm 1973 từ các tỉnh miền Trung, nhiều nhất là từ Quảng Trị, dân đến định cư làm ăn sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất.
Lịch sử di dân từ xa xưa đã truyền tụng lại hai nhân vật được tôn thờ cho đến ngày nay, đó là vợ chồng Thầy Thím: “Theo sự tích, Thầy Thím quê gốc ở Điện Bàn (Quảng Nam), đức tài vẹn toàn. Dưới thời vua Gia Long năm thứ 2, gia đình Thầy bị kết tội tử hình oan. Trước giờ thi hành án, Thầy được vua ban một tấm lụa đào để múa từ biệt vua. Theo truyền thuyết, tấm lụa quấn lấy Thầy Thím và đưa vợ chồng Thầy bay vào phương Nam. Đến ngảnh Tam Tân (xã Tân Tiến, thị xã La Gi, Bình Thuận ngày nay), Thầy Thím cải trang thành một dân thường, từ đó Thầy giúp đỡ dân nghèo ở đây bằng cách bốc thuốc chữa bệnh, đóng ghe thuyền giúp ngư dân, khẩn khai đồng ruộng. Những năm sau ngày Thầy Thím mất, cứ mùng 5 tháng Giêng lại có hai con hổ về mộ Thầy thăm, rồi lại buồn bã ra đi. Biết ơn công lao Thầy Thím, dân làng đã lập đền thờ Thầy và thờ cả hai con hổ. Tiếng lành đồn xa, năm 1906 (đời vua Thành Thái năm thứ 18) vua đã hủy bỏ bản án oan trước đây và sắc phong Thầy “Chí đức Tiên sinh, chí đức Nương Nương Tôn thần”. Ngày nay, lễ hội Dinh Thầy Thím (lễ chính vào ngày rằm tháng 9 âm lịch) đã trở thành nét văn hóa truyền thống của không chỉ riêng người dân địa phương mà còn thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách khắp nơi về xin lộc ơn phước của Thầy mỗi năm.”1
Ngoài dinh Thầy Thím, vùng Lagi còn có một điểm tham quan độc đáo là ngọn hải đăng Kê Gà. Đây là ngọn hải đăng thuộc loại cổ nhất và cao nhất nước ta, nằm trên một hòn đảo gần bờ, gọi là mũi Kê Gà, ở phía Nam và cách thành phố Phan Thiết 40 km, bằng đá, hình bát giác, được người Pháp xây dựng từ năm 1897 đến năm 1899, cao 66 mét (kể từ mặt biển đến ngọn đèn). Ban đêm, đèn có thể phát sáng xa đến 22 hải lý (khoảng 40 km) giúp tàu thuyền đi qua vùng biển này2. Ngọn hải đăng sừng sững giữa trời biển xanh bao la, giữa một quần thể đá trần trụi nhiều dáng vẻ.
Sẽ thiếu sót nếu tôi không nói đến Hòn Bà, một đảo nhỏ hình con rùa ngoài khơi, khá gần (cách bờ khoảng 2 cây số) để mỗi lần ngắm biển, ta có thể thấy những cây cổ thụ xanh mờ xa xa; trên đảo có một ngôi đền thờ nữ thần Thiên Y A Na, cũng như có thờ tượng Phật Thích Ca, tượng Phật Bà Quan Âm.
Sẽ thiếu sót nếu tôi không nói đến Hòn Bà, một đảo nhỏ hình con rùa ngoài khơi, khá gần (cách bờ khoảng 2 cây số) để mỗi lần ngắm biển, ta có thể thấy những cây cổ thụ xanh mờ xa xa; trên đảo có một ngôi đền thờ nữ thần Thiên Y A Na, cũng như có thờ tượng Phật Thích Ca, tượng Phật Bà Quan Âm.
Vùng ven biển đầy nắng gió và hẻo lánh này, giờ đây đã trở thành một thị xã phồn thịnh, một thị xã có xe taxi phục vụ ngày đêm. Kinh tế mạnh là nhờ biển: biển cho hải sản dồi dào, phong phú, biển với bãi cát tốt và nắng ấm quanh năm làm cho ngành du lịch phát triển. Ấn tượng đối với tôi, dĩ nhiên là biển, là nắng gió đầu xuân thật nhẹ nhàng, cho chúng tôi được sống thoải mái, xa rời những chuyện thế sự. Một ấn tượng nữa là cây thanh long. Những cánh đồng thanh long dài tít tắp, cây thanh long xanh ngắt bám rễ vào cột xi măng, vươn cao, tỏa rộng rồi thả mình lơ lửng, có nơi mới trồng, có nơi bắt đầu cho hoa, rung rinh trong nắng, tương tự hoa quỳnh – chỉ khác là hoa quỳnh nở ban đêm -, có nơi đã cho trái, làm cho hai màu xanh đỏ của lá và trái tương phản đậm nét dưới ánh mặt trời. Cây trái đã đãi đằng con người, thế mà con người còn muốn cây thêm năng suất, bằng cách cho đèn điện chiếu sáng, đánh lừa thanh long, lấy đêm làm ngày.
Chỉ có mấy ngày đến thăm Lagi, nhưng tôi cũng ghi nhận được vài nét đặc biệt của thị xã này. Dân miền biển da hơi ngăm ngăm, tính thật thà; giá sinh hoạt nơi đây nếu không vì kinh tế thị trường của ngành du lịch biển thì chắc là rẻ lắm. Dầu giá cả như thế nào thì bát cơm, tô canh, đĩa cá… thể hiện tính chất no đầy của nó, không đẹp đẽ cầu kỳ như kiểu một số quán ăn đất kinh kỳ dọn chén đĩa lớn, màu mè mà thực chất chẳng bao nhiêu. Ly cà phê cũng thế, đậm đà và dung tích đáng kể chứ không phải chút chút trên đáy, còn ly trà Lipton, nặng trịch với trái cam to bổ đôi. Một điều lạ là nhiều quán ăn dùng đĩa thức ăn để đựng nước chấm, chứ không dùng chén nhỏ. Có thể sống trong điều kiện thiên nhiên khoáng đạt và ưu đãi như thế, với một trình độ tổ chức xã hội chưa cao, con người có khuynh hướng sống mộc như bản tính chân thật của mình, cứ như tự nhiên mà sống. Đó là nếp sống của những cư dân lâu đời, của những đồng bào dân tộc gắn liền mảnh đất này từ xa xưa; có như thế đây mới là đất lành hội tụ biết bao người từ mọi miền đất nước. Tuy nhiên, ấn tượng của chúng tôi về thị xã miền biển này càng đẹp thêm nếu không có chuyện rác, chuyện túi ni lông được xả thoải mái khắp nơi, từ cửa hàng cà phê đến bãi biển, từ con suối đến vệ đường. Biển Lagi quả thật như một dung nhan thiếu chăm chút!
Chỉ có mấy ngày đến thăm Lagi, nhưng tôi cũng ghi nhận được vài nét đặc biệt của thị xã này. Dân miền biển da hơi ngăm ngăm, tính thật thà; giá sinh hoạt nơi đây nếu không vì kinh tế thị trường của ngành du lịch biển thì chắc là rẻ lắm. Dầu giá cả như thế nào thì bát cơm, tô canh, đĩa cá… thể hiện tính chất no đầy của nó, không đẹp đẽ cầu kỳ như kiểu một số quán ăn đất kinh kỳ dọn chén đĩa lớn, màu mè mà thực chất chẳng bao nhiêu. Ly cà phê cũng thế, đậm đà và dung tích đáng kể chứ không phải chút chút trên đáy, còn ly trà Lipton, nặng trịch với trái cam to bổ đôi. Một điều lạ là nhiều quán ăn dùng đĩa thức ăn để đựng nước chấm, chứ không dùng chén nhỏ. Có thể sống trong điều kiện thiên nhiên khoáng đạt và ưu đãi như thế, với một trình độ tổ chức xã hội chưa cao, con người có khuynh hướng sống mộc như bản tính chân thật của mình, cứ như tự nhiên mà sống. Đó là nếp sống của những cư dân lâu đời, của những đồng bào dân tộc gắn liền mảnh đất này từ xa xưa; có như thế đây mới là đất lành hội tụ biết bao người từ mọi miền đất nước. Tuy nhiên, ấn tượng của chúng tôi về thị xã miền biển này càng đẹp thêm nếu không có chuyện rác, chuyện túi ni lông được xả thoải mái khắp nơi, từ cửa hàng cà phê đến bãi biển, từ con suối đến vệ đường. Biển Lagi quả thật như một dung nhan thiếu chăm chút!
Lagi, nơi xa lạ đó không thể trở thành nơi quen thuộc nếu chúng tôi không nghĩ đến một người O, xa cách đã lâu, nay về già sống với con cháu ở Lagi. O đã cùng gia đình tôi lập nghiệp tại thị xã Quảng Trị từ thuở tôi còn thơ ấu; thế rồi chiến tranh khốc liệt đã đánh bật O đi, từ Quảng Trị vào Huế, đến Đà Nẵng, rồi cuối cùng vào đến Lagi với đôi quang gánh buôn bán lặt vặt, từ năm đồng ba trự cho đến sạp tại chợ, để ngày hôm nay, sáu người con đều thành danh. Gặp lại O sau mấy mươi năm xa cách, trời đã ngó lại và thương, 85 tuổi mà rất khỏe mạnh, lại còn pha chút ít phong lưu, trái với nét chất phác và khắc khổ của cuộc đời bán buôn nhỏ, chồng mất sớm, nhẫn nại nuôi con nước mắt lưng tròng. Hình như những người con của Quảng Trị đi nơi xa thì khá thành đạt, không những về kinh tế mà cả gặt hái chuyện văn thơ nhạc. Những người con của O cũng thế, cũng là người văn nghệ, và chính họ đã đưa chúng tôi đến một địa chỉ thơ, một ngôi chùa.
Như có duyên may, một vị sư trẻ người Quảng, vốn hành điệu ở Huế, năm 1990, đã dừng bước bên con suối Đó vắng vẻ, cảnh quan đơn sơ, cách khá xa trung tâm Lagi. Tên con suối cũng lạ, theo như một người sở tại cho biết: Suối chảy qua nhiều tảng đá to nên được đặt tên là suối Đá; sau này dân Quảng vào định cư ở gần con suối, phát âm tên suối gần như là Đó, cho nên sau này dân quen gọi là suối Đó. Thầy đã tậu được đám đất nơi này và ban đầu dựng một thảo am, thầy cao hứng đặt tên là chùa Đây, “Chùa Đây – Suối Đó nằm ru hát thiền”3. (Tên chính thức của chùa là Thanh Trang Lan Nhã). Từ đường chính vào chùa, du khách như đi vào một khu rừng im vắng, mát mẻ. Chùa không lớn, nhiều công trình dở dang, và công trình chính là ngôi chánh điện thì mới phần móng. Thế nhưng sân chùa vẫn là không gian thơ. Thơ của thầy và thi hữu, được viết trên… bia thơ, đó là những tấm bê tông như giả lát cắt của thân cây cổ thụ, đặt trên bệ xây, phía sau là hàng tre vàng rất đẹp. Ngoài chuyện thơ, thầy có tham vọng tạo một nơi được gọi là “bảo tàng văn hóa” cho mọi người, và trước mắt thầy sưu tập được một số hiện vật quý. Thầy có duyên với các chùa miền Bắc, thầy đã thỉnh về nhiều cổ vật: phù điêu, đồ gốm, gạch… thời Lý Trần, đặc biệt thầy cho trưng bày một hiện vật đồ gỗ mà theo thầy là cọc mà Đức Hưng Đạo đại vương cho đóng trên sông Bạch Đằng trong trận thủy chiến với quân nhà Nguyên. Hiện vật văn hóa bao gồm cả các đồ dùng sinh hoạt xưa: cơi trầu, ống nhổ, bình vôi, con dao bổ cau, chiếc quạt tre mà người mẹ đã dùng thuở sinh thời… Trên điện, thầy tôn trí theo cách các chùa dân gian phía Bắc: ngoài tượng Phật, có rất nhiều tượng… kể cả Ngọc Hoàng thượng đế, Thập điện minh vương, công chúa Liễu Hạnh, thiên lôi,… Thực sự tôi lạ lẫm với điện thờ như thế trong một ngôi chùa tại một địa phương phía Nam. Nhưng tôi đặc biệt chú ý tượng Ngài Địa Tạng, một tượng cổ mà thầy thỉnh về từ chùa nào đó ở Bắc, bị sém mất một phần vai và thân. Ngoài sân, thầy cho trưng bày một số cối xay, bên cạnh đó, tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy một tảng đá to trên đó in hai dấu chân; phải chăng đó là dấu chân của một kẻ lãng du dừng chân bên suối một đêm trăng, như là một cơ duyên “Trăng về suối Đó, bờ neo mảnh tình”4?
Về phần chúng tôi, dầu thời gian ở Lagi không nhiều, nhưng dấu chân trên cát đã được lưu giữ trong tâm hồn như là kỷ niệm những ngày đầu xuân thấm đượm hương vị của biển, của nắng gió và nhất là đậm đà tình cảm của người thân lâu ngày gặp lại, và của cả những người sơ ngộ.
Cao Huy Hóa
Tháng 3/2012
Chú thích:
1 Theo Quang Nhân, báo điện tử Binhthuantoday.com, 12/10/2011: Lễ hội Dinh Thầy Thím: Quy mô và an ninh hơn.
3, 4 Thơ Đinh Hồi Tưởng