BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2024

NHẠC SĨ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG VÀ CA KHÚC "ĐÊM CUỐI CÙNG" - Huỳnh Duy Lộc


Ảnh:  Phạm Đình Chương với ca sĩ Khánh Ngọc.
 
Anh Phạm Thành, trưởng nam của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đã chép tiểu sử của ông: "Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cả hai thân sinh ra ông đều chơi nhạc cổ truyền. Thân phụ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long. Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
 

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

MÙA XUÂN MỚI – Thơ Nguyễn Khôi


  
                            Nhà thơ Nguyễn Khôi


MÙA XUÂN MỚI
“Khách xa gặp lúc mùa Xuân chín”
                               (Hàn Mạc Tử)
 
Có một mùa Xuân mới đang về
Nghe lòng nao nức tự Sơn Khê
Đêm qua Nguyệt lặng bên bờ giếng
Hoa bưởi thơm lừng dọc ngõ quê…
 
Phố xóm bừng tươi mái ngói hồng
Sập xè cánh Én giỡn trời không
Xe hoa nghẽn lối đường tre nhỏ
Mé ấy hình như gái cưới chồng…
 
Rảo bước chân về xem Tết nhất
Cuối năm “trả lễ” (1) khối người đi
Dì em chừng mải buôn Chợ Tết
Bếp núc lạnh tanh chửa có gì…
 
Ai xa hẹn gặp đêm Trừ tịch
Đi hái Lộc Xuân, xem pháo hoa
Bánh chưng còn đợi trên mâm cỗ
Thịt mỡ, dưa hành… “Xuân ấm no.”
 
       Quê 23 Chạp - Giáp Ngọ 2015
                                Nguyễn Khôi
.....

(1) Trả lễ Bà Chúa Kho (Tp Bắc Ninh)

MÙA HẠN – Thơ Tô Thùy Yên

Bài thơ “Mùa Hạn” của Tô Thùy Yên, viết năm 1979 ở Nghệ Tĩnh. Bài thơ thất ngôn trường thiên gồm 47 khổ,188 câu, là một sử thi bao quát một giai đoạn hậu chiến tuy ngắn nhưng đau thương, tàn khốc và oan khiên nhất lịch sử dân tộc.

 


MÙA HẠN
 
Ở đây, địa ngục chín tầng sâu
Cả giống nòi câm lặng gục đầu
Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt
Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau
 
Bước tới, chân không đè đá sắc
Vai trần chín rạn gánh oan khiên
Nước khe, cơm độn, thân tàn rạc
Sống chẳng khôn, cầu được thác thiêng
 
Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc
Than ôi, trời đã bỏ rơi dân!
Nắng kim khí chảy, đá rạn nứt
Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn
 
Sông hồ nẻ đáy, giếng vô vọng
Muông thú điên lầm lũi bỏ đàn
Dân làng lũ lượt kéo lên rú
Lùng sục đào khoai củ đã khan
 
Côn trùng kiệt sức lìa hang ổ
Lên chết thiêu trên mặt đất hừng
Ác điểu ngày đêm gào xáo xác
Cơ hồ cả thế giới lâm chung
 

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

NỮ TƯỚNG DUY NHẤT TRONG SỬ VIỆT GIẢ TRAI ĐI ĐÁNH GIẶC - Kim Nhã


Nguyễn Thị Bành là nữ tướng nổi tiếng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. (Ảnh minh hoạ)

Bà chính là Nguyễn Thị Bành, nữ tướng nổi tiếng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vợ của Nguyễn Chích - khai quốc công thần hàng đầu của nhà Hậu Lê.
 
Theo sử liệu, vào đầu thế kỷ XV, Nguyễn Chích dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược ở Hoàng Nghiêu (Thanh Hóa). Dựa vào địa hình hiểm trở, nhiều vách núi dựng đứng, Nguyễn Chích nhiều lần đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Minh.
 

NHỚ VỀ LÊ TRUNG, HỌA SĨ CỦA GIỚI BÌNH DÂN MIỀN NAM - Phạm Công Luận


Họa sĩ Lê Trung

Năm 1954, nhà văn kiêm nhà thơ Tô Kiều Ngân cùng nhà thơ Thanh Nam làm tờ tuần san Thẩm Mỹ. Trong quá trình làm tờ này, hai ông gặp một chuyện rắc rối không đỡ nổi.
 
Trong cuốn di cảo “Mặc khách Sài gòn” (Nhã Nam - NXB Hồng Đức 2014), ông Tô Kiều Ngân kể lại chuyện này: “Bài phê bình hội họa miền Nam của Tạ Tỵ dùng trong số báo ấy đã đụng chạm đến một số anh em cầm cọ quen biết. Tỵ chê tranh thiếu nữ của Lê Trung là “vẽ bức nào” cũng giống nhau như chụp hình, thiếu sáng tạo” trong khi Lê Trung được đa số độc giả, nhất là phụ nữ ưa thích. Tranh thiếu nữ mượt mà của họ Lê thường được dùng làm bìa báo tết và in lịch. Phản ứng lúc bấy giờ khá dữ dội. Ngày nào tòa soạn cũng nhận được thư hoặc gửi cho chủ báo, hoặc đề gửi cho Tạ Tỵ, mà hầu như thư nào cũng chứa đựng những lời mạt sát nặng nề, thô bạo. Chủ báo rầu thúi ruột. Chúng tôi cũng rầu nhưng sợ Tạ Tỵ buồn nên giấu nhẹm sự việc và hủy các lá thư đó đi.”
 

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

THƯ CA SĨ THANH MAI GỬI NHẠC SĨ QUỐC DŨNG – Đàng Sa Long



Đó là vào năm 1972, Mai được gặp anh ở nhà thầy của Mai là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Anh gặp Mai lần đầu nhưng Mai đã thấy và biết anh trên truyền hình, bởi lúc đó anh đã là một nhạc sĩ trẻ, tài năng. Chú Nguyễn Ánh 9 đã đệm đàn cho Mai và anh hát chung để thử hai giọng hát có hợp nhau không? “Ai Đưa Em Về” ra đời từ đó, một sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bay xa với hai tiếng hát lần đầu kết hợp và đây cũng là ca khúc đầu tiên hai anh em hát chung với nhau trên truyền hình. Ca khúc thứ hai, Mai còn nhớ là bài “Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời,” của nhạc sĩ Phạm Duy. Đây là hai ca khúc đầu tiên mà Mai và anh cùng hát với nhau.
 

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

“LÀM ĐĨ”, TIỂU THUYẾT CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG - Vietales.vn


Bìa tác phẩm "Làm đĩ" trong bản dịch "Making a whore" của nhà Major Books.
 
Vũ Trọng Phụng viết xong "Làm đĩ" gần 100 năm trước. Khi mới ra mắt, nó gây tranh cãi dữ dội. Người cho rằng nó là tiểu thuyết dâm ô độc hại. Tuy nhiên, những người khác lại nhìn nhận đây là một quyển sách mang đầy giá trị nhân văn.
 

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

SỨC MẠNH CỦA CÁI ĐẸP TRONG “CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ” CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN - Thái Văn Phú


Hình ảnh: Hương Lê
 
Nhà văn thiên tài người Pháp thế kỉ XIX Vích-to Huy-gô đã từng cho rằng: “Tác phẩm nghệ thuật ưu tú là tác phẩm đạt đến tính tuyệt đối”. Nghĩa là nghệ thuật không chấp nhận cái bình thường, tầm thường mà phải luôn tìm kiếm và vươn tới cái hoàn mĩ, cái cao cả. Có lẽ khi viết “Chữ người tử tù”, một truyện ngắn mang đầy đủ những yếu tố đặc trưng của văn học lãng mạn, nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã từng nghĩ tới nhận định ấy.
 
Nếu Vích-to Huy-gô xem cái tầm thường giết chết nghệ thuật thì suốt đời Nguyễn Tuân theo đuổi và tôn thờ cái đẹp, đưa nó lên như một thứ tôn giáo, một thứ tín ngưỡng và niềm tin. Là nhà văn của chủ nghĩa duy mĩ, thích cái đẹp, cái độc đáo, thích sự cầu kì, Nguyễn Tuân đã tạo cho mình một thế giới những nhân vật đặc biệt, những hoàn cảnh đặc biệt và những cá tính không lặp lại. Dẫu nhiều độc giả có đôi lúc cũng tỏ ra khó chịu vì sự quá mức cầu kì trong câu chữ, trong những hình ảnh và hoàn cảnh được chọn lựa, song hiếm có ai không trân trọng sự lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, đầy công phu của nhà văn họ Nguyễn.
 

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

NĂM MƯƠI NĂM TẠI SAO HAI THẾ KỶ - Thơ Trần Vấn Lệ


   


NĂM MƯƠI NĂM
TẠI SAO HAI THẾ KỶ
 
Còn đấy chớ, những hàng phong chưa rụng,
lá vàng tươi... mà nắng cũng vàng tươi.
Mưa ở đâu? Đây vẫn có mặt trời,
nắng rực rỡ những ngày mùa Đông trắng!
 
Đôi tình nhân đi bên nhau im lặng.
Đã nhiều chiều chưa tới sáng ngày Xuân.
Những dãy nhà cao có lẽ quá gần,
chúng cản gió nên hàng phong không rụng?
 
Đôi tình nhân không vì yêu đời sống
mà họ yêu nhau nên mãi bên nhau!
Có nhiều điều ta chẳng hiểu tại sao:
Sông hai đầu nước chảy xuôi một hướng...
 
Chúa Jésus ra đời hai ngàn năm chưa lớn,
Cuối năm nào cũng có Lễ Noel!
Có nhiều điều mà chúng ta đã quên:
"Là Chân Lý Không Phải Là Chân Lý"!
 
Sắc tức thị Không!
Không tức thị Sắc!
Nhắm mắt đi!  Thấy chân dung của Phật!
 
Rồi
Hãy mở mắt ra
thấy cái gì Chúa cất
dành tặng ta là... Hai Chữ Tình Yêu!
 
*
Tôi hỏi hàng phong:  "Có biết chăng chiều...
đang lạnh lắm, lạnh chưa nhiều, có phải?
Hay lá phong ngửa lòng phơi mặt trái
nên nắng còn vàng mướt lá tương tư?".
 
Ai có bao giờ cầm giấy hôn thơ...
hôn cái chữ, cái tấm lòng thơ nhỉ?
Năm mươi năm, tại sao hai Thế Kỷ?
Ba đời người:  Ông Nội, Cha, Con...
 
Hai Thế Kỷ nai lưng, sông cạn, đá mòn,
Giọt lệ cứ còn... cho lá phong tươi, mãi mãi...
 
                                                 Trần Vấn Lệ

LỖI SAI CỦA CHƯƠNG TRÌNH “VUA TIẾNG VIỆT” TRÊN VTV VỀ THÀNH NGỮ: “LIỆU CƠM GẮP MẮM” – Hoàng Tuấn Công



Trong chương trình Vua Tiếng Việt (1/11/2024), cố vấn chương trình, Nhà thơ Hữu Việt giảng:
“Người ta nói là liệu cơm gắp mắm, ngoài cái việc tức là nếu mình mà gắp nhiều quá thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi, nhưng mà nó còn ý nghĩa sâu sắc hơn, tức là chúng ta phải liệu cái chừng mực trong cái công việc, hay trong hành xử làm sao cho nó hợp lí,…”
Cách giảng trên đây là một kiểu “Dĩ hư truyền hư”, làm hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông (*).

 1-   GIẢNG SAI NGHĨA ĐEN

Xưa kia, nhà nông thiếu thốn đến từng hạt muối trắng. Với thức ăn thì càng thiếu thốn, khan hiếm. Tương cà, mắm mặn phải chia ra ăn dần ăn dè trong cả năm (Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản – Tục ngữ).  Câu tục ngữ “Có cà thì thôi gắp mắm”, “Có dưa thì chừa rau”, “Liệu cơm gắp mắm”, khuyên người ta phải tằn tiện, vén khéo, có cái này ăn thì cái kia phải để dành; phải tính toán, chi dùng sao cho tiết kiệm, vừa đủ, tránh lãng phí. Thế nên ông Lê Văn Bài (Thanh Hoá) mới có đôi câu đối:

-Tích cốc phòng cơ, chớ xa hoa, hãy nhớ thiên tai còn khắc nghiệt,
-Liệu cơm gắp mắm, không lãng phí, đừng quên đất nước vẫn chưa giàu.

Và ông quan triều Lê Nguyễn Minh Triết (1578 – 1673) thuở hàn vi từng có bài thơ “Hà tiện”, trong đó “Dặn vợ có cà đừng gắp mắm”:

“…Dặn vợ có cà đừng gắp mắm,
Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai.
Thế gian mặc kẻ cười hà tiện,
Ta chẳng phiền ai chẳng luỵ ai.”
                                    (Hà tiện)

Riêng với mắm, mỗi bữa ăn người ta phải trù liệu để “gắp ra” sao cho vừa đủ dùng cho cả nhà. Nếu gắp quá nhiều, mắm thừa (đã đụng đũa vào) thì không thể bỏ lại vào chĩnh/vại nữa (bỏ mắm đã ăn dở vào dễ hỏng cả chĩnh mắm), mà để lại ăn bữa sau thì không bảo quản được.
Mắm ăn thừa để lại mất ngon, úp đầu chạn cuối chạn, cuối cùng bỏ đi, rất phí phạm. Thế nên dân gian mới có câu ca:

Liệu cơm mà gắp mắm ra,
Liệu cửa liệu nhà em lấy chồng đi
Nữa mai quá lứa nhỡ thì
Cao thì chẳng tới thấp thì chẳng thông.                                                                                               (Ca dao)



Hãy lưu ý các cụm từ “liệu cơm”“gắp mắm ra” của dân gian.
“Cơm” ở đây bao gồm tất cả đồ ăn thức uống trong một bữa ăn. Ví dụ “Nấu cơm cho ba người ăn” là chuẩn bị bữa ăn cho ba người. “Liệu cơm gắp mắm” có nghĩa là tính toán nhu cầu thức ăn tương ứng với  lượng cơm và số người ăn cơm. Bởi thế “gắp mắm” không phải là “gắp” để “bỏ vào bát của người ăn cơm”, “để trộn mắm” với cơm trong bát, mà là “gắp mắm” từ trong chĩnh/vại RA BÁT nhỏ, để DÙNG LÀM THỨC ĂN CHUNG cho BỮA CƠM CỦA CÀ NHÀ.

Như thế, “Liệu cơm gắp mắm” ở đây là lời khuyên phải biết tiết kiệm, tính toán, trù liệu, tránh tình trạng “gạo thiếu cơm thừa” (cái này mới là đáng để đúc kết thành tục ngữ), chứ không phải khuyên người ta cách ăn mắm sao cho vừa miệng, “gắp nhiều quá ấy thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi”.

Dân gian đâu có hời hợt, nông cạn như vậy.

Nên nhớ, dù trên mâm chỉ có hai món, mắm và rau chăng nữa thì cũng không ai gắp đầy mắm vào bát một lần, sau đó trộn đều, rồi nếu lỡ có quá tay, mặn đắng cũng đành ăn liên tù tì cho hết cả bát, đến bát sau lại chuyển sang ăn những rau là rau. Vả lại, câu tục ngữ nói về sự tính toán, trù liệu, tiết kiệm trong ăn uống, chi dùng, chứ đâu phải kinh nghiệm ẩm thực, mà bảo “nếu mình mà gắp nhiều quá ấy thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi”?

 
2- GIẢNG NGHĨA BÓNG THIẾU CHÍNH XÁC
 
Lời giảng “liệu cái chừng mực trong cái công việc, hay trong hành xử làm sao cho nó hợp lí” dành cho câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm” không rõ ý, thậm chí là thiếu chính xác. Bởi nếu hiểu câu giải thích của vị cố vấn gồm hai ý: Liệu cái chừng mực trong công việc làm sao cho hợp lí, thì quá chung chung, mơ hồ;  còn hành xử sao cho hợp lí, thì “hành xử” là nói về thái độ, cách xử sự, ứng xử giữa người và người, chứ không phải cách thức tiến hành công việc.
 
Vậy nghĩa của câu “Liệu cơm gắp mắm” nên được giảng như thế nào?
 
Như chúng tôi đã phân tích ở trên, “Liệu cơm gắp mắm” vốn có nghĩa đen (hiện vẫn được dùng trong thực tế), đó là ước lượng, trù liệu để lấy mắm ra ăn sao cho vừa đủ, tiết kiệm, không lãng phí. Nghĩa bóng được hiểu khá rộng:
1-Căn cứ vào yêu cầu, hoàn cảnh cụ thể mà trù tính, liệu biện cho hợp lý, sát đúng;
2-Tuỳ theo điều kiện, khả năng cụ thể của mình mà đưa ra cách làm thích hợp.
 
Có thể đưa ra một số ví dụ. Ít người ăn mà lại nấu cơm quá nhiều, hoặc ngược lại, nhiều người ăn mà lại nấu cơm quá ít; lại như tiền không có nhưng lại bày vẽ ra làm quá lớn,… thì đều có thể gọi là KHÔNG BIẾT LIỆU CƠM GẮP MẮM. Đây không phải là “hành xử”, mà là tính toán, trù liệu trong công việc.
 
Với thành ngữ tục ngữ, một khi không hiểu đúng nghĩa đen, thì khó lòng mà hiểu nghĩa bóng cho sâu sắc và chính xác.
Như vậy, thêm một lần nữa, Vua Tiếng Việt không chỉ thất bại với mục đích "giúp người chơi và khán giả khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt" do chính Chương trình này luôn tự đề cao, mà ngược lại còn phá hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông.
 
                                                                              Hoàng Tuấn Công
                                                                                     9/12/2024
--------
(*) Ghi chú:
Cách giải thích của cố vấn chương trình Vua Tiếng Việt có thể được xem là “Dĩ hư truyền hư”, bởi từ năm 2022, chúng tôi đã có bài viết “TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI “LIỆU CƠM GẮP MẮM”, phản biện lại rất nhiều cái sai, trong đó có một điểm sai giống như vị cố vấn Vua Tiếng Việt đã giảng (Đoạn chúng tôi chia sẻ trên đây được trích ra một phần từ bài viết này). Mời bạn đọc tham khảo trong TCTP:
 
https://tuancongthuphong.blogspot.com/.../trao-oi-voi-tac...

NGHỆ SĨ CẢI LƯƠNG BẠCH TUYẾT CÓ BẰNG TIẾN SĨ HAY CHỈ LÀ GIẤY CHỨNG NHẬN CỦA RADA? Trần Huỳnh

Một chuyên gia giáo dục tại Anh cho biết không tìm thấy tên nghệ sĩ Bạch Tuyết trong danh sách cựu sinh viên của RADA. Nghi vấn bà không phải cựu sinh viên và không có bằng tiến sĩ của RADA.

Nhiều khán giả đặt nghi vấn về bằng tiến sĩ của nghệ sĩ Bạch Tuyết là giả 
 
Mới đây mạng xã hội lại lan truyền thông tin về bằng cấp của nghệ sĩ Bạch Tuyết và cho rằng bằng tiến sĩ của bà là giả.
 
Bị đồn bằng tiến sĩ giả, phía nghệ sĩ Bạch Tuyết nói gì

Từ ý kiến của độc giả, sáng 28-11, Tuổi Trẻ Online liên hệ với quản lý của nghệ sĩ Bạch Tuyết.
 
Đại diện của nghệ sĩ Bạch Tuyết cho biết: "Từ năm 1991 - 1995, nghệ sĩ Bạch Tuyết theo học tại Học viện Kịch nghệ Hoàng gia Anh (Royal Academy of Dramatic Art). Đến tháng 10-1995, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ".
 

Anh này cung cấp hình ảnh được cho là bằng tiến sĩ cùng hình ảnh văn bản Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland xác nhận nghệ sĩ Bạch Tuyết đã hoàn thành luận án tiến sĩ về nghệ thuật sân khấu các nước Đông Nam Á vào thế kỷ 21.
 
Văn bản xác nhận này ghi ngày 31-10-1995.
 
Ngoài ra, đại diện nghệ sĩ Bạch Tuyết còn cung cấp hình ảnh văn bản Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Bulgaria gửi Bộ Văn hóa và Thông tin, Thành ủy TP.HCM vào ngày 19-12-1995 về việc nghệ sĩ Bạch Tuyết đã bảo vệ thành công luận án và được phong học vị "tiến sĩ nghệ thuật".
 
Theo Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo - việc công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp hiện nay được thực hiện theo thông tư 13/2021/TT-BGDĐT.
 
Công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng hoặc cơ quan quản lý về nhân sự hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng.
 
Việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp là xuất phát từ nhu cầu của cá nhân có văn bằng hay các đơn vị, tổ chức sử dụng người có văn bằng nước ngoài.
 
Để có căn cứ kết luận được một văn bằng cụ thể có được công nhận hay không phải thực hiện theo đúng trình tự và dựa trên các hồ sơ được cung cấp đầy đủ theo quy định.
 

VÙNG SÀI GÒN VÀ CÁC TỈNH MIỀN ĐÔNG KHÔNG CÓ CỒN, CHỈ CÓ CÙ LAO - Nguyễn Gia Việt



Chúng ta có thể lấy bằng chứng ở Phú Nhuận có đường Cù Lao ở khu Miếu Nổi để ghi nhớ xưa ở khúc rạch Nhiêu Lộc vùng này có cái cù lao.
Sài Gòn còn có cù lao Phù Châu ở sông Vàm Thuật Gò Vấp, cù lao Nguyễn Kiệu mé quận 4, cù lao Long Phước ở Thủ Đức. Nếu tính ra thì nguyên cái quận 4 là cù lao Khánh Hội. Thanh Đa (Thạnh Đa) là một cù lao.
Nổi tiếng nhứt Miền Nam là cù lao Phố, rồi còn có cù lao Rùa.
 
Miền Tây mới có cồn. Nhưng vẫn có cù lao, thí dụ cù lao Dung, cù lao An Bình, cù lao Thới Sơn, cù lao Mây, cù lao Năm Thôn. Người Miền Tây kêu bốn cái cồn long Lân Quy Phụng trên sông Tiền, trong đó cù lao Thới Sơn là cồn Lân.
 

VI TIẾU – Thơ Tịnh Bình


   


Lênh đênh biển khổ luân hồi
Mong manh kiếp bụi bồi hồi thương ta
Hồng trần giấc điệp tỉnh ra
Người cùng ta đó chỉ là huyễn hư
 
Ta về tìm lối chân như
Giọt chuông cổ tự vô ưu vô phiền
Thì thôi muôn sự tùy duyên
Lời kinh tiếng kệ bình yên nơi lòng
 
Cành dương rưới khắp bầu không
Hóa mưa cam lộ sen hồng từ bi
Nguyện người lắng dịu sân si
Không sầu không oán nhu mì thân tâm
 
Dẫu bao tăm tối u trầm
Bồ đề hạt giống âm thầm sinh sôi
Nghìn năm sau trước tinh khôi
Như nhiên hoa ấy trên môi khẽ cười...
 
                                         Tịnh Bình
                                        (Tây Ninh)

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2024

CHUYỆN TÌNH LƯU QUANG VŨ VÀ NGƯỜI VỢ ĐẦU TIÊN - NSƯT TỐ UYÊN - Phan Lương



Không thường được nhắc đến như Xuân Quỳnh với tư cách là bạn đời của Lưu Quang Vũ, nhưng nghệ sĩ ưu tú Tố Uyên mới là người vợ đầu tiên ông cưới về khi ông 21 tuổi. Hai người quen nhau từ thuở nhỏ, cùng sinh hoạt tại đội ca múa Cung Thiếu nhi Hà Nội.
 
Tố Uyên khi ấy có nhan sắc được bao người theo đuổi, lại là một diễn viên, nghệ sĩ múa nổi tiếng.
"Giữa bao chàng trai hâm mộ, tôi chọn Vũ vì chúng tôi thân thiết từ bé. Tôi nhận thấy Vũ có tài từ những ngày đó. Trong tình yêu, hiếm có ai yêu cuồng nhiệt và thiết tha như Vũ"
 
Bài thơ "Hơi ấm bàn tay" được Lưu Quang Vũ viết tặng Tố Uyên năm 1967:
 
Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình
Điều chưa nói thì bàn tay đã nói
Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại
Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.
 
Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa
Nhập luồng nước, hoà nhau màu sắc
Trao cảm thương, hai bàn tay nắm chặt
Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình.
 
Những ngày xa, trời nhớ một màu xanh
Xây trận địa bàn tay ta rám nắng
Khi vuốt ngọn cỏ non khi lắp đạn
Khi áp lên vầng trán thấm mồ hôi.
 
Bàn tay ta trên ngực lớn cuộc đời
Ấm hơi ấm ở tay mình lưu luyến
Và ở tận đầu kia trận tuyến
Bàn tay mình mang ánh nắng tay ta.
 
Khi đàn chim bay tới rợp trời trưa
Cồn mây về mang cơn mưa đầu hạ
Hai vì sao đổi ngôi trong đêm gió...
Đó chính tay mình đang vượt khoảng xa
Tìm đến nơi này âu yếm nắm tay ta.
 
"Tình yêu của chúng tôi thời đó có cả một lớp người như: Đỗ Chu, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật… biết rõ. Ngay tập thơ đầu tiên in với Bằng Việt cũng đã có nhiều bài thơ nói lên tình yêu ấy...Tập thơ ấy sau này rất nổi tiếng. Từ sự nổi tiếng đó mà sự nghiệp của anh Vũ cũng dần đi lên."
 

XÍCH LÔ HÀNH CHỞ GIÓ VÀO THI CA - Bao Nguyen Quang



Mỗi người bước vào cõi thơ và để lại hoặc không để lại dấu ấn bằng một phương cách khác nhau, có người đi vào thơ ca qua những cuộc chiến, có người dùng chính đôi bàn chân mình, hay đôi tay mình, cũng có người bước vào thơ bằng chiếc xe đạp hay xe gắn máy, hay bằng cả chiếc xích lô ... nhưng tất cả đều đến với thi ca bằng trái tim....(LHL)
 
XÍCH LÔ HÀNH
 
Ta xích lô hề! Người xích lô
Từ đây thôi phải đạp xe thồ
Trước chơi hai bánh chừ ba bánh
Trước chở một cô chừ bốn cô
 
Gác cẳng chờ hàng bên bãi vắng
Dựa lưng đợi khách dưới cây to
Dù sao cũng phải còng lưng đạp
Còn ở trong ngành vận tải thô.
 
Ngươi xích lô hề! Ta xích lô
Về đây sau những chuyến giang hồ
Thợ không ra thợ vì cô thế
Thầy không nên thầy bởi lỡ cơ
 
Trí dở dở khi say khi tỉnh
Hồn ương ương lúc thực lúc mơ
Rơi xuống cuộc đời không chao đảo
Vững vàng ba bánh đỡ: xích lô.
 
Ngươi xích lô hề! Ta xích lô
Cũng là thi sĩ cũng làm thơ
Thơ không giúp được ngươi cơm áo
Thơ chẳng giúp gì ta cháo hồ
 
Làm một trăm bài đều mộng mị
Đăng vào tờ báo cũng hư vô
May mà nhờ đạp xích lô ấy
Giàu không giàu nhưng chẳng xác xơ.
 
Ta xích lô hề! Ngươi xích lô
Ráng cho xong hết một đời phu
Chở bao đau thương về nghĩa địa
Chở những hạnh phúc đến tuổi thơ
 
Ngó xuống thua chi loài giun dế
Trông lên hơn hẳn lũ công cò
Dù sao mình cũng còn lương thiện
Ngươi xích lô! Ta xích lô.
 
                            Phương Xích lô
 
 
(Phương Xích lô, nhà thơ đã mất vào năm 2002 tại Quảng Trị)

                                                                     Bao Nguyen Quang T/H

ÁO BÀ BA EM PHƠI KHI NÓ ĐẦY NƯỚC MẮT – Trần Vấn Lệ




10 năm!  Mười 5 nhỉ!  Em chờ anh thế này, bao nhiêu đám mây bay mỗi ngày... qua trước ngõ!
 
Tại ông Trời làm gió, em biết không phải anh!
Tại bầu trời quá xanh mà em biết mây trắng!
 
Anh à, mưa hay nắng, 10 năm em chờ anh!  Sóng hồ Xuân Hương long lanh...có thể là em khóc!
 
Em hiểu chữ Cô Độc có nghĩa là Một Mình. Em hiểu Buổi Bình Minh là Ngày Mới Hy Vọng.
 
Ôi 10 năm em sống như màu áo bà ba... Có khi áo đầy hoa, có khi là nâu, xám...
 
Bạc màu thì... thành trắng.  Bạc tình?  Chúng ta không!  Anh à, anh cái vòng của vầng trăng Rằm đó...
 
Anh cũng là luồng gió nhân dân mình bày tỏ từ ngày xưa ngày xưa:  thống nhất là giấc mơ! 
 
Thống Nhất Vui Cả Nước:
Lậy Trời cho chóng Gió Nồm,
cho thuyền Chúa Nguyễn thuận buồm xuôi ra...
*
Em rất nhớ ông Tản Đà.  Em nhắc hai câu này mà khóc:  "Ba Vì Tây Lĩnh non xanh ngắt, Một giải Thu Giang nước vẫn đầy!". 
 
Áo bà ba em may...Mười Năm Rồi, Anh Thấy!  Ôi chao dòng sông chảy...anh anh anh anh... biển khơi!
 
Áo bà ba em phơi khi nó đầy nước mắt.
Áo bà ba em cất để dành... thắp nhang Anh!
 
                                                                                      Trần Vấn Lệ 

KÍNH GỞI T.T.KH... – Thơ Phan Quỳ


   


KÍNH GỞI T.T. KH (1)
 
Rồi một chiều đông gió lạnh đầy,
Mặt trời không đến giữa cung mây,
Mỏi cánh chim về hoang liêu ấy
Cô đơn rợn ngợp giữa đôi tay.
 
Tôi nhìn hoa vỡ hay tim vỡ
Tìm bóng người xa tận cuối ngày.
Một mảnh hồng xưa dưới chân giày.
Chút tình thơ dại lá hoa bay?
 
Ôm ấp chi mãi lòng thêm lạnh
Tôi nhủ thầm tôi những đêm dài.
Dẫu biết hoa nầy rời rã cánh
Tôi hiểu tình mình khó nhạt phai.
 
Người không về nữa, không về nữa
Sao tiếng vó khua cứ vọng hoài?
Tôi ra ngõ vắng chân mây vắng.
Những bước về không, nặng gót hài.
 
Người chưa về nữa, không về nữa?
Tôi ngóng tin xa những miệt mài.
.......
Tôi chờ mùa tới, một mùa sang.
Ở phía xa kia có nắng vàng.
Tôi đem tình ấy, tim hồng ấy
Rải chốn nhân gian ... ngỡ địa đàng.