Những
tục lệ cổ truyền từ bao đời của người Việt trong ngày tết, hầu như người Việt
nào cũng biết tới, qua ngòi bút của Thạch Lam càng trở nên thi vị và đáng yêu
vô cùng. Bài này được Thạch Lam viết vào một dịp Tết từ hơn 85 năm trước, đăng
trên tạp chí Ngày Nay số Xuân 1939.
HÁI LỘC
Hai chữ “ăn tết”
của ta nghĩa đã rõ rệt lắm: mấy ngày tết là ngày của cái miệng, những ngày đầy
các món ăn ngon, các thứ mứt thơm, rượu ngọt và bánh chưng mới. Những ngày tết
còn nhiều thi vị khác nữa; cái thú sum họp của gia dình, những đêm thức khuya
nói chuyện, những tục lệ xinh xắn và rất có duyên. Có một tục lệ xinh đẹp ý nhị
nhất mà năm nào chúng ta cũng phải nêu diễn lại: đi hái lộc. Bởi vì một cành lá
tươi hay một búp mầm non, ấy là tất cả mùa xuân mới vui vẻ và may mắn mà chúng
ta đem về. Trong cái với tay ấy, có cả một hy vọng vui đẹp, cả cái liên lạc mật
thiết của người với cây cỏ xung quanh. Những năm gặp giờ xuất hành tốt về đêm,
người ta đi hải lộc lúc khuya đề về còn xông nhà. Trong đêm tối dầy hương thơm
ngát, các đình chùa là nơi hội họp: lòng hòa tín-ngưỡng với tình yêu, khói
hương hòa lẫn với khói pháo. Thật là vui vẻ, ấm cúng và hiền từ.
Ngày lễ Noël,
người ta đi nhà thờ dự lễ, rồi trở về ăn tiệc. Sao chúng ta không đi hái lộc
đêm ba mươi thật đông và thật vui, rồi trở về đem cành xuân điểm thêm vào bữa
ăn thân mật của gia đình? Đó là một tục lệ xinh đẹp và ngây thơ, làm tươi thắm
linh hồn và khiến cho chúng ta trẻ lại.