Nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa (sinh năm 1947) vừa qua đời để lại bao thương tiếc cho bạn bè. Cả cuộc đời ông được biết đến như một Dịch giả đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng về Triết học, Sống đẹp, Danh nhân... nhưng ít ai biết rằng ông còn là một Thi sĩ. Ông trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 75 tại nơi phố núi Đà Lạt lúc 6h15 ngày 16-9 để lại nhiều bản thảo giá trị...
Với tôi, Đỗ Tư Nghĩa chỉ là một giọng nói. Một giọng nói giữa non cao, rừng thẳm.
Dạo ấy có một người bạn yêu văn chương tên là Văn Cát Tiên. Cuộc đời cũng lạ! Thi sĩ làm thơ chỉ muốn "giải nghiệp" vì khổ quá. Vậy mà bao kẻ cứ muốn đâm đầu vào thơ. Lại chạm đến chữ duyên chăng? Văn Cát Tiên có mang đến cho tôi tập thơ "Phù Hoa" mà anh rất tâm huyết. Viết đến thổ cả máu. "Cải ngồng còn đó hay thôi / Ai đem dưa muối một thời xanh non". Tôi đọc tập đó mới thấy Tiên bị thơ hành như thế nào? "Phù hoa" dễ gợi nhớ đến nhưng chắc chắn là không phải cái "hội chợ phù hoa" của nhà văn William Makepeace Thackeray, tiểu thuyết gia xuất sắc của nền văn học Anh, điển hình cho trào lưu chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19. Nhưng có lẽ Tiên cũng đã đọc nó nên mang tham vọng viết về xã hội "kim tiền" đương đại hôm nay sau hai thế kỷ vẫn "chảy máu" và băng hoại.