Năm
1939, khi đã thành danh trên văn đàn, Nguyễn Xuân Sanh cùng 5 văn nghệ sĩ (Phạm
Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Xuân Khoát)
chung chí hướng sáng tạo thành lập nhóm “Xuân Thu Nhã tập” với mơ ước xây dựng
một đôi công trình tốt đẹp cho văn chương nghệ thuật và cho đời.
Tên Xuân Thu Nhã Tập là tổng hợp trí tuệ tập thể “Xuân Thu, theo cổ tự: Cỏ hoa nở dưới ánh mặt trời, và bông lúa chín… Sắc xuân và hương thu. Hai mùa quá độ, uyển chuyển trong khoảng cao, trong, nhẹ…”
Nhà
thơ Trần Đăng Khoa cho biết Nguyễn Xuân Sanh không chỉ là đại diện của phong
trào Thơ Mới mà còn là người cách tân Thơ Mới ngay từ khi phong trào này vẫn
còn rất mới với thi sĩ Việt.
Nhóm
Xuân Thu Nhã Tập (thành lập năm 1939) mà ông là thành viên chính là một nhóm đầy
ắp trăn trở tìm hướng phát triển thi ca, cách tân Thơ Mới. Nguyễn Xuân Sanh là
người bắc nhịp cầu từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, người khởi động cuộc chạy tiếp
sức của thơ Việt vào hiện đại với tác phẩm Buồn xưa, theo nhận định của nhà phê
bình Đỗ Lai Thúy.
Trong tiến trình của văn học Việt, hiếm có nhóm sáng tác nào lại độc đáo như Xuân Thu Nhã Tập. Độc đáo về chủ thể sáng tác, về đặc điểm thể loại và độc đáo về lịch sử số phận tác phẩm. Xuân Thu chỉ tồn tại trong vòng mấy năm (1942-1945), và chỉ gồm mấy tác giả, nhưng lại hội tụ đầy đủ cả “đại gia đình” nghệ thuật: Thơ ca, âm nhạc, hội họa. Số lượng sáng tác cũng rất “khiêm tốn” nhưng lại rất đa dạng về thể loại: thơ, văn xuôi, tiểu luận. Mục đích sáng tác cũng khá độc đáo: Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện: TRÍ THỨC - ĐẠO ĐỨC - SÁNG TẠO.