BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Du. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Du. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2021

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 5, PHỤ LỤC 3 – Nguyên Lạc



 
DẪN NHẬP
 
Trước khi vào phần phụ lục 3, tôi xin tóm lược các phần trước đã nói để độc giả dễ theo dõi:

Trong các bài trước, chúng tôi đã nói:
 
1- Kim Vân Kiều Lục là một bản văn viết bằng chữ Hán của một người rất thân cận với Nguyễn Du; ông đã được chính Nguyễn Du chia sẻ từng ý trong từng câu thơ lục bát truyện Kiều của mình nhờ đó viết ra quyển này để giảng rõ thơ Truyện Kiều. Vai trò của Kim Vân Kiều Lục là sách xưa nhất chú giải Truyện Kiều một cách nhẹ nhàng, đáp ứng những thắc mắc có thể có. Lối hành văn chọn lọc từ ngữ, tác giả không bao giờ dẫn một điển tích nào của Trung Hoa để lý giải từ ngữ; tác giả chỉ diễn thơ Kiều ra văn xuôi và bổ sung một ít tình tiết mà trong câu thơ Kiều nói chưa rõ. Tóm lại Kim Vân Kiều Lục đóng vai trò: “Bổ khuyết sử cho thành tín sử”, nó giống như là tư liệu bổ sung tin cậy để chú giải Truyện Kiều. Kim Vân Kiều Lục về thực chất không là một cuốn tiểu thuyết, cũng không là một cuốn tóm tắt hoặc dịch Truyện Kiều, mà là cuốn giảng thơ Truyện Kiều bằng văn xuôi.
 

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 5, PHỤ LỤC 2 - Nguyên Lạc




DẪN NHẬP
 
Trước khi vào phần phụ lục 2, tôi xin tóm lược các phần trước đã nói để độc giả dễ theo dõi:
 
- Nguyễn Du dựa vào tích sử triều Minh, Vương Thúy Kiều của Dư Hoài (dài khoảng 3, 4 trang giấy), Tình sử Phùng Mộng Long, và các hý kịch/ hát bộ nhà Thanh- như Thu Hổ Khâu, ông thêm vào các nhân vật đệm sáng tác ra truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều. Xuất hiện sau Đoạn Trường Tân Thanh/Truyện Kiều => Kim Vân Kiều Lục => Các phóng tác Truyện Kiều (văn, thi, phú … tuồng Kim Vân Kiều, Đào Hoa Mộng Ký) => Thanh Tâm Tài Nhân Truyện => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân(. Duy Minh Thị) => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Tàu) – (Xem phần ghi chú ở cuối bài)
 
Sơ đồ biểu diễn sau đây cho dễ nhớ:
 
ĐTTT => KVKL=> TTTNT=> KVKT (DMT)=> KVKT (TÀU)
 

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 5, PHỤ LỤC 1 – Nguyên Lạc



Phụ lục 1:

TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA KIM VÂN KIỀU LỤC
 
DẪN NHẬP

Trước khi vào phần phụ lục, chúng tôi xin tóm lược các phần trước đã nói để độc giả dễ theo dõi:
Nguyễn Du dựa vào tích sử triều Minh, Vương Thúy Kiều của Dư Hoài (dài khoảng 3, 4 trang giấy), Tình sử Phùng Mộng Long, và các hý kịch/ hát bộ nhà Thanh - như Thu Hổ Khâu, ông thêm vào các nhân vật đệm sáng tác ra truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh / Truyện Kiều. Xuất hiện sau Đoạn Trường Tân Thanh / Truyện Kiều => Kim Vân Kiều Lục => Các phóng tác Truyện Kiều (văn, thi, phú… tuồng Kim Vân Kiều, Đào Hoa Mộng Ký) => Thanh Tâm Tài Nhân Truyện => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Duy Minh Thị) => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Tàu) – (Xem phần ghi chú ở cuối bài)
 

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

BÀN VỀ “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA, BÀI 1”; THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG – Châu Thạch

 

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

I - Sơ lược về nhà thơ Vũ Hoàng Chương:

Vũ Hoàng Chương (1916-1978) ở Nam Ðịnh, nguyên quán ông là làng Phù Ủng, huyện Đường Hào nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. 

Thi phẩm của Vũ Hoàng Chương được nổi tiếng nhất là tập Thơ Say (xuất-bản năm 1940). Sau tháng Tám 1945, nhà thơ họ Vũ đã cho ra đời thêm mấy tập thơ nữa là: Mây (1943), Rừng Phong (1954); một tập kịch thơ Vân Muội, Trương Chi, Hồng Diệp (1944). 

Sau năm 1954, nhà thơ di cư vào Nam, ông tiếp tục sáng tác không ngừng cho đến khi ông mất. Các tác phẩm giai đoạn này là các tập thơ Tâm Sự Kẻ Sang Tần (1961), Lửa Từ Bi (1963), Ta Đợi Em Từ 30 Năm (1970), Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (1973)... Ông từng được vinh danh là "Thi bá" Việt Nam.

Sau 1975 bị bắt giam ở Chí Hòa, do bệnh nặng Ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn. 

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

GIẢI MÃ MINH HỌA “TRUYỆN KIỀU” DƯỚI CÁCH NHÌN MINH TRIẾT VIỆT

Hội thảo đặt ra vấn đề, trong thời đại 4.0 hiện nay, chúng ta có nhiều cách tiếp cận thông tin để giải đáp những thắc mắc cũ hoặc đưa ra những giả thuyết mới về những góc khuất trong lịch sử “Truyện Kiều” để mỗi người tự suy ngẫm về lịch sử và văn hóa dân tộc Việt.


      Các diễn giả tham gia hội thảo.

Hội thảo Minh họa “Truyện Kiều” dưới cách nhìn minh triết Việt nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới – đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 – 1820) được Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace tổ chức sáng 1/8.

Hội thảo có sự tham gia của nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, nhà nghiên cứu Lê Nghị và họa sĩ – nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn.

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

THỬ “GIẢI MÔ LẠI TRUYỆN KIỀU – Lê Nghị

TTO - 'Dựa vào các văn bản, chúng tôi phát hiện ra rằng Truyện Kiều mới là gốc của Kim Vân Kiều truyện ở Việt Nam. Rồi từ Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam người ta mới phóng tác Kim Vân Kiều truyện ở Trung Quốc'.

 

Nhà nghiên cứu Lê Nghị trình bày nghiên cứu mới về Truyện Kiều ở hội thảo - Ảnh NVCC

Truyện Kiều có trước Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử Việt Nam, Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân Trung Quốc chỉ là sản phẩm ăn theo, tên tác giả cũng là tự đặt.

Nhà nghiên cứu Lê Nghị mở đầu bản tham luận Nguồn gốc Truyện Kiều, tại Hội thảo Minh họa Kiều dưới góc nhìn minh triết Việt, do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội vừa tổ chức làm cả khán phòng ngỡ ngàng...

 

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

ĐỌC THƠ CỔ NHỚ NGƯỜI XƯA : NGUYỄN DU - Nguyên Lạc



Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Tiên Điền Nguyễn Du (1820- 2020) tôi làm bài thơ tưởng niệm này:


TƯỞNG NIỆM NGUYỄN DU

"Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" *

Nến trầm đêm đọc người xưa
"Thập loài văn tế" xót xa hồn này
Tiên Điền thơ cổ kinh thay
Rợn hồn từng chữ từng lời oan khiên

"Còn chi ai quí ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu" [1]

"Long thành cầm giả" khúc đau
Ngậm ngùi thơ cổ bể dâu cuộc đời
Sắc hương đệ nhất một thời
Ðàn cầm thánh thoát  giờ rồi tàn phai [2]

Trăm năm thoáng chốc thở dài
Bồi hồi chuyện cũ thương ai mà buồn
Động lòng khói sóng Tiền Đường [3]
Thương Kiều phận bạc "Đoạn trường tân thanh"

Hai trăm năm đấng tài danh
Bài thơ tưởng niệm con dâng tặng người
Đất nước tôi dân tộc tôi
Nguyễn Du hai chữ rạng ngời Việt Nam

...

* Không biết hơn ba trăm năm sau/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?- Độc Tiểu Thanh ký- Nguyễn Du
[1] Câu thơ trong "Văn tế thập loại chúng sinh" - Nguyễn Du
[2] Quái để giai nhân nhan sắc suy/ Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng/ Khả liên đối diện bất tương tri - "Long thành cầm giả ca" - Nguyễn Du
[3] Thúy Kiều trầm mình trên sông Tiền Đường - Đoạn Trường Tân Thanh

                                                                                         Nguyên Lạc

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

VĂN TẾ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU - Kha Tiệm Ly


  
                   Nhà văn Kha Tiệm Ly


VĂN TẾ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU 

*Giải nhất toàn quốc năm 2020
*Bản đã chỉnh sửa

Than ôi!

1. Gió dìu mây, mây phủ màu tang,
Sương thức lá, lá rơi nước mắt.

2. Khóc người tuấn kiệt, núi thẳm ngậm ngùi,
Chạnh khúc đoạn trường, dòng sâu man mác!

Nhớ văn hào xưa,

3. Vốn nòi thế phiệt, lời lời hoa thêu gấm dệt, hàng hàng ý ngọc lời châu,
Nhằm cửa danh gia, ngày ngày ngọc dát châu đeo, bữa bữa đũa ngà chén bạc.

4. Hồng Lĩnh đỉnh cao vòi vọi, muôn khí thiêng hun đúc bậc anh tài,
Lam Giang bờ rộng thênh thênh, vạn nguồn mạch sản sinh người khoáng dật.

5. Thông minh đĩnh ngộ, bút văn chương sánh bậc Đỗ, Vương, (1)
Hòa ái khiêm cung, điều nhân nghĩa noi thầy Khổng, Mặc. (2)

6. Cao bằng hiền hữu, luôn chọn bậc trọng nghĩa khinh tài, đâu hiềm nhà cao cửa rộng hay điếm cỏ cầu sương,
Tri kỉ hồng nhan, chỉ lựa người nhả ngọc phun châu, chẳng màng cổng kín tường cao hay lầu ca viện hát.

7. Tài năng đó khó khăn chi danh đề bảng hổ, vinh hiển tổ tông?
Nhân cách ấy trở ngại gì tế thế an bang, chấn hưng xã tắc?

Ngờ đâu,

8. Thời li loạn hốt bạch vân thương cẩu, còn đâu hồi áo gấm hài thêu,
Lửa chiến chinh biến thương hải tang điền, nào ngờ lúc nhà tan cửa nát!

9. Buổi giao thời chia đường hai lối, về phương nào khi thay chúa đổi tôi,
Tiếng đao binh tạo khúc đoạn trường, đàn làm sao khi lạc cung sai bậc?

10. Kinh luân một bụng, đâu anh hùng, đâu tri kỉ, đường trần ai ngoảnh lại bơ vơ.
Kinh điển năm xe, nào trung can, nào khí tiết, đạo thần tử ngẫm càng chua chát!

11. Hùng tâm tráng khí, mà bóng quần hào sau trước vắng tênh,
Viễn trí cao tài, nhưng đường tiến thoái dọc ngang bế tắt!

12. Mộng phù Lê tàn phai lần lữa; làm được gì khi bóng lẻ thân cô?
Vọng cố hương đau xót não nùng; thương biết mấy ngày canh rau cơm lạt!

13. Dằn câu khí tiết, chốn sân chầu che mặt uốn lưng tôm,
Ngậm tiếng thị phi, nơi cửa khuyết nén lòng khum gối hạc!

14. Đã trót đánh rơi thanh kiếm, vinh dự chi lơ láo phận hàng thần.
Thôi đành nương náu bệ rồng, thẹn thùng lắm lất lây hồi đầu bạc!

15. Qua quan ải, giận cuồng ngôn tên ác tướng Phục Ba, (3)
Nhớ Hát Giang, trọng khí tiết vị nữ vương Trưng Trắc.

16. Dù Đồng Trụ rêu đã xanh rì ,
Nhưng Đằng Giang cọc còn nhọn hoắt!(4)

17. Đến viễn phương thấy đời đau khổ, kẻ tù đày, người đói rách, nhớ quê xưa tấc dạ bồi hồi.
Viếng danh nhân chạnh nỗi đoạn trường, nào bi phẫn, nào oan khiên cảm thân phận cõi lòng u uất.

18. Bởi bạo quyền giấu nanh che vuốt, nhai xương người ngọt tợ cao lương. (5)
Nên lê dân bóp bụng thắt hầu, ăn rau dại thường hơn cơm vắt!

19. Đầu Ban Siêu (6) phơ phơ màu tóc, nợ sơn hà tấc đất ngọn rau,
Mây Hoành Sơn bàng bạc đầu non, xót phần số hồng nam nhạn bắc!

20. Đường công danh phủ bao lớp trần ai,
Màu danh lợi nhuộm mấy lần bạch phát!

21. Mãi trông đàn nhạn vỗ cánh nhịp nhàng hướng đỉnh Hồng Sơn,
Mà mặc vó ngựa gõ nhịp u buồn về miền Kinh Bắc!

22. Mỗi bước li hương, mỗi bước não nùng,
Từng hồi nhớ quê, từng hồi quặn thắt!

Mới hay,


23. Li ngự tửu không ngon ngọt lại đắng cay,
Tình đồng liêu chẳng mặn mòi mà nhợt nhạt!

24. Chốn quan trường lỡ thầy lỡ tớ, ích lợi gì chữ tốt văn hay?
Nơi triều trung gượng nói gượng cười, sượng sùng lắm mũ vàng đai bạc!

25. Chán khòm lưng quỳ nơi chín bệ, thùng thình vướng áo rộng hài cao,
Muốn phanh ngực nằm dưới bách tùng, thư thả ngắm trăng thanh gió mát.

26. Sờ tóc trắng thẹn cùng Hồng Lĩnh, thẹn cùng tảng đá, chòm cây,
Nhìn mây chiều nhớ đến Lam Giang, nhớ đến cội tùng, dòng thác

27. Thanh Hiên Thi Tập, gởi gắm phận mình lỡ thời thất thế, đá nát vàng phai,
Bắc Hành Tạp Lục, xót thương bao người ách nước tai trời, mưa vùi gió dập.

Dù cho,

28. Sao văn chương xé toạc lưng trời,
Lòng nhân ái trải dày mặt đất.

29. Viết văn tế độ người thảm tử, xót thập loại chúng sinh sống đọa chết đày,
Mượn tân thanh phổ khúc đoạn trường, thương bao phận hồng nhan hoa trôi bèo dạt!

30. Cảnh tang thương triền miên tám  hướng, nơi ta bà bao người lạc chợ, trôi sông,
Khói binh đao mờ mịt chín tầng, xương vô định bấy kẻ chôn nghiêng, liệm sấp!

31. Sổ đoạn trường hàng hàng lớp lớp, nào giai nhân, nào tài tử, lượn sóng đời dập cuồn cuộn oan khiên,
Đường định mệnh lối lối thênh thênh, nào nghĩa khí, nào trung can, dây oan nghiệt kết trùng trùng u uất!

Ôi!

32. Mang chữ “mệnh” thì nơi đâu không phải bến Tiền Đường?
Chẳng chữ “duyên” làm sao dễ náu nương Quan Âm các?

33. Phận bạc luôn đọa đày bậc khoát luận cao đàm, tú khẩu cẩm tâm,
Con tạo khéo ghét ghen kẻ ngọc diện hồng nhan, thiên hương quốc sắc!

34. Dù bể tang thương trùng trùng gió bão, đầu bút thần vẫn tỏa ánh hào quang,
Ngặt lửa sa trường ngun ngút núi sông, câu khí tiết làm đau lòng ngọc phác!

35. Đâu má hồng mười lăm năm trường đoạn, mà bên tình, bên hiếu luôn sắt son cùng sông núi thênh thênh?
Đâu danh nhân chịu nửa kiếp phong trần, mà chữ tiết, chữ nhân vẫn mênh mang như trăng sao vằng vặc?

Đáng xứng danh:

36. Vô tiền nghệ sĩ aó bố hài gai,
Khoáng hậu thi hào lòng son dạ sắt.
37. Không phải nguyệt mà sáng trong hơn nguyệt; trong rừng bảo điển vĩ nhân, cụ Tiên Điền xứng danh “vạn đại thi hào” .
Chẳng là hoa lại thơm ngát hơn hoa; trong vườn phong tình cổ lục, truyện Thúy Kiều đáng gọi “kỳ thư tuyệt tác”.

38. Cạnh muôn hoa, vua mẫu đơn chẳng muốn tỏa hương, (7)
Giữa bầy chim, chúa phượng hoàng đâu cần khoe sắc! (8)

39. Đẹp làm sao! Nhân dân ngưỡng mộ ngài với biết bao lời châu ngọc thiết tha,
Xứng làm sao! Thế giới tôn vinh ngài cùng trăm linh bảy danh nhân lỗi lạc! (9)

Ôi! Hỡi ôi!

40. Đang cơn mây tạnh ngờ đâu gió thổi ngậm ngùi,
Trong lúc trời quang bỗng dưng mưa bay lất phất!

41. Thu vừa chớm mà vùng đất Tiên Điền (10) mây nhuộm âm u,
Chướng chưa về mà dặm đường Nghi Xuân (10) lá rơi lác đác!

42. Đao định mệnh luôn cướp đường sinh tử, dù thân chẳng còn mà tiếng để danh lưu,
Trận phong lôi sao át sấm tài danh, nên đèn vẫn tỏ dù mưa lùa gió tạt.

43. Lẽ vô thường lại đùa cợt nhân sinh,
Đò li biệt luôn đưa sầu vạn vật!

44. Ơn văn hào tợ trái đồi trái núi, chừng như nước lấp đại dương,
Lời hậu sinh như hạt bụi hạt sương, cầm bằng cát rơi sa mạc!


Hôm nay,

45. Chưa ba trăm năm, mà cả non sông đã đổ lệ vì người nghệ sĩ phong lưu,
Bởi khắp bốn cõi, cứ mỗi tấm lòng đều nghiêng mình trước một thi hào uyên bác.

46. Dù văn chương, dù son phấn, khi thác rồi hậu thế còn ghi,
Dù vô mệnh, dù hữu thần, lúc lìa đời người sau vẫn nhắc.(11)

47. Chén rượu quý kính dâng người tài đức, lượng thứ chúng hậu sinh ý thiển lời thô,
Nén nhang thơm tưởng nhớ bậc cao hiền, cung thỉnh đấng tiền bối lòng thành lễ bạc.

Thượng hưởng!

                                                                                 KHA TIỆM LY

Chú thích:

(1) Đỗ, Vương: Đỗ Phủ, Vương Bật

(2) Khổng, Mặc: Khổng Tử, Mặc Tử

(3) Sau khi đánh thắng Hai Bà Trưng. Mã Viện dựng trụ đồng ở biên giới với hàng chữ khắc trên đó: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (nếu trụ đồng mà bị gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong”

(4)Trộm ý của hai câu:
“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục,
Đằng giang tự cổ huyết do hồng”
(Trụ đồng đến nay rêu còn xanh biếc,
Nước sông Bạch Đằng từ xưa đến giờ vẫn còn đỏ au)

(5) Cao lương: Trong “cao lương mĩ vị”, chỉ thức ăn ngon. Nguyên câu trộm ý 2 câu trong bài Phản Chiêu Hồn của cụ Tiên Điền:
“Bất lộ trảo nha dữ giác độc,
Giảo tước nhân nhục cam như di!”
(Không để lộ ra nanh vuốt và sừng (có nọc) độc
Mà cắn xé thịt người ngọt như kẹo như đường)

(6) Ban Siêu: Vị tướng tài thời Đông Hán. Bình định Tây Vực hồi 40 tuổi, đến 71 tuổi mới trở về kinh đô Lạc Dương; lúc đó đầu ông đã bạc trắng .

(7) (8): Mẫu đơn là chúa loài hoa; Phụng hoàng là chúa loài chim (theo quan niệm xưa)

(9) Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) họp ở Paris đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15 phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới. Theo đó, hoạt động tôn vinh được triển khai ở Việt Nam và tại các nước trong cộng đồng UNSESCO (niên độ 2014 - 2015).
(Nguồn: https://hanam.gov.vn/…/Danh-nhan-van-hoa-the-gioi--%C4%90ai…)

(10) Làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Tỉnh Hà Tĩnh là quê hương của cụ Nguyễn Du (mộ cụ nằm tại làng Tiên Điền)

(11) Trộm ý 2 câu trong bài “Độc Tiểu Thanh Kí”:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.”
( Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết .
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở).  
              

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG – ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN - Nguyên Lạc


     


TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG – ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN 

                                                                                   Nguyên Lạc

Phần dẫn nhập
Trong phần Lời Kết của bài Về Nguồn Gốc Của Thơ Lục Bát [1] – tôi có viết: “Giống như một số người cố tình cho Đoạn Trường Tân Thanh là truyện thơ diễn dịch từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên China mà ra, sao không nghĩ ngược lại?”. Rất nhiều người, kể cả các trường đại học, trung học Việt Nam đã cho rằng thi hào Nguyễn Du dựa theo cốt truyện một tiểu thuyết chương hồi, bằng văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân bên China để viểt ra Đoạn Trường Tân Thanh. Thí dụ:

[ … Nguyễn Du viết dựa theo cốt truyện một tiểu thuyết chương hồi bằng văn xuôi của Trung Quốc có tên là Kim Vân Kiều truyện (truyện về Kim Trọng Thúy Vân Thúy Kiều) của một tác giả hiệu là Thanh Tâm Tài Nhân. Trong thời đại của Nguyễn Du các nhà thơ sáng tác thường dựa theo một tác phẩm của Trung Quốc như thế. Nói chung Nguyễn Du dựa khá sát vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân khi viết lại Truyện Kiều: Cụ thể là những nhân vật trong Truyện Kiều của ông đều là những nhân vật lấy từ Kim Vân Kiều truyện; những tình tiết biến cố cốt truyện trong Truyện Kiều hầu hết đều có trong KIm Vân Kiều truyện…] 
 [Trường THCS Nguyễn Viết Xuân- Thị xã An Khê- Tỉnh Gia Lai]

Xin ghi thêm vài lời của ông GS “bạn vàng phương Bắc” Đổng Văn Thành:

“So sánh truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam” trên “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” GS. Đổng Văn Thành – China cho rằng: “Nguyễn Du chẳng những chỉ mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc mà dường như bê nguyên xi […] Nguyễn Du không có bất kỳ một sáng tạo mới nào, chỉ chuyển thuật khá trung thực nội dung tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân…” 
[ Theo Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”]

Thêm nữa, mời các bạn đọc những lời này:

 “Thế nhưng chẳng những bài viểt trên mạng, sách giáo khoa của các vị TS, PTS Giáo sư Việt Nam ta đọc đều thấy viết đại để: Nguyễn Du đã vay mượn cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên China, diễn dịch ra quốc âm dưới dạng thơ lục bát, sáng tạo ra truyện Kiều. Nguyễn Du là thiên tài của nước Việt đã biến một tiểu thuyết “tầm thường” trở thành một tác phẩm thi bất hủ.

Biết bao lời ca ngợi Nguyễn Du, trên cơ sở khen ông nhào nặn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân bên China. Thực ra những lời khen đó là sáo rỗng, vì những người viết như thế vô trách nhiệm với văn hoá dân tộc đã đành; đồng thời, trong những lời ca ngợi đó đã kết tội Nguyễn Du “đạo văn”, tức là mượn cốt truyện người ta mà giấu. Mặt khác các vị cho rằng Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là tiểu thuyết tầm thường mà sao từ năm 1926, tên tác phẩm và tác giả đã đưa vào “văn học sử Trung quốc” và đến 1984 đến nay nó lại át cả Hồng Lâu Mộng China? Các vị không thấy có cái gì là lạ ở đây sao? Có bao giờ các vị đặt một câu hỏi liệu China có định chiếm đoạt văn hoá như đã, đang và sẽ chiếm cho được lãnh thổ người Việt không?”

Có vị bào chữa rằng ta mượn cốt truyện thì có gì phải tự ái, miễn là về mặt tư tưởng và nghệ thuật truyện Kiều đạt tới đỉnh cao là tự hào rồi! Nghĩa là trong thâm tâm những vị đó vẫn cho rằng Nguyễn Du đã đạo văn và đạo văn chẳng có gì xấu hổ. Còn tư tưởng thì hệt tiểu thuyết Kim Vân Kiều chứ khác chỗ nào mà gọi là cao hơn? Nghệ thuật cao hơn ư? Cao là cao đối với thơ Việt Nam.

Nói cho cùng là: Nguyễn Du đã đạo văn và diễn truyện Tàu bằng thơ rất hay đối với người Việt. Người Việt tự hào về điều đó.! Thử hỏi người nước ngoài mà nghe kết luận như vậy thì có cười vào mặt người Việt không? Có là nỗi tủi nhục cho quốc hồn và quốc sĩ của ta không?
                                                                      [Viết theo lời Lê Nghị]

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

“VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH” CỦA ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU


       


           “VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH” 
           CỦA ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Tháng bảy âm lịch - mùa Vu Lan báo hiếu, cũng là mùa xá tội vong nhân. Và theo tục lệ tiết tháng 7, người sống sắm lễ vật để cúng tế, đọc văn khấn kêu gọi các vong hồn “Sống đã chịu một đời phiền não/ Thác lại nhờ hớp cháo lá đa…” đến dự lễ cúng thí thực và đọc văn khấn chiêu hồn để các cô hồn đến hưởng lễ vật cúng tế, rồi tới các chùa để nghe tụng kinh niệm Phật Bài, cầu nguyện cho các cô hồn được giải thoát trong dịp lễ Vu lan để có thể giải thoát đi đầu thai, hay thoát khỏi kiếp luân hồi. Bài văn khấn lễ cúng thí thực được sư thầy, thầy cúng đọc là bài “Văn tế thập loại chúng sanh” của đại thi hào Nguyễn Du.
Bài “Văn tế thập loại chúng sanh” của đại thi hào Nguyễn Du là một áng thơ hay. Nó còn có những cái tên khác như “Chiêu hồn thập loại chúng sanh”, “Văn chiêu hồn”, “Chiêu hồn ca”, “Kinh chiêu hồn”…
Văn tế khác điếu văn. Điếu văn - là bài văn đọc khi đến viếng người vừa chết, chưa mai táng, để an ủi người thân của người vừa chết, gởi lời thương xót cùng kỷ niệm với người chết.
Văn tế có thể là văn vần, văn xuôi, hay một bài văn biền ngẫu (có nhiều câu đối nhau thành từng cặp) là bài văn tụng khi cúng tế người đã chết nhằm tỏ lòng kính trọng, thương tiếc người quá cố

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC: “CON CUỐC GỌI HÈ” – Đỗ Chiêu Đức


         Ã„á»— Chiêu Đức
                           Tác giả Đỗ Chiêu Đức
 
                
        ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC: “CON CUỐC GỌI HÈ” 
                                                                       Đỗ Chiêu Đức
                               
          Ai xui con cuốc gọi vào hè,
          Cái nóng nung người nóng nóng ghê

     Con Cuốc, ta còn gọi là Con Chim Quấc, đồng âm với chữ Quốc là Nước; tên chữ Nho là Chim Đỗ Quyên với thành ngữ Đỗ Quyên Đề Huyết như sau :

    ĐỖ QUYÊN ĐỀ HUYẾT  杜鵑啼血: là Chim Đỗ Quyên kêu đến mửa máu miệng ra vì nhớ nước thương dân. Chim Đỗ Quyên còn có tên là Đỗ Vũ, Tử Quy, Tử Quyên, giới bình dân Miền Bắc gọi là Con Quốc, Miền Nam gọi là con Cuốc.
Đỗ Quyên kêu suốt ngày đêm từ đầu xuân cho đến cuối hạ, sang thu thì tắt tiếng. Tiếng cuốc kêu đều đều trầm buồn gợi nhiều cảm xúc trong những đêm hè và khi há miệng ra kêu thì da bên trong miệng toàn một màu đỏ, nên mọi người lầm tưởng là chim kêu đến thổ huyết mà chết.
Khoảng thời gian chim cuốc kêu lại nhằm lúc có một loại hoa đỏ thắm nở rất đẹp khắp núi đồi, nên dân gian lại truyền tụng rằng : Hoa có màu đỏ thắm là do nhuộm máu của chim Cuốc thổ ra, vì thế mà gọi loài hoa đẹp đó là Hoa Đỗ Quyên. Theo như bài thơ Ngũ Ngôn của Thành Ngạn Hùng 成彦雄 đời Đường như sau :
                 
          杜鵑花與鳥, Đỗ Quyên hoa dữ điểu,
          怨艷两何賒, Oán diễm lưỡng hà xa.
          疑是口中血, Nghi thị khẩu trung huyết,
          滴成枝上花.  Trích thành chi thượng hoa !

Có nghĩa :

      *  Đỗ Quyên là tên của hoa và của cả chim,
      *  Một bên là oán hờn, một bên là đẹp rực rỡ, hai bên cũng
          không xa cách là mấy, nên...
      *  Ngờ là máu ở trong miệng (của con chim) đã...
      *  Nhỏ xuống nở thành hoa đẹp ở trên cành !

Diễn Nôm :

         Đỗ Quyên chim với hoa,
         Oán đẹp có nào xa.
         Ngờ là máu trong miệng,
         Nhỏ xuống cành nở hoa ! 

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

“LƯU LINH MỘ” - THI HÀO NGUYỄN DU - ĐỨC HẠNH & QUÝ HỮU KÍNH HỌA


   


LƯU LINH MỘ

Lưu Linh tử bất thành tài
Hạ sáp dương ngôn tử tiện mai
Túy lí dĩ năng tề vạn vật
Tử thời hà tất niệm di hài
Thiên niên cổ mộ trường kinh cức
Vạn lí quan đạo đa phong ai
Hà tự thanh tinh khan thế sự
Phù bình nhiễu nhiễu cánh kham ai

                                    Nguyễn Du

LƯU LINH MỘ

Cái gã Lưu Linh chẳng có gì
Bảo người vác cuốc "chết chôn đi"
Khi say vạn vật đều như thế
Lúc chết hình hài tiếc cái chi
Gai phủ ngàn năm ngôi mộ cũ
Bụi bay muôn dặm phủ đường đi
Chi bằng tỉnh thức mà xem xét
Thế sự bèo trôi thảm cảnh ghi !

                        (Hải Đà dịch)