Về
truyện võ hiệp Việt Nam, các tác giả của loại văn học này chỉ đếm trên đầu ngón
tay, và nhà văn Hoàng Ly đã nổi bật hơn tất cả với tiểu thuyết võ hiệp dã sử Một
Thời Ngang Dọc (“Thập Vạn Đại Sơn Vương”), một thời nổi tiếng là truyện võ hiệp hay nhất của nước ta. Ông
viết rất khỏe, liên tục cho ra đời hàng loạt feuilleton (truyện đăng nhiều kỳ
trên báo) với các truyện Kỳ Nữ Sông Kỳ Cùng, Người Điên Áo Thụng, Hận Loa Thành,
Tráng Sĩ Không Tên… Nhà văn Hoàng Ly đã được người ta đặt tên tuổi cho là Vua
Feuilleton.
Nhà
văn Vũ Bằng trong trong tác phẩm “Những cây cười tiền chiến” đã viết về nhà văn
Hoàng Ly: “… tiêu biểu cho những nhà văn thơ trào phúng trong thời kỳ này là
Trương Linh Tử, tên thật là Đỗ Hồng Nghi... Còn tên nữa là Thánh Sống, Hoàng
Ly, tác giả nhiều tiểu thuyết mạo hiểm, ái tình, phiêu lưu, anh là người đầu
tiên đã mở một mục trào phúng mới trên báo Liên Hiệp, mục Vấn Kế…”
HOÀNG
LY, CÂY BÚT VÕ HIỆP ĐƯỜNG RỪNG KINH DỊ, ĐỘC ĐÁO CỦA VIỆT NAM
Nhà văn Hoàng Ly, tên thật Đỗ Hồng Nghi (1915- 1981), sinh
tại Quần Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông là con cụ Đỗ Văn Phấn (thường gọi
cụ Cả Phấn) và cụ bà Đỗ Thị Ngọc. Gia đình dòng dõi cụ Nghè Quần Anh – tức tiến
sĩ Đỗ Tông Phát, người đã có công mở mang vùng duyên hải tỉnh Nam định vào Thế
kỷ XIX, khi giữ chức Dinh Điền Chánh sứ dưới triều nhà Nguyễn.
Ngay từ niên thiếu nhà văn Hoàng Ly đã sớm bộc lộ
thiên hướng về văn thơ, kịch nghệ và bắt đầu sang tác rất sớm. Song phải đến đầu
thập niên 40 của thế kỷ trước, ông mới chính thức xuất hiện trên văn đàn miền Bắc
dưới các bút danh HOÀNG LY, TRƯƠNG LINH TỬ, nhanh chóng tạo được sự chú ý.