BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Trường. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Trường. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

NGUYỄN ĐỨC SƠN: CHẬP CHỜN TRONG CÕI HƯ VÔ - Đỗ Trường



Khi đọc, và nghiên cứu văn học sử Việt Nam có hai người đặc biệt làm cho tôi ám ảnh. Đó là nhà văn Nguyên Hồng, và thi sĩ  Nguyễn Ðức Sơn (Sơn Núi) ở hai đầu của đất nước. Sự ám ảnh ấy, không hẳn bởi văn thơ, mà vì tư tưởng, cũng như cuộc sống của họ. Tuy ở hai thế hệ, cách nhau bằng một cuộc nội chiến hai mươi năm, song cuộc sống Nguyên Hồng và Nguyễn Ðức Sơn có sự trùng hợp ngẫu nhiên, mang đến nhiều điều thú vị, chất chứa nỗi buồn day dứt cho người đọc.
 
Nếu sự chối bỏ Hà Nội đến với núi rừng Bắc Giang sau 1954 của Nguyên Hồng làm sửng sốt giới văn nghệ sĩ, người đọc ở miền Bắc, thì sau 1975 Nguyễn Ðức Sơn chán chường vứt bỏ Saigon, trèo lên đỉnh Cao nguyên Bảo Lộc còn làm cho mọi giới, trên toàn đất Việt phải giật mình hơn nữa: “về đây với tiếng trăng ngàn/ phiêu diêu hồn nhập giấc vàng đó em/ trăm năm bóng lửng qua thềm/ nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi”. Vâng, tôi nghĩ: Buổi chiều êm biến rồi, không phải tâm trạng, nỗi đau riêng của Nguyễn Ðức Sơn lúc đó.
 

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2024

BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC: MỘT GÓC NHÌN TỪ THI CA – Đỗ Trường



Thời gian gần đây, tôi được đọc khá nhiều văn thơ do các bác sĩ, kỹ sư viết. Với lời văn, câu thơ giản dị cùng sự tưởng tượng, tư duy logic cho tôi nhiều điều bất ngờ. Và mối quan hệ, tính logic ấy đã làm nên chân dung, tính đặc trưng riêng biệt cho mỗi nhà văn. Nếu nói, toán học gói ghém cái cụ thể nhất, thì văn thơ Toàn Phong mở cái trừu tượng của không gian vũ trụ Nguyễn Xuân Vinh. Và Đỗ Hồng Ngọc cũng vậy, thi ca là chìa khóa mở ra con đường dẫn ông đến y khoa, đến với nơi cửa thiền. Do vậy, đi sâu vào đọc và nghiên cứu, ta có thể thấy sự nghiệp, và thi ca Đỗ Hồng Ngọc không chỉ cứu chữa thể xác con người, mà còn vá lại những linh hồn rách nát.
 

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

TRẠCH GẦM, MỘT GIỌNG THƠ ĐỘC ĐÁO – Đỗ Trường

                                  (Mục chân dung nhà văn)

Nhà thơ Trạch Gầm

Có lẽ, dính vào viết lách, nên tôi thường nhận được những tác phẩm thơ văn gửi tặng qua bưu điện, hoặc E-mail. Đó cũng là một niềm vui, sự an ủi không nhỏ cho những người cầm bút. Tuần vừa rồi, có một bác từ Houston, Hoa Kỳ gửi cho tôi chùm thơ, và hỏi có biết Trạch Gầm không. Vâng, tất nhiên là tôi đã bắt gặp tên tuổi nhà thơ này, khi đọc và nghiền ngẫm Văn học miền Nam trước đây, và các tác giả sau 1975 ở hải ngoại. Song mới chỉ đọc một vài đoạn trích ở đâu đó của Trạch Gầm, và chưa cho tôi một ấn tượng, hay cảm xúc gì đó đặc biệt. Tuy nhiên, khi nhận chùm thơ này, tôi đọc ngay, và đọc một mạch. Cái tráng khí Trạch Gầm làm cho tôi hơi bị sửng sốt. Do vậy, tôi tìm đọc ông. Và quả thực, thơ văn Trạch Gầm đã cho tôi một cảm xúc thật sâu sắc. Đọc ông, tôi chợt liên tưởng đến nhà thơ Huỳnh Hữu Võ, và Nguyễn Bắc Sơn. Nếu ngôn ngữ thơ của những người lính Huỳnh Hữu Võ, Nguyễn Bắc Sơn mang tính đặc trưng, thì ta có thể thấy rõ cái nét độc đáo trong thi ca Trạch Gầm.
 

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

LỮ QUỲNH, CÁI CÁN CÂN CỦA VĂN HỌC MIỀN NAM – Đỗ Trường

                       (Mục chân dung nhà văn - Đỗ Trường)
 
Nhà văn Lữ Quỳnh

Sau 1954, Việt Nam bị cắt làm đôi, với hai thể chế chính trị hoàn toàn trái ngược nhau. Cũng như kinh tế, và xã hội, mỗi miền đều có nền văn học riêng của mình. Nếu văn chương miền Nam như bản nối dài của dòng văn học hiện thực lãng mạn, thì miền Bắc mở ra thời kỳ văn học tuyên tuyền, minh họa đường lối lãnh đạo của Đảng CS. Ngoài ra, do điều kiện địa lý tự nhiên cũng như lịch sử để lại, chúng ta có những đặc tính văn hóa của mỗi vùng, miền khác nhau. Từ đó đã sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ với ngôn ngữ, văn phong, bút pháp nghệ thuật mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng, miền ấy. Do vậy, khi đọc một cuốn sách, nếu tinh ý một chút, ta có thể nhận ra, quê quán, nơi sinh trưởng của tác giả.
 

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

DƯƠNG THU HƯƠNG, NGƯỜI ĐI GIỮA HAI LÀN ĐẠN – Đỗ Trường

Nhà văn Dương Thu Hương là nhà văn nổi tiếng nhất trong dòng văn học hiện thực tại Việt Nam những năm 80. Hầu như sách của bà in ra đều bán hết rất nhanh. Mặc dù những năm đó, chuyện mua sách là xa sỉ đối với đồng lương eo hẹp và cuộc sống thiếu đói của tầng lớp công nhân lao động. Bài viết của nhà văn Đỗ Trường và lời nhận xét của Giáo sư Huệ Chi dưới đây về những cuốn sách hiện thực chiến tranh đã đẩy bà vào chốn lao tù CS, đã cho ta thấy một Dương Thu Hương đáng kính nể thế nào.

Nhà văn Dương Thu Hương

Lời dẫn của GS Huệ Chi
 
Tôi có may mắn được con mắt xanh của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến để ý, mời làm giảng viên chính Trường viết văn Nguyễn Du ngay từ khóa I, khóa của những người viết văn xuất thân quân ngũ vừa rời chiến trường trở về được dăm năm, những người năng khiếu văn chương nẩy nở cùng với quá trình đem sinh mạng mình cọ xát với cái chết, nhìn ngắm và chiểm nghiệm nó ở cự ly gần, nên gần như cả một thế hệ – chỉ dám thu hẹp trong phạm vi một khóa học – đều trở thành những cây bút có bản lĩnh và bản sắc. Trong số đó, Dương Thu Hương là một người nổi bật và trường sức. Trớ trêu cho tôi, khi giảng bài có chị ngồi ở dưới, tôi chưa kịp nhận ra điều này. Vào năm 1983, khi Viện Văn học tổ chức một hội thảo khoa học được coi là quan trọng “35 năm văn học cách mạng miền Nam” (tính từ 1959), tôi được phân công làm người ghi âm những bài phát biểu miệng, trao đổi ý kiến trực tiếp trên diễn đàn. Tôi đã ghi không sót bất kỳ ai, kể cả những người nói những lời nhàm chán nhất. Thế nhưng khi đến lượt Dương Thu Hương giơ tay, không hiểu sao tôi lại tắt công tắc. Một tâm lý coi thường học trò nằm trong vô thức chăng? Có lẽ. Thì có ngờ đâu đấy lại là diễn ngôn ứng tác xuất sắc nhất trong cả cuộc hội thảo. Nó cũng bộc lộ một cá tính mạnh, dám phơi trần sự thật, của cây bút Dương Thu Hương sau này. Tôi nhớ đinh ninh, đó là lần đầu, trên một diễn đàn chính thống và công khai, có những điều cấm kỵ được nêu lên thẳng băng không chút dè dặt; như việc chị nói: “đưa một nhà thơ lên giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách kinh tế thì tránh sao khỏi đất nước đói rã họng”... Sau cuộc họp tôi cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ như người đánh mất một vật quý; tiếc vì bỏ qua đi một cơ hội để có được một bài nói xuất thần của người học trò mà đến lúc ấy mình vẫn chưa nhìn thấy hết tài năng. Nhân bài viết của Đỗ Trường đăng lại dưới đây, gọi là có mấy lời tạ lỗi với nhà văn.
 

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

HỮU LOAN – TÀI NĂNG VÀ SỰ MÂU THUẪN TRONG TƯ TƯỞNG CŨNG NHƯ THI CA - Đỗ Trường

(Viết nhân 10 năm ngày mất của thi sĩ Hữu Loan)
 
 
Nhà thơ Hữu Loan

Thế hệ tôi ở miền Bắc trước 1975, dường như rất ít người biết đến nhà thơ Hữu Loan. Bởi, thơ ông không được in ấn, nhắc nhở đến. Nếu không có văn học, âm nhạc miền Nam, và sự cởi trói cho các văn nghệ sỹ vào những năm cuối của thập niên tám mươi, thì thơ văn, cũng như con người Hữu Loan vẫn còn nằm đó, hóa thạch với thời gian. Hữu Loan viết không nhiều. Và cùng Trần Dần, Lê Đạt… ông là người tiên phong trong việc cách tân thơ Việt ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Do vậy, tính mộc mạc, dân dã trong thơ Hữu Loan đã được mọi tầng lớp người đọc yêu mến, đón nhận. Song giống như các nhà thơ cùng thời, không phải bài thơ nào của Hữu Loan cũng đạt được những điều mong muốn. Tuy nhiên có thể nói, Hữu Loan là một trong những linh hồn và nhà thơ có sức sống lâu dài nhất của thi ca kháng chiến (ở giai đoạn 1946 -1954).
 

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

CAO XUÂN HUY- NGƯỜI VẪN KHÔNG THỂ THOÁT RA KHỎI CUỘC CHIẾN - Đỗ Trường

(Mục chân dung nhà văn - Đỗ Trường)
 
Tác giả Đỗ Trường

Sau 1975, Văn học cũng như con người buộc phải trốn chạy, tìm đường vượt biển. Tưởng chừng, nơi miền đất lạ, dòng văn học tị nạn ấy sẽ chững lại. Nhưng không, nó như những nhánh sông âm thầm vặn mình bồi lên mảnh đất khô cằn đó. Chiến tranh, người lính vẫn là đề tài nóng bỏng để các nhà văn tìm tòi, khai thác. Vào thời điểm ấy, những nhà văn quân đội Phan Nhật Nam, Trần Hoài Thư, Thế Uyên…đang ở độ chín và sung sức. Và sau đó, xuất hiện hàng loạt nhà văn xuất thân từ những người lính chiến đã trải qua những năm tháng tù đày, như: Phạm Tín An Ninh, Song Vũ hay Cao Xuân Huy… Tuy văn phong, thi pháp riêng biệt, nhưng tựu trung, mỗi trang viết của họ đều để lại những ấn tượng thật sâu sắc trong lòng người đọc. Nếu văn của Phạm Tín An Ninh đẹp, sáng và nhẹ nhàng, thì từ ngữ trên những trang viết của Cao Xuân Huy nặng tính khẩu ngữ trần trụi, mãnh liệt. Có một điều rất thú vị, đọc Cao Xuân Huy, tôi lại nhớ đến nhà thơ người lính Nguyễn Bắc Sơn. Bởi, tính đặc trưng ngôn ngữ làm nên hình tượng, chất lính rất đặc biệt trong thơ văn của hai ông văn sĩ này.
 

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

VŨ HOÀNG CHƯƠNG, LẠC LOÀI TRONG CÕI NHÂN SINH – Đỗ Trường


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương


VŨ HOÀNG CHƯƠNG, LẠC LOÀI TRONG CÕI NHÂN SINH
                                                                                            Đỗ Trường

     (Viết nhân 100 năm ngày sinh của thi sĩ Vũ Hoàng Chương 1915-2015)


Tác giả Đỗ Trường

 Khi tiếng kêu đớn đau của thi sĩ Hàn Mặc Tử ở phương Nam chợt vụt tắt, thì vòm trời thi ca đất Việt dường như chỉ còn một Vũ Hoàng Chương đang quằn quại với những vết thương xẻ nát tâm hồn. Thì kỳ lạ thay, từ chính vết thương đang rỉ máu ấy lại vẽ ra một lối đi riêng, một con đường cho thi ca ngay từ buổi đầu đến với thơ mới. Nếu ai đó đã nói, thơ là tiếng nói hồn nhiên trong trẻo của tâm hồn, là tuổi thơ của loài người còn xót lại…thì quả thật với Vũ Hoàng Chương, nó lại là tiếng bi ai được cất lên từ nỗi đau rách nát của linh hồn. Chính vì vậy, thơ ông đã chạm đến tận cùng nỗi đau và sự cảm thông của con người. Để rồi thơ văn Vũ Hoàng Chương không chỉ đóng đinh vào lòng người, mà còn dán chặt tên tuổi ông vào nền văn học nước nhà. Ông viết nhiều thể loại, từ thơ, văn đến cả kịch thơ…Hơn hai chục tác phẩm tuy chưa hẳn đã là nhiều, nhưng chính tư tưởng, hình tượng nghệ thuật mới làm nên chân dung và sự nghiệp sáng tác đồ sộ Vũ Hoàng Chương.

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

CHẾ LAN VIÊN, TỪ TIẾNG KÊU BI AI ĐẾN LỜI SÁM HỐI MUỘN MÀNG – Đỗ Trường


Tác giả Đỗ Trường

Có thể nói, từ đầu thế kỷ thứ hai mươi cho đến nay, Chế Lan Viên được đánh giá là một nhà thơ lớn tài năng. Và khi nghiên cứu, ta có thể thấy, thơ văn cũng như con người ông có nhiều mâu thuẫn, phức tạp, đa diện nhất trong dòng văn học sử Việt Nam từ trước đến nay. Có lẽ, xuất phát từ mâu thuẫn nội tâm ấy, ông luôn làm người đọc phải kinh ngạc, và không chỉ đưa đến nhiều điều thú vị, mà còn cả những điều nhạt nhẽo, khó chịu khác. Ở cái tuổi mười bảy, Chế Lan Viên rất đĩnh đạc, bất ngờ đóng thẳng vào chân móng của trào lưu thơ mới, bằng thi tập Điêu Tàn rắn chắc và già dặn. Ngay từ tập thơ đầu này, ta có thể thấy, thi pháp cũng như tư tưởng Chế Lan Viên bộc lộ một cách rõ ràng, mạch lạc và tính cách khác lạ. Và cùng một thời điểm xuất phát ấy, nếu Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương…đang chờn vờn mây trời, sông nước, với nỗi đau tình ái, thì tiếng thơ Chế Lan Viên bi ai, quằn quại với thân phận, nỗi đau của con người, của dân tộc. Sau 1945, tuy tài năng, vốn sống được nâng lên và dày dặn hơn, nhưng thi pháp, tư tưởng, ngòi bút của ông bẻ ngoặt theo một chiều hướng đã định. Để rồi, khi trở về với đất, ông phải mang theo một nỗi u hoài, với những lời thán ca muộn màng, tiếc nuối.
 

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

NGHỀ VIẾT VĂN TẾ - Truyện ngắn của Đỗ Trường


Tác giả Đỗ Trường


Bố tôi là ông Đồ, chuyên gõ đầu trẻ ở một làng ven biển. Ông biết cả tiếng Pháp và chữ nho, nên hay được bà con xóm làng nhờ viết điếu sớ mỗi khi có đình đám. Cải cách ruộng đất ông bị mang ra đấu tố và bắt giam. Nhưng ông chẳng có ruộng đất gì ngoài ngôi nhà nhỏ và mấy sào vườn, nên sửa sai hạ thành phần xuống trung nông. Cũng nhờ vậy, tôi được đi học trường sư phạm trên tỉnh. Học xong, tôi về quê theo nghề bố, ông giáo làng. Ngày đấy phong trào làm báo tường rầm rộ lắm. Báo cổ động cho hợp tác xã nông nghiệp, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt…đại loại tất tần tật từ bèo hoa dâu đến chuyện sinh đẻ có kế hoạch của chị em. Về khoản này, chẳng hiểu sao nó lại hợp với gu viết của tôi. Đều đều một ngày hoặc vài ngày tôi lại bắn ra một bài. Tên tuổi vang dội, thể là tôi được rút lên làm ông giáo trường huyện. Lên huyện, tôi tý ta tý toáy viết truyện ngắn, các bác thấy có liều không? Đề tài chủ yếu vẫn xào đi nấu lại những tấm gương lao động sản xuất giỏi, trong những phong trào thi đua yêu nước, tình yêu nam nữ do đoàn thể giới thiệu, thông qua tổ chức quản lý…
 

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

VĂN HỌC MIỀN NAM, MỘT GÓC NHÌN – Đỗ Trường



 
Vào năm 2007, ở trong nước tái bản một số tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu. Rồi gần đây nhất, người ta cho in lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng và đọc một số truyện ngắn của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn trên Radio làm cho bác Nguyễn hàng xóm, tiến sĩ ngôn ngữ học Đức, ghé tai tôi: Dường như người ta đang rón rén hồi sức cấp cứu để Văn học miền Nam (giai đoạn 1954-1975) sống dậy, sau mấy chục năm truy sát, đốt phá, tưởng chừng đập chết ăn thịt ngay thì phải?