BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kha Tiệm Ly. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kha Tiệm Ly. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

LA SÁT PHU NHÂN – Truyện truyền kỳ của Kha Tiệm Ly



Thôn Lạc An có một thanh niên họ Nhậm từ Lac Dương đến. Tên thật của Nhậm là gì cả người lân cận cũng không nhớ, họ thấy Nhậm uống rượu tối ngày nên cùng gọi là Tửu Lang! Dù là đệ tử lưu linh, nhưng Nhậm luôn ứng xử phải phép nên được lòng mọi người. Tánh tình lại phóng khoáng, lòng ngay như trúc, thêm có văn tài, chữ viết đẹp như hoa bướm, nên dù mái dột cột xiêu mà bằng hữu sáng chiều đẩy nhà chật ngõ.

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2024

VỀ BÚT DANH KHA TIỆM LY VÀ THẦY TRẦN VĂN HUẤN – Kha Tiệm Ly


Kha Tiệm Ly hồi còn nhỏ

1. Từ nhiều năm trước và mới đây, có nhiều bạn hỏi tôi: “Kha Tiệm Ly có phải là tên ghép hai nhân vật KINH KHA và CAO TIỆM LY không?”. Tôi thường “Dạ” để tránh giải thích dài dòng, phần cũng ngại phạm điều  điều tối kỵ của tôi là… nói về mình!
Nhưng nhiều bạn hỏi, đành phải nói rõ ràng (hơi dài dòng, xin lượng thứ):

2. Hồi năm 1961, lúc tôi học Đệ Thất (lớp 6 bi giờ), tôi may mắn được thầy Trần Văn Huấn (thầy lớn tuổi hơn cha tôi) kêu vô nhà chơi khi tôi “bắn cu li” (bắn bi) với các bạn trước cửa nhà thầy bên cư xá Cảnh Sát. Sở dĩ thầy “mời” tôi vô nhà vÌ thầy nghe tôi đọc được hai câu đối trước cửa nhà thầy và tấm hoành với 4 chữ “Cao bằng nhã hội” ngay phòng khách, cũng là phòng làm việc của thầy.
Hồi đó học trò lễ phép lắm, nên người lớn thường thương mến. Thầy hỏi tôi biết đọc (chữ Hán) mà biết nghĩa không? – Dạ biết!
Và thầy bảo tôi giải thích hai câu đối phía trước và 4 chữ “Cao bằng nhã hội”.
– Con học chữ Hán trường nào, học mấy năm rồi, sao giỏi vậy?
– Dạ con học hồi năm tuổi, ông Ngoại dạy.
Thầy bảo tôi rảnh cứ việc sang chơi. Càng lâu, thầy thương tôi như con, và có lần thầy bảo tôi đọc truyện Tam Quốc cho thầy nghe (có lẽ thầy thử sức học); Tôi đọc có ca có kệ thầy thích lắm, thỉnh thoảng thầy hỏi “Câu đó nghĩa là gì?” (có lẽ cũng thử sức). Câu nào tôi cũng trả lời suôn sẻ và nhứt là không “bí” chữ nào. Thầy khen lia lịa.
Thực ra tôi không phải “giỏi” như thầy khen, mà là vì ở quê nhà tôi thường xuyên đọc Tam Quốc cho ngoại tôi nghe mỗi tháng không biết mấy chục lần, tất nhiên lúc đó chữ không biết rất nhiều, và câu không hiểu nghĩa cũng lắm, nhưng qua 5 năm tiểu học, ngoại tôi đã dạy thêm, sửa sai không biết bao nhiêu lần mà kể, vì thế khi đọc “ro ro” cho thầy nghe chẳng qua là tôi “thuộc bài” mà thôi!

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

NGÀY TẾT, BÀN THƠ TẾT KHA TIỆM LY VÀ TÚ XƯƠNG - Châu Thạch


   
                            Nhà thơ Kha Tiệm Ly

 
ĐÓN TẾT
(Gởi Nguyễn vô Cùng)
 
Chẳng hẹn mà mi lại tới rồi
Hè nhau nhằm tớ lấy đùa chơi?
Ngoài sân chủ nợ la khàn tiếng
Dưới bếp thằng cu vét lũng nồi!
Nhuận bút leo heo chờ mỏi cổ
Cháo hoa lỏng bỏng húp cầm hơi
Người vui, ta cũng vui ra phết
Kéo xệch hai môi, Đọ! Cũng cười
 
                                      Kha Tiệm Ly

 *
NGÀY TẾT, BÀN THƠ TẾT KHA TIỆM LY VÀ TÚ XƯƠNG
                                                                                       Châu Thạch

                          
                                           Nhà thơ Tú Xương

Nếu tôi là vị quan nào đó thì tôi sẽ hỏi tội Kha Tiệm Ly ngay, vì bài thơ “Đón tết” tưởng như bi thảm hóa xã hội nầy. Nói đùa thế thôi, chứ tôi cũng biết vị quan nào đó sẽ cười khề khà bên ly rượu hảo hạng, khen nhà thơ Kha Tiệm Ly nầy làm thơ tự trào hay quá. Quan đó cũng dư biết rằng ngày tết thì dân chúng sẽ vui chơi ba ngày, thế nhưng nhà thơ nầy thì chắc chắn sẽ túy lúy đến ba mươi ngày. Bởi vì làm thơ trào phúng nên thi sĩ cường điệu lên đấy thôi, mà cũng nhờ vậy nên Kha ta mới có giọng tự trào độc đáo được như thế.

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

TRI ÂM HÀNH – Thơ Kha Tiệm Ly


   
 

TRI ÂM HÀNH
(Riêng cho hảo hán Lê Mai Lĩnh)
 
Tâm giao đâu cần chung chén rượu,
Nhưng gian truân đo được sức anh tài.
Cơn giông tố làm chim bầy cánh rũ,
Nhưng đại bàng lại thỏa sức cao bay!
 
Vai miền Trung gánh hai miền Nam, Bắc
Năm năm gồng mình hứng chịu thiên tai
Nên huynh muốn Trường Sơn núi cao, cao thêm mãi,
Tôi muốn Cửu Long chín nhánh, nhánh thêm dài!
 
Huynh bao năm đã thành thân viễn xứ,
Nhưng tình núi sông há một sớm phôi phai.
Tôi vá víu từng câu thơ cơm áo.
Giữa quần sinh sao lại thấy lạc loài!
 
Huynh gởi lòng vào câu văn khí phách,
Tôi ném bút cùn vô những cơn say.
Thơ té giếng, gom đem đi bán mảo,
Tan chợ chiều, đổi được đồng một đồng hai!

*
Chiến chinh hề, thây phơi trăm họ
Chiến địa hề, thịt rữa xương phai,
Chiến binh hề, đâu hẹn ngày trở lại
Chiến mã hề, độc hí giữa đồi cây!
Chinh phụ hề, năm canh vò võ,
Nghiêng mặt sầu, lệ nhỏ bi ai!
Xương máu người gởi nơi rừng núi,
Để lại chi đây một tấm thẻ bài!
 
Mây viễn xứ xót thương người xa xứ,
Sương biên thùy, có lạnh buốt hai vai.
Năm tháng đại ngàn nghe gió hú,
Mỗi bận chướng về lại thiếu một nhành mai!
 
Muốn nghe Lý tướng quân sang sảng đọc thơ trên sông Như Nguyệt
Và dũng sĩ Lam Sơn tuốt gươm thề ở hội Lũng Nhai
Muốn nghe sóng Bạch Đằng thét gào dữ dội,
Nghe trận Ngọc Hồi quân giục trống inh tai!
Muốn nghe Ức Trai đọc Bình Ngô Đại Cáo,
Muốn thấy nghĩa binh mòn núi giáo gươm  mài.
Cho tổ quốc nghìn thu thêm vĩ đại,
Trước ngoại cường, lòng sắt há lung lay.
 
Huynh vẫn giữ lòng ngay như trúc,
Cổ lai hy không thẹn mặt râu mày.
Tôi một thuở cũng mọp mình trên lưng ngựa,
Hốt biến trở thành một gã say!
Quên hết nhục vinh, quên câu thành bại,
Đăng đắng cõi lòng nên rượu ngọt thành cay!
Vẫn quý nhau vì một lời nghĩa khí,
Dù kẻ đầu gành, kẻ vạn lý thiên nhai!

*
Đò định mệnh chực chờ bến nước,
Hào kiệt anh hùng rồi cũng hóa tro bay!
Tôi, chiếc bách chòng chành trên sóng nước,
Nên tương phùng đâu dám hẹn ngày mai!
 
                                            Kha Tiệm Ly
 

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

VĂN TẾ LIỆT SĨ GẠC MA – Kha Tiệm Ly

Kính dâng anh linh của 64 anh hùng hy sinh vì tổ quốc thân yêu tại Gạc Ma ngày 14/3/1988


Ôm hận thù biển cao sóng hờn căm,
Phủ tang tóc mây che màu u uất.
Giọt máu hồng làm mặn nước biển đông,
Khăn sô trắng phủ đau trời tổ quốc!
Nhớ xưa,
Anh em ta cùng giống Tiên Rồng,
Bờ cõi nước trải liền Nam Bắc.
Từ Năm  Quan về  Cà Mau, sông vạn ngàn sông
Từ Trường Sơn đến Hoàng Sa, đất muôn dặm đất.
Phơi gan mật thề bảo tồn một cõi biên cương,
Đổ xương máu quyết giữ vững ba miền xã tắc.
Ở sau bếp cũng gặp mặt nữ lưu,
Ra khỏi ngõ lại chạm người hào kiệt!
Điên tiết giặc, Nguyễn Biểu sang sảng lời thơ, thản nhiên ăn cỗ đầu người,
Điếc tai thù, Bình Trọng ngân ngất chí hùng, khinh mạn làm vua phương bắc.
Hỡi quân thù!
Sao mi giở thói cũ, chiếm đất xua quân,
Sao mi ỷ thế mạnh hiếp tàu cắt cáp?
Cậy tàu lớn, nghênh ngang cho chiếc bắn chiếc đâm,
Ỷ người đông, vô tư cứ chân chà chân đạp!
Tay đàn điếm nên mới vạch “lưỡi bò”,
Miệng quỷ ma còn nói câu “bốn tốt”.
Bởi tin “bốn tốt” mà Sinh Tồn chẳng đặng tồn sinh
Vì mạ “chữ vàng” mà Gạc Ma bị yêu ma gạt!
Cho mi hay!
Lời thề Hưng Đạo cuộn sóng nước Hóa Giang,
Câu thơ Thường Kiệt vỡ lòng sông Như Nguyệt.
Máu chánh khí tôi đỏ lửa căm thù,
Tim sắt thép thét khan lời bất khuất.
Cỏ cây còn đổ lệ sụt sùi,
Sỏi đá khó nén lòng căm tức!
Cho nên,
Hoàng Liên Sơn vẫn vươn đỉnh chọc thủng mấy tầng mây,
Cửu Long Giang lại cựa mình hóa thành rồng chín khúc
Còn triệu trái tim chính khí thì còn tổ quốc Viêt Nam,
Còn một giọt máu anh hùng, thì còn giang sơn Hồng Lạc.
Đất ta không thiếu Chi Lăng, Hàm Tử , Ngọc Hồi,
Người ta không thiếu Ngô Quyền, Quang Trung, Hưng Đạo.
Súng mi càng nổ, biển ta càng cuộn sóng căm hờn,
Máu ta càng rơi, đảo ta càng cao thềm bất khuất!
Đảo mang thương tích, đất mẹ trăm sông cùng dậy sóng Bạch Đằng,
Biển nổi ba đào, cả nước vạn dân không quên lời Sát Thát.
Cho nên,
Trần Văn Phương hứng bao viên đạn, còn một lòng giữ biển đảo quê hương,
Nguyễn Văn Lanh bị mấy nhát lê, vẫn nhất quyết ôm cán cờ tổ quốc!
Không chịu hàng trước họng súng thù,
Thà làm mồi ngay hàm cá mập!
Thây treo đầu súng, thây chất lên thây,
Máu nhuộm lòng sâu, máu hòa theo máu.
Nay một lời, sau vẫn một lời, bản sắc anh hùng đâu dễ nhẹ tênh,
Sống một lần, chết cũng một lần, xương máu anh linh không hề ô trọc!
Than ôi!
Xưa quên mình vì nước, sử ngàn đời kẻ tiếc người thương,
Nay giữ đảo quên thân, người bây giờ ai quên ai nhắc?
Mặc ai vô tình không nhớ, thì cây Trường Sơn ngàn thuở vẫn thêm xanh,
Mặc ai cố ý muốn quên, thì máu hào kiệt muôn thu còn tươi sắc.
Thương con thơ vợ dại, trở trăn cùng gối chiếc lạnh lùng,
Nhớ cha yếu mẹ già, thao thức bên đèn khuya hiu hắt!
Gió buồn ai mà gió thổi vi vu,
Mây buồn ai mà mây trôi man mác?
Hỡi anh linh!
Dù cho máu nhuộm màu mây,
Dù cho xương tan màu cát.
Máu anh hùng dù chết vẫn sục sôi,
Gươm chánh khí dẫu mòn không rỉ sét.
Sống làm tướng, thác làm thần, đời đời rạng ánh uy linh,
Sống làm người, thác làm phân, mãi mãi xanh cây tổ quốc
Hôm nay.
Sáu bốn (64) hồn thiêng anh kiệt, triệu người ngưỡng mộ, mặc tình ai chẳng biết hiền, ngu.
Ba lăm năm thương hải tang điền, vạn sử lưu danh, vẫn còn kẻ tinh tường vinh, nhục!
Tâm hương ba nén, làm thơm trang sử vàng ghi,
Văn tế môt bài, thay cho ngàn năm đá tạc.
Ô hô! Có linh xin hưởng!

                                                           KHA TIỆM LY kính bút
 
Các thủy thủ tàu HQ-505 đã anh dũng chiến đấu trong hải chiến Trường Sa 1988. 
Xử lý ảnh: Đỗ Linh.

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

MỘT MÙA XUÂN – Thơ Kha Tiệm Ly



Bài nầy viết năm 1964 (đệ tứ) với bút danh Liêu Tần Chương. Từ ngày 29 đến mùng 5 Têt, được đài Phát thanh Saigon cho ngâm với giọng ngâm của nghệ sĩ Hồng Vân và Quách Đàm. Vài năm sau cũng còn được ngâm!
Bài thơ có nhiều thiếu sót nhưng tác giả vẫn để nguyên làm kỷ niệm

                                                                                      Kha Tiệm Ly

MỘT MÙA XUÂN
(Nhớ về mùa xuân Kỷ Dậu 1789)
 
Ta bỗng thấy mặt trời nghiêng ánh lửa,
Vùng giang sơn nhỏ bé rạng huy hoàng.
Cả trăm ngàn hồn quân giặc than van:
Ôi khủng khiếp, một giống nòi uy dũng!
 
Từng ánh thép, từng chiếc đầu rơi rụng,
Quân kỳ bay làm ngợp vía quân thù
Đống Đa một thuở,
Oanh liệt ngàn thu!
Ai gây hấn, mang hờn căm về nước?
Ai xâm loàn, cho xương ngất biên khu?
 
Áo vải cờ đào,
Hồ Thơm Nguyễn Huệ,
Ra chút uy linh, danh lừng bốn bể.
Lời ban ra, muôn tướng sĩ cúi đầu.
 
Sau lưng bạch tượng,
Ngàn vạn vó câu.
Quyết đem máu tẩy bao trang nhục sử.
Dựng mùa xuân hoa trăm sắc muôn màu
 
Trời cao ngân ngất,
Đất rộng thênh thênh,
Lũ chàng Tôn sao chẳng tìm đường chạy,
Qua chi sông Hồng cho xác nổi lênh bênh?
 
Hồ Thơm Nguyễn Huệ,
Áo vải cờ đào.
Người đã tạo một mùa xuân vĩ đại,
Cho bây giờ và mãi mãi về sau.
 
Áo vải cờ đào,
Hồ Thơm Nguyễn Huệ.
 
Sương ư tuyết đâu mờ được vết son,
Dù bao thay đổi Đống Đa còn.
Ân sau chưa thỏa lòng anh dũng
Mạng bạc còn ghi hận nước non!
Còn sức thanh gươm mờ ánh nguyệt,
Cuối đường vó ngựa nản chân bon!
Ai về đất Bắc cho ta nhắn,
Còn máu thù rơi khắp lối mòn?
 
Hồ Thơm Nguyễn Huệ.
Áo vải cờ đào,
 
Vó ngựa rung rinh trời phương bắc
Ánh gươm mờ mịt mấy tầng sao
Ngàn năm dấu ngựa dù rêu phủ,
Mà nước sông Hồng vẫn đỏ au!
 
             LIÊU TẦN CHƯƠNG
                   (Kha Tiệm Ly)

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

PHIẾM LUẬN VỀ CON MÈO – Kha Tiệm Ly



Chưa ai dám khẳng định con mèo đã hiện diện trên trái đất nầy bao lâu. Có tài liệu thì nói khoảng một vạn năm, nhưng mới đây, các nhà khảo cổ đã tìm được bộ xương mèo hóa thạch cách nay khoảng… 3,7 triệu năm! Vì thế việc chúng đã “sống chung hòa bình” với loài người từ khi nào vẫn còn là một ẩn số! Chỉ biết ngày nay, với người Tây Phương, mèo là thú cưng của hầu hết gia đình.

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

THƯƠNG VỀ BA TRI – Thơ Kha Tiệm Ly


   


THƯƠNG VỀ BA TRI
 
(*Kính tặng đất và người Ba Tri thân yêu
* Tặng Bến Trúc, người em gái, ân nhân tại Ba Tri)
 
Quê em nằm cuối cù lao Bảo,
Uống nước hai dòng ngọt lịm phù sa.
Dòng Ba Lai lúa ngập đồng làm no cơm ấm áo,
Dòng Hàm Luông cây lá xanh vườn mát rượi áo bà ba.
 
Làng Phú Lễ nên con trai giàu lễ nghĩa,
Đọc sách Võ tiên sinh (1) nên con gái một dạ chính chuyên.
Chén thuốc cụ Phan rạng ngời khí tiết,
Ngòi viết cụ Đồ tràn dũng khí Lục Vân Tiên.
 
Hàm Luông vẫn trong veo, dù dòng đời có khúc trong khúc đục,
Quê em mãi vươn lên dù năm tháng nhọc nhằn.
Dân Giồng Tre lòng ngay như lóng trúc,
Gái Mỹ Nhơn người đẹp tợ trăng rằm. (2)
 
 “Trai Ba Tri thật thà có sao nói vậy.
Gái Ba Tri hiền lành ai thấy cũng thương” (3)
“Thấy dễ thương, nhưng thương không phải dễ”,
Nếu chẳng cau trầu mai mối đưa duyên!
 
Biển rộng vòng tay chở che đất nước,
Ruộng muối tháng năm làm nồng mặn tình nhau.
Một đất nước kiêu hùng, lắm anh tài trí mưu dõng lược,
Nên biết bao người muốn về làm rể xứ Cù Lao! (4)
 
                                                                   Kha Tiệm Ly
 
CHÚ:
 
(1), Võ Trường Toản
(2). Mỹ Nhơn 美仁: Tên một xã của huyện Ba Tri. (Mỹ: đẹp; Nhơn: đức khoan dung, lòng từ ái). Ở đây chúng tôi cố ý hiểu Mỹ Nhơn 美人 là người đẹp.
(3). Ca dao
(4). “Xứ Cù Lao”: Cụm từ chỉ tỉnh Bến Tre. Bến Tre hình thành bởi ba cù lao: Cù lao Minh, cù lao An Hóa và cù lao Bảo. Ba tri nằm cuối cù lao Bảo.

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

VĂN TẾ ANH HÙNG THIÊN HỘ DƯƠNG – Kha Tiệm Ly


Nhà văn Kha Tiệm Ly

Than ôi!
 
Rừng Gò Tháp mấy dặm sầu giăng,
Dân Cao Lãnh muôn hàng lệ đổ!
Nhớ người hào kiệt, cỏ cây lúc thảm lúc sầu
Xót kẻ hùng anh, trăng sao khi mờ khi tỏ!
 
Nhớ xưa,
 
Sông Côn (1) trùng trùng linh mạch, sản sinh bao liệt nữ kiên trung,
Núi Thơm (1) ngân ngất khí thiêng, phát tích những anh tài văn võ.
 
Thôn Cù Lâm (1) xuất thiếu niên tài tuấn, đấu vỏ, kéo bè, sức mạnh siêu quần, dân lành cùng thời tôn gọi Ngũ Linh (2)
Đất Ba Giồng (3) nạp hào kiệt hảo bằng, đánh Tây, dẹp Rợ, công cán hơn người, vua sáng đương triều sắc phong Thiên Hộ.
 
Súng Lang Sa đạn bay sáu tỉnh, gót giày đinh dẫm nát xóm thôn; tàn ác sao loài quỷ trắng hung tàn.
Người Nam Kỳ lệ ngập chín sông, tiếng than oán thấu tận trời xanh, thương xót quá kiếp dân đen thống khổ !
 
Kẻ im miệng thì bị rỉa thịt rút xương,
Người phản kháng phải chịu cắt hầu chặt cổ!
 
Vì thế, Võ tướng quân:
 
Trương cờ nghĩa nạp đệ huynh bốn hướng; cờ bảo quốc, cờ an dân, cờ giành lấy độc lập tự do,
Tuốt gươm thiêng kết giao hào kiệt ba miền; gươm trừ ác, gươm diệt thù, gươm chém tan ba đào giông tố.
 
Xứ Ba Giồng chiêu dân lập ấp, gạo trắng nước trong: chỗ lý tưởng cho nghĩa sĩ ẩn mình.
Đất Gò Tháp xây lũy ngăn thù, bưng rộng trấp sâu: vùng đắc địa để  anh hùng dụng võ.
 
Bài quyền Yễm Bách (4), nhắm quân thù giương mạnh thần cung, tên bắn mút tầm,
Đường roi Song Đôi (4), cùng hảo hán chỉ thẳng bảo đao, ngựa phi thẳng vó!
 
Rõ ràng!
 
Tháp Mười đầm lầy miên dã, tạo bao tử địa quỷ khốc thần sầu.
Cao Lãnh cạm bẫy kinh người, góp những chiên công trời long đất lỡ.
 
Trận Mỹ Trà (5) giáp công ba mũi; phá tàu thủy, phá nhà việc, phá hết kho tàng; quân thù nghẹt xác.
Trận hỏa công lửa cháy bốn bề; đốt thằng lính, đốt thằng quan, đốt rụi cánh đồng; lính Tây phơi sọ (6).
 
Rắn thần (7) nhe nanh há họng, mổ thằng nhỏ, mổ thằng to, đám quan binh súng bỏ đầy đường.
Trâu binh (8) hữu đột tả xông, chém đằng trước, chém đằng sau, lũ cướp nước thây nằm vô số!
 
Dân Mỹ Ngãi, dân Ba Giồng, Rạch  Ruộng (9)…,  sát cánh kề vai, bám thế đất, quyết đưa thuyền độc lập cặp bờ.
Đốc Binh Kiều, Lảnh Binh Thăng, Bà Bướm (10)…chung lưng đấu cật, dựa lòng dân cùng trương buồm tự do căng gió.
 
Cao quý thay!
 
Trời cao lồng lộng, vì độc lập giống nòi, chí anh hùng đặt tại non cao.
Súng đạn ầm ầm, vì cơm áo muôn dân, chuyện sanh tử xem như cây cỏ!
 
Xông pha sóng gió, tay giữ vũng chèo,
Đối mặt quân thù, gươm bung khỏi vỏ.
Đồng Tháp Mười thập phần hiểm trở, địch quân càng mạnh, càng kiên định chồng thù.
Dòng Cửu Long chín khúc liệt oanh, giông tố càng to càng oai hùng sóng vỗ
 
Oanh liệt thay!
 
Dù nửa đời oanh liệt, mà dân Nam Kỳ chích đầu với mảnh khăn tang,
Bởi một trận cuồng phong, mà thần Biển Cả rước người về cùng tiên tổ!
 
Sống một lần, uy danh làm khiếp vía với vạn vạn địch quân, nào cần chi sắc phán đại thần,
Thác một lần, tên tuổi được tôn thờ trong triệu triệu trái tim, đâu cầu được siêu thăng tịnh độ!
 
Máu ghi công, xương ghi đức, sử sách thiên thu ghi nét chữ rành rành.
Sống làm tướng, thác làm thần, nhật nguyệt nghìn năm soi tiếng tăm lồ lộ.
 
Người đương thời than:
“Ai về Đòng Tháp mà coi,
Mộ ông Thiên Hộ trăng soi lạnh lùng”
 
Ô hô!
 
Máu cần phải đỏ, máu cần phải tươi, máu đổ vì dân, không hổ thẹn muôn người.
Mộ đâu cần lớn, mộ đâu cần cao; mộ ở lòng người mới trường tồn thiên cổ.
 
Sống vì dân, sống vì nước, bia đá khắc sâu người ái quốc vạn kỷ không phai
Nghĩa bằng biển, nghĩa bằng non, sử xanh đậm nét tiếng anh hùng thiên thu còn đó.
 
Xót thương thay!
 
Thương anh hùng xả thân cứu nước, bao ngày vào tử ra sinh.
Thương nghĩa binh đổ máu phơi xương, cả đời dầm sương dãi gió!
 
Thương người quên mình vì nước mà xác thân dập vùi nơi góc biển ven gành.
Thương người gởi xác sa trường mà hồn phách dật dờ chốn ngàn lau nội cỏ!
 
Thương người tăm hơi vời vợi, chập chờn trong con sóng lênh đênh,
Thương ai chiếc bóng lạnh lùng, hiu hắt dưới đèn khuya mờ tỏ!
 
Nợ tổ quốc, nợ đồng bào dù đã vẹn toàn,
Nợ anh hùng, nợ tào khang vẫn còn dang dở!
 
Tướng quân ôi!
 
Nợ dân đã trả, thần nhân sao chẳng nghênh ngang gõ bước về trời,
Chí lớn đền xong, anh hùng sao chưa ung dung vén mây lướt gió?
 
Ân như sông, ân như núi, đã được muôn người ghi dạ khắc xương,
Danh dậy đất, danh dậy trời, đâu cần mấy tiếng khua chiêng đánh mõ?
 
Hôm nay,
 
Muôn người vọng bái, chốn đền thiêng nghi ngút khói trầm bay,
Một dạ hướng về, miền linh địa đớn đau dòng lệ nhỏ!
 
“Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (11) ; hình hài dẫu nát tan, nhưng ô nhục vạn kỷ vẫn lưu truyền,
“Khả mai cốt bất khả mai danh” (12); xương cốt bị chôn vùi, mà thanh danh thiên thu không hoen ố.
 
Ngôn từ vụng dại mà tâm ý vô cùng, kính tiễn đấng hùng anh ngọc bộ đăng trình.
Lễ vật thô sơ nhưng thâm tình viên mãn, ngưỡng mong đại tướng quân thần uy chiếu cố.
 
Bậc tiên hiền một thưở ban ân,
Chúng hậu sinh muôn đời ngưỡng mộ!
 
Thượng hưởng!
 
                                                                                KHA TIỆM LY
 
...........
 
Chú thích:
 
(1). Những địa danh tại quê hương Thiên Hộ
(2). Ngũ linh: 5 trái linh, mỗi trái 60kg, Võ Duy Dương xách 2 trái, cặp nách 2 trái, cắn 1 trái. Người đời thấy ông sức khỏe thần kỳ nên tôn ông là Ngũ Linh Dương.
(3). Ba Giồng: Địa danh ở Cao Lãnh, căn cứ địa của nghĩa quân
(4). Hai thế võ bí truyền của Thiên Hộ Dương
(5). Mỹ Trà: Một địa danh ở Cao Lãnh, nơi xảy ra trận đánh khốc liệt; quân Pháp đại bại
(6). Phơi sọ: Trong trận hỏa công, quân Pháp chết như rạ, thây phơi đầy đồng; cánh đồng nầy gọi là Đồng Phơi Sọ
(7). Rắn thần: Tương truyền Thiên Hộ Dương có rắn thần giúp sức.
(8). Trâu binh: Thiên Hộ Dương có một vị tướng có tài điều khiển trâu bằng mõ, được phong là Ngưu Quân Thượng Tướng.
(9). Những địa danh tại Đồng Tháp
(10). Tên những tướng lãnh của Thiên Hộ Dương
(11). “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (câu nói xưa): Thà chịu chết chớ không chịu nhục
(12). “Khả mai cốt bất khả mai danh” (câu nói xưa): Có thể chôn xương cốt chớ không thể chôn danh tiếng.

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

THI CA & THI NHÂN NHÃ MY – Khanh Tương và Chu Vương Miện


Nhà thơ Nhã My

Tiểu sử sơ lược:
Tên thật Lâm Thị Ngọc Sương
Sinh năm 1953
Quê quán Bến Tre
Nhỏ học trường Trung Học Công Lập Kiến Hoà.
Học đại Học Sư Phạm Cần Thơ và Văn Khoa SaiGon.
Thời nhỏ ở bậc trung học có tập tành viết văn,làm thơ đăng trong báo thiếu nhi và báo văn nghệ ở Saigon với nhiều bút hiệu.
Sau năm 75 gặp nhiều biến cố gia đình và vì việc làm ăn sinh sống nên ngưng viết.
Xuất cảnh sang MỸ năm 1997 và tới năm 2010 viết trở lại trên blog cá nhân Suong Lam yahoo.blog vói 2 bút danh Nhã My & Sương Lam.

Đã in:
Khung Kỷ Niệm (Thơ chung với bạn blog 2012)
Khơi Xa(Thơ 2014)

Có 75 bài thơ đã được phổ nhạc (do quý nhạc sĩ Phan Ni Tấn ,Trần Quang Lộc,Vĩnh Điện, Nguyễn Hữu Tân,Phạm Minh Cảnh, Thảo Nguyên,Bùi Tuấn Anh, Thanh Chương, Trần Nhàn, Thái Thành...)
Sau năm 2014 vì lý do sức khoẻ và công việc nên ngưng viết chỉ thỉnh thoảng xướng hoạ với bạn bè và đăng bài trên các trang văn nghệ mạng và vài tờ báo văn nghệ hải ngoại (Thư Quán Bản Thảo, Thế Giới Mới, Văn Học Mới..)

Hiện sinh sống ở Washington là chủ trang Blogspot của Nhã My và 2 trang riêng Thơ Văn Nhã My, Thơ Phổ Nhạc Nhã My.

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

VĂN THƠ ĐẠI CỒ VIỆT – Thơ Kha Tiệm Ly


  


VĂN THƠ ĐẠI CỒ VIỆT
 
Giữ giang sơn được bốn ngàn năm
Ngoài gươm giáo đuổi thù của những anh hùng cứu nước
Là những vần thơ đánh tan quân xâm lược
Khẳng định một lời:
“Nam quốc sơn hà nam đế cư”!
 
Cùng xương anh hùng, cùng máu anh thư
Là ngọn bút theo gươm trừ loài vô đạo.
Thơ Đại Cồ là Bình Ngô Đại Cáo
Là “đem đại nghĩa, thắng hung tàn”
 
Thơ Đại Cồ là hội nghị Bình Than,
Là nộ khí trái cam Trấn Quốc Toản.
Là sáu chữ vàng ngàn năm chói sáng:
“Phá cường địch, báo hoàng ân”
 
Thơ Đại Cồ là tiếng sét Ải Chi Lăng
Tiếng trống quân Nam rụng rời thành phương Bắc
Là xác giặc kín đèo, là máu thù nhầy đất.
Thơ Đại Cồ lời lời tràn khí phách,
Là “Đằng Giang tự cổ huyết du hồng”
 
Là một lời làm khiếp vía quân Mông:
“Thà làm quỷ nước Nam, không làm vương đất Bắc”
Là Nguyễn Biểu làm kẻ thù tím mặt,
Sang sảng lời thơ bữa Cỗ Đầu Người.
 
Thơ Đại Cồ không sợ máu đổ xương rơi,
Là cọc Bạch Đằng muôn thu còn nhọn hoắt
Thơ Đại Cồ là cánh tay “Sát Thát”,
Là xác thù nghẽn nước Bạch Đằng Giang.
 
Thơ Đại Cồ là nỏ thần Kim Quy, là roi thần ngựa sắt,
Là trống Ngọc Hồi, là thớt tượng Quang Trung.
Thơ Đại Cồ là “đánh để răng đen, đánh cho dài tóc”
Là máu là xương của những đấng anh hùng
 
Thơ Đại Cồ là triệu trái tim bất khuất,
Không có thơ hèn, không bán nước cầu vinh
 
                                                 Kha Tiệm Ly