(Thethaovanhoa.vn)
- Trần Khánh Dư là một danh tướng thời nhà Trần, hiệu là Nhân Huệ Vương. Ông từng
lập nên những chiến công hiển hách, mà nổi bật là những chiến công trong cuộc
chiến chống quân Nguyên lần 2 và lần 3 khi giữ chức Phó đô tướng quân. Tuy
nhiên, chung quanh cuộc đời của danh tướng Trần Khánh Dư vẫn còn những bí ẩn…
Đền thờ Trần Khánh Dư tại Vân Đồn
NHỮNG
BÍ ẨN VỀ NHÂN HUỆ VƯƠNG TRẦN KHÁNH DƯ
Tô Như
Phó
tướng Vân Đồn
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đinh Hợi, Trùng Hưng năm thứ ba (1287)... Khi ấy, thủy quân Nguyên
đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo vương giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng Vân
Đồn là Nhân Huệ vương Khánh Dư”.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Khánh Dư làm Phó tướng ở Vân Đồn, Hưng Đạo
vương giao phó cho giữ hết công việc ngoài biên giới.”
Đọc sơ qua liền thấy ở Vân Đồn thì Trần Khánh Dư là
Phó tướng, vậy thì ai là chủ tướng? Tại sao không thấy chủ tướng xuất hiện
trong các trận đánh quan trọng năm Đinh Hợi này?
Phải chăng vì Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn giao phó
trách nhiệm cho Khánh Dư, như vậy Quốc Tuấn chính là Chủ tướng Vân Đồn.
Tuyệt đối không phải vậy. Phó tướng ở đây là viết tắt
của “Phó đô tướng quân” hoặc “Phó đô tướng”.
Lịch triều hiến chương loại chí viết về quan chế nhà
Trần như sau: “Về võ giai thì có các chức
Phiêu kỵ Thượng tướng quân (chỉ Hoàng tử mới được chức ấy), Cấm vệ Thượng tướng
quân, Kim ngô vệ Đại tướng quân, Võ vệ Đại tướng quân, Phủ quân Phó đô tướng
quân, Thân vệ tướng quân, Điện súy Đô áp nha, Quản quân Tiết độ sứ, Đô thống chế.
Các chức trên đều là quan coi việc binh...”.