BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lý Thân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lý Thân. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG: BA BÀI THƠ “MẪN NÔNG” CỦA LÝ THÂN – Đỗ Chiêu Đức



Theo “Vân Khê Hữu Nghị 云溪友議Cựu Đường Thư 舊唐書 ghi chép lại: Khoảng năm Trinh Nguyên đời vua Đường Đức Tông (799), chàng thư sinh LÝ THÂN 李紳 lai kinh ứng thí đã làm hai bài thơ MẪN NÔNG 憫農 (Thương xót cho nhà nông) dâng lên cho Tập Hiền Điện Hiệu Thư Lang LỮ ÔN 呂温 để cầu tiến thân, rất được Lữ xem trọng. Hai bài thơ đó như sau: 
               
其一                    Kỳ Nhất           
春種一粒粟,     Xuân chủng nhất lạp túc,          
秋收萬顆子。     Thu thâu vạn khỏa tử.           
四海無閒田,     Tứ hải vô nhàn điền,           
農夫猶餓死。     Nông phu do ngạ tử!
  
Có nghĩa:
                 
Mùa xuân một hạt gieo trồng,                 
Đến thu thu hoạch muôn lần nhiều hơn.                 
Khắp nơi chẳng có ruộng hoang,                 
Nông dân đói chết vẫn còn khắp nơi!

Bài thơ Mẫn Nông (kỳ nhất)
               

其二                    Kỳ Nhị           
鋤禾日當午,     Sừ hòa nhật đang ngọ,           
汗滴禾下土。     Hạn trích hòa hạ thổ.            
誰知盤中餐,     Thùy tri bàn trung xan,            
粒粒皆辛苦。     Lạp lạp giai tân khổ!
   
Có nghĩa:
                 
Cuốc cày giữa ngọ ban trưa,                 
Mồ hôi đổ xuống như mưa lúa trồng.                 
Ai người biết cơm trong mâm,                 
Từng hạt từng hạt muôn phần đắng cay!
     
Có học giả cho rằng bài ca dao sau đây của ta là bản phỏng dịch tuyệt vời của bài thơ MẪN NÔNG Kỳ Nhị nêu trên:
                
Cày đồng đang buổi ban trưa,            
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.                   
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,            
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!

Lý Thân và bài thơ Mẫn Nông (kỳ nhị)
     
Qua hai bài thơ MẪN NÔNG nêu trên, ta thấy LÝ THÂN quả là một chàng trai có bầu nhiệt huyết, có hoài bão lo cho dân cho nước. Thấy được sự bất công của xã hội và cảm thông với đời sống khốn khó của nông dân, những người làm ra hạt lúa để nuôi sống nhân dân lại là những người bị chết đói nhiều nhất; Cho nên, phải biết trân trọng từng hạt thóc hạt gạo do nông dân cực khổ lắm, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được, như hai câu ca dao đã nhắn nhủ:
                     
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,            
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!!!