Bài thơ “Chống
tham ô lãng phí” trong Giai phẩm mùa Thu tập II (9-1956) của Phùng Quán được
những nguời cực đoan thời đó đánh giá là một bài thơ “nói xấu chế độ”. Sau nhiều lần học tập, viết bản tự kiểm điểm, bị “đấu tố”, Phùng Quán có nguy cơ bị khai
trừ ra khỏi Hội Nhà văn, bị đưa ra khỏi biên chế Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi
anh đã dấn thân theo Vệ Quốc đoàn từ tuổi thiếu niên, rồi phải đi “lao động cải tạo” nhiều năm. Thực tế gần
một năm sau, tức đến năm 1958, những hình thức kỷ luật này mới được thi hành,
nhưng lúc đó ai cũng đã biết trước. Đối với người miền Nam xa quê hương, thân
cô thế cô giữa phố phường Hà Nội như Phùng Quán, nguy cơ bị kỷ luật như thế là
rất đáng sợ. Bị coi là “phản động”,
ai cũng tìm cách xa lánh, lại bị tách khỏi môi trường lính quen thuộc, xa đồng
chí, bạn bè, dễ làm người trẻ tuổi trở nên hoang mang tuyệt vọng, dẫn đến bệnh
tâm thần hoặc tìm đến cái chết. Nhưng Phùng Quán thì không!