BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Công Thiện. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Công Thiện. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

LỜI GIỚI THIỆU QUYỂN SÁCH “TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG” CỦA KRISHNAMURTI – Phạm Công Thiện

                      Con người là kẻ tự giải phóng bản thân
                                                Phạm Công Thiện dịch

                   

Tìm thấy Người Yêu mình trên những núi xanh lơ, tìm thấy Người Yêu mình trong dòng nước rực ngời của đại dương, tìm thấy Người Yêu mình trong con suối sủi bọt, tìm thấy Người Yêu mình trong ao nước in trời, tìm thấy Người Yêu mình trong thung lũng mây cao, tìm thấy Người Yêu mình trong cơn khói trời chiều, trong thôn xóm hoàng hôn, trong ngọn cây trắc bá, trong cổ thụ lâu đời, trong bụi cây ôm đất, trong cành lá cheo leo, trong cánh đồng nuôi chim, trong hải ngạn sóng vỗ, trong rặng dương đùa gió, trong bóng chiều mây phủ, trên dòng nước buổi chiều, dưới bóng sao, trong đêm thâu, trong ánh trăng, trong sự tĩnh mịch trước bình minh, trong tiếng ru cây lá, trong tiếng chim kêu buổi sáng…

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2023

ĐỌC LẠI Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC CỦA PHẠM CÔNG THIỆN (7 – Phụ đính) - Nguyên Lạc



CÁC TÁC PHẨM CỦA PHẠM CÔNG THIỆN

Phạm Công Thiện (1941-2011), sinh quán Mỹ Tho. Sống ở ngoại quốc nhiều hơn ở Việt Nam
 
Tác phẩm đã xuất bản:
 
Tiểu luận về Bồ Ðề Ðạt Ma, tổ sư Thiền tông (1964)
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965)
Trời tháng Tư (1966)
Ngày sinh của rắn (1967)
Im lặng hố thẳm (1967)
Hố thẳm của tư tưởng (1967)
Mặt Trời không bao giờ có thực (1967)
Bay đi những cơn mưa phùn (1970)
Ý thức bùng vỡ (1970)
Ði cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988)
Sự chuyển động toàn diện của tâm thức trong tư tưởng Phật Giáo (1994)
Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng
Triết lý Việt Nam về sự vượt biên (1995)
Làm thế nào để trở thành một bậc Bồ Tát sáng rực khắp bốn phương Trời (1998)
Tinh tuý trong sáng của đạo lý Phật Giáo (1998)
Trên tất cả đỉnh cao là Im Lặng
Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử
Khai ngôn cho một câu hỏi dễ hiểu: Triết học là gì?
Ðối mặt với 1000 năm cô đơn của Nietzche.
Jiddu Krishnamurti, Tự do đầu tiên và cuối cùng (1968)
Martin Heidegger, Triết lý là gì? (1969)
Friedrich Nietzsche, Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (1969)
Nikos Kazantzakis, Rèn luyện tâm thuật huyền linh (1991)

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

ĐỌC LẠI Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC CỦA PHẠM CÔNG THIỆN (6) - Nguyên Lạc


Phạm Công Thiện

VỀ PHẠM CÔNG THIỆN
Những điều Phạm Công Thiện đã viết:
 
1. Văn
 
– Bi tráng là gì?
Bi tráng không phải là bi đát và bi thảm. Bi tráng là chuyển hoá nỗi đau khổ kinh hoàng thành ra niềm cực lạc ngất trời. Bi tráng là nhảy múa ca hát bên hố thẳm. Bi tráng là cuồng say ngây ngất trong sự đau đớn quằn quại. Nietzsche, Nikos Kazantzakis, Ulysse, Alexis Zorba là hình ảnh trung thực của con người bi tráng. Tóm lại, bi tráng (tragique) là đội vương miện trên nỗi đau đớn khôn cùng của cuộc đời.
Dù bên ngoài là nghịch cảnh tai hoạ khủng khiếp, nhưng bên trong vẫn là niềm kiêu hãnh vô biên và vô tận.
Đó là ý thức bi tráng. (Ý thức mới trong văn nghệ và triết học – Phạm Công Thiện)
 
– Đừng bao giờ tìm ý nghĩa của cuộc đời; cuộc đời không bao giờ có ý nghĩa. Không ai có thể hiểu được bất cứ cái gì trên đời này: không gian, thời gian, thế gian, một chiếc lá khô, một vết mực đen, tất cả đều bí mật và huyền ảo. Tất cả những triết gia, tất cả những hiền nhân, tất cả những nhà thông thái, những nhà toán học, những nhà khoa học đều là những kẻ tự đánh lừa và đánh lừa người khác rằng họ có thể đi vào được hang tối của sự vật. Không. Không bao giờ sự vật hé ra một tý cho họ thấy. Sự vật vẫn đen tối như đêm ba mươi, dù nhân loại có trường tồn đến một tỷ triệu năm nữa thì sự vật vẫn đen tối như đêm hai mươi chín Tết vào mỗi năm nước không chảy.
Hơi thở, chỉ có hơi thở là quan trọng nhất. Biết thở mới là khó nhất. Hơi thở, tìm ý nghĩa cho hơi thở có khác gì tìm mặt trời trong bảo tàng viện đóng kín đầy bụi. (Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực – Phạm Công Thiện).

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

ĐỌC LẠI Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC CỦA PHẠM CÔNG THIỆN (5) - Nguyên Lạc


Phạm Công Thiện
 
VỀ PHẠM CÔNG THIỆN
1. Viết về Phạm Công Thiện
 
– Phạm Công Thiện là một hiện tượng xảy ra trong văn học và triết học. Một thứ hiện tượng phủ nhận của phủ nhận, phủ nhận tuyệt đối, khước từ mọi giá trị đến từ xã hội.
(Đã Một Thời Như Thế: Hiện Tượng Phạm Công Thiện – Nguyễn Văn Lục)
 
Nhưng tận cùng, Phạm Công Thiện là một nhà thơ và là một thiền sư – và đó là những phẩm chất rất khó hình dung, vì mỗi nhà thơ và mỗi thiền sư đều có những độc đáo riêng. Và tôi tin rằng, khi nào thân xác anh rời khỏi thế giới đời thường này, rất nhiều người sẽ gọi Phạm Công Thiện là một vị Bồ tát, một danh hiệu tôn quý trong Phật giáo và là một hạnh nguyện để chỉ một người tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác để giúp cho mọi người hiểu được thật nghĩa của vũ trụ. Trong những năm qua, rất nhiều tăng ni Phật tử đã gọi nhà thơ Bùi Giáng là một vị Bồ tát, và tôi tin là sau này, Phạm Công Thiện cũng sẽ được tôn vinh như thế, bất chấp những đời thường bất toàn mà chúng ta đôi khi gặp nơi anh.
Thực sự, tôi đã nhìn anh như một vị Bồ tát từ những ngày tôi mới lớn, và ngay khi lần đầu đọc cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”. Lúc đó, tôi đang học lớp đệ tứ, hay đệ tam ở Chu Văn An, Sài Gòn. Bây giờ gọi là lớp 9 hay lớp 10. Ðâu đó, khoảng giữa thập niên 1960. Dù là đọc ngấu nghiến, nhưng một ngày không đủ, và đọc một tuần cũng không đủ. Vì có những dòng tôi phải đọc đi đọc lại, không hoàn toàn vì tính bí hiểm triết lý, mà chỉ vì tính thơ mộng dị thường trong ngòi bút của anh. “Ði cho hết những đêm hoang vu trên mặt đất…” Thế đấy, tôi đã đi như thế từ bốn thập niên trước trên các trang sách của anh.
Tôi đã ngồi ở sân Chùa Xá Lợi, dưới các tàng cây ngọc lan và bông sứ lần giở từng trang sách đó. Và rồi lại ngồi trong một quán cà phê cách trường Chu Văn An vài mươi bước, ngay lối vào ký túc xá Minh Mạng của các anh chị sinh viên lớn. Không phải chuyện ngồi đọc cho ra vẻ triết gia, mà thực sự vì có những đoạn văn trong cuốn Ý thức mới làm tôi run rẩy cả người. Từng trang một, giữa các dòng chữ của Phạm Công Thiện toát ra một hơi lạnh của vũ trụ vô cùng vô tận. Và tuy là văn xuôi, hầu hết, nhưng thi tính vẫn dày đặc kinh ngạc.
(Nghĩ về nhà thơ Phạm Công Thiện – Phan Tấn Hải)

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2023

ĐỌC LẠI Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC CỦA PHẠM CÔNG THIỆN (4) - Nguyên Lạc


Phạm Công Thiện

Những điều Phạm Công Thiện đã viết:

Mặc dù trần gian này đầy đau khổ, nhưng trần gian này vẫn luôn luôn là một trần gian tươi đẹp. Nếu sự đau khổ không còn ở trần gian này thì trần gian không còn tươi đẹp nữa. Thế giới này phải được thoát thai trong sự đau khổ để làm trần gian này trở thành một toàn thể (une totalité). Trần gian này, cuộc đời này, sự sống này là một cái gì trọn vẹn mà chúng ta không bao giờ nhìn thấy đủ hết tầm vóc. Bất cứ một hệ thống triết lý nào, bất cứ một ý thức hệ nào, bất cứ một chính trị nào cũng thất bại…
– Con người ấy phải là một đám mây trắng lênh đênh trên trời, bềnh bồng trong sự sống không vô hạn, bay trên những ti tiện và cao siêu của nhân thế. Bay trên tất cả những chiều hướng xung khắc đối chọi nhau của cuộc đời. Đám mây trắng phiêu bạt ấy không thuộc về một bầu trời nào, không thuộc về một lũng đồi nào, không thuộc một giải đất nào, không thuộc về một đại dương nào; đám mây trắng ấy không thuộc về riêng một cái gì và đám mây trắng ấy thuộc về tất cả. Con người hãy ngước nhìn mây trắng, con người không cần phải thuộc về đâu cả, không cần phải thuộc một nhóm nào, một đảng phái nào, một tôn giáo nào hoặc một chủ nghĩa nào…
(Ý thức mới trong văn nghệ và triết học – Ý thức sinh tồn – Phạm Công Thiện)
 

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

ĐỌC LẠI Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC CỦA PHẠM CÔNG THIỆN (3) - Nguyên Lạc


Phạm Công Thiện

 
VỀ PHẠM CÔNG THIỆN
 
Những điều Phạm Công Thiện đã viết:
 
1.
“Xã hội gồm có hai hạng người chính: hạng người có đầu óc bình thường (normal) và hạng người có đầu óc thác loạn, điên loạn, bất quân bình (neurotic).
 
Trong một cuộc chạm mặt giữa hai hạng người trên, thường thường người bình thường hay có thái độ chiếu cố từ trên nhìn xuống hoặc tỏ lòng thương hại hoặc tỏ lòng khinh bỉ: “anh chỉ là thằng điên”. Tất nhiên dù thương hại hay khinh bỉ, người có trí óc bình thường đều tỏ thái độ rõ rệt rằng người bình thường cao hơn người điên, giá trị hơn người điên.
 
Đó là một sự lầm lẫn lớn lao mà hầu hết mọi người đều không ý thức. Chúng ta không được quyền thương hại hoặc khinh bỉ người điên, trái lại, chúng ta bị bắt buộc phải kính trọng người điên vì người điên cao hơn người bình thường trong bảng giá trị nhân bản. Hầu hết những nhà y sĩ thần kinh hay những nhà phân tâm học đều không nghĩ như trên. Hầu hết những y sĩ thần kinh hay những nhà phân tâm học hay nhiều người đều bênh vực cơ cấu xã hội và cho rằng bất cứ người nào không thể thích nghi, thích ứng với xã hội thì không đáng sống ở đời, tức là không còn giữ được giá trị con người nữa. Con người bình thường là con người có thể thích nghi, thích ứng với xã hội; còn con người điên loạn không thể nào sống thích nghi thích ứng với xã hội được.
 
Xét cho tận cùng, ta thấy con người thích ứng chỉ có thể thích ứng được là vì họ đã chối bỏ bản ngã, họ đã hy sinh bán mất tâm hồn họ để đổi lấy sự thích ứng trên; vì vậy, cái tính chất thực thụ và lòng hồn nhiên tự nhiên của họ đã bị đánh mất.
 
Họ không còn là họ; họ mang mặt nạ. Họ đầu hàng trước những công thức; vì thế họ không còn hồn nhiên bỡ ngỡ trước cuộc đời; họ không khác gì một lưỡi dao cùn; họ có những phản ứng giả tạo hoặc máy móc; họ dễ bị lôi đi; họ không còn tinh thần sáng tạo; chính những người như họ đã đưa nhân loại đến những thảm trạng hãi hùng nhất hiện nay.
 
Trái lại, người điên loạn là con người không chịu đầu hàng; họ điên là vì họ không chịu chấp nhận công thức xã hội; họ muốn cứu giữ bản ngã nhưng họ thất bại; và họ tìm giải thoát trong điên loạn, rút lui vào một thế giới ảo hoặc kỳ lạ. Vì thế đứng trên quan điểm giá trị nhân bản, người điên ít bại hoại hơn là hạng người đánh mất trọn cả tính tình.
 
Hiển nhiên, ngoài hạng người (điên loạn và bình thường), cũng có một hạng người khác rất ít thấy, đó là hạng người không điên loạn mà vẫn có thể giữ được cá tính mình trong khi thích ứng thích nghi với những đòi hỏi của xã hội.”
(Ý thức khước từ – Con người chạy trốn và phân tâm học nhân bản của Erich Fromm – Phạm Công Thiện)

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

ĐỌC LẠI "Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC" CỦA PHẠM CÔNG THIỆN (2) - Nguyên Lạc


Phạm Công Thiện
 
VỀ PHẠM CÔNG THIỆN

1. Viết về Phạm Công Thiện
 
– Nguyễn Hưng Quốc
 
“… Mà cảm hứng của Phạm Công Thiện thì hình như bao giờ cũng dào dạt. Nó cuồn cuộn. Nó tràn bờ; nó vượt ra ngoài mọi khuôn khổ quen thuộc. Nó tạo nên đặc điểm đầu tiên và rất dễ nhận thấy trong văn phong Phạm Công Thiện: nồng nhiệt. Trong văn như có lửa. Lúc nào ông cũng ném hết tâm hồn và nhiệt huyết vào câu chữ. Không cần dè dặt. Đã tin, tin hết lòng. Đã thích, thích hết mực. Khen ai, ông khen không tiếc lời. Những từ ngữ như “đại thi hào”, “đại văn hào” “hay nhất”, “lớn nhất”… được dùng một cách thật hào sảng. Năm 1967, trong cuốn Im lặng hố thẳm, ông xem Nguyễn Du là một trong năm nhà thơ vĩ đại nhất của phương Đông; năm 1996, trong cuốn Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, ông đi xa hơn một chút nữa, cho Nguyễn Du là một trong ba nhà thơ vĩ đại nhất của nhân loại, bên cạnh Hoelderlin và Walt Whitman. Ngoài ba nhà thơ ấy, có còn ai đáng kể nữa không? Hình như là không. Đó là “ba thiên tài lớn nhất của nền thi ca nhân loại trong hai ngàn năm hoang vu trên mặt đất.” Với Nguyễn Du, viết thế, dù sao, cũng được: Ở Việt Nam, Nguyễn Du là một biểu tượng; mà đối với một biểu tượng, người ta không cần đặt ra những giới hạn. Nhưng với nhiều nhà thơ khác, Phạm Công Thiện cũng hào sảng như thế. Trong cuốn Hố thẳm của tư tưởng, xuất bản năm 1967, Phạm Công Thiện viết về Quách Tấn: “Quách Tấn là thi sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam hiện giờ; Quách Tấn là người đã đánh dấu thi ca tiền chiến và thành tựu thi ca hậu chiến qua hai tập thơ

ĐỌC LẠI "Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ VÀ TRIẾT HỌC" CỦA PHẠM CÔNG THIỆN (1) - Nguyên Lạc


 Phạm Công Thiện
 
VỀ PHẠM CÔNG THIỆN

1. Tiểu sử Phạm Công Thiện:
Phạm Công Thiện ra đời (01/6/1941) bên dòng Cửu Long thơ mộng, khởi đi từ cao nguyên Tây Tạng ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam.
Ông xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một thần đồng, một thiên tài lỗi lạc biết nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, Pali, Tây Tạng, Tây Ban Nha…
 

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

THƯ GỬI NGƯỜI THI SĨ TRẺ TUỔI - Rainer Maria Rilke, Phạm Công Thiện dịch



Kim chỉ nam không những cho những thi sĩ, dù trẻ hay già. Mà là cho tất cả những ai suốt đời lầm lũi trên con đường tịch liêu: Con Đường Sáng Tạo.
 
************

 LỜI MỞ ĐẦU CỦA DỊCH GIẢ

Mười bức thư sau đây của thi sĩ Rainer Maria Rilke là một kiệt tác trong văn nghệ hiện đại Đức quốc. Không ai còn lạ với thiên tài và tên tuổi của Rainer Maria Rilke, ông là thi sĩ nổi tiếng nhất và cô đơn nhất trong văn nghệ Đức ở thế kỷ XX. Những người quen thuộc với tư tưởng của Heidegger đều biết rằng Heidegger đã dành cho Rilke một vị thế trang trọng ưu liệt trong cuộc song thoại giữa tư tưởng (Denken) và thi tưởng (Dichten). Trong sự suy tưởng về Rilke, Heidegger đã viết những câu quyết định như vầy:
“Trong thời đại đêm tối của thế giới, hố thẳm của thế giới phải được học và học cho cạn. Mà muốn thế thì phải có người với tới hổ thẳm”.
Heidegger đã nói như trên trong buổi kỷ niệm ngày giỗ R.M. Rilke. (Rilke chết ngày 29, tháng chạp, năm 1926).
Cuộc đời của Rilke, nỗi cô đơn của ông những bước chân lang thang cô tịch của ông, đôi mắt diệu vợi sâu thẳm hừng lửa của ông, tất cả những cử chỉ ấy nói lên những gì cho con người trẻ tuổi Việt Nam hiện nay?
Mỗi một người trẻ tuổi của Việt Nam đều là một thi sĩ; mười bức thư sau đây của Rilke là mười tiếng nói được gửi về bất cứ người thi sĩ trẻ tuổi nào đang sống trên mặt đất trần trụi này. Sống và sống một cách thơ mộng trên thế giới sâu kín này, phải chăng đó là tiếng ca của con chim không tên, đồng vọng lên một sớm mai hồng đang nằm phong kín trong đêm tối sinh ly?

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

PHẠM CÔNG THIỆN, TRIẾT GIA GIẢ CẦY ĐI CHƯA HẾT ĐÊM HOANG LIÊU TRÊN MẶT ĐẤT - Vũ Ngọc Anh



“Phạm Công Thiện là triết gia”: Nhiều người nói như vậy và xưng tụng như vậy … như: <Trang Nhà Quảng Đức …Cáo bạch Tang Lễ Giáo Sư Triết gia Phạm Công Thiện. HT Thích Trí Chơn…> ...và một Web. lấy tên <Phạm Công Thiện> tôn vinh PCT là “philosopher” = triết gia.
 
Những người say mê, hâm mộ, đệ tử, kẻ xu nịnh, đàn em, bạn bè đều ngó Phạm Công Thiện là một “triết gai”... như một thiên tài... mà người tĩnh trí khác gọi là thiên tai đẻ non!
 
Có cần phải định nghĩa “triết gia là gì?”...” triết gia là ai...ai là triết gia...không?
 
Nếu học đòi ai đó xà quần “là gì” là gì...là gì là gì là gì?...để trở thành triết gia thì tới Tết Congo cũng chưa đi hết một vòng cầu tiêu công cộng!
 
Thôi thì dành cho các vị tung hô PCT là triết gia... họ đưa ra định nghĩa và xác nhận... thì mình ắt rõ!
 
Cho đến hôm nay (8/3/2014) vẫn chưa thấy một gs. triết của đại học nào trên thế giới kể cả Việt Nam trong cũng như ngoài nước nói đến “triết học Phạm Công Thiện” là gì (?).
 

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

KHÁI NIỆM TRIẾT HỌC TẠI SÀI GÒN TRƯỚC 1975 - Dương Ngọc Dũng


Về phương diện chính trị văn hóa có thể khẳng định ngay thành phố Sài Gòn là trung tâm của miền Nam, giống như Huế ở miền Trung hay Hà Nội ở miền Bắc. Cái gọi là triết học phần lớn phát xuất từ các trí thức Nam bộ có may mắn được đi học trường Tây và hấp thu văn hóa Pháp, chẳng hạn Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Trần Văn Giàu, Phan Văn Hùm, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long. Mặc dù tất cả những người này không ai được đào tạo chính qui trong ngành triết, nhưng do tình hình lịch sử khách quan đã tập trung sự chú ý của họ (tôi muốn nói Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, và Trần Văn Giàu) vào triết học, chủ yếu là triết học Marx. 

VỀ HIỆN TƯỢNG PHẠM CÔNG THIỆN – Như Hạnh

(Trích bài của Như Hạnh [Pháp danh của Giáo sư Nguyễn Tự Cường], PhD, Harvard University).
 

Nếu có thì giờ mời quý bác đọc trọn bài theo đường link sau:

https://tapchitriet.com/?p=598
 
Đa số những người lớn lên ở Saigon trước 1975 mà có lưu ý đến văn học, triết học thì hẳn cũng nghe đến cái tên Phạm Công Thiện. Theo tôi ông là một scandal [𝑠ự tai tiếng] học thuật đáng tiếc tạo ra bởi một nhóm Phật Giáo. Mà thương thay lại là nhóm elite [𝑡𝑖𝑛𝑙𝑜̣𝑐] của Phật Giáo, tức là nhóm chủ trương Đại Học Vạn Hạnh. Trước đó thì ông có viết báo và xuất bản mấy cuốn sách cũng chẳng ra thể thống gì. Cứ cho ông có credit [𝑡𝑖́𝑛 𝑐𝑖̉] là biết đọc tiếng Anh tiếng Pháp và cũng chịu khó đọc sách. Nhưng vì ông không bao giờ học đại học, ông thuộc loại “tự học miệt vườn”, lại thêm vì sống ở Việt Nam sách vở khan hiếm, cho nên đọc sách không có lớp lang, cuốn đực cuốn cái. Bất cứ cuốn sách ngoại quốc nào ông đọc được thì tác giả đều là “thiên tài”.
 

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

ÔNG PHẠM CÔNG THIỆN – Gs Nguyễn Văn Trung

Việc ông Phạm Công Thiện phê phán kịch liệt GS. Nguyễn Văn Trung và thái độ im lặng khó hiểu của GS. Nguyễn Văn Trung được coi như một “nghi án” trong đời sống văn chương triết học của Sài Gòn trước 1975. Chúng tôi xin đưa bài viết của GS. Nguyễn Văn Trung đăng trên trang Thông Luận năm 2007 để làm rõ một vấn đề có liên quan, và cũng là “trả hết cho đời” những thị phi về những con người có ảnh hưởng lớn trong đời sống trí thức Sài Gòn trước đây, hiện họ đều cùng không còn trên “cõi người ta” nữa... 

Bài viết về Phạm Công Thiện là bài số 4 trong một loạt 7 bài viết dưới chủ đề “Nhìn Lại Những Chặng Đường Đã Qua” mà Gs Nguyễn Văn Trung viết từ năm 2003 ở Montréal và San Jose, sau được Thông Luận đưa lên năm 2007.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung


        ÔNG PHẠM CÔNG THIỆN
                                                          Giáo sư Nguyễn Văn Trung
 
Tôi nhìn lại “Những chặng đường đã qua” trong tinh thần cố gắng nhận ra trách nhiệm về phân minh những gì tôi đã viết, đã làm là đúng hay sai, đã gây hiểu lầm, phiền lòng, xúc phạm đến người khác hay đến những niềm tin xác tín của họ bất kể là thế nào. Trong ý hướng đó, tôi cũng nhận ra trách nhiệm của mình về những gì tôi đã không làm, những vụ đáng lẽ phải làm vì trực tiếp liên hệ đến tôi và trong tầm tay, khả năng của tôi. Tôi xin nói một trường hợp thôi, trường hợp Phạm Công Thiện.
 

PHẠM CÔNG THIỆN PHÊ NGUYỄN VĂN TRUNG – Theo Nhị Linh

Trước năm 1975, giới văn học nghệ thuật xôn xao về vụ “thiên tài nổi loạn” Phạm Công Thiện xuất bản cuốn “Hố thẳm tư tưởng”, dành một chương phê phán luận án tiến sĩ của giáo sư Nguyễn Văn Trung với một thái độ khinh bỉ, trịch thượng, mạt sát thậm tệ. Cuốn sách bán chạy, dư luận bàn tán sôi nổi. Sau đó, một nhóm phật tử Huế trích chương này thành cuốn sách nhỏ in vào mùa hè năm 1973. Xin mời đọc bài viết của Nhị Linh



        PHẠM CÔNG THIỆN PHÊ NGUYỄN VĂN TRUNG 
                                                                            Theo Nhị Linh
                
           
                          
Nhân nói chuyện này xọ chuyện kia, đề cập Phạm Công Thiện ngày sanh của rắn, tôi muốn lôi trở lại một văn bản ngày nay gần như tuyệt mệnh giang hồ, đúng số phận như tập thơ của Phạm Công Thiện, Ngày sanh của rắn bản in đầu (in số lượng hạn chế bên Pháp) gần như chưa ai nhìn thấy bao giờ.
 
Văn bản này (đúng ra là một bài viết cỡ 30 trang) mang tên Phê bình luận án tiến sĩ triết học của Nguyễn Văn Trung, không rõ viết và phát hành lần đầu năm nào nhưng được một nhóm phật tử Huế tái bản thành cuốn sách nhỏ in mùa hè năm 1973, ở "Lý do" đặt đầu sách có viết là không liên lạc được với tác giả nên cứ in ra như vậy.
 

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

PHẠM CÔNG THIỆN: MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC Ở MIỀN NAM TRƯỚC 1975 - Nguyễn Thanh

Từ những năm đầu của thập niên 1960, ở các đô thị miền Nam trước 1975 xuất hiện nhiều hiện tượng xã hội: – Xuống đường biểu tình xuất phát từ trường học, – ‘Yêu cuồng sống vội’, ảnh hưởng từ những tác phẩm hiện sinh (Existentialisme) của những nhà văn Pháp: J. Paul Sartre (Nausée – Buồn nôn), Simoine De Beauvoir (L’Invitée – Vị khách mời), Albert Camus (L’Étranger – Kẻ xa lạ)… – Và hiện tượng văn học khu biệt trong văn nghệ như: Nguyễn Đức Sơn (sinh 1937), Bùi Giáng (1921-1998), Phạm Công Thiện (1941-2011), cả ba đều là nhà thơ. Với Phạm Công Thiện, ông còn là giáo sư, nhà văn viết sách văn học, triết lý và cư sĩ Phật giáo… nên ông được coi là một hiện tượng văn học đặc biệt với câu nói nổi tiếng trong tùy bút “Viết là đâm nổ mặt trời” (Trời tháng Tư)
 

Trong môi trường văn chương miền Nam thời tạm chiếm, từ năm 1954, có một số nhà thơ nổi tiếng sinh ra trước sau thập niên 1940: Thanh Tâm Tuyền (1936-2006), Du Tử Lê (1942-2019), Tô Thùy Yên (1938-2019)… và Phạm Công Thiện. Tiêu biểu cho thế hệ đàn anh trước đó thì: Vũ Anh Khanh (1926-1956), Kiên Giang (1929-2014), Đinh Hùng (1920 – 1967), Vũ Hoàng Chương (1916-1976). Trong số đó, Phạm Công Thiện được coi là một hiện tượng thi ca khá đặc biệt bên cạnh Bùi Giáng (1926-1998) và Nguyễn Đức Sơn (1937-2020).
 

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

PHẠM CÔNG THIỆN KỲ TUYỆT MỘT THIÊN TÀI – Tâm Nhiên

Kỷ niệm 11 năm ngày mất của thi sĩ triết gia Phạm Công Thiện (8. 3. 2011 - 8.3 2022) chúng tôi đăng bài viết của du sĩ Tâm Nhiên.


Chân dung Phạm Công Thiện do hoạ sỹ Trần Thế Vĩnh vẽ

Có những con người đến rồi đi qua mặt đất, trần gian này như một cơn giông tố bão bùng, sấm sét, gây chấn động kinh hồn, làm bùng vỡ một điều chi kỳ vĩ, tinh khôi trên bầu trời tâm thức nhân loại, Phạm Công Thiện là một con người độc đáo như vậy.
 
Đấy là một giáo sư, tư tưởng gia, nhà văn, nghệ sỹ hay một thi sỹ kỳ tuyệt thiên tài, như đại văn hào Henry Miller từ Hoa Kỳ đã phát biểu trong một thư gởi Phạm Công Thiện, đề ngày 8.8.1966:
 
“Mới ở tuổi 25 mà là khoa trưởng văn chương ở một đại học nổi tiếng trong xứ sở của ông, quả nhiên là thiên tài. Điều đó thật phi thường quá, quả thật khó tin, thật như chuyện huyền thoại.”
 
Đúng vậy, một con người đã đến và đi như huyền thoại giữa cuộc sống thiên diễn, đầy biến động trên quê hương đất nước Việt Nam.
Làm sao nói về con người kỳ diệu này? Vào một chiều tháng 6, bắt đầu mùa hạ năm 1941, Phạm Công Thiện ra đời bên dòng sông thơ mộng Cửu Long.

Dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam.

Thi sỹ lớn lên từ đó, từ thuở nhỏ vốn bẩm sinh thông minh xuất chúng, học một biết mười, đến độ thông thạo nhiều ngôn ngữ, đọc hàng đống sách đủ loại Đông Tây kim cổ…

Suốt ngày đêm cứ mặc sức mơ mộng, rong chơi và tha hồ tắm sông lội nước, nằm ngắm mây trời bay lãng đãng, xa xôi…
Rồi bất thình lình, đột ngột một hôm vụt đứng dậy, xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một tài năng kiệt xuất, lỗi lạc, biết nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, Pali, Tây Tạng, Tây Ban Nha…
 

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG, KRISHNAMURTI - Bản dịch của Phạm Công Thiện.




Tác phẩm trứ danh Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng của Krishnamurti (Henry Miller viết lời Giới thiệu, Aldous Huxley viết lời Bạt) do Phạm Công Thiện dịch. An Tiêm xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn.
 
Con người là kẻ tự giải phóng bản thân
                        Phạm Công Thiện dịch
 
Khắp thế giới không ai còn lạ gì tên tuổi Krishnamurti. Từ nửa thế kỷ nay, Krishnamurti đã đi lang thang cô độc khắp trái đất, đã kêu gọi mọi người giải phóng khỏi mọi nô lệ ràng buộc trong đời sống đau thương này.Tiếng nói của Krishnamurti là tiếng nói lặng lẽ của một con người đã tự giải phóng bản thân, của một con người đã trải qua tất cả mọi đau đớn không cùng, đã sống một triệu mùa ở hỏa ngục, đã tự giải thoát và nhìn thấy được Thực Tại toàn diện của đời sống, ca ngợi giòng đời vô tận, ngây ngất với tiếng cười lặng lẽ của mười triệu năm hư vô trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen.
 
Chân dung Krishnamurti

Krishnamurti đã được nhân loại nhận là hậu thân của Phật Thích Ca và Chúa Giê su; Krishnamurti đã được mấy trăm triệu người ở thế giới tôn lên ngôi vị đấng Đạo Sư, bậc Giáo Chủ của nhân loại, thế mà Krishnamurti đã giải tán hết mọi tôn giáo, tổ chức, đã phủ nhận tất cả tín điều, đã phá hủy hết mọi triết lý và ý thức hệ, đã đập vỡ hết mọi thần tượng và, trên năm mươi năm trời đã một mình bước đi lang thang khắp nẻo đường trần gian, không tiền, không bạc, không hành lý, không gia đình, không quê hương, không truyền thống, chỉ một mình và chỉ đi một mình, cô đơn, cô độc, sống tràn trề, sống bất tận, sống vỡ bờ như một thác nước ào ạt, tuôn chảy mãnh liệt nhưng vẫn trầm lặng, nói rất nhiều mà vẫn im lặng, đi rất nhiều mà vẫn tịch nhiên bất động, gắn kết đời sống mà vẫn cưới hỏi sự chết, chết và sống giao nhau trên cung cầm thiên thu, sống và chết giao nhau trong đôi mắt sâu thẳm của Krishnamurti, trong tiếng nói thê thiết của Krishnamurti, một con người đã chết trong sự sống và đã sống trong sự chết, một con người đã không còn là con người nữa, vì đã vượt lên trên con người, đã chìm xuống tận hố thẳm của hư vô và bay cao lên đến tận đỉnh trời để trở về cuộc đời trần thế, tìm thấy Người Yêu mình trên những núi xanh lơ, tìm thấy Người Yêu mình trong dòng nước rực ngời của đại dương, tìm thấy Người Yêu mình trong con suối sủi bọt, tìm thấy Người Yêu mình trong ao nước in trời, tìm thấy Người Yêu mình trong thung lũng mây cao, tìm thấy Người Yêu mình trong cơn khói trời chiều, trong thôn xóm hoàng hôn, trong ngọn cây trắc bá, trong cổ thụ lâu đời, trong bụi cây ôm đất, trong cành lá cheo leo, trong cánh đồng nuôi chim, trong hải ngạn sóng vỗ, trong rặng dương đùa gió, trong bóng chiều mây phủ, trên dòng nước buổi chiều, dưới bóng sao, trong đêm thâu, trong ánh trăng, trong sự tĩnh mịch trước bình minh, trong tiếng ru cây lá, trong tiếng chim kêu buổi sáng…
 
Chúng ta hãy cùng ca với Krishnamurti bài ca tình yêu:
 
….Trong những hải đảo xa xôi xanh thẫm
Trên giọt sương mong manh
Trên con sóng vỡ bụi
Trên ánh nước lung linh
Trên cánh chim tung trời
Trên lá non đầu xuân
Người sẽ nhìn thấy nét mặt Người Yêu của ta
Trong đền điện linh thiêng
Trong vũ trường mê đắm
Trên nét mặt thánh thiện của tu sĩ
Trong bước đi lảo đảo của người say rượu
Nơi những gái điếm giang hồ và những trai tân trinh nữ
Ngươi sẽ gặp Người Yêu của ta.
 
Tôi đã giữ lại một tên người, một tên nổi hẳn lên, đối nghịch lại với tất cả những gì ám muội, khả nghi, hỗn tạp; đối nghịch lại những gì nặng nề sách vở từ chương, đối nghịch lại những gì trói buộc thúc phược; đó là tên Krishnamurti. Đây là một con người của thời đại chúng ta, một người mà chúng ta có thể nói là bậc thầy, đạo sư, người làm chủ thực tại. Ông đứng một mình một cõi. Không thể nào thấy được bất cứ người nào trên đời này đã hy sinh quên mình, từ bỏ, chối bỏ mọi sự, chối bỏ hết như là Krishnamurti đã thể hiện trong đời sống ông, tôi không thể nghĩ ra người nào đã có thể hành động hơn Krishnamurti, ngoại trừ đấng Christ. Căn nguyên nền tảng tư tưởng Krishnamurti rất là giản dị đến nỗi chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao những lời lẽ hành động trực tiếp minh bạch của ông đã bị hiểu sai và đã gây ra bao nhiêu hỗn tạp đáng buồn. Loài người vẫn tầm thường như thế, họ luôn luôn chấp nhận một cách miễn cưỡng những gì có vẻ dễ hiểu giản dị. Óc ngoan cố ương ngạnh của họ còn thâm hiểm hơn tất cả mưu mẹo lừa đảo của ma quỷ, vì thế, họ đã bỏ quên, không chịu nhận ra những quyền hạn thiên phú có sẵn trong bản thể họ; họ chỉ đòi hỏi được giải thoát hay được cứu rỗi qua một trung gian môi giới nào đó; họ chỉ mải miết chạy đi tìm kiếm những người hướng dẫn, những kẻ chỉ đường dẫn lối, những vị cố vấn khuyên giải, những kẻ lãnh đạo, lãnh tụ, những hệ thống lập trường, những nghi lễ hình thức tế toái…Họ chỉ thích tìm kiếm những thứ ấy, họ chỉ muốn tìm những sự giải quyết, những đáp số, mà họ không biết rằng tất cả những đáp số đã nằm sẵn trong lòng họ rồi.Họ đặt sự học vấn trí thức lên trên cả sự thông minh tâm hồn; họ đặt quyền thế cường lực lên trên cả tài nghệ biện biệt tế nhị. Nhưng điều đáng lo ngại nhất và đáng nói trước hết là họ không chịu tự mình giải phóng giải thoát cho mình; họ không chịu cứu lấy bản thân mà cứ luôn luôn vờ vĩnh bày đặt chuyện cứu vớt thế giới, thế gian, thế nhân, vân vân. Họ bảo rằng thế giới “thế gian” phải được giải phóng trước đã, rồi mới nói chuyện giải phóng cá nhân. Thế mà biết bao nhiêu lần rồi Krishnamurti đã nhắc nhở rằng vấn đề thế giới chỉ là dính liền mật thiết với vấn đề cá nhân; cá thể và tập thể đều chỉ đồng nhất thể. Chân lý luôn luôn hiện diện, luôn luôn xuất hiện trước mặt chúng ta. Sự vĩnh cửu, bất diệt, thiên thu, vĩnh viễn nằm ngay tại đây, nằm ngay bây giờ, ngay giờ phút hiện tại. Và giải thoát ư ? Ồ, hỡi ngài, ngài muốn giải thoát cái gì ? Giải thoát bản ngã nhỏ bé bần tiện của ngài ư ? Linh hồn của ngài ư ? Diện mục của ngài ? Hãy đánh mất nó đi thì ngài sẽ tìm thấy lại mình. Đừng bận tâm lo nghĩ Thượng Đế – cứ để Thượng Đế tự lo cho Thượng Đế. Hãy tôi luyện những nghi vấn ngờ vực, hãy ôm lấy mọi thứ kinh nghiệm của đời sống, hãy tiếp tục thèm muốn khao khát, cố gắng đừng quên cũng đừng nhớ, hãy luôn luôn đón nhận và thể nhập tất cả những gì mình đã được thể nghiệm trong dòng đời tuôn chảy….
 
“Con người là kẻ tự giải phóng bản thân”. Phải chăng đó là đạo lý tối thượng của đời sống ? Biết bao nhiêu bậc hiền nhân trác việt đã nhắc nhở và đã thể hiện bao lần giữa lòng đời. Họ là những bậc đạo sư, những con người đã làm lễ cưới với đời sống, chứ không phải với những nguyên tắc, luật pháp, tín điều, luân lý, tín ngưỡng. “Những bậc đạo sư đúng nghĩa thì chẳng bao giờ bày đặt ra lề luật, hay giới luật, họ chỉ muốn giải phóng con người”, (Krishnamurti).
 
Điều làm nổi bật Krishnamurti và nói lên sự khác nhau giữa Krishnamurti và những bậc giáo chủ vĩ đại trong lịch sử là sự trần truồng tuyệt đối của tâm hồn ông. Ông chỉ giữ lại cho mình một chỗ đứng độc nhất: một con người , với ý nghĩa giản dị đơn sơ của con người.
 
Mang lấy xác thịt mảnh khảnh của con người, ông nương tựa trọn vẹn vào tâm linh, đồng thời ý thức rằng tâm linh và thể xác chỉ là một, không khác nhau.
Ông chỉ giữ lấy một sứ mệnh độc nhất là tước bỏ con người ra ngoài tất cả những huyền tưởng, ảo giác, phá hủy cho sụp đổ tất cả chống nạng giả tạo của những lý tưởng, những tín ngưỡng, ngẫu tượng, phá hủy tất cả mọi hình thức chống đỡ con người, để trả con người trở lại sự tôn nghiêm trọn vẹn, sức mạnh vẹn toàn của nhân tính. Người ta thường gọi ông là “Đấng Đạo Sư của Thế Gian”. Nếu có người xứng đáng được gọi danh hiệu như thế thì người ấy chính là Krishnamurti. Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong thái độ tâm linh của Krishnamurti là ông không bao giờ muốn chúng ta coi ông như là bậc đạo sư, như một bậc thầy, mà chỉ muốn là một con người, với tất cả ý nghĩa đơn giản thông thường của hiện thể.
                                                                             (Henry Miller)

Nguồn:
https://thuvienhoasen.org/a17190/tu-do-dau-tien-va-cuoi-cung

KRISHNAMURTI NÓI VỀ CHIẾN TRANH


Chân dung Krishnamurti
 
Khắp thế giới không ai còn lạ gì tên tuổi Krishnamurti. Từ nửa thế kỷ nay, Krishnamurti đã đi lang thang cô độc khắp trái đất, đã kêu gọi mọi người giải phóng khỏi mọi nô lệ ràng buộc trong đời sống đau thương này.Tiếng nói của Krishnamurti là tiếng nói lặng lẽ của một con người đã tự giải phóng bản thân, của một con người đã trải qua tất cả mọi đau đớn không cùng, đã sống một triệu mùa ở hỏa ngục, đã tự giải thoát và nhìn thấy được Thực Tại toàn diện của đời sống, ca ngợi giòng đời vô tận, ngây ngất với tiếng cười lặng lẽ của mười triệu năm hư vô trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen.

Krishnamurti; Tự do đầu tiên và cuối cùng.
Con người là kẻ tự giải phóng bản thân.
 Phạm Công Thiện dịch.


Trong tác phẩm trứ danh Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng của Krishnamurti (Henry Miller viết lời Giới thiệu, Aldous Huxley viết lời Bạt) do Phạm Công Thiện dịch. An Tiêm xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn. Krishnamurti nói về nhiều đề tài cốt yếu như:
 
Chúng ta đang đi tìm gì?
Cá nhân và xã hội
Tự tri
Ý tưởng và hành động
Bản ngã là gì?
Tư tưởng có thể giải quyết những vấn đề của chúng ta không?
Nói về cuộc khủng hoảng hiện tại
Về sự tương giao
Về chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp
Tại sao phải cần những bậc đạo sư?
Về sự sợ hãi
Về nỗi cô đơn
Về sự đau khổ
Về tình dục
Về tình yêu
Về sự chết
Về sự chỉ trích, phẩm bình
Về tín ngưỡng nơi Thượng đế
Về sự đốn ngộ
Về hành động không ý tưởng
Về ý nghĩa cuộc đời
Về sự chuyển hóa tâm thức
Về chiến tranh...
(Và còn nhiều đề tài quan trọng về cuộc sống nữa...)

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

PHẠM CÔNG THIỆN VS NGUYÊN SA

Nguồn:
http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/06/pham-cong-thien-vs-nguyen-sa.html


Phạm Công Thiện


Phạm Công Thiện trả lời loạt bài của ông Lê Hải Vân về Trường hợp Phạm Công Thiện đăng liên tục vô tận trong nhật báo Độc Lập từ hạ tuần tháng 5 năm 1970.
 
(Xin lỗi độc giả Tư Tưởng về bức thư nầy và xin hãy xem bức thư này như là một việc đáng lẽ không nên làm ở đây.)
 
                                                                              Phạm Công Thiện
 

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

NHỚ PHẠM CÔNG THIỆN – Khánh Trường

Khánh Trường, sinh năm 1948 ở Quảng Nam. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1988. Sự đóng góp của anh vào văn học Việt Nam hải ngoại không nhỏ vì ngoài vẽ tranh, triển lãm tranh, anh cũng là một nhà văn tên tuổi, viết với vài bút hiệu khác như Kim Thi, Nguyễn Thị Giáng Châu. Khánh Trường đã xuất bản nhiều tác phẩm và từng là chủ biên của tạp chí Hợp Lưu, Hoa Kỳ, từ 1990 đến 2005. Xin giới thiệu một bài viết của anh về Phạm Công Thiện.


      
                      Nhà văn, họa sĩ Khánh Trường (Đinh Cường vẽ)


         NHỚ PHẠM CÔNG THIỆN 
                                                                          Khánh Trường

Tuần trước, Dung, vợ Phan Tấn Hải, chị Loan, vợ cũ Phạm Công Thiện, và vợ tôi, Thu Oanh, cùng đi tham dự buổi ra mắt hai cuốn sách viết về Bồ Tát Long Thọ của Vũ Thế Ngọc (16 năm nay, sau ngày bị tai biến, tôi gần như đoạn tuyệt với giới văn nghệ, không liên hệ cũng như từ chối mọi lời mời tham dự những buổi ra mắt sách, vốn thường xuyên tại quận Cam. Vợ tôi thỉnh thoảng thay tôi đi dự, nếu tác giả quá thân quen).