BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn BÙI GIÁNG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn BÙI GIÁNG. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

MÙA THU – APOLLINAIRE – BÙI GIÁNG – PHẠM DUY - HOA THẠCH THẢO - La Thụy sưu tầm và biên tập


                 

Sắc màu thu đã gieo nhiều cảm hứng cho hồn thơ tứ nhạc. Nhiều bài thơ, bản nhạc viết về THU dù đã trải qua bao năm tháng phôi pha vẫn in đậm nét trong lòng người thưởng lãm. Là người yêu nhạc (loại nhạc có air “bán cổ điển”), ai mà không thuộc các bản “Buồn tàn thu” của Văn Cao, “Giọt mưa thu”“Đêm thu”, “Con thuyền không bến”… của Đặng Thế Phong , “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn Từ Linh , “Thu vàng” của Cung Tiến, “Em ra đi mùa thu” của Phạm Trọng Cầu, “Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn , “Mùa thu Paris” của Phạm Duy, “Thu hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển, “Thu ca” của Phạm Mạnh Cương v.v… Đặc biệt, bản “Mùa thu Chết” của Phạm Duy, bản nhạc hay nhưng có nhiều thắc mắc về xuất xứ của ca từ.
     
Bản nhạc này lấy ý của bài thơ “L’ADIEU” của Guillaume Apollinaire, điều này có lẽ được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên lời Việt của bản nhạc “Mùa thu chết” thì không ít ý kiến cho rằng là do chính thi sĩ Bùi Giáng chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp bài “L’ADIEU” nói trên, Phạm Duy chỉ phổ nhạc mà thôi. Để nhìn nhận cho khách quan, ta thử đối chiếu nguyên tác với bản dịch của Bùi Giáng và lời nhạc của Phạm Duy.
 
 a/ Bài thơ của Apollinaire:
 
           L'ADIEU
 
           J'ai cueilli ce brin de bruyère
           L'automne est morte souviens-t'en
           Nous ne nous verrons plus sur terre
           Odeur du temps brin de bruyère
           Et souviens-toi que je t'attends
 
           GUILLAUME APOLLINAIRE
 
b/Bản dịch của thi sĩ Bùi Giáng :
 
           LỜI VĨNH BIỆT
 
           Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo (*)
           Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
           Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
           Mộng trùng lai không có ở trên đời
           Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
           Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...
 
                                                   BÙI GIÁNG
   (*) Câu này còn có dị bản:
 
          Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
 
c/ Ca từ trong bản “Mùa thu chết” của Nhạc sĩ Phạm Duy:
 
           MÙA THU CHẾT
 
           Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
           Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi !
           Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
           Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
           Mùa Thu đã chết, đã chết rồi. Em nhớ cho !
           Em nhớ cho,
           Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
           Trên cõi đời này, trên cõi đời này
           Từ nay mãi mãi không thấy nhau
           Từ nay mãi mãi không thấy nhau...
           Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
           Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi !
           Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
           Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
           Vẫn chờ em, vẫn chờ em
                 Vẫn chờ....
                                    Vẫn chờ... đợi em !
 
                                            PHẠM DUY    

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

BÙI GIÁNG “NGƯỜI VIẾT SÁCH VỚI TỐC ĐỘ KINH HỒN” - Lê Hồng Thiện

Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998), quê Quảng Nam. Suốt hơn bốn thập kỷ sống cuộc đời giang hồ, chân đất túi vải, rong chơi mọi nẻo phố đường quê, nghêu ngao ca hát, làm thơ, vẽ tranh, ứng xử với đời như một thiên tài và cả như một... kẻ khùng!


Có lần, Bùi Giáng tự họa chân dung mình, qua mấy nét:
 
"Nhe răng cười trong bóng tối
Không bao giờ bắt chuồn chuồn, mà cứ bảo rằng mình luôn bắt chuồn chuồn
Không thiết chi đọc sách, mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài..."
 
Ông được mệnh danh là "Người viết sách với tốc độ kinh hồn" và suốt đời cặm cụi đọc sách hoài. Đúng thế, đời Bùi Giáng đã lắm phen bị sách vở "thôi miên". Nghe kể lại, vào thời trên đường Đặng Thị Nhu còn có một chợ sách cũ, ông hay lang thang ở đó, xem sách và uống cà phê.
 

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

BÙI GIÁNG, “XIN CHÀO NHAU GIỮA CON ĐƯỜNG” – Phạm Hiền Mây



Đọc Bùi Giáng càng nhiều, tôi càng nhận ra, trong cõi đời ông, tức, cõi thơ ông, hoặc, chẳng gì quan trọng, hoặc, hết sức thiêng liêng, rất đáng để thờ phượng, rất đáng để dấu yêu.
Đọc Bùi Giáng càng nhiều, tôi càng nhận ra, thơ nói chung và thơ Bùi Giáng nói riêng, chỉ có thể cảm, chớ rất khó để luận bàn, phân tích. Thậm chí, hiểu thôi, cũng đã là việc bất khả.
Nói về Bùi Giáng, viết về Bùi Giáng, là quyền của người ta, chớ giờ đây, ông Bùi Giáng, ổng có gật đầu thừa nhận, hay lắc đầu phản kháng gì nữa đâu. Ổng đã về hẳn cõi của ổng rồi, một miền xa lăng lắc, chỉ khói và sương.
Mưa Nguồn là tập thơ đầu tiên của Bùi Giáng, xuất bản năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai và có cả thảy một trăm bốn mươi bài. Những bài này, đã lần lượt được viết, bắt đầu từ những năm một ngàn chín trăm bốn mươi tám.
Trong một trăm bốn mươi bài ấy, tôi thích nhứt là hai bài: Mắt Buồn Chào Nguyên Xuân.
 
MẮT BUỒN
Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi
(Nguyễn Du)
 
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
 m trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
 
Câu “dặm khuya ngắt tạnh mù khơi” mà Bùi Giáng mượn từ truyện Kiều của Nguyễn Du để làm lời dẫn cho Mắt Buồn, được trích ở đoạn, Kiều từ biệt mẹ cha, cùng Mã Giám Sinh về Lâm Truy: dặm khuya ngắt tạnh mù khơi / thấy trăng mà thẹn những lời non sông. Đêm ấy, nàng ngước nhìn trăng và nhớ về cái đêm mà nàng cùng với Kim Trọng “vầng trăng vằng vặc giữa trời”, tự tình, thề nguyền hẹn ước, bằng những lời vàng đá, sắt son.
Đưa vào, thì chắc phải có ý nghĩa gì rồi, chớ chẳng thể là không.
Có thể đó là một ngậm ngùi nhắc nhở. Cũng có thể đó là một nhẹ nhàng trách than. Là tôi đoán thế thôi. Đọc thơ, rồi dùng trí liên tưởng của mình mà đoán này đoán nọ. Hên thì trúng. Nghĩ quá cạn cợt hoặc nghĩ quá xa xôi, thì trật. Mà trúng hay trật gì, thì cũng ích chi cho tác giả. Trúng hay trật gì thì giờ này, tác giả cũng có cãi được đâu. Ổng mất rồi, lấy đâu mà đối chứng.

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

TUỆ SỸ VIẾT VỀ BÙI GIÁNG

Thầy Tuệ Sỹ viết về ông Bùi Giáng trên Giai phẩm Văn - Số đặc biệt về nhà thơ Bùi Giáng, ngày 18.5.1973
 

THI CA VÀ TƯ TƯỞNG
 
Với cái tựa đó, tôi không cốt ý bàn riêng về một tập sách của ông Giáng, viết rải rác về các nhà thơ. Thi ca và Tư tưởng, cái đó muốn được đặt ra trong cách điệu Chung và Riêng, từ một cuộc Hội thoại trong cõi Hằng thể Tịch nhiên, vang dội những âm hưởng Nguyên sơ hiện hình ra giữa dòng Lịch sử, và vang dội với một câu hỏi ngân dài bất tận: “Và để làm gì, thi nhân trong thời buổi điêu linh thống khổ?” (M. Heidegger, Wozu Dichter; Sương Bình Nguyên của Bùi Giáng). Câu hỏi đột ngột đứng lên giữa lòng Tư tưởng, như để đánh dấu chỗ sơn cùng lộ tuyệt trong bước đường phiêu lưu khốc liệt của Lịch sử, và cũng như là nỗi Ưu tư (die Sorge) của Tại thể (Dasein) đang hoài vọng những phương trời Viễn mộng Ban sơ trên bước đường Lữ thứ của Thi ca:
 
Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
 
Nơi đó, nơi “Ngõ ban sơ” đó, còn là nơi của một cõi miền Hội thoại trong cách điệu tài hoa, mà Thiên nhiên đã phơi mở tất cả xiêm y lồng lộng của Tuế nguyệt phiêu bồng, đã giũ áo mù sa, đã trút quần phong nhụy, và kỳ cùng, tà huy lãng đãng bay cao cùng với Lời Thơ vọng về Hằng thể:
 
Được lời như cởi tấm lòng
Giở bom đạn với phi thuyền trao tay

Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2023

BÙI GIÁNG BÌNH THƠ “KẺ Ở” VÀ SỰ CẦN THIẾT TRẢ LẠI TÊN TÁC GIẢ CHO “CHÍNH CHỦ” BÀI THƠ... - Bùi Giáng, Vân Long


Quang Dũng thời Tây Tiến

Trong tác phẩm “Đi vào cõi thơ”, Bùi Giáng đã viết về các nhà thơ, nhà văn: Tuệ Sỹ, Nguyễn Du, Nguyễn Trải, Chu Mạnh Trinh, Trần Trọng Kim, Huy Cận, Xuân Diệu, Hồ Xuân Hương, Rimbeaud,  Apollinaire, Chế Lan Viên, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Nhượng Tống, Nhất Hạnh, Trí Hải, Nguyễn Thị Hoàng, Hoài Khanh, Kiên Giang,Quang Dũng .v.v...
Các bài bình thơ các tác giả nêu trên được Bùi Giáng viết như tùy bút văn học. Đọc những tùy bút này, ta nhìn thấy tâm hồn ông mênh mang ảo diệu, thăm thẳm như bầu trời. Ông cảm nhận được những điều tinh vi huyền bí nhất của thi ca. Ông đúng là tri âm của các thi văn sĩ.
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Bùi Giáng về Quang Dũng.
 
“KẺ Ở” là môt bài thơ độc đáo được giới yêu thơ ở miền Nam trước 1975 chép tay và chuyền nhau đọc. Đặc biệt “KẺ Ở” được thi sĩ BÙI GIÁNG viết lời bình và nhạc sĩ CUNG TIẾN phổ nhạc. Do hoàn cảnh chiến tranh, thiếu tư liệu văn học để tham khảo nên thi sĩ BÙI GIÁNG và nhạc sĩ CUNG TIẾN cũng như rất nhiều người cho rằng tác giả bài thơ “KẺ Ở” là QUANG DŨNG. Thực ra, bài thơ đó chính là bài “DẶM VỀ” của nhà thơ NGUYỄN ĐÌNH TIÊN. Dù có chút nhầm lẫn về tác giả bài thơ, nhưng thi sĩ BÙI GIÁNG đã rất tài hoa khi bình thơ - Một cách bình thơ đặc dị “rất Bùi Giáng’. Xin mời đọc!
 
 BÙI GIÁNG BÌNH THƠ: “KẺ Ở”
 
Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
    
Chỉ hai câu đầu đã khiến người tê lạnh. Không có gì cả, không lời nào tha thiết, nhưng đúng như ông Huy Trân nói: “Thơ Quang Dũng ý đã nhiệt thành, cao đẹp, mà lời thơ lại êm ái gợi cảm vô cùng. Nói về thơ nhẹ nhàng, êm dịu, mà đọc tới đâu lâng lâng chết cả lòng đến đấy, thì thi ca hiện đại chỉ có Quang Dũng.”   
Thi ca hiện đại hay thi ca ngàn đời, thi ca Việt Nam hay thi ca thế giới – vâng – cũng chỉ riêng một Quang Dũng thôi.
 
Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong
 
Đó là chỗ sơn cùng thủy tận của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thần tiên hiển hiện tinh thể một cách không thấy hình hài máu me đâu cả. Người ta đã bao đời đi tìm cõi huyền nhiệm của ngôn ngữ thơ. Mỗi phen trở về, mỗi phen như bó tay lắc đầu, tuyệt nhiên không biết ăn nói ra sao cả. Đành chỉ nói quanh co. Và biết bao thy sỹ hoằng viễn đã nghĩ rằng, nguyệt rằng, mình sẽ suốt đời không làm một vần thơ nào cả - một phen để hội cái chỗ dị thường trống trải vắng vẻ trong lời man mác thiên tiên kia.
Lại có những nhà tư tưởng như Heidegger, viết bao pho sách lịch kịch nêu bao câu chất vấn u ẩn, đáo cùng vẫn chỉ nhằm mục đích nhiếp dẫn tư tưởng tới chỗ mép bờ bất khả tư nghị của thi ca.
Nerval sau những lần thành tựu cõi miền ngôn ngữ đó, ông bèn lao mình vào cõi ẩn mật vô ngần của một nguồn siêu thực không tiếng không lời Les Chimères.
Apollineire, sau phút dị thường bước lên tột đỉnh đạm nhiên kia, lập thời nhảy lùi làm thơ theo thể thái bông lông tầm phào, bất sá lam hồng tố bạch.
 
Mai chị về em gửi gì không?
 
Câu hỏi cũng lững lờ như lời đáp cũng lửng lơ. Hỏi mà cũng không hỏi, không nói, không ngó, không nhìn nhau …Và chỉ sau khi lên ngựa, chia bào, con người mới để lòng mình bay tỏa khắp đường đi.
 
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong
 
Tâm sự của người đi, nhưng nhan đề là kẻ ở. Kẻ ở hay người đi cũng một tâm tình ly biệt. Đi giữa không gian, thì cũng như đứng ở trên dâu biển. Lòng sao lạnh? Vì lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh? Vì lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh không gian… Và tiếng “mong nhớ mong” kia cũng chỉ vọng vào được trong không gian xa hút mà thôi.
Nghĩa là vọng trở lại vào lòng mình. Từ lòng mình toả vào lòng vũ trụ. Lại từ lòng vũ trụ dội lại lòng mình. Đó là cái vòng kỳ ảo của mong nhớ mong. Và mong nhớ mong mênh mông như thế, thì mong nhớ mong là cõi của từ bi tế độ vậy.
 
Quê chị về xa tít dặm xa
 
Vì đó là một quê hương nào riêng biệt nằm tại một bến bờ bỉ ngạn nào vô tức vô thanh, vô biên vô tế.
 
Quê chị về xa tít dặm xa
Rừng thu chiều xao xác canh gà
Hoa rơi khắp lối sương muôn ngả
Ngựa lạc cành hoang qua lướt qua
 
Ngựa lạc? Dẫu ngựa không lạc đường vẫn cứ là lạc nẻo. Nghĩa là: ở trong cõi hư không bao la như thế, thì đâu cũng là lênh đênh, nhưng lênh đênh theo nghĩa vô ngần: trụ vô sở trụ.
Người ngồi trên ngựa cũng lạc ngựa luôn. Hươu trong rừng cùng một cảnh ngộ lạc loài như nhau, lại tam trùng lạc lõng nhau, vì bất ngờ sợ hãi nhau, quay đầu bỏ chạy. Lời thơ lại thêm một chút niêm hoa vi tiếu “theo ngó theo”.
 
Ngựa chị dừng bên thác trong veo
 
Nếu thác đục lầy cho một chút, ắt có phần gần gũi bụi hồng hơn. Nhưng tại sao thác lại trong veo cắc cớ ra như thế? Thì trần gian còn biết đem tâm sự hồng trần ký thác vào đâu? Đó là chỗ đạm nhiên huyền bí lô hỏa thuần thanh vậy. Nó đốt cháy linh hồn bằng một tiếng trong veo. Nhưng đốt cháy mà đâu có bỏng da bỏng thịt. Nó cháy để thăng hoa cho linh hồn về ba la mật, sau một phút linh hồn tạm dừng trong một phen tư lự. Vì dù sao trận giũ áo cũng còn vướng víu với nhân nghĩa nhân tình.
 
Ngựa chị dừng bên thác trong veo
Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
Nơi đây lá giạt vương chân ngựa
Hươu chạy quay đầu theo ngó theo
 
Rồi sẽ xin khóc một cơn vô ngần cho trùng sinh trong vĩnh biệt:
 
Rừng đêm nhòa bóng nhớ hoang mang
Ngựa chị dừng bên thác sao vàng
Sao rơi đáy nước vương chưn ngựa
Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng
 
Ta lại gián tiếp với một sự tình kỳ dị. Nói ra là buồn dưng đôi mi hàng lại hàng, nhưng có bao giờ mối sâu mênh mông và hầu như vô đối tượng lại tràn ra thành hàng lệ. Nhưng đây là hàng lệ riêng biệt của hư không đi về vui chơi êm đềm với không hư thái thiên nhiên tĩnh tịch. Người ta có thể khóc, nhưng không phải khóc vì một mối đoạn trường riêng tây trong một cảnh ngộ nhất định.
 

BÙI GIÁNG VÀ NI CÔ TRÍ HẢI – Trích trong tác phẩm “Đi vào cõi thơ” của Bùi Giáng


Bùi Giáng qua nét vẽ Đinh Cường
 
Bùi Giáng tự viết về mình:
 
BÙI GIÁNG
 
Nguyễn Du
Phạm Thái
Nét vẽ bút bi của Bùi Giáng 1988
 
Những bài thơ “chuồn chuồn châu chấu” của ông quả thật là có ý nghĩa. Nó bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiều mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ, đầu xuân, quả thật là tha thướt.
Đôi phen mất cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa, mặc dù ở chồn phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn.

Bài thơ “Giữa phố” sau đây là một thí dụ:

Thiên tiên đẹp cũng như người
Ngẫu nhiên kỳ ngộ miệng cười nửa môi
Miền xanh đứng bóng mặt trời
Cõi xanh cung nguyệt cạn lời cảo thơm

Đi qua làn gió xanh rờn
Đi về ở lại còn hơn xanh rì
Phút giây đè nặng như chì
Thoảng qua như mộng không kỳ hạn qua

Chiêm bao nàng ghé lại nhà
Môi cười nửa miệng như là ngẫu nhiên
Nửa môi còn ngậm phi tuyền
Tuyết pha in mặt thần tiên như người.

Tuy nhiên vì Bùi Giáng là chỗ quen biết với tôi nên không tiện bàn luận chi nhiều. Chê thì mất lòng nhau. Mà khen thì mang tiếng “mẹ hát, con vỗ tay”.

Dù sao, bài sau đây cũng nên trích thêm vào tập:

Bóng dương buồn ngủ qua chiều
Qua sông tại hạ toan liều dấn thân
Đường sông bóng đổ cơ trần
Gẫm chông gai ấy ai từng đạp qua

Ghì môi cơn mộng la đà
Tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng
Nửa vời trăng rộng mông lung
Đường hoa nghi hoặc tháp tùng ni cô
 
*
TRÍ HẢI

 
Chân dung Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải

Bùi Giáng viết về ni cô Trí Hải:
 
Trí Hải Ni Cô làm thơ cho trẻ con tập đọc. Đọc mấy bài của Ni Cô, chúng ta có cảm tưởng mình biến thành trẻ bé bỏng, được phép gọi Ni Cô là Mẫu Thân bát ngát.
 
dê mẹ ở hè
nó kêu be he
bé cho nó cỏ
và ba lá tre
*
se sẻ qua đò
cú xo té ngã
quạ ta kẻ cả
chê cú hồ đồ
*
chú quạ bị què
lê ra bờ đê
mổ mè no nê
trở vô ngủ lẹ
*
cú ho sù sụ
quạ qua vỗ về
ru cú ngủ mê
ở kề cổ thụ
*
mơ mơ hồ thu
gió khẽ vi vu
tứ bề ngủ cả
như là mẹ ru
*
gió đi lơ ngơ
gò đá bơ vơ
chả có lá gì
cho gió ru mơ
*
khe ca tỉ tê
mà ru đã ngủ
lá kè ủ rũ
mơ xa gió về
*
gió thở vi vu
nghe xa lá đổ
bò dê đi ở
cỏ mơ sa mù
 
AC
thu về man mác
xơ xác chim vạc
ngơ ngác nai tơ
bơ vơ chú hạc
 
AP
mưa sa gió táp
tiêu điều bò cạp
chó Pháp ngáp dài
nhớ nai Hy-lạp
 
AT
mưa sa hạt mát
giải khát lạc đà
cát vàng bát ngát
bãi xa mờ nhạt
 
ANG
gió đi lang thang
lá vàng mang mang
mình nghe lành lạnh
mùa thu đã sang
 
AY
gió nhẹ nhàng lay
lảo đảo vàng bay
ngày thu biền biệt
đất trời như say
 
ĂNG
băng ngàn tìm trăng
mây mù bủa giăng
như màn the rũ
che mặt ả Hằng
 
ĂM
gió rét căm căm
người đi xa xăm
tháng năm biền biệt
quê nhà đăm đăm
 
ĂP
trắng mây về khắp
núi đồi tăm tắp
gió xa sắp về
mây làm cánh chắp
 
        (Thơ Trí Hải)
                                                                          Bùi Giáng

Nguồn:
http://www.vancong.com/_doku/PDF/BuiGiang_DiVaoCoiTho.pdf

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

PHIẾM LUẬN VỀ BÀI BÌNH THƠ “TUỆ SỸ” CỦA BÙI GIÁNG - La Thụy

Tiếc thương Hòa thượng Thiền sư Thích Tuệ Sỹ viên tịch chiều 24.11.2023. Trong niềm suy niệm về Tuệ Sỹ khi Thầy vừa tạ thế, chúng ta hãy cùng thắp nén hương cầu nguyện cho linh thức của Người được siêu thoát.
 

PHIẾM LUẬN VỀ BÀI BÌNH THƠ “TUỆ SỸ” CỦA BÙI GIÁNG

Trong quyển “ĐI VÀO CÕI THƠ”, Bùi Giáng viết về Tuệ Sỹ:
 
“Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u...
Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:
 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
 
Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ Ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:
 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty
 
Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.
 
Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “KHÔNG ĐỀ” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ”

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

BÙI GIÁNG VIẾT VỀ THƠ TUỆ SỸ


Tuệ Sỹ - Tác phẩm của Dominique de Miscault
 
Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u...
 
Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:
 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
 

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

BÀI THƠ "ĐỪNG TƯỞNG" ĐƯỢC CHO LÀ CỦA BÙI GIÁNG


   
                        Bùi Giáng (1926 - 1998)


ĐỪNG TƯỞNG 
 
Đừng tưởng cứ núi là cao.
Cứ sông là chảy, cứ ao là tù.
Đừng tưởng cứ dưới là ngu.
Cứ trên là sáng, cứ tu là hiền.
 
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên.
Cứ nhiều là được, cứ tiền là xong.
Đừng tưởng không nói là câm.
Không nghe là điếc, không trông là mù.
 
Đừng tưởng cứ trọc là sư.
Cứ vâng là chịu, cứ ừ là ngoan.
Đừng tưởng có của đã sang.
Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây.
 
Đừng tưởng cứ uống là say.
Cứ chân là bước, cứ tay là sờ.
Đừng tưởng cứ đợi là chờ.
Cứ âm là nhạc, cứ thơ là vần.
 
Đừng tưởng cứ mới là tân.
Cứ hứa là chắc, cứ ân là tình.
Đừng tưởng cứ thấp là khinh.
Cứ chùa là tĩnh, cứ đình là to.
 
Đừng tưởng cứ quyết là nên.
Cứ mạnh là thắng, cứ mềm là thua.
Đừng tưởng cứ lớn là khôn,
Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng !
 
Đừng tưởng giàu hết cô đơn.
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo.
Đừng tưởng cứ gió là mưa.
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè.
 
Đừng tưởng cứ hạ là ve,
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…
Đừng tưởng thu lá sẽ tuôn,
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu…
 
Đừng tưởng cứ thích là yêu,
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay…
Đừng tưởng trong lưỡi có đường,
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người.
 
Đừng tưởng cứ chọc là cười,
Nhiều khi nói móc biết cười làm sao ?
Đừng tưởng khó nhọc gian lao,
Vượt qua thử thách tự hào lắm thay !
 
Đừng tưởng cứ giỏi là hay,
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần.
Đừng tưởng nắng gió êm đềm,
Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng.
 
Đừng tưởng góp sức là chung,
chỉ là lợi dụng lòng tin của người.
Đừng tưởng cứ tiến là lên,
Cứ lui là xuống, cứ yên là nằm.
 
Đừng tưởng rằm sẽ có trăng,
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu.
Đừng tưởng cứ khóc là sầu,
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng.
 
Đừng tưởng cứ nghèo là hèn,
Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong.
Đừng tưởng quan chức là rồng,
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.
 
Đời người lúc thịnh, lúc suy,
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.
Bên nhau chua ngọt đã từng,
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
 
Ở đời nhân nghĩa làm đầu,
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
 
Ai ơi, nhớ lấy đừng quên…

                                              BÙI GIÁNG