BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Văn Huấn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Văn Huấn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2024

VỀ BÚT DANH KHA TIỆM LY VÀ THẦY TRẦN VĂN HUẤN – Kha Tiệm Ly


Kha Tiệm Ly hồi còn nhỏ

1. Từ nhiều năm trước và mới đây, có nhiều bạn hỏi tôi: “Kha Tiệm Ly có phải là tên ghép hai nhân vật KINH KHA và CAO TIỆM LY không?”. Tôi thường “Dạ” để tránh giải thích dài dòng, phần cũng ngại phạm điều  điều tối kỵ của tôi là… nói về mình!
Nhưng nhiều bạn hỏi, đành phải nói rõ ràng (hơi dài dòng, xin lượng thứ):

2. Hồi năm 1961, lúc tôi học Đệ Thất (lớp 6 bi giờ), tôi may mắn được thầy Trần Văn Huấn (thầy lớn tuổi hơn cha tôi) kêu vô nhà chơi khi tôi “bắn cu li” (bắn bi) với các bạn trước cửa nhà thầy bên cư xá Cảnh Sát. Sở dĩ thầy “mời” tôi vô nhà vÌ thầy nghe tôi đọc được hai câu đối trước cửa nhà thầy và tấm hoành với 4 chữ “Cao bằng nhã hội” ngay phòng khách, cũng là phòng làm việc của thầy.
Hồi đó học trò lễ phép lắm, nên người lớn thường thương mến. Thầy hỏi tôi biết đọc (chữ Hán) mà biết nghĩa không? – Dạ biết!
Và thầy bảo tôi giải thích hai câu đối phía trước và 4 chữ “Cao bằng nhã hội”.
– Con học chữ Hán trường nào, học mấy năm rồi, sao giỏi vậy?
– Dạ con học hồi năm tuổi, ông Ngoại dạy.
Thầy bảo tôi rảnh cứ việc sang chơi. Càng lâu, thầy thương tôi như con, và có lần thầy bảo tôi đọc truyện Tam Quốc cho thầy nghe (có lẽ thầy thử sức học); Tôi đọc có ca có kệ thầy thích lắm, thỉnh thoảng thầy hỏi “Câu đó nghĩa là gì?” (có lẽ cũng thử sức). Câu nào tôi cũng trả lời suôn sẻ và nhứt là không “bí” chữ nào. Thầy khen lia lịa.
Thực ra tôi không phải “giỏi” như thầy khen, mà là vì ở quê nhà tôi thường xuyên đọc Tam Quốc cho ngoại tôi nghe mỗi tháng không biết mấy chục lần, tất nhiên lúc đó chữ không biết rất nhiều, và câu không hiểu nghĩa cũng lắm, nhưng qua 5 năm tiểu học, ngoại tôi đã dạy thêm, sửa sai không biết bao nhiêu lần mà kể, vì thế khi đọc “ro ro” cho thầy nghe chẳng qua là tôi “thuộc bài” mà thôi!