Một loại rau Tần: Rau bợ nước
Tôi chia sẻ STT “Nguồn gốc hai chữ ‘tảo tần’ của trang face “Chiết tự chữ Hán” vào trang face của tôi. Nội dung phần đầu của STT đó như sau:
“ ‘Tảo tần’là một từ để chỉ đức tính đảm đang, chịu thương chịu khó, thường là của phụ nữ. Nhưng nguồn gốc của từ này là như thế nào?
‘Tảo tần’, chữ Hán viết là 藻蘋, trong đó:
- TẢO 藻 là rong rêu, chỉ chung các thứ cỏ mọc ở dưới nước. Như “hải tảo” 海藻 là rong biển.
- TẦN 蘋 còn đọc với âm "bình", có lẽ TẦN là một loại rau lục bình nổi trên mặt nước, ta thường gọi là bèo.
Như vậy, ‘tảo tần’ là rau tảo và rau tần. Người xưa dùng rau tảo và rau tần để dâng lên cúng tổ tiên. Hái rau tảo và rau tần là việc chuyên trách của người phụ nữ xưa. Rau tần thường mọc hoang dại bên bờ suối, còn tảo thì sinh trưởng trong lòng suối như các loại rong, cả hai đều không dễ mà hái được. Do đó người vì đạo hiếu với tổ tiên mà lặn lội đi tìm rau tảo rau tần là người đảm đang, đáng khen ngợi.....”
Khi tôi chia sẻ bài này lên trang face của tôi, nhiều bạn vào ghi còm, khen chê và thắc mắc đủ cả. Đặc biệt có một bạn ghi còm như sau:
“Đúng là lươn lẹo suy luận cách ngờ nghệch khi tần, tảo là những thứ rau cỏ mọc hoang kém giá trị mà dám bảo đem về thờ cúng !”.
Tôi trả lời bạn ấy:
“Những rau cỏ mọc hoang trong thiên nhiên đâu phải là những thứ kém giá trị, có khi là thảo dược quý hiếm có giá trị rất cao như: đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi... mà người ta săn lùng đỏ mắt và đang cố gắng đem về trồng trong vườn nhưng sản phẩm thu hoạch do người trồng có phẩm chất không bằng sản vật trong thiên nhiên.
TẢO và TẦN mà người phụ nữ Trung Hoa xưa vất vả tìm kiếm và thu hái để cúng tế, hẳn là loại TẢO và TẦN đặc biệt có ý nghĩa và giá trị cao chứ đâu phải thứ tảo và tần vô giá trị, bạ đâu vơ nấy...”