BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quốc Lê. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quốc Lê. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

ĐIỂM DANH CHÍN LOÀI CHIM ĐƯỢC KHẮC TRÊN CỬU ĐỈNH CỦA NHÀ NGUYỄN - Quốc Lê

Cửu Đỉnh của Nhà Nguyễn (tiếng Hán: 阮朝九鼎) là chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1837.

Cửu Đỉnh nhà Nguyễn là nơi lưu giữ muôn đời những hình ảnh tượng trưng vẻ đẹp đất nước Việt Nam xưa. Mỗi chiếc đỉnh trong 9 chiếc đỉnh này lại tạc hình một loài chim khác nhau



1/
Cao đỉnh, chiếc đỉnh đầu tiên trong bộ Cửu Đỉnh nhà Nguyễn khắc hình tượng “Trĩ”, nghĩa là chim trĩ. Đây là các loài chim rừng có họ hàng gần với gà, sở hữu bộ lông mang màu sắc rất đẹp.
 


2/
Nhân đỉnh, chiếc đỉnh thứ hai trong bộ Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Khổng tước”, nghĩa là chim công. Đây là loài chim có bộ lông rực rỡ cùng chiếc đuôi dài có thể xòe ra như chiếc quạt. Vẻ đẹp lộng lẫy khiến công được mệnh danh là nữ hoàng của các loài chim.
 


3/
Chương đỉnh, chiếc đỉnh thứ ba của Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Kê”, nghĩa là con gà. Được thuần hóa từ loài gà rừng từ hàng ngàn năm trước, gà đã trở thành loài gia cầm gắn liền với các làng quê Việt Nam.
 
 

4/
Anh đỉnh, chiếc đỉnh thứ tư trong Cửu Đỉnh khắc hình “Khôi hạc”, nghĩa là chim hạc. Trong quan niệm của người xưa, hạc một loài chim tượng trưng cho tính cách của người quân tử. Đây cũng là hình tượng xuất hiện phổ biến trong nghệ thuật truyền thống Á Đông.
 
 

5/
Nghị đỉnh, chiếc đỉnh thứ 5 trong Cửu Đỉnh khắc hình “Uyên ương” là chim uyên ương. Đây là loài chim nước thuộc họ Vịt nổi tiếng với bộ lông muôn màu. Chim uyên ương cũng được coi là biểu tượng cho sự thủy chung do tập tính kết đôi đến trọn đời của chúng.
 


6/
Thuần đỉnh, chiếc đỉnh thứ 6 trong Cửu Đỉnh khác hình tượng “Hoàng anh”, nghĩa là chim vàng anh. Đây là một loài chim có bộ lông mang sắc vàng tươi, được nhiều người biết đến qua truyện dân gian "Tấm Cám".
 
 

7/
Tuyên đỉnh, chiếc đỉnh thứ 7 trong Cửu đỉnh khắc hình tượng “Tần cát liễu”, nghĩa là chim yểng. Đây là loài chim thuộc họ Sáo sống ở vùng đồi núi, thường được nuôi như một loài chim cảnh. Chúng nổi tiếng với khả năng nhại tiếng người.
 


8/
Dụ đỉnh, chiếc đỉnh thứ 8 trong Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Anh vũ”, nghĩa là chim vẹt. Vẹt là loài chim có màu sắc đa dạng, tính cách thú vị và cũng rất giỏi nhại tiếng người.
 


9/
Huyền đỉnh, chiếc đỉnh cuối cùng trong Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Thốc thu”, nghĩa là chim phù lão hay chim già đẫy. Đây là một loài chim thuộc họ Hạc, có ngoại hình lạ mắt với cái đầu trọc lơ thơ tóc bạc như lão nông. Chúng là loài chim điển hình ở các vùng đất ngập nước Nam Bộ.
 
                                                                                             Quốc Lê
 
Nguồn:
https://kienthuc.net.vn/di-san/diem-danh-9-loai-chim-duoc-khac-tren-cuu-dinh-nha-nguyen-1540986.html
 

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

GIAI THOẠI VỀ TÊN GỌI THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT - Quốc Lê

Y Thuột là con của một tù trưởng và cái tên "Thuột" từ đó trở thành một phần tên làng, mà ngày nay là tên thành phố Buôn Ma Thuột?

Là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên và cũng là đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam. Rất ít người biết rằng tên gọi thành phố Buôn Ma Thuột có một nguồn gốc rất lý thú.

                              Ảnh: Quang cảnh ở Ngã Sáu Buôn Ma Thuột.

Trước năm 1975, Buôn Ma Thuột được gọi là Ban Mê Thuột. Theo một bài trả lời hỏi đáp trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hai tên gọi này đều là cách định danh bằng tiếng Việt để chỉ một ngôi làng từng nằm ở nơi này nay là thành phố Buôn Ma Thuột. 

                   Ảnh: Thác Dray Sap, thắng cánh nổi tiếng gần Ban Mê Thuột.

Ban Mê Thuột là cách đọc từ "bản Mế Thuột" nghĩa là "làng của mẹ Y Thuột", còn Buôn Ma Thuột được đọc từ "buôn Ama Thuột" nghĩa là "làng của cha Y Thuột". Vậy "Y Thuột" là ai?

          Ảnh: Nhà sàn ở buôn Cô Thôn (buôn Ako Dhong), thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo một số tài liệu của Pháp thì Ama Thuột - “cha Y Thuột” - là một tù trưởng có tên khai sinh là Y Mun H'Dơk. Vợ ông là con gái của tù trưởng Ama Blơi, một người có thanh thế rất lớn trong vùng khi người Pháp chưa hiện diện ở Đăk Lăk.

                                  Ảnh: Dựng nhà sàn ở buôn Cô Thôn.

Hai vợ chồng Y Mun không có con, không có người nối dõi, vì thế, họ đã nhận cháu mình là Y Thuột và H'tế thuộc làm con nuôi, và Y Thuột trở thành trưởng nam của người đứng đầu làng.

              Ảnh: Cây kơ nia phía sau sau Nhà Văn hóa Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Theo phong tục bản địa, người ta không gọi vợ chồng tù trưởng bằng tên cúng cơm mà bằng tên trưởng nam. Và tù trưởng Y Mun H'Dơk được gọi là "ama Thuột" – tức “bố Y Thuột” và vợ ông là "mế Thuột" – “mẹ Y Thuột”.

                                   Ảnh: Làng Cà phê ở Buôn Ma Thuột.

Y Thuột là con trai cả của ông tù trưởng mà cái tên "Thuột" trở thành một phần tên làng, và ngày nay là tên thành phố lớn nhất Tây Nguyên.

                               Ảnh: Biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột.  

                                                                                              Quốc Lê
                                                                          
Nguồn:
https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-thoai-ve-ten-goi-thanh-pho-buon-ma-thuot-1419290.html