BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vương Trung Hiếu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vương Trung Hiếu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

VỀ BÀI THƠ “TIẾNG HẠT NẨY MẦM” (SÁCH TIẾNG VIỆT LỚP 5) - Vương Trung Hiếu, Phùng Hiệu



Vài ngày nay cư dân mạng xôn xao trước bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của Tô Hà (sách Tiếng Việt lớp 5). Nhiều người khen, song cũng lắm kẻ chê bài thơ này, đặc biệt là cho rằng tác giả đã chế ra những từ khó hiểu, chẳng hạn như từ “ánh ỏi” trong câu thơ “Hót nắng vàng ánh ỏi”.
 
Xin thưa, có những từ ngày nay hiếm khi hoặc không còn sử dụng, song chúng đã thật sự tồn tại trong văn bản tiếng Việt (chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ). Do đó cần tìm hiểu kỹ, ít nhất là tra từ điển, trước khi phê phán, chê bai, thậm chí là chửi người khác.
 
Trên thực tế, từ “ánh ỏi” xuất hiện trễ nhất cũng từ thế kỷ 17, được viết bằng chữ Nôm là 朠喂 (ánh ỏi). “Ánh ỏi” có nghĩa là “tiếng vút cao, du dương”, ví dụ:  “Tao nhân ánh ỏi (暎喂) hứng thơ ngâm” (“Hồng Đức Quốc âm thi tập” của Hội Tao Đàn do Lê Thánh Tông chủ trì) hoặc “Thông đưa gió tiếng cầm tranh ánh ỏi” (暎喂) - “Lê triều ngự chế quốc âm thi” của An Đô Vương Trịnh Cương.
Ngoài ra “ánh ỏi” còn được viết bằng chữ Nôm khác là 朠喂, ví dụ: “Ca xoang ánh ỏi (朠喂 ) khéo chiều người”  (“Khâm định Thăng bình bách vịnh” của Trịnh Tùng).
 
(Những ví dụ trên trích từ “Tự điền chữ Nôm dẫn giải” của Nguyễn Quang Hồng). 

                                                                             Vương Trung Hiếu

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

TÌM HIỂU NHỮNG BÀI THƠ, CA DAO LIÊN QUAN TỚI “CANH GÀ THỌ XƯƠNG” - Vương Trung Hiếu

Nguồn: https://damau.org/archives/27920

        
                           Tác giả Vương Trung Hiếu

Vương Trung Hiếu sinh 1959 tại Long Xuyên, sống bằng nghề cầm bút ở Sài Gòn từ năm 1987. Năm 2011, ông cùng vợ sang học tập và làm việc tại Bangkok, Thái Lan. Trong giai đoạn đầu viết lách, Vương Trung Hiếu chủ yếu viết báo, sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết. Về sau ông chuyển dần sang biên soạn và dịch sách. Tính đến nay ông đã trình làng trên 200 đầu sách.

         TÌM HIỂU NHỮNG BÀI THƠ, CA DAO 
         LIÊN QUAN TỚI “CANH GÀ THỌ XƯƠNG”

Trước đây nhiều nhà nghiên cứu đã tranh luận sôi nổi về nguồn gốc, dị văn, dị bản của những câu ca dao và bài thơ có liên quan đến “canh gà Thọ Xương”. Năm 2012, thêm một lần nữa, xuất hiện rầm rộ những bài viết liên quan đến vấn đề này, đặc biệt là quan điểm cho rằng “canh gà” là một món ăn, điều này trái ngược với nhận định truyền thống: “canh gà” chỉ thời gian (tiếng gà báo canh). Thật hư thế nào, chúng ta thử tìm hiểu các quan điểm, phân tích và minh định đôi điều, bởi vì đây là một tác phẩm đã từng xuất hiện trong sách giáo khoa trung học và đại học, đã từng được ghi nhận, đánh giá trong những công trình nghiên cứu có trọng lượng như “Lịch sử văn học Việt Nam” (NXB Khoa Học Xã Hội, 1980), “Văn học dân gian” (NXB Đại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1973) hay “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan (1956, tái bản nhiều lần)….

Về cơ bản có ba bài như sau:

Trong ca dao Hà Nội:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa làn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.

Bài thơ “Hà Nội tức cảnh” của Dương Khuê:

Phất phơ ngọn trúc trăng tà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ.

Và trong ca dao Huế:

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Thuyền về xuôi mái dòng Hương,
Biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay.